Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sau ba ngày giảng dạy cho Thanh thiếu niên học sinh Tây Tạng, sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ khoảng 1200 người tại sân Chùa Chính Tây Tạng gần dinh thự của Ngài. Có khoảng 1000 du khách đến từ Ấn Độ và nước ngoài, cũng như 200 người Tây Tạng. Trước tiên, Ngài chụp ảnh với từng nhóm nhỏ được sắp xếp theo vị trí địa lý của họ - trước khi Ngài an toạ trên chiếc ghế bên dưới Chánh Điện.
Ngài đã quan sát và bắt đầu rằng, vì Ngài vừa mới thuyết giảng xong ba ngày; và nhiều người đang ngồi trước mặt Ngài đây có lẽ đã tham dự Pháp hội vừa rồi cho nên Ngài không có nhiều điều để nói. Tuy nhiên, Ngài đã đưa ra một số nhận xét trước khi mời các khán giả nêu câu hỏi.
“Truyền thống Nalanda - trong đó Phật giáo Tây Tạng là một phần rất nhiều - đã sử dụng triệt để logic và luận lý học. Điều này liên quan đến việc nghiên cứu về những gì Đức Phật đã nói và tại sao Ngài nói điều đó. Kết quả của sự nghiên cứu điều tra như vậy là một sự hiểu biết rõ ràng và vững chắc hơn. Theo kết quả của việc kiểm tra xem xét giáo lý mà Đức Phật đã dạy; các bậc thầy của Nalanda như Ngài Long Thọ và Ngài Nguyệt Xứng đã tuyên bố rằng, một số giáo lý trong số đó không thể được chấp nhận theo nghĩa đen bởi vì nó mâu thuẫn với nhận thức lý luận.
“Sau khi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - một triết gia và cũng là nhà tư tưởng vĩ đại - đã giới thiệu Phật giáo đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8; người Tây Tạng đã áp dụng một phương pháp nghiêm ngặt tương tự. Vì tiếng Tây Tạng có lẽ là ngôn ngữ cổ điển gần nhất với tiếng Phạn, nó vẫn là phương tiện chính xác nhất có sẵn cho chúng ta hôm nay để thể hiện ý tưởng Phật giáo. Mặc dù truyền thống Nalanda đã phần nào bị quên lãng ở Ấn Độ, nhưng nó vẫn được duy trì và bảo tồn sống động ở Tây Tạng.”
Câu hỏi đầu tiên từ phía khán giả liên quan đến tâm lý học và làm thế nào nó có thể được kết hợp với các phương pháp Phật giáo để nuôi dưỡng lòng từ bi. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng, kiến thức Ấn Độ cổ đại về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc thì rất phong phú và sâu sắc. Ngài tái khẳng định rằng, Ngài đang cố gắng làm sống lại giá trị cao quý của nó, bởi vì ở Ấn Độ nó đã bị rơi vào tình trạng bị quên lãng. Ngài đề nghị nên đọc 'Bản tóm lược các phương cách hiểu biết' của Akya Yongzin.
Một người hỏi khác hỏi làm thế nào để tăng cường tính bình đẳng; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo rằng, các nhà khoa học đã khẳng định rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi; và điều này dường như được sinh ra theo cách mà trẻ con đã phản ứng. Miễn là bạn bè của chúng mỉm cười và cư xử một cách thân thiện, thì các cháu bé dường như không hề quan tâm đến vấn đề quốc tịch, chủng tộc hay đức tin gia đình của họ là gì.
Ngài gợi ý rằng, “Khi chúng ta lớn lên và theo đuổi sự giáo dục của mình, chúng ta đã học theo thói hờ hững với các giá trị cơ bản của con người. Thay vào đó, chúng ta lại chú ý một cách không xứng đáng đến những sự khác biệt không quan trọng, mà ở Ấn Độ này thì bao gồm cả sự phân biệt đẳng cấp và thuộc vào tầng lớp người giàu hay nghèo. Những sự quan sát này làm phát sinh rất nhiều vấn đề rắc rối; đặc biệt trong thực tế, bản chất con người về thể chất, tinh thần và tình cảm đều giống nhau. Đồng thời, tôi rất ngưỡng mộ cách mà Ấn Độ vẫn quản lý để tìm thấy sự thống nhất trong đa dạng. Hơn nữa, so với một số nước láng giềng của mình, thì tình hình Ấn Độ là khá ổn định.
