Bambolim, Goa, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi khách sạn của mình ở bên bờ biển để đi xe 35km về nội địa đến Viện Quản lý Goa (GIM) ở Sanquelim. Viện - một trong những trường kinh doanh hàng đầu trong cả nước có 672 sinh viên toàn thời gian và 90 sinh viên bán thời gian, 42% trong số đó là phụ nữ và đang kỷ niệm 25 năm thành lập.
Bầu trời nặng nề với những đám mây gió mùa, những cánh đồng và cây cối xanh tươi, nhưng những con đường rất trống trải là nhờ việc quản lý giao thông của cảnh sát có hiệu quả. Ngài được cung đón bởi Giám đốc của Viện - Ajit Parulekar và Chủ tịch Hội đồng quản trị - Ashok Chandra, người đã hộ tống Ngài đi ngang qua hội trường để đến khán đài. Khi Ngài bước ra, tiếng hoan hô, cổ vũ nồng nhiệt đã vang lên. Theo phong tục, Ngài tham gia thắp sáng ngọn đèn khai mạc.
Chủ tịch Ashok Chandra, thay mặt Viện đã nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng thật là một niềm tự hào lớn lao rằng Ngài đã tôn vinh họ bằng cách chấp nhận lời mời của họ. Ông cũng hoan nghênh Cha Romuald d’Souza, người đã thành lập Viện 25 năm trước, lưu ý rằng nếu không có sự hỗ trợ của người sáng lập thì sẽ không có GIM ngày hôm nay. Ông ấy nói ông ấy thích tin rằng GIM là đặc biệt bởi vì - giống như một con người - nó tự hỏi, tôi là ai? giá trị của tôi là gì? Đạo đức và giá trị của con người rất quan trọng đối với GIM, Viện cố gắng sống với đạo đức và giá trị nhân văn và khắc sâu những phẩm chất này vào tâm khảm của học trò của Viện.
Giám đốc Ajit Parulekar đã nhiệt tình nói về mối quan hệ hợp tác mới giữa GIM và Trung tâm Đạt Lai Lạt Ma dành cho Đạo đức và Giá trị Chuyển hoá (DLC) tại MIT, nhằm tăng cường việc học đạo đức trong học viện. Ông nói rằng Thượng toạ Tenzin Priyadarshi của DLC đã rất lấy làm tiếc vì không thể tham dự được buổi lễ của ngày hôm nay. Sự hợp tác này nhằm mục đích đặt ra các tiêu chuẩn mới cho vấn đề đào tạo về đạo đức và sự đồng cảm, để họ thấm nhuần mọi khía cạnh của xã hội dân sự. Trong một thế giới không ổn định và dễ bay hơi, điều này sẽ đòi hỏi sự xuất hiện của lãnh đạo có trách nhiệm, mà GIM có thể đóng góp hiệu quả. Giám đốc cũng đề cập rằng GIM sẽ giám sát việc giới thiệu vào các trường học ở Goan về chương trình Sư Phạm Chuyển Hoá của DLC, có đạo đức, học tập tình cảm và tạo ra ý nghĩa như các thành phần cốt lõi.
Cha Romuald d’Souza nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng GIM đã bao gồm đạo đức trong các khóa học kinh doanh ngay từ đầu, chọn lấy cách tiếp cận hợp lý. Ông nói thêm rằng, bằng cách khuyến khích lòng bi mẫn, sự tha thứ và tình thương từ ái - Viện đã nhắm đến mục đích “giáo dục trái tim và khối óc”.
Ngay khi bắt đầu buổi nói chuyện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi Cha d’Souza về số tuổi của Cha và Ngài đã rất ấn tượng khi nghe Cha đã 93 tuổi. Ngài thừa nhận rằng Ngài trẻ hơn 10 tuổi, và Ngài thừa nhận điều này trong phần giới thiệu của mình:
"Anh trai kính mến! và các anh chị em thân thương khác! Tôi rất vui khi được đến đây để chia sẻ một số suy nghĩ của mình với quý vị!”
Lấy sự gợi ý từ khẩu hiệu trên bức tường của hội trường, “Việc học không bao giờ dừng lại ở GIM”, Ngài đề cập đến một học giả Tây Tạng, người nổi tiếng khuyên rằng ngay cả khi bạn sẽ chết vào ngày mai, nó cũng xứng đáng để học hỏi và học một điều gì đó ngày hôm nay; vì sự tác động tích cực mà nó có thể có trong tâm trí của bạn.
