Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời đến Đại học Tưởng niệm Eliezer Joldan (EJM), một trường đại học cấp bằng chính phủ ở Leh. Ngài được Hiệu trưởng - Deskyong Namgyal cung đón tại cửa vào thính phòng và hộ tống đến Pháp toà của Ngài trên khán đài. Hơn 1500 sinh viên và nhân viên ngồi trên sàn trải thảm trước mặt Ngài.
Sau khi sinh viên đã hát bài hát mở đầu với vần Kệ Quy Y Tam Bảo, và tiếp tục bằng lời xưng tán Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Vị Hiệu trưởng đã chính thức trân trọng cung đón Ngài trong chuyến viếng thăm đầu tiên đến Đại Học EJM. Ông giải thích rằng trường được thành lập lần đầu tiên vào năm 1994 và cung cấp các khóa học về khoa học, nghệ thuật và thương mại. Năm 2004 chính phủ Jammu & Kashmir quyết định đặt tên trường Đại Học sau khi Eliezer Joldan - người đến từ một gia đình Cơ đốc giáo, là người tốt nghiệp được đào tạo đầu tiên để dạy ở Ladakh. Chủ tịch Otsal Wangdu đã nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, sinh viên và nhân viên của trường đã vinh dự như thế nào khi được cung đón Ngài! và ông ta đảm bảo với Ngài rằng, mối quan tâm của trường Đại Học này là kết hợp giáo dục hiện đại với kiến thức Ấn Độ cổ đại.
Với một cái gật đầu đối với các nhân viên, Ngài chào đón các anh chị em trân quý và mỉm cười với các học sinh, cúi chào họ như những anh chị em đặc biệt của mình.
“Điều quan trọng nhất để chúng ta nhớ là 7 tỷ người đang sống hôm nay đều là những con người giống như chúng ta. Về mặt tinh thần, thể chất và tình cảm tất cả chúng ta đều giống như nhau. Tôi nhấn mạnh điều này là để chống lại cách mà chúng ta thường chú ý quá nhiều đến những sự khác biệt thứ yếu về quốc tịch, đức tin tôn giáo, chủng tộc và vv. Ở đây, trong thế kỷ 21 này, chúng ta nên nỗ lực để làm cho thế giới này trở nên hạnh phúc hơn, hòa bình hơn. Nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt là do chính chúng ta gây ra; và có nguồn gốc từ sự phân biệt trong khái niệm “chúng ta” và “bọn họ”.
“Chúng ta cần phải suy nghĩ sâu sắc hơn về điều này. Tất cả chúng ta đều có cùng khát vọng được sống một cuộc sống hạnh phúc, nên bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều khuyên mọi người nên nhớ lại tính đồng nhất của nhân loại. Các nhà khoa học cho chúng ta biết là họ có bằng chứng cho thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Chúng ta là những động vật xã hội, chúng ta phụ thuộc vào những người khác, giống như Ladakh phụ thuộc vào Jammu & Kashmir và J & K phụ thuộc vào Ấn Độ, trong khi Ấn Độ phụ thuộc vào láng giềng của mình. Đây là một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận. Người Tây Tạng chúng ta thường cầu nguyện cho phúc lợi của tất cả chúng sinh, nhưng chúng ta thực sự chỉ chú ý đến góc nhỏ của mình trên thế giới. Chúng ta cần phải phát triển một thái độ thực tế hơn nữa.
“Con người có một bộ não và trí thông minh tuyệt vời cho phép chúng ta dự đoán trước và lên kế hoạch cho tương lai. Chúng ta có ngôn ngữ cho phép chúng ta giao tiếp; và chúng ta có sự giáo dục. Trong quá khứ, giáo dục là phạm vi hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Ở Ấn Độ cổ đại, sự thực hành để phát triển một tâm thức định tĩnh và sự thấu hiểu sâu sắc (shamatha và vipashyana) đã dẫn tới một sự hiểu biết thấu đáo về các hoạt động của tâm thức và cách để xử lý những cảm xúc của mình.
