Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Trời hôm nay lạnh hơn, bầu trời u ám và đã có mưa khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Tsuglagkhang - Chùa Tây Tạng Chính vào sáng nay để tham gia vào ngày thứ hai của cuộc thảo luận về “hiệu ứng lượng tử” với các nhà khoa học Trung quốc đến từ Đài Loan và Hoa Kỳ.
Hôm nay, người điều hành - Giáo sư Albert M Chang - đã chào mừng mọi người đến với sự kiện mà ông gọi là một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Ông đề cập rằng buổi giao lưu thật thú vị vào sáng hôm qua đã được nối tiếp theo sau vào buổi chiều bởi một cuộc thảo luận năng động và đầy cảm hứng với các Vị Tăng sĩ Tây Tạng đã được đào tạo qua lĩnh vực khoa học. Ông giới thiệu về người trình bày đầu tiên - Tiến sĩ Ting-Kuo Lee - người đã nói về siêu dẫn, một hiện tượng khó tưởng tượng trong môi trường vật lý cổ điển.
“Hôm nay, tôi rất vinh dự được chia sẻ với các bạn một hiện tượng tuyệt vời của thế giới lượng tử”, tiến sĩ Lee bắt đầu. Ông giải thích rằng độ dẫn điện là thước đo mức độ điện tích dễ dàng đi qua một kim loại. Siêu dẫn xảy ra khi không có điện trở. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi liệu điện là thuộc dạng sóng hay dạng hạt. Tiến sĩ Lee trả lời rằng nó bao gồm các hạt, nhưng cũng có thể là một sóng phụ thuộc vào góc cạnh mà từ đó bạn nhìn vào nó. Ông nói rằng, điện trở bằng không (bằng zero) của siêu dẫn là một hiệu ứng lượng tử và nó cũng có các đặc tính từ tính bao gồm sự bay lên thuộc từ tính mà bất chấp lực hấp dẫn. Ông đã thảo luận về sự chuyển động của các cặp điện tử mà ông so sánh như các vũ công khiêu vũ.
Được mời để đóng góp ý kiến của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, “Một điểm tương phản giữa thuyết trình vật lý lượng tử về thực tế và trường hợp Phật giáo, là trong truyền thống Ấn Độ cổ đại có những thứ có thể thay đổi được và có những thứ không hề bị điều chỉnh. Trong thế giới của tâm thức, kinh nghiệm chủ quan, có những khái niệm không phải là các đối tượng trong thế gian, cũng không phải là các đối tượng của sự trải nghiệm.”
Giáo sư Maw-Kuen Wu cũng thảo luận về tính siêu dẫn, đề cập đến điện trở zero được phát hiện bởi Onnes vào năm 1911 và sự di truyền hoàn hảo của hiệu ứng Meissner. Ông nhận xét rằng sự siêu dẫn là một trạng thái lượng tử lạ thường, có thể cung cấp sự truyền tải năng lượng không mất mát, với những lợi ích rõ ràng.
Nó củng cố tàu bay siêu dẫn đã được phát triển ở Nhật Bản với lợi thế về tốc độ, tiết kiệm năng lượng và tiếng ồn thấp. Siêu dẫn cũng cung cấp cơ hội chẩn đoán y tế chính xác hơn thông qua phép chụp từ và MRI. Nó cũng có các ứng dụng trong thiên văn học.
Giáo sư Albert M Chang nói về vận tải lượng tử, đề cập đến sự chồng chất tuyến tính và các hiện tượng phi tuyến nổi lên trong vận chuyển điện tử. Ông đề cập đến sự can thiệp lượng tử liên quan đến sóng cổ điển, thí nghiệm khe đôi của Young và hiệu ứng Aharonov-Bohm. Đề cập đến David Bohm và hình ảnh của ông trên màn ảnh đã khiến Thánh Đức Đạt Lai nhớ lại lòng tốt của ông; ông là một trong những người đầu tiên dạy Ngài về vật lý lượng tử. Ngài nhận xét: “Tuy nhiên, tôi không phải là một học trò giỏi. Khi ông ấy giải thích mọi thứ với tôi, tôi dường như đã hiểu, nhưng khi bài học kết thúc, tất cả đều biến mất.”
Giáo sư Chang cũng đề cập đến sự hỗn loạn, phân biệt giữa một khoang hỗn loạn đạn đạo trong hình dạng mái vòm và một khoang không hỗn loạn trong hình dạng của một vòng tròn, minh họa cho sự chồng chất tuyến tính đối với sự truyền sóng của các điện tử riêng lẻ. Ông hỏi liệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận thấy sự tương ứng giữa những ảnh hưởng của cơ học lượng tử và bất cứ điều gì trong triết học Phật giáo hay không.
Thánh Đức Đạt Lai trả lời: “Trong truyền thống Ấn Độ cổ đại, tất cả những cảm xúc phá hoại đều liên quan đến sự vô minh, lầm tưởng cho rằng sự xuất hiện bề ngoài chính là sự thật. Do đó, hai sự thật được giải thích - hai cấp độ của sự thật (chơn đế và tục đế). Có chủ nghĩa hiện thực ngây thơ mà tin rằng sự xuất hiện thông thường là có thật và chấp nhận quan điểm không nghiên cứu khảo sát ở thế gian (tục đế); và có một sự kiểm tra thực tế, mang lại trí tuệ khi đối mặt với sự ảo ảnh vô thường này (chơn đế). Vật lý lượng tử cũng có phân biệt giữa sự xuất hiện bên ngoài và sự thật.
