Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến sân Tsuglagkhang - Chùa Chính Tây Tạng, sáng nay, Ngài đã dừng lại chỗ này chỗ kia để trực tiếp đáp lại lời chào của mọi người. Sau khi an tọa trên Pháp tòa, Ngài bắt đầu các nghi thức chuẩn bị cho Lễ gia trì Đức Bạch Văn Thù mà Ngài sẽ truyền. Các thành viên của nhóm Nghiên Cứu Phật học Dharamsala, trong đó có một số nam nữ Cư Sĩ lão thành, đã tụng thuộc lòng một cách hùng hồn 'Bản tóm tắt các Phương thức Hiểu biết’ của Ngài Akya Yongzin. Tiếp sau đó, các học sinh từ trường Sherab Gatsel Lobling - trường Chuyển tiếp Tây Tạng, đã thực hiện cuộc tranh luận tập trung vào đề tài sự chuyển hóa của nghiệp và những định nghĩa về hành động thiện lành hay bất thiện. Họ vừa mới bắt đầu đặt câu hỏi về việc tự thiêu có thể được xem như thế nào (thiện hay bất thiện - nếu như họ hy sinh vì sự nghiệp tự do cho Tây tạng) - vừa đến đây thì cuộc tranh biện của họ phải kết thúc vì đã đến giờ thuyết Pháp.
Ngay lập tức, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lên tiếng: “Hôm qua cuốn sách chúng ta đang đọc đã chạm đúng vào điểm này, rằng nếu nó được thúc đẩy bởi lòng bi mẫn và vì lợi ích của người khác, thì Đức Phật đã cho phép được thực hiện những hành động mà lẽ ra nó bị nghiêm cấm. Vì vậy, tôi không biết liệu chúng ta có thể nói rằng việc tự thiêu là một hành động thiện lành hay không.
“Chúng ta sẽ tiếp tục đọc ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’. Không ai trong chúng ta muốn đau khổ cả, tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc và như bản Kinh đã nói:
Mặc dù muốn thoát khỏi khổ đau,
(Chúng sinh) cứ chạy theo sau khổ.
Mặc dù muốn có được hạnh phúc,
Do vô minh, họ hủy hoại hạnh phúc như kẻ thù.
“Sự trải nghiệm về đớn đau và hạnh phúc của chúng ta được cảm nhận trên hai lĩnh vực: tinh thần và thể chất, nhưng sự ảnh hưởng của lĩnh vực tinh thần sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Có một lần tôi đang hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng thì bị bệnh về đường ruột. Trên đường tìm cách điều trị ở Patna, tôi thấy những trẻ em nghèo khổ bên lề đường; và ở một nơi, tôi thấy một ông lão già nua với mái tóc bện cục lại rối bùi, nằm một mình lẻ loi trên giường mà không ai chăm sóc. Tình trạng của ông lão khiến cho tôi lo lắng đến nỗi cảm giác đau đớn của chính tôi đã giảm bớt.
“Ở những nơi khác, tôi đã nhận thấy rằng, cho dù cơ sở vật chất có thể tiến bộ đến mức nào chăng nữa, mọi người vẫn không cảm thấy hài lòng. Truyền thống Ấn Độ cổ đại, bao gồm cả Phật giáo, đã quan sát thấy rằng, chính những cảm xúc phiền não đã khuấy động sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta. Đó là lý do tại sao những cảm xúc phiền não được coi là nguy hại, nhưng vẫn có những phương pháp có thể được phát triển để xử lý những phiền não ấy. Điều mà Ngài Tịch Thiên đã làm rõ là -cho dù chúng ta ước mong được hạnh phúc - nhưng dưới sự thống trị của phiền não - mọi người cứ mãi chạy theo đau khổ.
“Trong việc giải quyết những cảm xúc phiền não, chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh và khả năng giao tiếp thông qua ngôn ngữ của mình.
