Tokyo, Nhật Bản - Sáng nay bầu trời u ám, nhưng, là một ngày chủ nhật, những con đường tương đối thông thoáng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe từ Tokyo đến Ishihara ở tỉnh Chiba. Ngài đã quang lâm để tham dự lễ khánh thành một trung tâm Phật giáo mới - Viện Sherab Kyetsel Ling. Các nhạc sĩ Mông Cổ và Tây Tạng đã biểu diễn trong phần cung nghinh khi Ngài quang lâm; và Ngài đã được cung đón theo truyền thống 'chema changpu' của Tây Tạng. Ngài đã tưới một cây non mới trồng trong vườn trước khi an toạ tren Pháp Toà bên trong nhà - nơi Ngài nhận được sự cúng dường với Mạn Đà La tượng trưng cho thân, khẩu, ý giác ngộ của Đức Phật.
Bước ra ngoài một lần nữa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được hộ tống đến một ngôi Chùa dưới hình thức một chiếc lều Mông Cổ, một 'gur'. Ngài tháo một chiếc nút thắt của 'katags' và đẩy mở cánh cửa để biểu thị cho sự khánh thành của ngôi Chùa và cùng với chư Tăng tụng những bài Kinh Cát Tường. Bên trong, Ngài thắp một ngọn đèn bơ trước một bức tượng Phật sáng lấp lánh. Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang an toạ, bốn nữ sinh trẻ bước lên phía trước, mỉm cười, dâng lên Ngài những chiếc khăn lụa.
“Trước đây tôi chưa bao giờ được thuyết Pháp trong căn lều như thế này,” Đức Đạt Lai nói, “nhưng tôi có cảm giác rằng khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 3 đến Mông Cổ để truyền bá giáo Pháp của Đức Phật và Je Tsongkhapa, Ngài đã làm điều đó; và sau này Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 cũng đã làm như vậy.
“Trong quá khứ, đã có mối liên hệ chặt chẽ giữa Tây Tạng và Mông Cổ, và ranh giới không rõ ràng. Phật giáo đầu tiên được truyền đến Mông Cổ qua con đường tơ lụa và được củng cố khi Drogön Chögyal Phagpa trở thành bậc thầy của Kubilai Khan và con cháu của ông. Sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 3, Sonam Gyatso, được mời đến giảng dạy ở Mông Cổ, nơi mà Ngài nhận được tước hiệu “Dalai” từ Altan Khan.
“Nơi sinh của tôi ở gần Tu viện Kumbum ở Qinghai, nơi hầu hết học trò đều là người Mông Cổ. Khi tôi đang học ở Lhasa, tôi đã có 17 trợ lý tranh luận được chọn từ các trường đại học của các Tu viện Drepung, Ganden và Sera. Người giỏi nhất trong số họ và có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi là Ngodup Tsognyi, đến từ vùng Abak của Nội Mông.”
Ngài yêu cầu đưa tay lên để xem có bao nhiêu người tham dự đến từ Nội Mông - khoảng 12 người - và bao nhiêu người đến từ Ngoại Mông Cổ - khoảng 15 người. Vì hầu hết khán giả là người Nhật, nên những điều Ngài nói được dịch kỹ lưỡng sang tiếng Nhật.
“Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đến Mông Cổ vào năm 1904 và có thể nói được tiếng Mông Cổ tốt. Ngodup Tsognyi nói với tôi rằng, khi ông thọ giới Tỳ Kheo từ Ngài, có một phần của nghi lễ liên quan đến việc kéo những nếp gấp của chiếc hạ y. Ông không biết phải làm gì và vào thời điểm đó, tiếng Tây Tạng của Ông không đủ tốt để hiểu những sự hướng dẫn; vì vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã giải thích cho ông ta bằng tiếng Mông Cổ.
“Có một ngàn học sinh Mông Cổ ở các tu viện Drepung Gomang và Sera Je. Họ đều là sinh viên triết học; không ai trong số họ tham gia vào các vai trò kỷ luật hoặc hành chính. Năm 1959, Viện trưởng của Gomang là Sogpo Lekden và Viện trưởng của Gyumey là Sesshin Ka. Trong số các học giả khác là Vị Giám Luật Sư Thubten Nyima. Ngay cả ở thời điểm đó vẫn còn nhiều học giả Mông Cổ trong số chúng tôi. Một trong những người đồng hành của tôi cho kỳ thi Geshe Lharampa là Sogpo Yeshi. Một người Mông Cổ khác là Ngawang Gendun có uy tín về sự thông thạo các bản văn cổ điển, nhưng Sogpo Yeshi thì nổi tiếng vì khả năng giải thích những bản Kinh văn này.