Ngài tiếp tục: “Chúng ta có thể ý thức được về mức độ của cảm giác, nhưng việc học tập thì diễn ra ở mức độ tinh thần. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải chú ý đến ý thức tinh thần của chúng ta. Chúng ta cần phải kiểm tra ý thức của mình ở một mức độ sâu hơn trong trạng thái thức tỉnh của mình, chúng ta bị chi phối là bởi vì sự kinh nghiệm thuộc về giác quan. Ý thức sẽ trở nên vi tế khi chúng ta nằm mơ và không có sự xao lãng do cảm giác bên ngoài. Trong giấc ngủ sâu nó thậm chí còn vi tế hơn, nhưng ý thức vi tế nhất được hiển lộ tại thời điểm chết. Thật vậy, có một số người có khả năng tiếp cận mức độ ý thức này và cơ thể của họ vẫn còn tươi trong một thời gian sau khi cái chết lâm sàng đã xảy ra. Các nhà khoa học đang điều tra hiện tượng này để hiểu được những gì đang xảy ra.
“Trên mức độ cảm giác, ý thức có liên quan đến yếu tố làm hài lòng dễ chịu như âm thanh, mùi hương, hương vị, và mọi khía cạnh của xúc chạm, bao gồm cả tình dục. Nhưng sự tức giận và lòng nhân ái không phải là sự trải nghiệm cảm giác. Chúng diễn ra ở cấp độ của tâm thức. Giáo dục hiện đại có xu hướng chú ý nhiều hơn đến mục tiêu vật chất và sự trải nghiệm giác quan. Mặc dù tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tình yêu, sự khoan dung và vân vân, nhưng ở Ấn Độ, những thực hành lâu đời để phát triển một tâm thức định tĩnh (shamatha) và trí tuệ phân tích (vipashyana) đã dẫn đến sự hiểu biết thấu đáo về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
“Thế giới ngày nay đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tình cảm, thế nên kiến thức đó không những chỉ có liên quan, mà nó còn rất có giá trị nữa! Các nhà khoa học cho chúng ta biết họ có bằng chứng rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Điều này được sinh ra bởi kinh nghiệm chung của chúng ta về sự chăm sóc và tình cảm của mẹ chúng ta trong thời thơ ấu của mình, không có tình yêu thương và sự săn sóc đó của Mẹ thì chúng ta sẽ không thể sống sót. Các nhà khoa học cũng đã quan sát thấy rằng sự giận dữ, sợ hãi và nghi ngờ liên tục sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của chúng ta, trong khi một thái độ từ bi sẽ duy trì được nó.
“Chúng ta là những động vật xã hội. Lòng vị tha sẽ thu hút được bạn bè và mang mọi người đến với nhau; sự giận dữ sẽ khiến họ trở nên tách biệt xa rời nhau.
“Cho đến khoảng 200 năm trước, giáo dục là phạm vi hoạt động của các tổ chức tôn giáo, có trách nhiệm truyền đạt cảm giác về các nguyên tắc đạo đức cho những người tín đồ của họ. Vì các cơ sở giáo dục và tôn giáo đã tách rời sự đồng hành cùng nhau cho nên trách nhiệm này đã hết hiệu lực. Tất cả chúng ta đều cần các nguyên tắc đạo đức cho sự an lạc nội tâm của chính chúng ta, vì vậy các nguyên tắc đạo đức ấy phải là một phần trong nền giáo dục của chúng ta. Tôi tin rằng chỉ có ở Ấn Độ giáo dục hiện đại mới có thể được kết hợp với kiến thức Ấn Độ cổ đại về tâm thức và cảm xúc.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng, mặc dù những kiến thức như vậy được phát triển ở Ấn Độ, nhưng trải qua thời gian, sự quan tâm đến nó đã bị giảm thiểu đi. Tuy nhiên, trong việc duy trì truyền thống Nalanda, người Tây Tạng đã gìn giữ cho nó trở nên sống động và mang nó trở về với vùng đất đã sản sinh ra nó. Ngài gợi ý rằng, làm sống lại kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về tâm thức và cảm xúc, lý luận và logic ở Ấn Độ, là một sự đóng góp mà người Tây Tạng có thể thực hiện được. Ngài nói rằng trong các trường Đại học Phật Giáo đã được tái lập, chủ yếu ở Karnataka, có 10.000 Tăng sĩ và Sư cô được đào tạo và trang bị kiến thức để giảng dạy. Nhiều người trong số họ ngày nay - ngoài tiếng Tây Tạng ra - còn có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Kannada.
