New Delhi, Ấn độ - Khi đến khuôn viên của Viện Công Nghệ Ấn Độ (IIT) đầy lá ở Hauz Khas, New Delhi, sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được chào đón bởi người sáng lập Velocity 48, cô Parul Rai và nữ diễn viên Tisca Chopra. Họ hộ tống Ngài đến khán phòng, nơi khán giả của khoảng 1500 người đã chờ đợi ỏ đó.
Trên sân khấu, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người chủ nhà đã cùng nhau thắp ngọn đèn truyền thống để khai mạc cho sự kiện. Sadhna Srivastav đã mời Giám đốc của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) Giáo sư V Ramgopal Rao và Ủy viên Điều hành của Viện IIT - Sanjeev Jain chính thức chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng hoa và một chiếc khăn choàng trắng. Cô Parul Rai giải thích rằng, niềm ước mơ của Cô chính là để cung cấp cơ hội cho mọi người được diện kiến và lắng nghe về những truyền thuyết đang còn sống hiện hữu; và cô đã vô cùng vui mừng khì Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của cô. Cô đùa thêm một cách tinh nghịch rằng, hơn cả sự ngẫu nhiên là đã sắp đặt cho tất cả những người trong nhóm tham gia hội thảo với Ngài trên khán đài thì toàn là phụ nữ.
Trong lời chào mừng của mình, Cô Tisca Chopra cho biết cô thấy rất khó để nói chuyện tại IIT và giới thiệu về Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma – người mà Thời báo New York đã mô tả là người nổi tiếng nhất trên thế giới. Cô ấy đã đề cập đến một số câu hỏi mà cô ấy mong muốn có được sự trả lời - đó là: mục tiêu của chúng ta là để được hạnh phúc? Lòng từ bi có thể học được không? và cuộc sống tốt đẹp là gì?
Bà Srivastav đã cung thỉnh Ngài bắt đầu buổi nói chuyện của mình.
“Các anh chị em thân mến! Một vài người bạn của tôi, và đặc biệt là cựu Tổng thống Ireland - Mary Robinson đã gọi tôi là Đạt Lai Lạt Ma bênh vực nữ quyền vì tôi ủng hộ quyền lãnh đạo cho phụ nữ vào thời điểm mà chúng ta cần dành sự khuyến khích nhiều hơn cho lòng bi mẫn. Các cuộc thí nghiệm cho thấy người phụ nữ nhạy cảm hơn và sẵn sàng đáp lại đối với nỗi đau của người khác. Tất cả chúng ta đều đến với cuộc đời này từ người mẹ; và hầu hết chúng ta được sống sót cũng nhờ vào tình cảm và sự chăm sóc của mẹ.
“Trong lịch sử loài người, những chiến binh, những kẻ giết người, thường là nam giới. Những người đồ tể chủ yếu cũng là nam giới. Vì vậy, như tôi đã nói trước đây, vào thời điểm mà chúng ta cần phải nỗ lực đặc biệt để thúc đẩy tình yêu thương và lòng từ bi, thì tôi tin rằng phụ nữ đóng một vai trò hết sức đặc biệt.
“Đối với câu hỏi về Hạnh phúc và một cuộc sống không căng thẳng, mỗi chúng sinh trải nghiệm niềm vui hay nỗi đau đều có ước muốn được hạnh phúc. Có nhiều mức độ hạnh phúc khác nhau vì loài động vật, bao gồm chim chóc, côn trùng và loài cá, không có bộ não giống như bộ não mà chúng ta có. Cuộc sống của chúng hoàn toàn hướng tới sự trải nghiệm về cảm giác. Đó là những gì mà sự tồn tại sống còn của chúng phải phụ thuộc vào; đó là lý do tại sao có một số loài động vật có nhiều giác quan sắc nét hơn, nhạy bén hơn giác quan của con người chúng ta.
“Mặt khác, chúng ta có ngôn ngữ và sự suy nghĩ tinh vi, nhưng chính bản thân nó không ngăn cản được bộ não của chúng ta đôi khi gây ra rắc rối. Chúng ta có quá nhiều kỳ vọng về tương lai hoặc bị lạc trong sự suy nghĩ về quá khứ, điều đó có thể khiến cho chúng ta trở nên bị căng thẳng và lo lắng.
“Bản chất con người cơ bản của chúng ta là từ bi và nhiệt tâm; vì đó là cách mà cuộc sống của chúng ta bắt đầu. Không có tình yêu thương và tình cảm, chúng ta sẽ không thể sống sót tồn tại. Vì vậy, chúng ta cần phải kết hợp trí thông minh tự nhiên của mình với lòng nhiệt thành. Lòng nhiệt thành mang đến sức mạnh nội tâm và sự tự tin, nó cho phép chúng ta trung thực và chân thành để hành vi của chúng ta trở nên minh bạch, thu hút được lòng tin cậy và tình bằng hữu.
