Riga, Latvia - Sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khách sạn sớm hơn bình thường để có thể hoàn thành việc chuẩn bị cho quán đảnh và lễ gia trì mà Ngài sẽ ban truyền.
Khi đến hội trường Skonto, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chụp ảnh với hơn 60 tình nguyện viên đã phục vụ với nhiều năng lực khác nhau trong suốt ba ngày giảng dạy. Khi cảm ơn họ, Ngài nói với họ rằng, họ nên xem những gì họ đã làm chính là việc phụng sự cho Phật pháp.
Khi các nghi lễ chuẩn bị đã hoàn tất, Ngài thông báo rằng Ngài sẽ ttruyền quán đảnh Quán Thế Âm trước. Ngài giải thích rằng người dân của Xứ Tuyết có một sự kết nối đặc biệt với Đức Quán Thế Âm.
“Hơn nữa, toàn bộ Giáo lý của Đức Phật, được duy trì bởi Phật tử Tây Tạng, bao gồm cả kinh điển và mật điển, đã được lan truyền sang các nước lân cận bao gồm Mông Cổ; người dân ở Mông Cổ cũng có một mối liên kết đặc biệt với Đức Quán Thế Âm. Mối liên hệ tâm linh giữa người Tây Tạng và người Mông Cổ lần đầu tiên bắt đầu vào thế kỷ 13, khi Lạt ma Sakya - Drogön Chögyal Phagpa thiết lập quan hệ chặt chẽ với Hốt Tất Liệt và sau đó là Altan Khan. Những mối quan hệ tốt này phát triển xa hơn dưới thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 3 - Sonam Gyatso, và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 - Yonten Gyatso - người được sinh ra ở Mông Cổ.
“Lần đầu tiên tôi nhận được Quán đảnh Quán Thế Âm từ Tagdrag Rinpoche khi tôi còn là một đứa bé,” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhớ lại. “Rồi sau đó, tại Dromo ở miền nam Tây Tạng, tôi nhận được nó một lần nữa từ vị Thầy Gia Sư Trưởng Lão của tôi - Ling Rinpoche. Kể từ đó, tôi đã phải đọc Lục Âm Thần chú nhiều triệu lần. Ngay cả trong những giấc mơ của tôi, đã có những dấu hiệu cho thấy mối liên hệ đặc biệt của tôi với Đức Quán Thế Âm.”
Ngài đã giải thích ngắn gọn rằng, việc áp dụng động lực đúng đắn để thọ nhận bất kỳ loại quán đảnh nào - là mong muốn cuối cùng đạt được chứng ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Sau quán đảnh Quán Thế Âm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban lễ Gia trì Đức Bạch Văn Thù.
Trong những lời nhận xét cuối cùng của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng, việc áp dụng một sự thực hành tôn giáo hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân:
“Nhưng nếu bạn quyết định làm như vậy, thì bạn nên thực hiện điều đó một cách chân thành. Trong trường hợp của Phật giáo, điều quan trọng là phải học hỏi. Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài là nên nghi ngờ, để kiểm tra những gì Ngài đã dạy trong ánh sáng của lý trí, chứ không chấp nhận nó chỉ dựa trên nền tảng của đức tin. Hãy ghi nhớ điều này!”
Khi sự kiện kết thúc, một đại diện của ban tổ chức đã cảm ơn Ngài về sự quang lâm và về những giáo lý mà Ngài đã ban cho. Cô nói với Ngài rằng Riga - nơi mà mọi người có cơ hội được diện kiến và lắng nghe Ngài - đã trở thành nơi mà nhiều người tìm đến cho niềm hy vọng và lòng cảm hứng của họ. Cô trình bày một báo cáo tài chính ngắn, thông báo cho khán giả rằng sự thiếu hụt phát sinh trong việc tổ chức Pháp hội sẽ được đáp ứng bởi các nhà tài trợ tư nhân.
Ngày mai, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ trở về Ấn Độ. Trong chuyến viếng thăm sáu ngày đến Vilnius và Riga, Ngài đã gặp gỡ các thành viên của giới truyền thông, đã có hai buổi nói chuyện với công chúng và ba ngày giảng dạy.