Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Các cuộc thảo luận đầu tiên ngày hôm nay giữa các nhà khoa học Trung Quốc - chủ yếu là người Đài Loan - và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã diễn ra tại Tsuglagkhang - Chùa Tây Tạng chính, tiếp giáp với dinh thự của Ngài. Ngài quang lâm đến Chùa, chào mừng các thành viên của công chúng - những người đang chờ đợi để được nhìn thấy Ngài trong sân Chùa. Khi đến Chánh Điện, Ngài chào mừng các Chư Tăng trong hội chúng và cung kính đảnh lễ trước tượng Phật. Sau khi nồng nhiệt chào mừng chín vị diễn giả Trung Quốc, Ngài đã đến tiếp cận với những người bạn cũ trong số những vị khách trong Hội chúng. Sau đó, Ngài tham gia cùng các Vị diễn giả ngồi quanh một chiếc bàn dài.
Trong số Chư Tăng trong ban lãnh đạo của Tu viện, có sáu Vị thuyết trình Tây Tạng, tốt nghiệp của chương trình Khoa học Emory - những người sẽ tham gia thảo luận với các nhà khoa học Trung Quốc vào buổi chiều. Khoảng năm mươi vị khách ngồi ở phía sau của Chánh điện, bao gồm nhiều người đến cùng với nhóm Đài Loan. Khoảng 270 người Tây Tạng tham gia với khán giả: các nhà nghiên cứu từ văn phòng của Ngài, cũng như học sinh từ Men-tsee-khang; Trường Cao học Nghiên cứu Tây Tạng, Sarah; Làng Trẻ em Tây Tạng và các trường lân cận. Cuộc hội nghị được tiến hành bằng tiếng Anh với việc thông dịch đồng thời sang tiếng Trung và tiếng Tây Tạng được cung cấp qua đài FM. Tiến trình của hội thảo được phát trực tuyến trên web-cast.
Ngài đã mở đầu cuộc trò chuyện. “Thứ nhất, tôi muốn chào đón tất cả các bạn ở đây. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức các cuộc thảo luận với chủ yếu là các nhà khoa học Trung Quốc. Tôi đã tham gia đối thoại với các nhà khoa học trong hơn 30 năm qua, nhưng những cuộc đối thoại ấy chủ yếu liên quan đến các nhà khoa học phương Tây, người Mỹ và châu Âu, cũng như một hoặc hai cuộc gặp gỡ với người Nhật và người Ấn Độ.
“Các cuộc hội nghị này có hai mục đích. Đầu tiên là mở rộng kiến thức của chúng ta. Cho đến cuối thế kỷ 20, trọng tâm của nghiên cứu khoa học chủ yếu là tập trung vào nghiên cứu những thứ bên ngoài. Có rất ít sự quan tâm về tâm thức, chỉ có những sự điều tra nghiên cứu về não bộ. Việc phát hiện ra tính chất đàn hồi của hệ thần kinh - sự thừa nhận rằng những thay đổi có thể được nhìn thấy trong não bộ của những người - chẳng hạn như - phát triển sự tập trung kiên định, thay đổi cách suy nghĩ. Một số nhà khoa học hiện đang thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đối với tâm thức, kể cả về ý thức vi tế.
“Có những trường hợp của những người đã được tuyên bố là đã chết lâm sàng - trái tim của họ đã ngừng đập, hệ tuần hoàn đã chấm dứt và bộ não của họ đã chết - nhưng cơ thể của họ vẫn còn tươi tắn. Đây là trường hợp của Vị Thầy của tôi - người vẫn duy trì ở trạng thái này trong 13 ngày. Những người khác vẫn duy trì đối với bất cứ điều gì cho đến hai hoặc ba tuần. Đây là điều mà cần được nghiên cứu. Trong truyền thống Phật giáo, chúng tôi có một sự giải thích liên quan đến việc ý thức vi tế còn lưu lại trong cơ thể trong giai đoạn này, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được.
“Vì vậy, một mục đích của các cuộc gặp gỡ này là mở rộng kiến thức của chúng ta, bao gồm cả về mặt tâm thức cũng như các hiện tượng bên ngoài để đạt được một sự hiểu biết hoàn hảo hơn. Mục đích thứ hai của các cuộc thảo luận như vậy liên quan đến việc tận dụng loại kiến thức nào nên được đưa vào. Mặc dù có những sự tiến bộ hữu ích có được từ sự nghiên cứu khoa học và tiến bộ công nghệ, nhưng cũng có những sự phát triển phá hoại gây ra sự sợ hãi. Các ví dụ rõ ràng là hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Sự phát triển của chúng có thể là một sự thành tựu đáng ghi nhận, nhưng mục đích duy nhất của chúng là giết người.
“Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sự sợ hãi và giận dữ liên tục sẽ gây tổn hại đến sức khỏe của chúng ta. Chúng làm suy yếu hệ miễn dịch của chúng ta. Mặt khác, nuôi dưỡng một thái độ từ bi sẽ mang lại sự an lạc nội tâm, làm tăng thêm sức khỏe tổng thể tốt của chúng ta. Dưới đây là một ví dụ rất đơn giản: hầu hết mọi người đều thích một nụ cười vui vẻ hơn là một cái cau mày nhăn nhó. Đó là bản chất của con người. Ngay cả những con chó cũng đáp lại bằng cách vẫy đuôi với một nụ cười và những biểu hiện tình cảm yêu thương khác.
“Các truyền thống tôn giáo chính của chúng ta đều truyền tải một thông điệp chung về tình yêu thương, sự tha thứ và lòng khoan dung, nhưng ngày nay sự ảnh hưởng của tôn giáo đang bị giảm sút. Do đó, trong các chương trình giáo dục của chúng ta, ngoài lời khuyên về vệ sinh thân thể và lợi ích cho sức khỏe thể chất, chúng ta cần phải dạy về vệ sinh cảm xúc - cách xử lý những cảm xúc hủy diệt của chúng ta. Mục tiêu của chúng ta phải là tốt cả về cơ thể lẫn tinh thần. Ngày nay, sự thúc đẩy các giá trị nội tâm dựa trên cơ sở niềm tin tôn giáo chỉ có tác động hạn chế. Tuy nhiên, mọi người sẽ phản ứng nhiều hơn với những bằng chứng dựa trên sự nghiên cứu khoa học.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, tất cả 7 tỷ người đều có chung sự trải nghiệm - mẹ của họ sinh ra và nuôi dưỡng họ bằng tình cảm yêu thương. Do đó, trẻ con thường rất ít quan tâm đến sự khác biệt về quốc tịch, tôn giáo hoặc chủng tộc; chúng chơi đùa vui vẻ với những người đã đáp lại với chúng bằng một nụ cười. Ngài quan sát thấy rằng khi chúng ta lớn lên, nền giáo dục đã hướng chúng ta tới mục tiêu vật chất với rất ít thời gian dành cho các giá trị nội tâm. Ngài khuyên rằng, sự giáo dục nên bao gồm cả lời khuyên về phương pháp để đạt được sự bình an trong tâm hồn.
Ngài nói rằng Ngài đã tìm thấy được những hữu ích trong sự thực hành Phật pháp của mình, nhưng Ngài tuyên bố rằng, không thể nói rằng truyền thống tôn giáo này hay tôn giáo kia là tốt nhất, cũng như không thể nói rằng loại thuốc này hay thuốc kia là tốt nhất cho mọi trường hợp. Cũng như hiệu quả của thuốc phụ thuộc vào nhu cầu và tình trạng của bệnh nhân, vì vậy các truyền thống tôn giáo khác nhau với những pháp môn khác nhau phù hợp với những căn cơ, tính cách, văn hóa vv. của họ. Ngài đề nghị rằng, vào thời điểm hiện tại, đạo đức có thể được trình bày một cách hiệu quả nhất từ quan điểm thế tục trên cơ sở những phát hiện của khoa học. Nhìn sang Susan Bauer-Wu và Amy Cohen Varela, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ca ngợi những đóng góp mà Viện Tâm Thức và Đời Sống đã thực hiện theo hướng này.
“Vài tháng trước, tôi đã dạy một nhóm Phật tử Đài Loan khi một nhà vật lý lượng tử trong số họ đã tự giới thiệu mình với tôi. Cuộc hội nghị này được triệu tập như là kết quả của cuộc trò chuyện của chúng tôi. Tôi rất vui khi được gặp quý vị - các nhà khoa học Trung Quốc, bao gồm cả người đoạt giải Nobel - Giáo sư Yuan Tseh Lee.”