“Ngài Long Thọ nói rằng, nếu bạn bắt buộc bất cứ điều gì để phân tích nghiêm ngặt, thì sẽ chẳng có gì có thể được tìm thấy, nhưng chúng tôi có kinh nghiệm về những điều đó. Ngài đã viết:
“Chưa từng có một pháp
Chẳng từ nhân duyên sanh
Cho nên tất cả pháp
Không phải chẳng là không
Các nhân duyên sanh pháp
Ta nói tức là không
Đó cũng là giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo”
"Kết luận là, giáo lý Duyên khởi bác bỏ cực đoan của sự chấp thường, trong khi giáo lý tánh Không bác bỏ cực đoan của sự chấp đoạn; và bạn hiểu rằng bạn không bị cuốn hút bởi một tư tưởng cực đoan."
Ngài nói thêm rằng, những gì Ngài Long Thọ dạy không chỉ là một trường hợp triết lý suy đoán, mà còn có một hiệu quả chuyển hoá nếu được đưa vào thực hành. Ngài lặp lại một vài câu thơ từ bài hát Trực Kiến của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy liên quan đến điều này:
Tất cả mọi thứ trong luân hồi và niết bàn
Chỉ là những dự phóng của tâm trí bạn.
Tâm trí đó cũng vượt ngoài sinh và tử,
Trú trong phương thức tối thượng của hiện hữu.
E-ma-ho, kỳ diệu nhất.
Trong tầm nhìn của tâm thức tôi
Thì sự hiện hữu không tách rời Không tánh -
Một đám mây lơ lửng trên bầu trời mùa thu-
Mọi vướng mắc tâm linh đều lắng đọng;
Tôi, một hành giả Du già chưa từng được sinh ra của hư không.
Bắt đầu cuộc nói chuyện của mình về nước - một chất lỏng bất thường nhất; Giáo sư Chung-Yuan Mou tuyên bố rằng, thật là một vinh dự lớn lao khi được nói về nó với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó, với một tiếng cười và một cử chỉ thể hiện như mưa đang rót xuống, ngụ ý rằng các vị trời (chư thiên) cũng biểu lộ sự chấp thuận của họ. Ông nói, nước chiếm 60% cơ thể của chúng ta, là chất quan trọng và phong phú nhất cho sự sống. Một trong những khía cạnh khác thường của nó là nó không dạng thức, không hình dáng, không mùi vị, không màu sắc; nó phá vỡ tất cả các quy tắc. Hầu hết chất lỏng đông lạnh thì chìm xuống, nhưng tảng băng (nước đông lạnh) thì trôi nổi trên mặt nước. Thông thường chất lỏng thì giãn nở khi nước nóng, nhưng nước thì co lại. Nó rất thuận tiện. Nó là một dung môi tuyệt vời cho đường, rượu, ion, muối, axit amin và vv.
Nước và dầu không hề trộn lẫn; trên thực tế, nước thì đối nghịch với chất béo. Tuy nhiên, khi sự quang hợp diễn ra, năng lượng mặt trời được lưu trữ trong nước dưới dạng đường. Giáo sư giải thích, lý do cơ bản đối với các đặc tính bất thường của nước là sự tương tác liên kết hydro mạnh bất thường giữa các phân tử nước.
Ở mức độ thực tế, Giáo sư Mou quan sát thấy rằng có nhiều nơi trên thế giới người ta đang gặp khó khăn trong việc được tiếp cận với nước, đặc biệt là nước sạch. 54% của Ấn Độ đang phải đối mặt với sự căng thẳng về nước như vậy. Ông xác nhận rằng các nhà khoa học như ông đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.
Để trả lời với Giáo sư về câu hỏi liệu có thể có sự sống mà không có nước hay không, Ngài đã thu hút sự chú ý đến vai trò của nước trong các tài liệu Phật giáo cổ điển về nguồn gốc của vũ trụ. Chúng mô tả các giai đoạn của không gian làm phát sinh sự hình thành (thành), tồn tại (trụ), huỷ diệt (hoại) của vũ trụ và sự trở lại cuối cùng của nó vào hư không (không). Về các thành phần yếu tố, vũ trụ được mô tả là phát triển từ địa, thuỷ, hoả, phong, không (đất, nước, gió, lửa, hư không), và hòa tan theo thứ tự ngược lại tại thời điểm hủy diệt.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rõ rằng, Ngài chấp nhận ý tưởng về Vụ Nổ Lớn Big Bang; và gợi ý rằng nó xảy ra như là kết quả của năng lượng của các hạt không gian. Ngài đề cập rằng hai nhà khoa học người Ý đã nói với ông rằng Vụ nổ Big Bang đã diễn ra 12 tỉ năm trước. Một người Mỹ ở Bombay thì cho biết rằng nó đã xảy ra từ 25 tỷ năm trước. Giáo sư Yuan Tseh Lee báo cáo rằng theo ý kiến của ông, nó đã diễn ra 30 tỷ năm trước.
Giáo sư Chang đã kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Ông cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các diễn giả về những đóng góp của họ; và cám ơn khán giả vì đã chú ý lắng nghe. Buổi sáng thảo luận thứ ba sẽ diễn ra vào ngày mai.