Ngài nói về việc khuyến khích người Ấn Độ định cư ở nước ngoài nên mời những người khác chia sẻ trong dịp các lễ hội như Diwali và thảo luận về những truyền thống lâu đời của Ấn Độ như ahimsa hay bất bạo lực. Ngài cũng cho rằng, là một quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới, Ấn Độ nên cho thế giới biết rằng các truyền thống tôn giáo có thể sống chung với nhau trong sự hòa hợp.
“Chúng ta có thể đạt được sự an lạc trong tâm hồn nếu chúng ta giải quyết được những cảm xúc tiêu cực của mình, vì vậy mục tiêu làm cho thế kỷ 21 trở thành một kỷ nguyên hòa bình và từ bi là khả thi. Nó sẽ liên quan đến việc tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề trong đối thoại, chứ không phải sử dụng vũ lực. Do đó, phi quân sự trở thành một mục tiêu khác, cũng như việc loại bỏ kế hoạch vũ khí hạt nhân. Nhưng đối với bất kỳ mục tiêu nào trong số những mục tiêu này - để được hoàn thành - chúng phải được thành lập trước hết về ý nghĩa giải trừ (những phiền não) nội tâm.”
Ngài đã mời các câu hỏi từ khán giả và người hỏi đầu tiên muốn biết cách áp dụng tri thức Ấn Độ cổ đại vào cuộc sống hàng ngày. Ngài khuyên cô rằng, điều đó sẽ liên quan đến việc nghiên cứu tâm thức và cảm xúc một cách logic hợp lý. Ngài đã đề cập đến một vài thành phố của Mỹ, một thành phố đã tuyên bố chính nó là một thành phố của lòng từ bi; và thành phố kia đã định nghĩa lại chính nó như là một thành phố của lòng tử tế. Vì sự tập trung vào lòng tử tế và lòng từ bi cũng như các chương trình liên kết với những đức tính ấy - học sinh ở cả hai thành phố ấy đã trở nên ít bạo lực và sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Khi được hỏi làm thế nào để tìm thấy được sự an lạc nội tâm, Ngài đã đề nghị nên xem xét một cách tổng thể hơn về các vấn đề mà bạn đang phải đối mặt. Nếu bạn nhìn chúng chỉ từ một góc, chúng có thể có vẻ áp đảo, trong khi nếu từ góc nhìn rộng hơn thì chúng có vẻ dễ quản lý nó hơn. Ngài trích dẫn lời của bậc Luận Sư Ấn Độ ở thế kỷ thứ 8 - Ngài Tịch Thiên - người đã tư vấn phân tích một tình huống đầy thử thách để khám phá xem liệu có thể vượt qua được hay không. Nếu có thể, thì không cần phải lo lắng. Thay vào đó bạn nên hành động. Nếu nó không thể vượt qua, thì cho dù có lo lắng về nó cũng sẽ chẳng giúp ích được gì.
Ngài được mời để nói về lúc mà Ngài cảm thấy sợ hãi; và Ngài đã nhắc đến đêm 17 tháng 3 năm 1959, khi Ngài trốn khỏi Lhasa. Nỗ lực của Ngài để hòa giải với các lực lượng cộng sản Trung Quốc đã bị phá vỡ và dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời đi. Nhưng điều đó liên quan đến việc đi qua trại quân đội Trung Quốc trong bóng tối và băng qua một con sông lớn. Ngài sợ hãi vì Ngài không biết liệu mình có còn được nhìn thấy bình minh của ngày hôm sau hay không. Khi vượt qua được chặng đầu tiên, nỗi sợ của Ngài bắt đầu giảm dần.
“Cộng sản Trung Quốc làm việc trên cơ sở sức mạnh đến từ nòng súng, từ lực lượng quân sự. Nhưng sức mạnh của người Tây Tạng thì nằm ở sự thật. Sức mạnh của khẩu súng chỉ có thể quyết định tạm thời, nhưng về lâu dài thì sức mạnh của sự thật sẽ bền bỉ và dài lâu hơn.” Khán giả đã vỗ tay hoan nghênh một cách nồng nhiệt.