“Tương tự như vậy, tôi rất tôn trọng cách thức mà các thành viên hàng đầu của Liên minh châu Âu - Pháp và Đức - đã quyết định rằng, lợi ích chung là quan trọng hơn chủ quyền quốc gia. Đó là nơi mà - họ đã từng là kẻ thù lịch sử của nhau trong thời gian thật lâu, nhưng giờ đây thái độ của họ đã hoàn toàn thay đổi và hòa bình đã chiếm ưu thế trong số các thành viên của Châu Âu trong vòng 70 năm qua."
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng, giáo dục hiện đại có quá ít thời gian dành cho điều mà Ngài gọi là giá trị nội tâm, cũng không dành cho việc giải thích về hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Ngài lưu ý rằng, cũng giống như chúng ta xem trọng việc vệ sinh thân thể để bảo vệ sức khỏe của mình, chúng ta cũng cần phải trau giồi vệ sinh cảm xúc để duy trì sự an lạc trong tâm hồn của mình. Ngài nhận xét rằng, nếu cuộc sống của chúng ta tràn đầy sân giận, chúng ta sẽ thấy rất khó để tồn tại.
“Thông qua sự giáo dục và đào tạo, chúng ta có thể phát triển bản chất cơ bản của con người. Điều này mang đến sự tự tin - là yếu tố quan trọng và cho phép chúng ta trở nên minh bạch hơn, dẫn đến sự tin tưởng, đó là nền tảng của tình bạn vững chắc. Thật chính xác khi nói rằng lòng nhân từ có giá trị ngay từ khi sinh ra cho đến lúc chúng ta lìa khỏi cõi đời này.”
Khi được hỏi làm thế nào để hòa giải giữa khoa học và tôn giáo, Ngài đề cập rằng, Ấn Độ là nguồn cội - nơi đặt trọng tâm vào khoảng cách khác nhau giữa sự xuất hiện và thực tại. Để hiểu được thực tại, đòi hỏi chúng ta phải điều tra nghiên cứu nó chứ không phải chỉ chấp nhận mọi thứ như cách mà nó xuất hiện. Bản ngã, có vẻ như tồn tại độc lập, nhưng được mô tả theo quan điểm Phật giáo như là sự định danh trên cơ sở của thân và tâm mà thôi.
Một bé gái tám tuổi đã hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về lời khuyên mà Ngài sẽ dành cho chính mình khi Ngài còn ở tuổi của bé. Ngài nói với bé gái ấy rằng, lúc ấy Ngài là một cậu bé nghịch ngợm và không có hứng thú với việc học hành. Tất cả những gì Ngài muốn chỉ là chơi đùa và chạy nhảy đó đây. Ngài là một đứa bé liều lĩnh mà gia sư của Ngài đã bị sốc khi thấy đôi giày của Ngài bị rách toang. Ngài thừa nhận rằng sau này Ngài mới cảm nhận được giá trị cao quý của việc học và đã áp dụng điều đó vào cuộc sống của chính mình.
Ngài nói, "Tôi đã thuộc về thế hệ của thế kỷ 20, thời đại của tôi đã đi qua, nhưng chúng ta vẫn còn ở đầu thế kỷ 21 khi chúng ta có thể suy nghĩ nghiêm túc về việc liệu chúng ta có muốn lặp lại những sự đau khổ và chết chóc vì bạo lực như đã từng diễn ra trước đây hay không. Vẫn còn thời gian để chúng ta theo đuổi truyền thống Ấn Độ về karuna và ahimsa (từ bi và bất bạo động), một động lực từ bi được thể hiện trong hành vi phi bạo lực.”
Một thanh niên đang trong giai đoạn thực hiện một khóa thiền đã hỏi về việc ăn chay trong bối cảnh sự cầu nguyện Phật giáo được ban cho phúc lợi của tất cả chúng sinh. Trước hết, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng, mặc dù người Tây Tạng chân thành cầu nguyện như vậy, nhưng khi họ ở Tây Tạng, rau quả và các thức ăn chay rất khan hiếm. Tuy nhiên, trong cuộc sống lưu vong ở Ấn Độ, họ có nhiều sự lựa chọn khác. Ngài giải thích rằng các nhà bếp chính của các Tu viện lớn tái thiết lập chỉ nấu toàn thức ăn chay. Đồng thời những nỗ lực đã được thực hiện để tránh việc chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn trong khu định cư Tây Tạng.
Sau đó, Ngài thay đổi chiều hướng của cuộc trò chuyện.
“Chúng ta cũng phải nỗ lực để làm giảm bớt việc buôn bán vũ khí. Chúng ta cần tạo ra một thế giới phi quân sự hoá. Một số vấn đề có thể được giải quyết bằng cách sử dụng vũ lực, nhưng nói chung, nó chỉ tiếp tục gây ra rắc rối thêm mà thôi. Bạo lực chỉ tạo ra thêm bạo lực trong một vòng tròn dường như vô tận.