“Ngày nay, cũng giống như chúng ta dạy về vệ sinh thân thể để bảo vệ sức khỏe, chúng ta cũng cần một số loại vệ sinh về cảm xúc, liên quan đến việc hướng dẫn xử lý những cảm xúc tiêu cực của mình để chúng ta có được trạng thái tinh thần phù hợp thoải mái. Tuy nhiên, nếu chúng ta hỏi liệu giáo dục hiện đại là một phương tiện đầy đủ để đảm bảo rằng các cá nhân, gia đình và cộng đồng đều được hạnh phúc hay không? thì câu trả lời vẫn còn là một sự nghi ngờ. Điều cần thiết đòi hỏi là một phương pháp toàn diện hơn để cân bằng sự định hướng của giáo dục hiện đại đối với các mục tiêu vật chất bằng cách chú ý nhiều hơn đến các giá trị nội tâm.
“Vì nhu cầu cấp bách đối với việc rèn luyện tâm thức của chúng ta, tôi cam kết cố gắng làm hồi sinh lại kiến thức Ấn Độ cổ đại, không phải từ quan điểm tôn giáo mà là trong bối cảnh của nền học thuật. Tôi tin rằng người dân Ladakhis có thể đóng góp cho vấn đề này, không phải là gắn bó với truyền thống lâu đời của chúng ta, mà bởi vì cả thế giới đều cần loại giáo dục này. Bây giờ, tôi muốn nghe câu hỏi và lý lẽ của quý vị.”
Những thành viên của khán giả muốn hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thì đứng lên và một chiếc micro sẽ được chuyển đến cho họ. Trả lời cho một câu hỏi về nhu cầu học tập tình cảm - xã hội, Ngài quan sát rằng, khi chúng ta nhìn những vấn đề dưới cấp độ cá nhân, gia đình và quốc gia thì đều có liên quan đến cảm xúc. Ngài nói rằng, nếu quý vị phát triển sự an lạc nội tâm, thì có thể sẽ duy trì được sự không bị xáo trộn bởi bất cứ điều gì xảy ra.
“Khi tôi 16 tuổi, tôi đã bị mất tự do; khi tôi 24 tuổi, tôi bị mất luôn cả đất nước của mình; và sau đó hàng trăm ngàn người Tây Tạng đã bị mất đi mạng sống của họ. Qua tất cả những điều này, nhờ sự huấn luyện của tôi trong truyền thống Nalanda, tôi đã có thể giữ được sự bình an nội tâm, không phải là một sự thực hành tôn giáo, mà là một biện pháp thực tiễn.”
Khi được hỏi làm thế nào để phát triển trí tuệ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh sự cần thiết phải hoài nghi để hỏi tại sao? và làm thế nào? Kiến thức và sự hiểu biết là rất cần thiết. Cầu nguyện chỉ dựa trên đức tin là không đủ. Một sinh viên khác muốn biết làm sao có thể tu luyện thiền định trong bối cảnh cuộc sống bận rộn. Ngài nói với cô ta rằng; vào thời điểm khủng hoảng, con có thể áp dụng sự phân tích để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra. Điều này tương tự như cách kiên nhẫn - chỉ được thử nghiệm và phát triển để đáp ứng với các tình huống - mà nếu không thì sẽ khiến cho con tức giận.
Khi một cậu thanh niên quan sát thấy rằng con người là mối đe dọa cho sự tồn tại của các loài khác; và muốn có một giải pháp cho tình huống đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý rằng con người - bất chấp trí thông minh tuyệt vời của họ - cũng có thể phá hoại một cách kinh hoàng. Ngài đã so sánh điều này với hành vi của những kẻ săn mồi như sư tử và hổ. Ngài nói về sự ngạc nhiên tại sở thú Hyderabad khi xem một con hổ trong cùng với một đàn nai lớn đang vây quanh. Ngài hỏi liệu những con nai không gặp nguy hiểm sao? và được bảo rằng miễn là con hổ được cho ăn no thì không có gì khiến cho nó phải tấn công những con nai cả! Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận rằng, con người có xu hướng khai thác quá mức đối với tài nguyên thiên nhiên và các loài động vật khác. Một biện pháp để đối phó với điều đó là nên trau dồi thêm về sự tôn trọng tất cả mọi hình thức sống của tất cả các loài.
