Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sáng nay, Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) đã đưa một nhóm gồm 24 nhà lãnh đạo thanh niên từ 11 quốc gia bị xung đột đến để thảo luận về hòa bình với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ đến từ Afghanistan, Colombia, Iraq, Libya, Myanmar, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Syria, Tunisia và Venezuela. Nhóm này cũng bao gồm các giảng viên trẻ, các nhà lãnh đạo tư tưởng và nhân viên của Viện Hòa bình Hoa Kỳ.
Chủ tịch Viện Hòa bình Hoa Kỳ, Cô Nancy Lindborg điều hành cuộc trò chuyện. Cô bắt đầu bằng cách cảm ơn Ngài đã chào đón một nhóm các nhà xây dựng hòa bình trẻ lần thứ tư. Cô thưa với Ngài rằng cô sẽ yêu cầu họ tự giới thiệu khi Ngài đã can thiệp.
Ngài cười và nói với họ: “Đối với tôi, phần giới thiệu tốt nhất là gương mặt của con người. Khi tôi nhìn thấy đôi mắt, cái miệng, cái mũi, tôi biết là tôi đang đối diện với một con người cũng giống như tôi. Tôi giống như những đứa trẻ, những người không hề quan tâm đến lý lịch của những người bạn đồng hành của mình, miễn là họ vui cười và sẵn sàng chơi đùa. Sự chú trọng về quốc tịch, tôn giáo và màu da chỉ tạo ra sự chia rẽ mà thôi. Chúng ta phải nhìn mọi thứ ở mức độ sâu hơn và nên nhớ rằng tất cả chúng ta đều giống nhau như những con người, về phương diện thể chất, tinh thần và cảm xúc đều như nhau. Vì nền tảng này mà tôi nhắc nhở mọi người về sự đồng nhất của nhân loại.
Cô Lindborg giải thích rằng cô hy vọng trong hai ngày tới có thể thảo luận về bốn chủ đề: xây dựng cầu nối trong các cộng đồng bị chia rẽ; phương pháp để được hoà chung với nhau; xây dựng hòa bình và khả năng phục hồi.
Một lãnh đạo đến từ Myanmar kể lại vết thương của mẹ mình bị giết bởi một thành viên của một bộ lạc khác; và hỏi về lời nói căm thù giữa những người theo đạo Phật. Ngài đã trả lời rằng, khi lần đầu tiên nghe về việc người Hồi giáo bị Phật tử quấy rối ở Myanmar, Ngài khuyên rằng Phật tử nên quán tưởng đến một vị Phật đã ban cho mỗi người Hồi giáo một sự che chở bảo bọc. Ngài nói rằng Ngài đã nêu vấn đề với Aung San Suu Kyi - người đã nói với Ngài rằng - sự tham gia của quân đội đã làm cho tình hình trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải suy nghĩ về mức độ cơ bản của chúng ta là con người. Các nhà khoa học quan sát rằng, chúng ta là động vật xã hội. Chúng ta phụ thuộc vào nhau để tồn tại. Không chỉ là sự tức giận và thù hận gây chia rẽ trong xã hội, mà nó còn ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của chúng ta. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh về thể chất; nhưng để đạt được những mục tiêu đó, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng ý thức vệ sinh cảm xúc, học cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình, cũng giống như cách mà chúng ta giữ gìn vệ sinh thân thể vậy.
Hệ thống giáo dục hiện đại của chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều từ phương Tây, không hướng dẫn nhiều về kiến thức hiểu biết về cách chuyển hoá cảm xúc của mình. Để làm được điều đó, chúng ta phải sử dụng trí thông minh của mình, dựa vào kiến thức hơn là đức tin. Chúng ta cần phải hành xử bằng tinh thần bất bạo động và trên cơ sở của lòng từ bi trưởng dưỡng sự tôn trọng đối với người khác.
Tất cả các truyền thống tôn giáo liên quan đến con người, và mặc dù họ có thể áp dụng các quan điểm triết học khác nhau, nhưng họ đều tập trung vào những phẩm chất tốt nhất của con người như tình yêu thương - chẳng hạn. Họ chia sẻ một mục tiêu chung là giúp đỡ để hình thành những cá nhân hạnh phúc hơn và do đó - tạo nên những xã hội hạnh phúc hơn.
Một nhà xây dựng hòa bình Tunisia muốn biết làm thế nào để giúp những người bị ở ngoài lề lấy lại được hy vọng. Ngài đã trả lời rằng, Ngài thấy hữu ích khi nghĩ về bản thân mình như một con người. Mặc dù ban đầu đến từ Xứ tuyết, nhưng Ngài đã tự nhắc nhở bản thân rằng, về cơ bản, Ngài cũng giống như những con người khác. Điều này dường như đã đến rất tự nhiên đối với các cháu bé. Chỉ sau khi bắt đầu đi học thì các cháu mới chú trọng về sự khác biệt về quốc tịch, đức tin tôn giáo, chủng tộc và nền tảng gia đình khá giả hay nghèo nàn. Tuy nhiên, sự khác biệt như vậy chỉ có tầm quan trọng thứ yếu mà thôi. Điều quan trọng hơn là con người chúng ta cùng thuộc về một cộng đồng.