Ngài nói rằng thỉnh thoảng Ngài cảm thấy miễn cưỡng khi thảo luận về vật lý lượng tử với những người phương Tây có nền văn hóa dựa trên Do thái - Cơ đốc giáo, trong trường hợp nó dẫn đến xung đột với đức tin. Ngài cảm thấy ít khó khăn hơn trong mối quan hệ với người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc. Ngài nhớ lại rằng, khi vị Tăng Sĩ Phật giáo Trung Quốc - Ngài Huyền Trang - đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7, ông đã học tại Đại học Nalanda. Ông được cho là đã gặp gỡ Ngài Long Trí - một đệ tử trực tiếp của Ngài Long Thọ. Rõ ràng, các Phật tử Trung Quốc đã quen thuộc với cái tên Long Thọ và truyền thống Nalanda.
Lưu ý rằng quan hệ giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng là mối quan hệ đã có từ hàng nghìn năm qua, Ngài thừa nhận rằng đôi khi họ cũng cãi cọ nhau. Nhưng vào những thời điểm khác, chẳng hạn như trong thế kỷ thứ 7, các gia đình cầm quyền của họ đã kết hôn với nhau. Từ năm 1974, Ngài đã quyết định không tìm kiếm sự độc lập cho Tây Tạng nữa, với điều kiện là người Tây Tạng phải được ban cấp tất cả các quyền mà họ được hưởng theo hiến pháp Trung Quốc, bao gồm việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của họ, cũng như bảo vệ môi trường của Tây Tạng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, người Tây Tạng có thể được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của Trung Quốc về mặt phát triển vật chất, trong khi người Tây Tạng có thể chia sẻ kiến thức của họ về truyền thống Nalanda với Phật tử Trung Quốc.
Thay mặt cho nhóm diễn giả, Giáo sư Yuan Tseh Lee cảm ơn Ngài vì đã có lời mời họ. Ông mô tả khoa học như một thứ ngôn ngữ để giao tiếp với thiên nhiên, một thứ ngôn ngữ mà chúng ta cần phải học. Khoa học thì dựa trên bằng chứng. Ông nói thêm rằng, từ khi dân số và sự sử dụng nguồn tài nguyên ngày càng tăng, khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một hệ thống hữu hạn, khoa học cũng phải có trách nhiệm về xã hội. Ông thưa với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng họ muốn nghe từ Ngài về cách mà khoa học, tôn giáo, nhân loại và thiên nhiên nên tương tác với nhau như thế nào. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng, khi lần đầu tiên Ngài bày tỏ sự quan tâm đến khoa học, một người bạn Phật giáo Mỹ đã cảnh báo rằng, khoa học là kẻ sát hại của tôn giáo. Ngài đã cân nhắc điều này và khẳng định rằng, vì khoa học là một phương pháp tiếp cận với các điều kiện thực tế, nó không phải là một mối đe dọa đối với giáo lý của Đức Phật.
Tiến sĩ Shih Chang Lee đã mở đầu cho các bài thuyết trình về khoa học với một sự giải thích về đối xứng thời gian và vật lý lượng tử. Ông đã nói về định luật quán tính của Newton và sự quan sát của Einstein rằng các hạt (phân tử) không khối lượng di chuyển với vận tốc ánh sáng, dẫn đến kết luận của ông rằng vận tốc là tương đối, được mô tả như thuyết tương đối hẹp.
Tiến sĩ Chii Dong Chen đã mở đầu sự giải thích của mình về thế giới vướng víu bằng cách hỏi về những gì chúng ta học hỏi được từ thiên nhiên; và trình chiếu một đoạn video so sánh các hoạt động tìm kiếm thức ăn của những con kiến với một cái máy hút bụi robot. Ông tiếp tục thảo luận về cách những con chim điều hướng với sự liên quan đặc biệt đến Godwit Bar-tailed bay qua Thái Bình Dương để sinh sản. Ông gợi ý rằng những đặc điểm độc đáo của cơ học lượng tử, sự chồng chất và sự vướng víu, có thể giúp chúng ta hiểu được rằng chim đã sử dụng từ tính. Ông giới thiệu sự tương phản giữa một máy tính thông thường tính toán về sự nối tiếp theo số thứ tự và một máy tính lượng tử có thể tiến hành một loạt các sự tính toán cùng một lúc.
