Riga, Latvia - Hôm qua, một chuyến bay ngắn vượt qua biển Baltic đã đưa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Latvia. Ngài được cung đón tại Phi trường Riga bởi các nhà tổ chức địa phương dành cho chuyến viếng thăm của Ngài đến Latvia và Nga. Một nhóm lớn các nhà thiện nguyện đang chờ đợi đề cung đón Ngài tại khách sạn - Ngài mỉm cười, vẫy tay và bắt tay với rất nhiều người trong khả năng có thể.
Sáng nay tại Hội trường Skonto, nơi - một lần nữa - là địa điểm thuyết Pháp, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, trước tiên, gặp gỡ với hơn 40 thành viên của giới truyền thông tập họp trong một phòng đợi. Sau khi đưa ra một lời rất ngắn gọn, Ngài đã tiếp nhận những câu hỏi của họ.
Khi được hỏi làm thế nào để cảm thấy tự tin khi đưa ra một quyết định đúng đắn, Ngài trả lời:
“Con người chúng ta có trí thông minh rất tinh vi mà chúng ta cần phải học cách sử dụng nó một cách đúng đắn. Sự quyết định và những hành động có liên quan của chúng ta không nên được thực hiện một cách đơn giản trên cơ sở những gì mà chúng ta muốn. Mặc dù phương pháp như thế tạm thời có thể mang đến một số sự hài lòng, nhưng chúng ta khác với loài động vật. Là con người thông minh, chúng ta còn có khả năng lý luận và dự đoán hậu quả của hành động của mình. Chúng ta có thể đánh giá xem những gì chúng ta làm sẽ được xã hội chấp nhận hay không; và liệu nó có tốt cho sức khỏe của chúng ta hay không. Chúng ta phải xem xét thực tế lớn hơn của bất kỳ tình huống cụ thể nào. Nhìn vào vấn đề chỉ từ một khía cạnh thôi là không đủ. Phải kiểm tra mọi thứ từ những góc độ khác nhau một cách khách quan mà không có quá nhiều cảm xúc - sẽ đưa đến kết quả tốt hơn.”
Đối với một câu hỏi về sự thi đấu và liệu Ngài có một đội bóng yêu thích để giành được World Cup hay không, Ngài trả lời:
“Tôi cảm thấy rằng sự thi đấu mà đưa đến kết quả tất cả mọi người tham gia đạt đến đỉnh đều có thể được coi là khỏe mạnh và tích cực. Tuy nhiên, nếu nó đòi hỏi phải tạo những chướng ngại trên con đường của đối thủ của bạn, thì điều đó không tốt lắm.
"Về mặt cá nhân, tôi có rất it sự quan tâm đến thể thao, vì vậy tôi không có đội bóng yêu thích nào. Khi còn trẻ, tôi đã chơi một chút về cầu lông và bóng bàn. Ở Bắc Kinh, vào năm 1954/55, tôi chơi bóng bàn với Thủ tướng Trung Quốc, Chu Ân Lai, nhưng động lực của tôi rất kém - bởi vì ông ta có một khuyết tật nhỏ, nên tôi nghĩ tôi sẽ dễ dàng giành chiến thắng.”
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên khán đài trong hội trường lớn hơn, một đám đông của khoảng 4000 người đã đứng dậy, cổ vũ và vẫy những chiếc khăn lụa đề cung nghinh Ngài. “Bát Nhã Tâm Kinh” được đọc bằng tiếng Latvia.
Ngài bắt đầu: “Tôi rất vui khi được đến Riga này một lần nữa! Có vẻ như nhiều người từ Cộng hòa Nga cũng đã đến đây. Chúng ta đều là những người theo cùng truyền thống Nalanda, vì vậy tôi cảm thấy nhiệm vụ của mình là nên giải giải thích nó cho các bạn.
“Mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ đau. Trong đó tất cả chúng ta đều bình đẳng. Tuy nhiên, mặc dù không muốn đau khổ, nhưng dường như chúng ta cứ chạy theo nó. Mặc dù chúng ta có thể thực hiện các bước để vượt qua đau khổ về thể chất, nhưng bởi vì sự lo lắng và sợ hãi là gốc rễ của đau khổ, cho nên điều mà chúng ta thực sự cần đạt được đó chính là sự an lạc nội tâm. Các nhà khoa học nói là họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi, do đó, sự cảm nhận chung là - dù chúng ta có thể theo bất cứ đức tin nào - thì gốc rễ của sự an lạc nội tâm vẫn là lòng từ bi nhân hậu.”
Ngài giải thích rằng, một yếu tố quan trọng của Truyền Thống Nalanda, điều mà đã được giữ gìn sống còn trong Phật Giáo Tây Tạng, là việc sử dụng logic và lý trí. Phương pháp này đã được truyền đến cho người Tây Tạng bởi bậc Thầy vĩ đại của Nalanda - Thiện Hải Tịch Hộ - người đã được hoàng đế Tây Tạng thỉnh đến Vùng Đất Tuyết vào thế kỷ thứ 8.
“Chúng ta phát triển những cảm xúc tiêu cực như sự tham lam, sân giận dựa trên nền tảng của vô minh. Để đối trị chống lại điều đó, Đức Phật đã thuyết về Hai Chân Lý (Nhị Đế) – sự thật thông thường (Tục đế) và sự thật tối hậu (Chơn đế). Ngài chỉ ra sự cách biệt giữa sự xuất hiện và thực tại. Các trường phái tư tưởng Phật giáo khác nhau trình bày những cách giải thích khác nhau về hai Chân lý, nhưng Ngài Long Thọ dạy rằng, chúng ta sẽ chỉ đoạn trừ được sự vô minh cơ bản bằng cách hiểu biết về tánh không của sự tồn tại nội tại trong bối cảnh của duyên khởi - khái niệm rằng mọi thứ chỉ tồn tại trong sự phụ thuộc vào các yếu tố khác.
“Là những người Phật tử, sự thực hành của chúng ta nên được thành lập dựa trên sự hiểu biết, chứ không phải chỉ dựa vào đức tin mù quáng, và để đạt được sự hiểu biết chúng ta cần phải học hỏi. Ở Tây Tạng, trong quá khứ, các nhà sư chỉ được coi là những bậc học thức khi họ đã học hành từ 20 đến 30 năm. Ở Ấn Độ ngày nay, chư Tăng học hỏi nghiên cứu ít nhất là 20 năm. Tôi tôn trọng tất cả các tôn giáo, nhưng điều khác biệt của Phật giáo là, Đức Phật đã khuyên các đệ tử của Ngài là không nắm bắt những gì Ngài nói theo giá trị bề mặt, mà phải kiểm tra và nghiên cứu về nó theo ánh sáng của lý trí. Phật giáo là truyền thống duy nhất áp dụng phương pháp hoài nghi như vậy.”
Bản Kinh văn đầu tiên mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu đọc là “Kinh Kim Cương Năng Đoạn”. Trước khi đọc hết bản này, Ngài đã chuyển sang đọc hết bản "Xưng Tán Duyên Khởi" của Ngài Je Tsongkhapa. Ngài đã dùng cơm trưa với một nhóm khách mời trước khi trở về khách sạn. Pháp hội sẽ được tiếp tục vào ngày mai.