“Đó là những học giả Mông Cổ cuối cùng đã đến Tây Tạng. Giữa những năm 1936 và 1939 sự đàn áp khủng khiếp đã xảy ra ở Mông Cổ trong trường hợp của Choibalsan. Ít nhất 18.000 tu sĩ đã bị giết, trong khi những người khác bị buộc phải hoàn tục; và một số bị tuyển dụng vào quân đội. Đây là tình huống mà Gyen Ngawang Lekden và Thubten Nyima đã chạy trốn. Họ mặc áo choàng lông cừu từ trong ra ngoài và trốn giữa những con cừu vào ban ngày và di chuyển vào ban đêm.
“Sogpo Lobsang cuối cùng cũng đã có thể trốn thoát sang Ấn Độ. Ông được biết đến với việc chơi mah-jong với các quý tộc Lhasa. Người ta nói rằng khi các học sinh Mông Cổ trong các tu viện vĩ đại trở nên khó khăn, Sogpo Lobsang sẽ đi vào Lhasa để chơi mah-jong và mang lại cho họ những chiến thắng của mình.
“Trong thời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 có một học giả Mông Cổ khác, Kalkha Denba, người thường nằm xuống với một trang của bản Kinh Văn, đọc nó nhiều lần và suy nghĩ sâu sắc về ý nghĩa của nó. Phurba Chok, gia sư của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 nói với ông ta, "Tôi đã nghe nói ông là một hóa thân của Đức Văn Thù", và ông ta trả lời, "Không, tôi không phải, tôi là người hàng xóm của ông ấy". Thật không may, cuộc đàn áp khủng khiếp ấy đã chấm dứt dòng chảy của các học giả Mông Cổ đến với Tây Tạng.
“Vào năm 1979, lần đầu tiên tôi có thể đến Mông Cổ khi mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đã hết hiệu lực. Vào thời điểm đó, bên ngoài không có sự tự do tôn giáo, nhưng Chư Tăng tại Tu viện Gandenthegchinlen được tự do thực hành ở bên trong. Họ cúng dường Cầu nguyện Trường thọ cho tôi; và khi buổi lễ bước sang phần Cúng dường Mạn đà la, họ đã tụng với niềm say mê đến nỗi mà họ và tôi đã khóc. Chư Tôn túc trưởng lão đã mạo hiểm mạng sống của họ để bảo vệ Tu viện. Cuối cùng, sau sự sụp đổ của Liên Xô, quyền tự do tôn giáo đã được phục hồi.
“Trong một lần viếng thăm khác, tôi đã tặng cho Tu viện một bức tranh của 17 bậc Luận sư Nalanda. Khi tôi đến đó lần cuối, tôi không thể nhìn thấy nó ở bất cứ nơi nào và tôi đã hỏi nó ở đâu. Hóa ra họ đã giấu nó đi, vẫn cuộn tròn với bộ sưu tập các bản Kinh văn. Tôi kêu gọi họ trưng bày nó trên Pháp toà của tôi khi tôi không có ở đó để nhắc nhở họ nghiên cứu học hành.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng đã có phong tục ở Tây Tạng tôn kính các Đạo sư Ấn Độ được gọi là "Sáu Bậc Trang Sức và Hai Bậc Tối Thượng”. Nhưng Ngài đã phát hiện ra rằng có những cái tên quan trọng vẫn còn thiếu trong danh sách, đó là những tác giả của các bản văn tinh túy vẫn còn được nghiên cứu sâu sắc cho đến ngày nay. Với tám bậc Luận sư chính gốc: Long Thọ, Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Pháp Xứng, Đức Quang và Thích Ca Quang, Ngài đã bổ sung thêm chín Vị: Phật Hộ, Thanh Biện, Nguyệt Xứng, Tịch Thiên, Thiện Hải Tịch Hộ, Liên Hoa Giới, Thánh Giải Thoát Quân, Sư Tử Hiền và Atisha. Ngài sáng tác lời Xưng Tán và Khẩn Cầu các Vị ấy với tựa đề: ‘Chiếu sáng Đức tin gấp ba lần” và uỷ thác cho vẽ một bức tranh thangka mới để minh họa cho nó.
