Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sáng nay, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp gỡ các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp - 35 từ Ấn Độ, 45 từ Việt Nam và 18 từ Nga - Ngài đã nói với họ:
Mục đích của cuộc sống của con người cá nhân chúng ta là phục vụ người khác nhiều nhất trong khả năng có thể. Mỗi ngày tôi đều hồi hướng những việc làm từ thân, khẩu, ý của mình cho phúc lợi của tha nhân. Đó là ý nghĩa của Pháp và sự phản ánh truyền thống lâu đời của Ấn Độ về ahimsa (bất bạo động) và karuna (lòng từ bi). Tôi đã nghiên cứu về truyền thống Ấn Độ cổ đại từ thời thơ ấu, có nghĩa là đã ghi nhớ thuộc lòng các bản văn cổ điển, thọ nhận những lời giải thích từng từ ngữ cặn kẽ về những bản kinh văn ấy và sử dụng logic và lý luận trong các cuộc tranh biện để nghiên cứu kỹ lưỡng những gì tôi đã học được. Tôi thực sự khuyên quý vị nên sử dụng logic Ấn Độ cổ đại. Là một học trò của truyền thống Nalanda, tôi đã thấy nó thực sự hữu ích cho việc duy trì sự an lạc trong tâm hồn.
Nhận được những câu hỏi từ phía khán giả, Ngài nói với một doanh nhân rằng, mặc dù sự phán xét sắc sảo đôi khi có thể dẫn đến thành công, nhưng đơn giản rằng sự trung thực là đáng tin cậy hơn bởi vì nó thu hút sự tin cậy từ những người khác.Ngài đề nghị rằng chúng ta cần các nguyên tắc đạo đức nếu chúng ta muốn tạo ra một xã hội hòa bình hơn. Sự Giáo dục nên bao gồm các hướng dẫn về phương pháp đạt được sự an lạc trong tâm hồn và cách duy trì trạng thái an lạc ấy. Tích hợp với điều này là lời khuyên về việc xử lý những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Ở Ấn Độ, các sự thực hành để đạt được về thiền chỉ và thiền quán (shamatha và vipashyana) đã mang lại hiểu biết sâu sắc về cách vận hành của tâm thức và cảm xúc.
Ấn Độ là một trong những nền văn minh vĩ đại của thế giới, trong đó hành trạng của bất bạo động được thúc đẩy bởi lòng từ bi đóng một vai trò quan trọng. Tôi cam kết cố gắng làm hồi sinh lại sự quan tâm đến những kiến thức Ấn độ Cổ đại về tâm thức và cảm xúc con người. Tôi tin rằng đây là quốc gia duy nhất có thể tiên phong thành công trong sự kết hợp kiến thức cổ xưa này với nền giáo dục hiện đại. Trong các tu viện của chúng tôi ở miền Nam Ấn Độ, chúng tôi đã có 10.000 Tăng sĩ và 1000 Ni Cô được đào tạo và đủ tiêu chuẩn phẩm chất để giảng dạy về lĩnh vực này.
Một người đã hỏi Ngài về việc bảo vệ chống lại “con mắt ác quỷ”. Ngài trả lời rằng, đó chỉ là một sự mê tín và rằng trong thời đại ngày nay, sự mê tín ấy đã bị lỗi thời. Tốt hơn hết là nên suy nghĩ một cách có khoa học.
Trả lời cho một câu hỏi về sự giác ngộ, Ngài đã giải thích rằng, sự giác ngộ có thể được định nghĩa theo những cách khác nhau. Trong bối cảnh Phật giáo, nó liên quan đến tâm thức của chúng ta về cơ bản là thuần tịnh. Ngài nói, hầu hết thời gian, chúng ta luôn bận tâm với ý thức cảm giác mà không có chút ý tưởng nào về việc làm thế nào để đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Ý thức cảm giác là một trạng thái tương đối thô của tâm thức. Trạng thái trong giấc mơ và trạng thái ngủ sâu không bị xáo trộn bởi sự thâm nhập của cảm giác - thì tinh tế hơn, trong khi trạng thái tinh tế nhất của tâm thức được biểu hiện vào thời điểm lâm chung. Ngài quan sát thấy rằng, mức độ ý thức cao hơn và tinh tế hơn có thể được phân biệt trong thiền định. Vào mức độ vi tế nhất, tâm thức không hề bị che mờ bởi vô minh hoặc chịu sự hi phối của bất kỳ sự phiền não nào cả.
Trở lại với khái niệm ahimsa và karuna - bất bạo động và lòng từ bi, Ngài chỉ ra rằng, vũ khí chỉ có thể được sử dụng để giết chóc và huỷ hoại. Nếu chúng ta quan tâm đến hòa bình, chúng ta nên tìm kiếm một thế giới phi quân sự. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề là sai lầm. Quan sát những người khác bằng khái niệm về “bọn họ” và “chúng tôi” sẽ dễ dàng dẫn đến bạo lực. Là con người, chúng ta thuộc về một cộng đồng, do đó chúng ta nên tôn trọng nhau như những người anh chị em.
Tóm lại, Ngài khuyến khích du khách đến từ Việt Nam - một quốc gia theo truyền thống Phật giáo; và những người đến từ Nga - nơi có lịch sử là những Phật tử có liên kết với Tây Tạng và Truyền thống Nalanda, nên tìm hiểu về tâm thức và cảm xúc. Ngài nhắc lại nhu cầu cần thiết phải học hỏi nghiên cứu có một phương pháp tiếp cận với khoa học.