“Tôi yêu Hoa Kỳ, nơi mà tôi coi là một sự dẫn đầu quan trọng của thế giới tự do, và tôi là người bạn tuyệt vời với Tổng thống George W Bush. Một ngày sau sự kiện 11 tháng 9, tôi đã viết thư cho ông ấy để bày tỏ lời chia buồn sâu sắc của tôi; nhưng cũng hy vọng rằng bất kỳ phản ứng nào đối với cuộc tấn công cũng nên tránh bớt, đừng gây bạo lực thêm nữa. Cuối cùng, Iraq đã bị tấn công và khi chúng tôi gặp nhau sau đó, tôi đã nói với ông ấy về tình cảm của tôi dành cho ông ta; nhưng cũng nói về sự hạn chế của tôi đối với một số chính sách của ông ấy. Ý định mang nền dân chủ đến cho Iraq là điều đáng ngưỡng mộ; những việc sử dụng vũ lực là điều mà tôi không tán thành.
“Cách duy nhất để thực sự giải quyết vấn đề của con người là gặp gỡ, nói chuyện và tham gia vào đối thoại. Chỉ khi nào chúng ta sẵn sàng tin cậy vào đối thoại thì chúng ta mới có thể tạo ra một thế giới hòa bình hơn.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm ơn các thành viên của đám đông đã đến gặp Ngài trong lúc nhiều người trong số họ đứng lên với đôi bàn tay chắp lại và nở nụ cười trên khuôn mặt của mình để cung tiễn Ngài. Ngài đã đi bộ từ sân Chùa đến Hội trường trong dinh thự của mình, nơi có 88 Tăng sĩ Thái lan, 13 nữ tu, 48 Cư Sĩ và 8 Thí chủ nước ngoài của họ đã cùng dùng cơm trưa với Ngài.
Bữa trưa được bắt đầu bằng lời bày tỏ lòng biết ơn của Vị Tăng Trưởng Lão của Thái lan thay mặt cho nhóm cám ơn lòng tốt và sự hiếu khách mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành cho họ. Ngài đáp lời rằng, đó là một vinh dự lớn lao khi Ngài được cùng dùng cơm trưa chung với tất cả họ.
“Năm mươi năm trước, trước khi Thái Lan tham gia quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tôi đã đến thăm đất nước của quý vị được hai hoặc ba lần; và có một lần được diện kiến Hoàng Thượng - vị Vua đã băng hà. Tôi cũng đã cùng tham gia với Chư Tăng ở địa phương đi khất thực ở khu vực quanh đó; tôi còn nhớ những con đường ở Bangkok rất nóng, vì vậy; mặc dù tôi rất vui và hạnh phúc khi được ở đó, nhưng đôi chân trần của tôi đã rất đau đớn!
“Tôi rất ngưỡng mộ lối sống của Chư Tăng Phật giáo Thái lan như tôi đã được nhìn thấy. Hôm nay, quý vị lại sắp đặt lại Giáo Pháp Pad Yatra của mình, thực hiện Cuộc Hành Trình Đi Bộ Thứ Ba vì Hòa Bình Thế Giới từ đây đến Leh; và tôi rất vui khi được chào đón quý vị và được mời quý vị dùng cơm trưa.
“Tôi không thích nói rằng tôn giáo này tốt hơn tôn giáo khác, cũng giống như chúng ta không thể tuyên bố rằng một loại thuốc này là phương thuốc tốt nhất đối với mọi người. Tuy nhiên, tôi tin rằng, bằng cách tuân thủ ba sự rèn luyện tu tập về Giới, Định, Tuệ, chúng ta có thể giải quyết những cảm xúc của mình và chuyển hoá tâm thức, giúp chúng ta có khả năng giúp đỡ người khác được nhiều hơn. Về phương diện đó, Phật giáo có điều gì đó phổ quát để đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại chúng ta. Chúng ta có thể chia sẻ điều này với những người khác trong phương cách thế gian đời thường mà không cần phải nói đến giải thoát hay niết bàn, chỉ liên quan đến việc chúng ta trở thành những con người hạnh phúc hơn trong những cộng đồng hòa bình hơn.”
Những lời cầu nguyện cúng dường thức ăn được tụng bằng tiếng Pali và Tây Tạng. Vào cuối bữa ăn, Ngài đã chúc tất cả các vị khách của Ngài luôn được an lạc khi họ bắt đầu khởi hành tiếp tục cho chuyến hành hương của mình.