“Sự tồn tại và tương lai của chúng ta phụ thuộc vào những người khác, họ là nguồn hạnh phúc của chúng ta. Nếu tôi mỉm cười với bông hoa này, nó sẽ không phản ứng lại. Nhưng nếu tôi mỉm cười với một người khác, cô ấy hoặc anh ta thường sẽ mỉm cười đáp lại. Nếu không có một mối quan tâm ấm áp dành cho những người khác, chúng ta không thể có được sự hạnh phúc.
Như tôi đã nói, chúng ta có một bộ não thật thông minh và tuyệt vời. Nhưng nếu bộ não này bị thúc đẩy bởi sự giận dữ, ganh tỵ và ghen tuông, thì nó sẽ bị qúa tải bởi sự sợ hãi và lo âu. Bị chi phối bởi thái độ của ái trọng tự thân, chúng ta thiếu những nguyên tắc đạo đức và cách nhìn rộng thoáng cởi mở. Tuy nhiên, khi chúng ta kết hợp bộ não thông minh của mình với lòng nhân hậu, thì chúng ta sẽ tôn trọng quyền lợi của người khác, chân thành cầu mong cho họ được hạnh phúc và không bao giờ gây rắc rối cho họ.
“Khi cảm xúc che mờ tâm trí của chúng ta, ta không thể sử dụng trí thông minh của mình, không thể suy nghĩ thẳng thắn và không thể nắm bắt được thực tại. Để làm được điều đó, tâm trí của chúng ta phải bình tĩnh, rõ ràng và không thiên vị. Chúng ta cần xem xét bất cứ điều gì chúng ta đang xử lý từ các góc độ khác nhau để có được một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn. Nếu chúng ta có thể làm được điều này, chúng ta sẽ được hạnh phúc hơn và đối mặt với ít căng thẳng hơn."
Sau đó, Ngài đã chuyển sự chú ý của mình sang truyền thống thế tục 1000 năm của Ấn Độ, thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các truyền thống tâm linh và ngay cả đối với quan điểm của những người không có đức tin tôn giáo. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều truyền đạt một thông điệp của tình yêu thương và lòng từ bi; điều đó có thể mang lại hòa bình, hạnh phúc và sự mãn nguyện. Tuy nhiên, vì có khoảng một tỷ trong số 7 tỷ người đang sống ngày nay không có hứng thú đối với tôn giáo, cho nên những thông điệp tôn giáo này sẽ không thu hút được tất cả mọi người. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có nền đạo đức thế tục.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về các truyền thống tôn giáo mang tính hữu thần và phi thần. Những người theo các truyền thống thần học như Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và một số tín đồ Hindu giáo đã tin vào một Đấng sáng tạo - Đức Chúa Trời đầy tình thương - như thế nào. Những tín đồ của họ tin rằng, họ cũng cần phải liên hệ với những chúng sinh khác do Đức Chúa Trời đã tạo ra - với tình thương và lòng từ bi. Ngài mô tả rằng đây là một ý tưởng rất mạnh mẽ. Ngài tiếp tục giải thích rằng, truyền thống phi thần học như một nhánh của người Samkhyas (Số luận phái), người Jain (Kỳ na Giáo) và Phật tử tin rằng cuộc sống không có khởi đầu, do đó, có sự tái sinh và nghiệp báo. Tuy nhiên, đối với Kỳ Na Giáo và Phái Số Luận thì tin vào một cái "Ngã" (atman), một tự ngã độc lập. Phật giáo dạy về vô ngã, rằng không có một tự ngã độc lập; nhưng chỉ có một bản ngã đơn thuần được định danh trên cơ sở của thân và tâm.
Ngài nói tiếp: “Mục đích của việc giảng dạy về vô ngã là để giúp chúng ta giải quyết những cảm xúc của mình. Người bạn Mỹ của tôi - nhà tâm lý học nhận thức Aaron Beck - người làm việc với những người có vấn đề với sự giận dữ, đã nói với tôi rằng, những cảm giác tiêu cực mà họ có khi họ tức giận là 90% do sự phán đoán của tâm họ. Điều này tương ứng với những gì mà Ngài Long Thọ đã dạy về sự chế tạo của khái niệm. Là một học trò của Ngài Long Thọ, tôi có kinh nghiệm cá nhân rằng, suy nghĩ về những lời giải thích của Ngài Long Thọ rằng không có gì tồn tại độc lập - sẽ giúp làm giảm đi sức mạnh của những cảm xúc tiêu cực. Đây là một cách khác để mang lại hòa bình và hạnh phúc.
