Bambolim, Goa, Ấn Độ - Sau khi trở về từ Ladakh hôm thứ Bảy tuần trước, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trải qua hai ngày ở Delhi; trong thời gian này đã có rất nhiều người đến diện kiến Ngài. Trong số đó có các thành viên của Chương trình Giao lưu Thái Lan-Tây Tạng.
Ngài nói với họ: “Tôi rất vui vì chúng ta đang tạo ra một khởi đầu mới để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa truyền thống Thái Lan và Tây Tạng. Vào những năm 1960, chúng tôi đã gửi bốn Tăng Sĩ đến Bangkok; và họ đã học tiếng Thái và vân vân, nhưng sự kết nối đã hết.
“Đức Phật đã dạy rằng, chúng ta chịu trách nhiệm về những hành động của chính mình. Vào lúc bắt đầu, Đức Phật cũng là một chúng sinh bình thường như chúng ta, nhưng nhờ kết quả của sự tu tập tinh tấn nỗ lực mạnh mẽ trong một thời gian rất dài, cuối cùng Ngài đã đạt được sự chứng ngộ tại Bồ Đề Đạo Tràng. Ngài dạy rằng tất cả chúng ta đều có Phật Tánh; và nhấn mạnh rằng không phải chỉ có cầu nguyện mà còn phải rèn luyện tâm thức nữa!
“Khi Giáo Pháp của Đức Phật được truyền vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8 bởi Thiện Hải Tịch Hộ, Ngài đã thiết lập sự thực hành của Giới Luật - nền tảng của Phật pháp - bằng cách thế phát xuất gia cho bảy vị Tăng đầu tiên. Cho đến ngày nay, chúng tôi cũng đã duy trì sự thực hành Giới Luật giống như các truyền thống Phật giáo khác.”
Các đại diện từ phía Thái Lan thưa với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, họ đang đề nghị tổ chức một cuộc hội nghị hai ngày tại Bồ Đề Đạo Tràng vào tháng 2 năm 2019 về “Phật giáo Hội nhập”. Mục tiêu sẽ là để khám phá về trí tuệ và tư vấn của Phật giáo như thế nào để có thể dễ dàng tiếp cận hơn với công chúng trong thế kỷ 21. Ngài đã đưa ra sự khuyến khích và ủng hộ của mình về điều đó.
Trong một cuộc trò chuyện riêng với người đoạt giải Nobel Hòa bình - Kailash Satyarthi - Ngài đã nói về cách Ngài cam kết cố gắng làm hồi sinh lại kiến thức Ấn Độ cổ đại vào thời kỳ Ấn Độ đương đại.
“Chỉ có Ấn Độ mới có thể kết hợp được nền giáo dục hiện đại và một động lực cho sự phát triển vật chất với kiến thức hiểu biết về các hoạt động của tâm thức và phương pháp để xử lý những cảm xúc tiêu cực. Tôi cảm thấy có nhu cầu cần phải làm sống lại kiến thức Ấn Độ cổ đại vào ngày nay. Kiến thức như vậy có thể đóng góp đáng kể cho một nền hoà bình rộng lớn hơn.”
Satyarthi nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, ông tin rằng sự giận dữ - theo nghĩa của sự phẫn nộ chính đáng về sự bất công - có thể là một nguồn năng lượng tích cực. Ngài trả lời rằng, sự tức giận thực sự có thể tạo ra năng lượng, nhưng nó có xu hướng mù quáng và thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, Ngài đã thừa nhận rằng có một thứ năng lượng - đó chính là lòng từ bi mãnh liệt.
Trong bối cảnh đề xuất kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý rằng, Ấn Độ nên dẫn đầu trong việc thể hiện tinh thần ahimsa - bất bạo động - với thế giới. Ngài nhận xét rằng, vào thời điểm cuộc đấu tranh tự do, đã có những người bác bỏ sự bất bạo động vì cho rằng đó như là một dấu hiệu của sự yếu đuối, nhưng - trong khi ngày nay - ngày càng có nhiều người đánh giá cao rằng, nó thực sự là dấu hiệu của sức mạnh. Ngài đã làm sáng tỏ rằng, yếu tố động cơ nên là karuna hoặc từ bi, trong khi hành động và hành vi cũng nên được bắt nguồn từ ahimsa hoặc bất bạo lực.
Satyarthi nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng ông quan tâm đến cách làm thế nào để có thể biến karuna thành một phong trào xã hội.
Ngài trả lời: “Nếu bạn có một sự hiểu biết thực tế về tình hình và có một cái nhìn thoáng rộng hơn về nó, thì bạn có thể mong đợi một kết quả tích cực, vấn đề rắc rối chỉ sẽ phát sinh khi bạn thực hiện một sự đánh giá về tình hình bằng một tâm hẹp hòi và thiếu thực tế."
Sáng nay, Ngài rời Delhi để đến Goa, nơi mà Ngài sẽ nói chuyện vào ngày mai tại Viện Quản lý Goa như là một phần của lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Viện. Ngài đã được đón tại sân bay Dabolim bởi Giám đốc Viện - Ajit Parulekar và Chủ tịch Hội đồng quản trị - Ashok Chandra và một MLA địa phương. Từ sân bay, Ngài đi xe đến khách sạn của mình để nghỉ ngơi.