Vilnius, Lithuania - Gặp gỡ các thành viên của Nhóm nghị viện Litva dành cho Tây Tạng và những người ủng hộ Tây Tạng vào sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với họ: "Chúng tôi đã trải qua một thời kỳ khó khăn với những sự vi phạm nhân quyền tràn lan ở Tây Tạng, mà mối quan tâm chính của tôi là bảo tồn di sản văn hóa độc đáo của Tây Tạng. Điều này đã được ăn sâu vào kiến thức Ấn độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức, dưa trên nền tảng đó, chúng ta có thể đạt được sự an lạc nội tâm và giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình.
“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của bạn bè như các bạn. Những người trong tinh thần Tây Tạng vẫn mạnh mẽ, và khi bạn thể hiện sự quan tâm đến họ, điều đó không những mang lại cho họ lòng dũng cảm, mà nó còn gửi một thông điệp rõ ràng đến những người bảo thủ của Trung Quốc rằng, vấn đề Tây Tạng phải được giải quyết một cách thực tế. Vì vậy, tôi muốn thay mặt cho sáu triệu người dân Tây Tạng, xin cảm ơn các bạn!”
Trả lời cho câu hỏi về các loại bản đồ khác nhau, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét: "Ranh giới chính trị là việc tạo ra các quan chức, có thể hoặc không thể phản ánh được ranh giới về văn hóa. Trong lịch sử, đế chế Trung Quốc được đặc trưng bởi quyền lực chính trị, đế chế Mông Cổ bởi sức mạnh quân sự và đế chế Tây Tạng bởi sức mạnh tâm linh của nó. Có một thời gian ngắn Mông Cổ đã thống trị cả Tây Tạng và Trung Quốc bằng phương tiện quân sự. Mặt khác, mối bận tâm của Tây Tạng với các vấn đề tâm linh có nghĩa là ảnh hưởng của nó mở rộng cho đến những gì hiện nay, Kyrgyzstan, Afghanistan và phía tây Iran, phần lớn ở phía đông Trung Quốc, tới phía bắc Mông Cổ và vùng Hy Mã Lạp Sơn, và biên giới phía nam với Miến Điện. Do đó, một bản đồ phản ánh mức độ văn hóa Phật giáo Tây Tạng sẽ lớn hơn nhiều so với bản đồ chính trị của Tây Tạng.”
Trong khi chụp ảnh với những người cầm cờ Tây Tạng, Ngài kể cho họ nghe một câu chuyện. “Khi tôi ở Bắc Kinh năm 1954-1955, tôi đã gặp Chủ tịch Mao nhiều lần. Chúng tôi đã phát triển một mối quan hệ gần gũi - ông ấy rất tử tế đối với tôi, gần giống như một người cha đối với con trai của mình. Vào một dịp, ông ta hỏi rằng người Tây tạng chúng tôi có lá cờ quốc gia hay không. Hơi do dự, tôi trả lời, "Có". Ông đã chấp thuận và nói với tôi rằng, chúng ta nên để cho nó bay bên cạnh lá cờ đỏ. Vì vậy, nếu bất cứ ai chỉ trích bạn về việc biểu dương lá cờ này, bạn có thể nói với họ rằng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được chính Chủ tịch Mao cho phép làm như vậy.”
Gặp gỡ Giáo sư Vytautas Landsbergis - người đã trở thành Tổng thống Lithuania khi giành được độc lập sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhớ lại, "Tôi đã vui như thế nào khi bạn mời tôi đến đây vào năm 1991. Tôi rất cảm động và ấn tượng bởi niềm hân hoan, sự nhiệt tình và lòng quyết tâm của người dân. Thật là một vinh dự lớn lao khi được ở giữa đây với các bạn!"
Tại sân vận động Siemens, Ngài được Thị trưởng Vilnius - Remigijus Šimašius giới thiệu với đám đông hơn 2500 người. Khi tặng cho Thị trưởng một chiếc khăn trắng truyền thống, Ngài đã giải thích về ý nghĩa của nó.
Màu trắng thể hiện cho lòng nhân từ ấm áp, trung thực và chân thành. Kết cấu mịn màng của chiếc khăn đại diện cho hành vi phi bạo lực - cố gắng giúp đỡ người khác bất cứ khi nào bạn có thể, và tránh làm hại họ. Tại chỗ cuối ở đây, được viết bằng chữ Tây Tạng, nói rằng 'Bất kỳ ai được tặng chiếc khăn này đều được vui vẻ cả ngày lẫn đêm.” Loại quà tặng này lần đầu tiên được tặng ở Ấn Độ và đã được chấp nhận ở Tây Tạng. Vì khăn lụa được làm từ nguồn gốc ở Trung Quốc, cho nên món quà phản ánh một ý nghĩa của sự hài hòa giữa Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Quốc."
Nói chuyện với đám đông như anh chị em, Ngài tiếp tục, “Nếu chúng ta thực sự nghĩ đến phần còn lại của nhân loại như anh chị em của mình thì sẽ không có chỗ cho sự bắt nạt và lừa gạt lẫn nhau. Nghĩ về bản thân mình như một người đặc biệt thì chỉ đưa đến sự cô đơn mà thôi, bởi vì thực tế là tương lai của mỗi người đều phụ thuộc vào những con người khác. Đương nhiên là muốn chăm sóc cho lợi ích của chính mình là một điều rất tự nhiên; nhưng bạn phải làm điều đó theo một cách thông minh chứ đừng làm một cách ngu xuẩn. Điều đó có nghĩa là, hã nghĩ đến người khác và xem xét mối quan tâm của họ cũng như của chính bạn. Nếu những người xung quanh bạn hạnh phúc, rõ ràng là bạn cũng sẽ được hạnh phúc."
Khi một thành viên của khán giả hỏi làm thế nào để hài hòa giữa các phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại, Ngài gợi ý rằng, để bắt đầu, điều quan trọng đối với cha mẹ là phải thể hiện tình cảm tối đa dành cho con cái của mình. Trong trường học, trách nhiệm của thầy cô giáo là quan tâm đến tình cảm của học trò của mình cũng như cung cấp cho họ những sự hướng dẫn giảng dạy. Ví dụ, cô ấy hoặc thầy ấy có thể giải thích về cách mà sự tức giận làm gián đoạn sự an lạc nội tâm của mình, trong khi đó - lòng từ bi sẽ thiết lập được một tâm trí thoải mái và nuôi dưỡng sức khỏe tốt. “Người thầy đầu tiên của tôi về lòng từ bi chính là mẹ tôi. Như một phần trong sự rèn luyện Phật giáo của tôi, tôi đã đọc rất nhiều về phẩm chất của lòng vị tha, nhưng mẹ tôi là người đầu tiên chứng minh điều đó trong thực tế."
Vào cuối buổi nói chuyện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cảm ơn khán giả vì sự quan tâm của họ và về sự tỉnh táo sáng suốt của họ. Ngài thúc giục họ nên suy nghĩ về những gì mà Ngài đã nói. "Cho dù bạn làm công việc gì đi chăng nữa, nếu chúng ta nỗ lực, chúng ta có thể tạo ra một thế giới hòa bình hơn. Tôi cho rằng các quốc gia nhỏ hơn như những nước vùng Baltic, đôi khi được tự do hơn để sáng tạo và dẫn đầu về quá trình này trong các vấn đề quốc tế.” Ngày mai, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đi đến Riga, Latvia, nơi mà Ngài sẽ dạy về “Xưng tán Duyên khởi” của Tsongkhapa và “Kinh Kim Cương Năng Đoạn”, cũng như se truyền Lễ gia trì của Đức Bạch Văn Thù.