Ngài nói thêm rằng, phong tục ở Tây Tạng là nghiên cứu năm môn học chính (ngũ minh):
1. Nội minh: Khoa học nội tại của Học thuyết Phật giáo và thực hành
2. Thanh minh: ngôn ngữ
3. Nhân minh: Logic
4. Y phương minh: Y học
5. Công xảo minh: Nghệ thuật và hàng thủ công;
cũng như năm môn học phụ: - từ đồng nghĩa, toán học và chiêm tinh học, kịch và nghệ thuật biểu diễn , thơ ca và sáng tác. Chìa khóa trong số những kỹ năng này là việc sử dụng logic. Ở Ấn Độ, logic cho phép Phật tử và những người không phải là Phật tử tranh luận quan điểm của nhau, đa số như ngày nay họ sử dụng lý trí và logic để cho phép các học giả Phật giáo Tây Tạng tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học. Thay vào đó, nếu họ dựa vào thẩm quyền thánh thư kinh điển để củng cố trường hợp của họ thì sẽ không có nền tảng chung để giao tiếp.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng rõ rằng các bậc Luận Sư Nalanda đã kiểm tra kinh Phật trong ánh sáng của logic và xác định được những Kinh nào có thể được hiểu theo nghĩa đen và Kinh nào là tạm thời và cần được giải thích. Nói chung, Đức Phật giải thích rằng, không hề có một cái “ngã” độc lập, riêng lẻ, tự chủ động. Tuy nhiên, có những trường hợp, khi nói chuyện với những người không thể chấp nhận; hoặc theo một lập luận như thế; thì ngay lập tức, Ngài dường như đã nói như thể có một bản ngã như vậy.
Lần chuyển Pháp Luân đầu tiên đã diễn ra trước công chúng và được ghi lưu lại trong một tài liệu thường được chấp nhận. Nó liên quan đến những giáo lý căn bản của Tứ Diệu Đế và Giới Luật, hay kỷ luật tu viện. Lần chuyển Pháp Luân thứ hai, giáo lý Bát Nhã Ba La Mật, đã được truyền dạy cho một nhóm người được chọn lọc chứ không phải giảng cho một Hội chúng công cộng. Trong các tác phẩm của Ngài Long Thọ và Năm bộ Luận của Ngài Di Lặc, chúng ta tìm thấy các lập luận khẳng định rằng chúng thực sự là những lời dạy của Đức Phật.
Những giáo lý này được mô tả dưới dạng Kinh điển và những sự chứng ngộ xuất phát từ những bậc đã quen thuộc với những sự chứng ngộ ấy. Do đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh, đó là nhờ sự nghiên cứu, suy tư và tu tập thiền định về nội dung quan trọng của những giáo lý như vậy mà chúng đã được gìn giữ sống còn. Mục tiêu cuối cùng là sự giác ngộ; và Ngài Long Thọ đã làm sáng tỏ trong “Tràng Hoa Báu” của mình về việc đạt được sự chứng ngộ như thế nào.
Nếu bạn và thế giới mong đạt được;
Sự chứng ngộ tối thượng vô song,
Thì xuất phát từ khát vọng vị tha;
Vững chãi như Chúa tể núi non;
Lòng từ bi toả về mọi hướng,
Và trí tuệ chẳng nương tính nhị nguyên.
Chuyển sang 'Tám Bài Kệ Luyện Tâm’ của Geshe Langri Tangpa; các bản copy đã được phân phát cho khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích, “Người Tây Tạng tỏ ra quan tâm đến Phật giáo vào thế kỷ thứ 7, nhưng chọn thực hành theo truyền thống Nalanda rất nghiêm túc sau khi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ mang nó đến Tây tạng vào thế kỷ thứ 8. Đây là thời kỳ phổ biến ban đầu. Sau vụ ám sát Tri Ralpachen vào thế kỷ thứ 9, Lang Darma đã loại trừ Phật giáo đến mức không còn có Vị tu sĩ nào ở lại miền Trung Tây Tạng. Đất nước bị phân tán.