"Cùng lúc đó, Ngài Tịch Thiên với tác phẩm "Nhập Bồ Tát Hạnh" cũng giải thích về cách thái độ ái trọng tự thân sẽ tạo cơ hội cho những cảm xúc tiêu cực - như sân giận - phát khởi như thế nào; và sự sân giận ấy có thể được đối trị bằng tâm vị tha và lòng nhiệt thành.
"Vì vậy, có vài điều chúng ta có thể làm được, là cố gắng giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình, phát triển tâm vị tha, nhiệt thành và đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Sau đó chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những anh chị em nhân loại của chúng ta."
Cô Nivruti Rai của Viện Công Nghệ Bengaluru đã điều hành phần câu hỏi và trả lời. Ngài khuyên rằng, con người có thể thay đổi. Chẳng hạn như, họ có thể thay đổi bằng cách kiểm tra xem sự tức giận và thất vọng có chút giá trị nào không, và rồi chúng ta sẽ hiểu được rằng sự giận dữ luôn luôn là vô ích. Tuy nhiên, lòng từ bi là một sự đối trị để giải trừ cho nhiều cảm xúc tiêu cực. Vì giận dữ và từ bi là đối lập, cho nên khi một phẩm tính này gia tăng thì phẩm tính kia sẽ phải giảm xuống. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy nghĩ về những điều này để đạt được một niềm tin và trở nên sâu sắc đối với nó.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể duy trì sự mạnh mẽ khi một người thân yêu qua đời, Ngài đề nghị là chúng ta nên thực tế. Ngài nói, bất kỳ sự sống nào, cho dù đó là một bông hoa hay cơ thể của chúng ta, đều có sự khởi đầu và kết thúc. Sinh và tử là một phần của cuộc sống.
"Khi vị Thầy gia sư của tôi viên tịch, nó giống như mất đi một tảng đá mà tôi đã quen dựa lên đó, và tôi rất buồn!" Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. "Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng, những gì tôi nên làm thay vì xúc động thì hãy làm việc để hoàn thành những tâm nguyện của Thầy tôi."
Ngài nói với một người khác - người mà không biết chắc chắn nên quyết định làm theo khoá học nào - rằng, điều trước tiên cần làm là nên sử dụng trí thông minh của mình và suy nghĩ cẩn thận về nó mà không có bất kỳ cảm giác vội vàng nào. Hãy hỏi những bạn bè tin cậy để được tư vấn. Theo những cách như thế để đi đến đạt được một sự quyết định và - Ngài nói - khi bạn đã làm như vậy, hãy thực hiện điều đó với một sự quyết tâm kiên định.
Ngài đã trả lời một câu hỏi về lý do tại sao những người tốt và vô tội lại phải chịu đựng sự đau khổ - bằng cách gợi ý rằng - ví dụ trong trường hợp những người đang chết đói, đó là vì họ bị những người có phương tiện giúp đỡ họ, nhưng lại thờ ơ và bỏ rơi họ - do những người ấy thiếu những phẩm hạnh đạo đức để thực hiện những việc làm như vậy.
Cuối cùng, một thành viên của khán giả hỏi liệu không phải tất cả chúng ta về cơ bản là ích kỷ. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý rằng việc tự chăm sóc bản thân là điều tự nhiên, nhưng ta nên làm điều đó một cách khôn ngoan mà không dại dột. Với cách phụ thuộc của chúng ta đối với nhau, thì việc chỉ nghĩ riêng về bản thân là điều không thực tế; vì vậy cách thông minh để thực hiện viên mãn cho lợi ích của bản thân - chính là sự quan tâm và chăm sóc cho phúc lợi của tha nhân.
Khi cuộc họp kết thúc, Ngài cảm ơn mọi người đã đến để lắng nghe những gì Ngài đã nói. Ngài yêu cầu họ hãy suy tư về những gì họ đã được nghe, và cố gắng áp dụng nó một cách có hiệu lực trong khả năng có thể về những gì mà họ đã hiểu được.
Đám đông tiến về phía trước một cách nhẹ nhàng khi các cá nhân hy vọng sẽ được tương tác một chút với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - người đang dần dần đi về phía cửa và rời khỏi tòa nhà để trở về khách sạn của mình. Sáng mai, Ngài sẽ bay về lại Dharamsala.