“Chúng tôi nêu vấn đề về Tây Tạng tại Liên Hợp Quốc nhưng nó có ảnh hưởng rất ít. Nehru nói với tôi rằng, Hoa Kỳ sẽ không chiến tranh với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng; và sớm hay muộn gì chúng tôi cũng sẽ phải đàm phán với người Trung Quốc. Từ năm 1974, chúng tôi đã không tìm kiếm sự độc lập. Điều này không ảnh hưởng đến quá khứ. Các tài liệu lịch sử Trung Quốc cho thấy trong thế kỷ thứ 7, 8 và 9, các đế chế Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng đã phát triển mạnh mẽ. Ngày nay, tôi rất ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu, các thành viên của họ đã đặt lợi ích chung lên trên chủ quyền quốc gia. Trong tinh thần như vậy, nếu chúng tôi được đảm bảo về các quyền được ban cho chúng tôi theo hiến pháp Trung Quốc, thì có thể có lợi nếu như chúng tôi duy trì việc ở lại với Cộng hoà Nhân dân Trung hoa.”
Để chống lại khả năng đưa ra quyết định sai lầm dưới ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực, Ngài lại một lần nữa khen ngợi về cái nhìn tổng thể hơn đối với tình hình. Ngài nhận xét rằng Ngài hiểu rằng Mahatma Gandhi đã được chuẩn bị để cho Jinnah trở thành Thủ tướng Ấn Độ độc lập, nhưng Nehru đã phản đối ông vì tham vọng của chính ông. Ông nói thêm rằng Nehru là người khôn ngoan theo nhiều cách, ngnhưng đôi khi những sai lầm đã xảy ra. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, điều quan trọng là trách nhiệm đưa ra quyết định là trên đôi vai của chính bạn. Bạn nên đưa ra quyết định của mình sau khi đã cân nhắc cẩn thận, sau đó chọn lấy nó và thực hiện theo.
Ngài giải thích rằng những cảm xúc tiêu cực nảy sinh từ sự thiếu hiểu biết, đặc biệt là việc hiểu lầm về mọi thứ xuất hiện như thế nào đối với thực tế. Mặc dù chúng xuất hiện như có sự tồn tại độc lập hoặc tồn tại cố hữu; khi chúng ta hiểu rằng các pháp hiện tượng duyên khởi trong sự phụ thuộc vào các yếu tố khác, thì xu hướng của chúng ta dành cho cảm xúc tiêu cực sẽ trở nên mỏng hơn.
Một người hỏi cuối cùng đã hỏi rằng, Ngài đã nghĩ gì khi được công nhận là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài nói rằng, mẹ của Ngài đã nói với Ngài rằng, vào cái ngày mà một Đội tìm kiếm từ phía Chính phủ Tây Tạng đến nhà Ngài, Ngài đặc biệt vui mừng. Ngài chạy về phía họ và nhận ra vài người trong số họ - có lẽ là kết quả của một số ký ức trước đó.
Đối với tương lai của thể chế Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đã làm cho nó rõ ràng từ năm 1969 rằng, việc có hay không có một Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 sẽ do người dân Tây Tạng quyết định.
“Trách nhiệm của tôi bây giờ là thấy rằng cuộc sống hàng ngày của tôi rất có ý nghĩa. Tôi được hướng dẫn bởi lời cầu nguyện sau đây:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
“Tôi quyết tâm thực hiện theo điều đó. Một cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt. Là con người, tất cả các bạn đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Nếu bạn tìm thấy bất kỳ điều gì tôi nói có lợi ích, thì hãy chia sẻ với bạn bè của mình - đó là cách mà các ý tưởng được lan truyền. Nếu những gì tôi nói là có lợi ích rất ít thì xin vui lòng quên nó đi. Xin cảm ơn quý vị.”
Hội trường một lần nữa đã tràn ngập tiếng vỗ tay hoan nghênh thật dài và ấm áp.
Giám đốc cảm ơn tất cả những người đã góp phần làm cho sự kiện này được thành công viên mãn. Sau đó, Ngài dùng cơm trưa cùng với những vị khách mời, và sau đó trở về khách sạn của mình. Ngày mai Ngài sẽ đến Bengaluru.