Ngài kể về cuộc gặp gỡ với một giáo viên ở Soweto, Nam Phi, chúc mừng cậu ta về việc đất nước cậu ta vừa tìm lại được sự tự do, và cơ hội cho mọi công dân của họ được bình đẳng. Ngài đã bị sốc khi người giáo viên ấy nói với Ngài rằng những khát vọng như vậy là không thể, bởi vì những người da đen có bộ não kém cõi hơn. Ngài khiển trách cậu ta, khăng khăng rằng bộ não của người da đen và người da trắng là như nhau. Ngài nói thêm rằng, đôi khi, người Hán đã bày tỏ định kiến rằng bộ não của người Tây Tạng kém hơn bộ não của họ. Theo kinh nghiệm của Ngài, sự khác biệt thực sự duy nhất là về cơ hội. Khi họ có những cơ hội tương tự, thì người Tây Tạng đã có thể chứng tỏ được rằng mình hoàn toàn có khả năng như người Trung Quốc.
Ngài giải thích: “Ngày nay, mặc dù có sự phát triển về vật chất và công nghệ đáng kể, nhưng chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề do chính chúng ta tạo ra. Một số vấn đề trong số đó phát sinh từ việc nhìn những người khác với khía cạnh phân biệt “chúng tôi” và “bọn họ”. Khi nền giáo dục chưa được hoàn thiện, thì chúng ta cần phải kết hợp trí thông minh với một tấm lòng nhân ái nhiệt thành. Chúng ta cũng phải nỗ lực giải quyết sự khác biệt với người khác thông qua biện pháp đối thoại chứ không phải bạo lực.
Một nền giáo dục hoàn chỉnh có thể không chỉ tập trung vào các mục tiêu vật chất, mà còn có thể giải thích phương pháp xử lý sự sân giận và thái độ ái trọng tự thân và cách làm thế nào để đạt được sự an lạc nội tâm. Vì những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và tham ái đều dựa trên sự vô minh thiếu hiểu biết, dựa trên những quan điểm sai lầm về sự thật, cho nên sẽ rất hữu ích nếu chúng ta phân tích sự khác biệt giữa sự xuất hiện bề ngoài và thực chất của sự thật như vật lý lượng tử đã phân tích.
Các nhà lãnh đạo thanh niên khác muốn biết được làm thế nào để thúc đẩy ý thức về sự đồng nhất của nhân loại; và làm thế nào để chữa lành một ký ức tập thể cộng đồng bị tổn thương. Ngài đã đề nghị mọi người tự hỏi liệu tình huống hiện tại mà họ cảm thấy có thỏa đáng hay không. Và nếu như họ không thể chịu đựng được tình huống mà họ đang gặp phải, thì họ cần phải hỏi ai hoặc điều gì chính là nguồn gốc của những nỗi khó khăn đó của họ; và từ đó thực hiện các bước để làm giảm bớt tình trạng đó. Ngài nhấn mạnh rằng, sự cầu nguyện tự nó không phải là một giải pháp thiết thực, luôn luôn cần phải hành động. Ngài nhắc lại rằng, nhiều vấn đề xảy ra là do suy nghĩ thiếu thực tế; và điều này có thể được khắc phục thông qua sự giáo dục. Nếu những người trẻ tuổi đón nhận một cái nhìn rộng thoáng hơn, có lập trường thực tế hơn và nỗ lực hơn thì họ có thể thay đổi thế giới”. Ngài đã tuyên bố như thế.
Một chàng trai trẻ đã đề cập rằng mẹ mình đã bị giết, và cậu muốn biết làm thế nào để vượt qua nỗi đau ấy. Ngài đã khuyên rằng sự kiên nhẫn và tha thứ sẽ tạo ra một bầu không khí tích cực, trong khi tìm kiếm sự trả thù thì chỉ tạo ra thêm sự thù hằn hơn nữa mà thôi! và bạo lực thì luôn tạo ra thêm nhiều đau khổ.
Ngài nói thêm rằng có những lúc giải pháp hợp lý nhất cho một tình huống đầy thách thức - đó là bỏ đi.
Vào tháng 3 năm 1959, tại Lhasa, tôi đã cố gắng làm dịu bớt mối quan hệ giữa các lực lượng Trung Quốc và nhân dân Tây Tạng cho đến khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi tôi nhận ra mình không còn có thể giúp đỡ một cách hòa bình được nữa, tôi đã quyết định trốn thoát, mặc dù khi tôi rời khỏi Lhasa, tôi không biết liệu mình có còn sống để có thể nhìn thấy vào ngày hôm sau hay không.
Nếu quý vị có thể thay đổi được tâm tánh của người khác thì điều đó rất tốt; nhưng nếu không thể, thì bạn cần phải kiềm hãm sự tức giận và thù hận trong tầm kiểm soát và xem xét chỉ cần bỏ đi mà thôi.
Ngài đã được hỏi nhiều lần rằng những người trẻ tuổi có thể đóng góp được gì cho sự thay đổi hòa bình.
Quý vị cần quyết tâm bền bỉ và giữ vững niềm tin vào sự thật. Làm việc với một ý chí trung thực và chân thành trong thời gian dài sẽ cho bạn sức mạnh vĩ đại. Sức mạnh của súng đạn có thể có tác dụng ngay lập tức, nhưng về lâu dài thì sức mạnh của sự thật sẽ được tiếp tục duy trì mãi mãi.
Cả nhóm ăn trưa cùng nhau và sẽ gặp lại vào ngày mai.