“Tại Ngari, miền tây Tây Tạng, một hậu duệ của dòng truyền thừa Hoàng gia Tây Tạng, Lha Lama Yeshe Ö đã nghĩ đến việc thỉnh Ngài Atisha - một học giả Ấn Độ có uy tín nhất thời ấy - đến Vương quốc của ông. Ông ta bị cản trở bởi sự can thiệp của nhà vua Ladakhi. Tuy nhiên, cháu trai của ông - Chang Chub Ö - cuối cùng cũng đã có thể thỉnh được Atisha đến Tây Tạng. Dromtonpa là đệ tử Tây Tạng chính của Ngài Atisha và ba đệ tử của Ngài, Potowa, Phuchungwa và Chengawa đều bảo tồn một bộ sưu tập các giáo lý của Atisha. Potowa duy trì dòng truyền thừa kinh điển tập trung vào sáu bản văn: ‘Đại Thừa Tập Bồ Tát Học luận” và ‘Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên; 'Bồ Tát Địa’ của Asanga và ‘Đại Thừa Trang Nghiêm Luận’ của Ngài Di Lặc; ‘Những Chuỗi Truyện Tái Sanh’ và ‘Phật giáo Cố Sự Tập' của Ngài Thánh Dũng.
“Chengawa đã quan tâm đến việc khẩu truyền hoặc các giai đoạn của dòng truyền thừa mà nó liên quan đến các giai đoạn của con đường tâm linh từ con đường của một người sơ cơ mới bắt đầu cho đến giác ngộ. Dòng truyền thừa của những giáo huấn mà Phuchungwa quan tâm bao gồm những giáo lý ngắn gọn, súc tích, mà một đệ tử có thể dễ dàng đưa vào thực hành.
“Việc truyền tải các bản văn trong dòng truyền thừa kinh điển đã bị mất ở miền Trung Tây Tạng. Tôi nhận được sự trao truyền về ‘Nhập Bồ Tát Hạnh' của Ngài Tịch Thiên từ Khunu Lama Rinpoché, người đã nhận nó ở Kham. Kể từ đó tôi đã làm sống lại những bản văn còn lại trong bộ sưu tập và khuyến khích nghiên cứu học tập các bản Kinh văn ấy.
“Bảy bài kệ đầu tiên trong “Tám bài Kệ luyện Tâm” liên quan đến cách phát triển lòng từ bi và Bồ Đề tâm. Bài Kệ cuối cùng đề cập đến Trí tuệ. Bản văn bắt đầu với một sự phản ánh về lòng tốt của chúng sinh. Ví dụ như, cấu trúc kỷ luật của Tam Vô Lậu Học (Giới - Định - Tuệ) - Giới chỉ có thể được thực hiện liên quan đến các chúng sinh khác.
“Bài Kệ thứ hai tập trung vào nhu cầu khiêm nhường. Sự chán nản tuyệt vọng không được bao hàm ở đây, bởi vì sự khiêm nhường trong việc giúp đỡ người khác đòi hỏi lòng can đảm, dũng khí. Câu thứ ba đề nghị thực hiện các phương pháp đối trị cho những cảm xúc tiêu cực - hãy quan sát tâm thức của bạn. Bài Kệ thứ tư khen ngợi sự kiên nhẫn. Bài Kệ thứ năm, thứ sáu và thứ bảy khuyến khích hiến dâng sự chiến thắng cho người khác, xem kẻ thù như những người bạn tâm linh; và thực hành thiền định về pháp “cho và nhận”. Câu cuối cùng đề cập đến việc xem mọi thứ như ảo tưởng.”
Sự kiện đã được kết thúc với một cuộc biểu diễn âm nhạc mạnh mẽ và đầy cảm xúc liên quan đến câu thần chú "Om mani padme hung" do Tenzin Chögyal hát và sử dụng nhạc cụ 'dramnyen' và nhạc sĩ người Mông Cổ vừa chơi trống 'morin khuur' vừa ca hát.
Ngài đã dùng cơm trưa cùng với các vị khách và nhà tổ chức trước khi đi xe về Tokyo. Ngày mai, Ngài sẽ nói chuyện tại Đại học Reitaku.