Một phụ nữ trẻ khác muốn Ngài nói với cô về cách duy trì lòng từ bi khi đối xử với một người mà đã làm cho mình tức giận. Ngài đề nghị nên kiểm tra xem cơn giận có chút giá trị nào không. Đó là một phần của tâm thức, và có thể tại một thời điểm nào đó - nó có một chức năng bảo vệ để thực hiện đối với sự tồn tại sống còn. Nhưng, khi chúng ta tức giận thì khả năng để quyết định chúng ta nên làm gì - sẽ bị che khuất.
Chúng ta sẽ hành động theo những cách và nói những điều mà sau này chúng ta sẽ cảm thấy rất hối tiếc. Các nhà khoa học cho rằng sự giận dữ, sợ hãi và hận thù liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta; trong khi duy trì trạng thái tâm từ bi, an bình sẽ hỗ trợ cho hệ miễn nhiễm. Trường hợp tức giận là một phản ứng bốc đồng, còn tâm từ bi và lòng nhân ái thì được thành lập trên lý do chính đáng. Nó cung cấp cho chúng ta sức mạnh nội tâm, sự tự tin, và quyết tâm vững chãi.
Một cuộc điều tra về trạng thái của hạnh phúc và sự thoả mãn đã cho thấy một phản ứng rằng, sự phát triển về vật chất là cần thiết, nhưng nó cần phải được cân bằng bởi sự an lạc nội tâm. Một dấu hiệu của việc thiếu sự thoả mãn mà Ngài lấy làm tiếc là tỷ lệ tự sát ngày càng gia tăng mà Ngài đã nghe được ở Ladakh. Một quốc gia Phật giáo khác là Nhật Bản - có sự phát triển rất cao, nhưng tỷ lệ tự tử cũng rất cao.
“Chúng ta cần phải hỏi hạnh phúc là gì,” Ngài quan sát. “Hạnh phúc cũng giống như lòng từ bi - đều có liên quan đến tâm thức. Do đó, một nền giáo dục toàn diện hơn nên tập trung nhiều hơn vào ý thức tinh thần; và ít hơn vào niềm vui cảm giác. Để hiểu được rằng làm thế nào để đạt được hạnh phúc, thì chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về vai trò của tâm thức và ý thức tinh thần.
“Chúng ta cũng có thể suy ngẫm - không những chỉ về việc sự tức giận, sợ hãi và nghi ngờ đã phá hủy sự an lạc nội tâm của chúng ta như thế nào, mà còn suy tư về sự an lạc trong tâm hồn đã mang đến cho chúng ta sự tự tin để hành động một cách trung thực và chân thành. Chúng ta là động vật xã hội và chúng ta cần bạn bè. Chúng ta kết bạn trên cơ sở của lòng tin; và sự tin tưởng chỉ có được khi chúng ta thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu của người khác.”
Khi được hỏi về việc thực hành thiền chỉ (thiền định tĩnh) và thiền quán (thiền phân tích), cách thực hành nào hiệu quả hơn; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng; Ngài phát hiện ra rằng thiền phân tích thì hữu ích hơn thiền định tĩnh. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được thiền phân tích một cách hiệu quả thì cần thiết phải có thiền định tĩnh để có thể tập trung tâm trí vào đối tượng mà bạn đang kiểm tra mà không bị chi phối bởi một số yếu tố thu hút cảm giác. Ngài gợi ý rằng các sinh viên nên đọc thuộc lòng “Xưng tán Đức Văn Thù” và thần chú của Ngài 21 lần, nghỉ ngơi trong thiền định yên lặng một lát trước khi tham gia vào bất kỳ thiền phân tích nào mà họ muốn theo đuổi.
Người hỏi cuối cùng muốn biết cách giữ cho cô ấy được điềm tĩnh khi bị khiêu khích.
“Cách tốt nhất vẫn luôn luôn là phản ứng mà không có sự tức giận. Chỉ cần nghĩ về nó, mất bình tĩnh và hét lên không kiểm soát được thì sẽ không giúp ích được gì cả.”
Ngài cảm ơn khán giả về những câu hỏi của họ và nói với họ rằng Ngài rất thích được nói chuyện với họ. Trước khi rời khỏi hội trường, Ngài đã chụp ảnh - trước tiên là với các giáo viên và nhân viên và sau đó là chụp ảnh với các sinh viên.
