Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Đại diện của các đệ tử người Đài Loan mang những bó hương hộ tống Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ cổng Dinh Thự của Ngài đến Tsuglagkhang sáng nay. Đứng trước Pháp toà trước khi an toạ, Ngài lướt nhìn qua những khuôn mặt của khán giả khi Ngài vẫy tay chào mừng họ.
Như đã trở thành thông lệ, Chư Tăng Thái Lan tụng kinh Mangala bằng tiếng Pali. Tiếp theo, các đệ tử người Đài Loan đã tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Hoa và kết thúc với một bài Kệ bổ sung:
Nguyện tiêu tam chướng (tham, sân, si) trừ phiền não;
Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu;
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ;
Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tụng bài Kệ Xưng Tán Trí Tuệ Ba La Mật:
Xin kính lễ Trí tuệ Ba La Mật, Mẹ của tất cả chư Phật trong ba đời,
Vượt lên trên ngôn từ, không thể nghĩ bàn, không thể diễn tả,
Không bị tạo ra và không bị cản trở, trong bản thể của hư không,
Lĩnh vực khách quan của trí tuệ tự chứng.
Tatyatha - gateh, gateh, paragateh, parasamgI
Tiếp theo sau đó là những bài Kệ thông thường kính lễ Đức Phật, trước khi nói chuyện với Đại chúng.
“Khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian cách đây 2600 năm, Ngài đã khéo léo, từ bi, thông minh và đầy trí tuệ. Sau thời của Ngài đã xuất hiện hàng loạt các bậc thầy Ấn Độ nổi tiếng, Ngài Long Thọ và những người đệ tử của Ngài, cũng như Ngài Vô Trước và các đệ tử của Ngài, trong số đó là những nhà lý luận học vĩ đại như Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng. Họ duy trì giáo lý của Đức Phật bằng cách lắng nghe gíao pháp, suy ngẫm về Pháp và thiền định về những điều mà họ đã am hiểu. Đây là cách mà giáo pháp được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Từ Ấn Độ, giáo lý của Đức Phật lan truyền như truyền thống Pali đến Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện và vv, và như truyền thống tiếng Phạn sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, cũng như Tây Tạng. Ngài Long Thọ là nổi tiếng trong số những người theo truyền thống tiếng Phạn. Đọc các tác phẩm của Ngài và của các đệ tử của Ngài, chúng ta có thể cảm kích được họ vĩ đại như thế nào. “Trong kỳ chuyển Pháp Luân lần đầu tiên, Đức Phật đã giải thích về Tứ Diệu Đế và 16 đặc tính của nó. Đối với những Vị nào muốn hiểu rõ hơn về những giáo lý này, đặc biệt là về Diệt Đế và Đạo Đế, Ngài đã ban truyền Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật trên đỉnh núi Linh Thứu, bên ngoài Rajgriha.
“Bài Kệ mà quý vị đã tụng sau “Bát Nhã Tâm Kinh” là về sự phát triển trí tuệ. Các dòng nói về “khắc phục chướng duyên” đã chỉ ra rằng bạn cần phải biết vô minh là gì và những yếu tố nào đối trị được nó. Dòng cuối cùng nói về tham gia vào việc thực hành của chư Bồ Tát ngụ ý rằng để trí tuệ có hiệu quả, bạn cần phải có một trái tim nhân hậu.
“Trong “Bát Nhã Tâm Kinh” Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã nói rằng các tập hợp uẩn thuộc tâm - vật lý là “không”, như là một phần của tánh không bốn lần - “Sắc tức là Không; Không tức là Sắc; Sắc chẳng khác Không; Không chẳng khác Sắc”. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ về Sắc là một thứ gì đó rắn chắc, bền bỉ và tồn tại một cách cố hữu, nhưng nếu nó tồn tại theo cách mà nó xuất hiện, thì nó sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tìm kiếm nó. Mô tả của Đức Quán Thế Âm cũng cho thấy rằng sắc và tánh không của nó có cùng một bản chất. Sau đó, Ngài nói thêm rằng, các uẩn còn lại - ‘thọ, tưởng, hành, thức’ cũng đều là không”.
Về việc “sắc tức là không”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trích dẫn hai bài Kệ trong chương 24 của “Trí Tuệ Cơ Bản Trung Quán Luận” của Ngài Long Thọ;
Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp nhân duyên,
Thì chính nó cũng là Trung đạo.
Vì chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.