Tiến sĩ Chen chỉ ra rằng mọi thứ khi nhìn từ những góc độ khác nhau thì trông sẽ khác đi, khiến cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát điều đó từ quan điểm của Trung Quán Luận, có sự khác biệt giữa sự nhận thức của chúng ta về thế giới và thực tại của nó. Ngài đề cập đến nhà vật lý lượng tử đến từ Trung Quốc - người đã nói với Ngài rằng theo kinh nghiệm của ông, một số đồng nghiệp của ông với sự hiểu biết sâu sắc về vật lý lượng tử thì ít bị rối loạn về cảm xúc. Ngài cũng nhớ lại người sáng lập của Mỹ về liệu pháp nhận thức, sự mô tả của Aaron Beck về ý thức của những người tức giận rằng đối tượng của cơn thịnh nộ của họ là hoàn toàn tiêu cực, thì 90% ý thức đó là do sự phóng chiếu của tâm thức của họ tạo nên. Tiến sĩ Chen đồng ý rằng người quan sát là quan trọng bởi vì người đó là một phần của sự nhận thức.
Bài trình bày của Tiến sĩ Yueh-Nan Chen có tựa đề 'Từ Vật lý lượng tử đến Sinh học lượng tử'. Anh ta thảo luận về con mèo của Schrodinger và nói đùa rằng khi anh cố gắng giải thích cho vợ của mình, cô ta hỏi tại sao anh muốn giết một con mèo, khi làm như vậy sẽ hoàn toàn chống lại giới luật Phật giáo. Mọi người đều cười. Ông cũng thảo luận về sự bất bình đẳng Leggett-Garg - điều mà thách thức trực giác của chúng ta về chủ nghĩa hiện thực vĩ mô.
Cuối cùng, Tiến sĩ Shawn Y Lin đã mô tả sự biến đổi của quang tử hiện đại. Ông quan sát thấy ánh sáng mặt trời là phương tiện của sự sống trên trái đất. Max Planck cho rằng ánh sáng chỉ phát ra ở dạng lượng tử hóa, một sự sáng suốt đã góp phần tạo nên các laser, đèn LED và tấm pin mặt trời mạnh mẽ. Ông đã mô tả nghiên cứu đang diễn ra để cải thiện các tấm pin mặt trời nhằm tối đa hóa sự hấp thụ của chúng và dự đoán rằng thế hệ tiếp theo sẽ là siêu mỏng, siêu hấp thụ và siêu hiệu quả. Công nghệ nano sẽ cho phép một lớp phủ mỏng hấp thụ ánh sáng mặt trời 98% và chỉ dày 10 micron.
Được mời để đưa ra những nhận xét kết luận, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mô tả về những gì mà Ngài đã được nghe thì thật sự là quá tuyệt vời, Ngài ca ngợi về tính sâu sắc của sự nghiên cứu. “Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu thêm về cách làm giảm bớt sự tức giận. Hiện nay trên thế giới, vai trò của sự tức giận dường như mạnh mẽ hơn là lòng từ bi. Trong cuộc sống hàng ngày, những cảm xúc của chúng ta khiến chúng ta gặp nhiều rắc rối. Chúng ta đang được bình an ở đây, nhưng ở những nơi khác trên thế giới, loài người đang bị giết chết hoặc bị chết vì đói khát - một số trong số họ là những đứa trẻ vô tội. Vì vậy, ngoài việc khám phá về lĩnh vực vật lý, chúng ta cần phải xem xét về cách làm thế nào để xây dựng một nhân loại hạnh phúc hơn.”
Kết thúc các cuộc thảo luận vào buổi sáng, Giáo sư Yuan Tseh Lee nhận xét rằng, các giáo viên thường hay khuyến khích về sự sáng tạo và đổi mới, nhưng những phẩm chất như thế thường xuất phát từ sự tò mò đơn giản.
Ngài rời khỏi Chánh điện để trở về dinh thự của mình, Ngài tương tác với những người đang xếp hàng bên đường. Cơm trưa đã được cung cấp cho tất cả mọi người tham dự cuộc hội thảo trong sân Chùa. Vào buổi chiều, có những cuộc thảo luận giữa các Vị Tăng Sĩ Tây Tạng đã được đào tạo về lĩnh vực khoa học và được các nhà khoa học viếng thăm. Cuộc đối thoại sẽ tiếp tục vào sáng ngày mai.