Từ Đại học EJM , Ngài đi xe về Choglamsar, nơi mà Ngài rẽ phải, băng qua cây cầu bắc ngang qua sông Indus, hướng về làng Chushot Yokma và nhà thờ Hồi giáo Imam Barga, nơi Ngài được chào đón để dùng cơm trưa. Ngài cùng tham gia với các vị chủ nhà để thực hiện thời lễ cầu nguyện ngắn trong nhà thờ Hồi giáo, sau đó mọi người cùng an toạ.
Một đại diện của cộng đồng tuyên bố: “Chúng tôi rất biết ơn Ngài đã chấp nhận lời mời dùng cơm trưa với chúng tôi tại Imam Barga - nằm ngay sau Shewatsel Phodrang nơi Ngài đang cư trú. Chúng tôi xin thay mặt cho những người Hồi giáo của Ladakh xin chân thành chào đón Ngài. Thật vinh dự khi có Ngài ở đây để hướng dẫn cho chúng tôi với những lời đầy trí tuệ của Ngài. Ngài thường xuyên nói về sự hòa bình, tình yêu thương và lòng từ bi - phẩm chất chung cho tất cả các truyền thống tôn giáo; thông điệp của Ngài có ý nghĩa rất nhiều đối với chúng tôi. Chúng tôi hy vọng sẽ lần lượt triệu tập một cuộc hội nghị của người Hồi giáo ở Delhi vào mùa đông này. Chúng tôi cầu nguyện cho Ngài được sống trường thọ!”
Ngài trả lời: “Các anh chị em thân mến! Cho dù chúng ta có thích hay không, thì con người chúng ta cũng phải sống với nhau trên hành tinh này. Ở Ladakh, cho dù quý vị có thích hay không, thì người Hồi giáo cũng phải sống với các anh chị em Phật giáo của họ, và Phật tử cũng phải sống với các anh chị em Hồi giáo của họ. Nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ngày nay đều phát sinh bởi vì chúng ta đặt quá nặng vào sự liên kết tôn giáo, sự lợi ích quốc gia nhỏ hẹp và vân vân.
“Trong số những người Hồi giáo, người Sunnis và Shias cùng cầu nguyện chung một Allah, nhưng lại tranh cãi với nhau. Phật tử thì cùng kính lễ chung một Đức Phật, nhưng lại đắm chìm trong cuộc xung đột giáo phái. Tôi thực sự rất ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu mà các thành viên đã đặt lợi ích chung lên trên những mối quan tâm quốc gia. Tôi không hiểu quyết định của Anh quốc về việc rời khỏi liên minh Châu Âu. Bây giờ là lúc để đưa ra sự cân nhắc đầu tiên về lợi ích chung của chúng ta. Tây Tạng đã từng là một quốc gia độc lập, nhưng bây giờ chúng ta và Trung Quốc có thể giúp đỡ lẫn nhau.
“Khi nói đến các vấn đề tôn giáo, sự hòa hợp giữa các tôn giáo đã được phát triển ở Ấn Độ. Là một Phật tử, tôi cố gắng thúc đẩy sự hòa hợp như thế ở bất cứ nơi nào tôi đến. Tôi tin rằng người Hồi giáo Ấn Độ có trách nhiệm với anh chị em của họ trong thế giới Ả Rập và Afghanistan, chẳng hạn như, để thúc đẩy hòa hợp tôn giáo, đặc biệt là nơi mà nó bao gồm những cuộc xung đột giữa người Sunni và Shias. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo tôn giáo Ấn Độ - nói chung - nên tích cực hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm của họ; rằng các truyền thống tôn giáo có thể sống hòa bình bên cạnh nhau trong sự ngưỡng mộ và tôn trọng.
“Tôi rất mong được nghe nhiều về kế hoạch của quý vị cho một hội nghị các nhà lãnh đạo Hồi giáo vào mùa đông này. Tôi hy vọng quý vị cũng có thể mời đại diện từ các quốc gia khác. Nhưng ngay bây giờ tôi rất mong được ăn trưa với quý vị.”
Ngài đã được cung cấp một khay thức ăn đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng mọi người khác thì phải xếp hàng ở cả hai bên của nhà thờ Hồi giáo để tự phục vụ từ một bữa tiệc buffet rất ngon và trở về chỗ ngồi của họ trên sàn nhà để ăn. Sau bữa cơm, những người chủ nhà của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiễn Ngài quay trở lại Shewatsel Phodrang…