Ngài giải thích rằng, những điều đề cập đến “tánh Không” không có nghĩa là chẳng có gì cả, mà là mọi vật không có sự tồn tại độc lập. Chúng không tồn tại trong và của chính chúng. Mọi thứ không rắn chắc và bền bỉ theo cách chúng xuất hiện, chúng tồn tại phụ thuộc vào các yếu tố khác. Tánh Không có nghĩa là duyên khởi; thiếu sự tồn tại độc lập. Ngài đã đề cập đến các hình thức lý luận chính được sử dụng để thiết lập vô ngã - kim cương năng đoạn, sự đúc lại bốn loại tạo tác cực đoan và lý luận thiết lập sự thiếu vắng của việc trở nên hoặc là “một”, hoặc là “nhiều”. Tuy nhiên, duyên khởi được coi là vua của lý luận vì nó nhìn vào tánh Không từ quan điểm của nguyên nhân, bản chất và kết quả.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát chương 26 của 'Trí Tuệ Cơ Bản' liên quan đến mười hai liên kết của nhân duyên - bắt đầu với vô minh, bởi vì “vô minh” cho nên chúng ta bị quanh quẩn trong cõi sinh tử luân hồi, và sự tiếp tục của nghiệp báo, “danh” và “sắc”, và kết thúc với “lão” và “tử” . Để đảo ngược hoặc vượt qua quá trình này, chúng ta phải khắc phục vô minh. Ngài nói thêm rằng, chương 18 đề cập đến “vô ngã”, trong khi ở chương 24 Ngài Long Thọ đã tuyên bố những phản đối của các nhà Thực tế Phật giáo, những người khẳng định rằng, nếu mọi thứ thiếu sự tồn tại cố hữu, thì không có gì tồn tại cả. Ngài trả lời rằng họ không hiểu ý nghĩa và mục đích của tánh Không.
Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật nói rằng, mọi thứ chỉ có sự tồn tại một cách định danh; chúng tồn tại dưới dạng “tên goi” và “nhãn hiệu”. Ngài trích dẫn một bài Kệ trong '400 Bài Kệ’ của Ngài Thánh Thiên khẳng định rằng, vô minh - ám chỉ đến quan niệm sai lầm của chúng ta về thực tại - thấm vào tâm phiền não của chúng ta.
Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện diện, khiến não phiền
Khéo chế ngự hỗn loạn này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh bình yên.
Sự khắc phục vô minh đòi hỏi phải cố gắng để hiểu lý Duyên khởi. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã so sánh cái nhìn phóng đại của chúng ta về thực tại với những gì mà bác sĩ tâm thần người Mỹ Aaron Beck đã nói với Ngài rằng, ông đã quan sát thấy ở những người bị phiền não do tức giận. Họ có xu hướng nhìn thấy người hoặc tình huống mà họ đang tức giận với ánh sáng hoàn toàn tiêu cực, nhưng 90% quan điểm này là do sự phóng chiếu của tâm thức chúng ta.
Trong phần câu hỏi và trả lời ngắn gọn, Ngài đã nói về giá trị của việc cố gắng trau dồi Bồ Đề Tâm ngay cả khi bạn sống một cuộc sống bận rộn. Ngài chỉ ra rằng sự thực hành của tánh Không tập trung vào sự giác ngộ, trong khi thực hành Bồ Đề tâm tập trung vào chúng sinh. Ngài giải thích giá trị của việc duy trì thực hành Sáu thời Du Già liên quan đến việc tịnh hoá các cam kết đã bị phá vỡ. Ngài tán thán nguyện vọng của các Đệ tử Đài Loan đối với việc nghiên cứu các bản văn Phật giáo cổ điển và khuyên họ hãy đọc những bản văn này bằng tiếng Hoa - ngôn ngữ riêng của họ.
Việc bắt đầu 'Nhập Trung Quán Luận’ của ngài Nguyệt Xứng, Ngài đã tuyên bố ý định của mình là sẽ ban truyền toàn bộ nội dung trong thời gian có sẵn. Ngài nói thêm rằng, mặc dù năm ngoái Ngài đã giảng đến chương sáu, nhưng vì sự hiện diện của một Vị Lạt ma người Bhutan trẻ tuổi, Jangtrul Rinpoche, người chưa từng được nghe bản văn này trước đây, cho nên Ngài dự định bắt đầu lại từ đầu. Ngài nói rằng Ngài nhận được sự ban truyền sự giải thích của cuốn sách này từ Ngài Ling Rinpoche.
Bắt đầu với tựa đề bằng tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng, Ngài đọc đều đặn qua những bài Kệ, thỉnh thoảng dừng lại ở đây đó để đưa ra những lời nhận xét rõ ràng. Trước khi kết thúc phần này, Ngài khuyên nên kiểm tra và phân tích tốt các quan điểm triết học được mô tả trong bản văn. Ngài đề xuất rằng nên có một cái nhìn rộng hơn về các quan điểm khác nhau để mang lại một sự hiểu biết sâu rộng hơn và vững chắc hơn.
Bài Kệ 119 của chương sáu - nơi Ngài đã dừng lại trong phần thuyết giảng ngày nay:
Tham luyến với niềm tin của chính mình,
Không thích quan điểm của người khác: tất cả điều này là tư tưởng.
Một khi tham luyến và không thích được xua tan
Bằng lý luận và phân tích, chúng ta sẽ nhanh chóng được giải thoát.
Sau khi rời Chánh Điện và đi theo hành lang dọc theo nó khá nhanh, Ngài dừng lại ở dưới cùng của cầu thang Chánh Điện để đáp lại các thành viên của công chúng với tay đến Ngài. Ngài bắt tay, vỗ đầu, trao đổi vài lời ở đó đây, cũng như ban phước gia trì cho những xâu chuỗi được đưa chuyền đến Ngài, trước khi lên xe trở về Dinh thự của Ngài. Sự thuyết giảng sẽ tiếp tục vào ngày mai.