“Gốc rễ của sự đau khổ chính là sự bị điều khiển bởi thái độ ái trọng tự thân và bám vào nhận thức sai lầm của chúng ta về sự tồn tại của một cái ngã độc lập. Những điều này sẽ tiếp tục tạo ra sự rắc rối nếu chúng ta vẫn còn duy trì thái độ xem trọng chính mình. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải nhận ra những sai lầm của sự ái trọng tự thân và những lợi thế của sự quan tâm dành cho người khác. Ngay từ khoảnh khắc đầu đời của mình, chúng ta đã được những người mẹ của mình sinh ra và nuôi dưỡng trong sự quan tâm chăm sóc của họ. Khi chúng ta lớn lên, bị giam hãm bởi chính mình đã khiến cho chúng ta khó chịu. Chúng ta sẽ thấy hạnh phúc hơn nhiều nếu được bầu bạn cùng những người khác, đó là lý do tại sao tất cả các truyền thống tôn giáo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu thường và lòng từ bi.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đọc từ giữa Chương Tám của “Nhập Bồ Tát Hạnh”. Sau khi chú ý đến sự đề cập đến tính bình đẳng giữa mình và người khác, Ngài đã nhấn mạnh vào bài Kệ sau:
Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng mình.
Sau khi hoàn tất Chương Tám, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đọc sang Chương Chín - Trí Tuệ . Để hiểu một cách trọn vẹn về chủ để này, Ngài đề nghị nên đọc "Trí Tuệ Căn Bản Trung Đạo" của Ngài Long Thọ và những luận giải về tác phẩm này do các Ngài Nguyệt Xứng và Thanh Biện trước tác. Ngài lưu ý rằng hai bài Kệ đầu tiên đã biểu lộ chiều hướng của chương này:
Chư Hiền Triết đã đề xuất tất cả các chi phần của Giáo lý
Vì mục đích để phát sinh Trí tuệ
Thế nên những ai mong cầu lắng dịu khổ đau
Thì hãy phát triển giồi trau trí tuệ.
Nhị Đế được chấp nhận
Là Chơn Đế, Tục Đế
Chơn Đế không phải là
Đối tượng của Tâm thức
Tâm thức được nói ra
Đó chính là Tục Đế.
Ngài cũng khuyến khích rằng học sinh nên thuộc lòng hai bài Kệ từ Chương 24 và một bài từ Chương 18 của "Trí Tuệ Căn Bản":
Những gì phát sinh từ các nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp nhân duyên,
Thì chính nó là con đường Trung đạo.
Vì chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
Khi đọc qua bản Kinh văn, Ngài đã thu hút sự chú ý đến phần giới thiệu về Tứ Niệm Xứ - đó chính là sự Chánh niệm về Thân, Thọ, Tâm, Pháp; tầm quan trọng của việc nhận ra được rằng đề mục đã bị xao lãng (tâm dong ruổi lang thang, không tập trung vào đề mục thiền định) và yếu tố quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau (duyện khởi).
Khi đã đọc xong Chương Chín, Ngài chuyển sang truyền Lễ gia trì Đức Bạch Văn Thù có nguồn gốc từ bộ sưu tập Rinjung Gyatsa. Ngài giải thích rằng để hiểu được trí tuệ một cách đặc biệt đòi hỏi phải có sự phân tích; và đối với điều này thì nương tựa vào Đức Văn Thù Sư Lợi là rất hữu ích. Ngài lưu ý rằng, bên cạnh sự gia trì về trí tuệ, Đức Bạch Văn Thì còn là hiện thân của lòng từ bi. Như một phần của nghi lễ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dẫn dắt hội chúng trong nghi lễ phát Bồ Đề Tâm. Vào lúc kết thúc, Ngài yêu cầu mọi người cùng nhau đọc Chương 10 của “Nhập Bồ Tát Hạnh”, đó chính là phần “hồi hướng công đức” dài.
Về “Ngọn Đèn Quý Báu: Xưng tán Bồ đề Tâm” của Khunu Lama Rinpoche, mà Ngài đã dự định đọc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gợi ý rằng ,vì bản văn đã được soạn sẵn bằng tiếng Tây Tạng, mọi người đều có thể tự đọc nó bất cứ khi nào họ có thời gian. Ngài nhận xét rằng đó là một tác phẩm mà Khunu Lama Rinpoche đã viết, ông sáng tác mỗi ngày một bài Kệ, vào khoảng thời gian Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Tây Tạng.
Vì lo ngại rằng các nhà sư Thái Lan trong số khán giả cần phải trở về để thọ bữa ngọ trai của họ trước buổi trưa, Ngài đã chỉ thị cho thầy Xướng Lễ hạn chế phần tụng kinh kết thúc để tụng bài “Lời Chân Thật”. Sau đó Ngài rời khỏi Chánh điện, như thường lệ vui vẻ tương tác với mọi người trong đám đông lúc Ngài đi bộ về dinh thự của mình.