Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Những thành viên Phật tử Hội nhập Mạng lưới quốc tế do nhà hoạt động Thái Lan Sulak Sivaraksa dẫn đầu đã diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng nay. Họ gồm có 35 người đến từ Thái Lan, 41 từ Ấn Độ, 37 từ Miến Điện, cũng như những người đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh, Indonesia, Sri Lanka, Nepal, Đài Loan, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Hungary và Thụy Điển.
Ngài nói với họ: “Là một con người, tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, nhưng chúng ta lại thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề do chính chúng ta tạo ra. Nhiều vấn đề như vậy phát sinh bởi vì chúng ta cố chấp, nhìn những người khác ở khía cạnh ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’. Thêm vào đó, những ngày này, chúng ta cũng thấy có sự xung đột diễn ra dưới danh nghĩa của tôn giáo. Có những sự khác biệt giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta; và thậm chí bên trong những truyền thống ấy - ví dụ như truyền thống Pali - bao gồm 18 trường phái tư tưởng, trong khi đó - trong truyền thống tiếng Phạn có bốn trường phái. Các quan điểm khác nhau thu hút những người có khuynh hướng căn cơ khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất cần phải nhớ - đó là tất cả các truyền thống tôn giáo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng lòng nhân ái.
Như quý vị đã biết, Đức Phật khuyến khích những người đệ tử của ngài nên đặt câu hỏi ngay cả đối với những gì mà Ngài đã nói với họ. Các bậc luận sư của Nalanda như Ngài Long Thọ, Nguyệt Xứng, Phật Hộ, đã kiểm tra giáo lý của Ngài dưới ánh sáng này, phân loại chúng ra thành hai thể loại: giáo lý có ý nghĩa tối hậu và giáo lý cần phải được giải thích.
Kinh tạng của chúng ta gồm có 108 tập được lưu lại từ lời dạy của Đức Phật và 225 tập các chuyên luận giải thích của các Luận sư Phật giáo tiếp theo sau đó. Chúng tôi đã đánh giá lại nội dung của những cuốn sách này về mặt khoa học, triết học và tôn giáo. Tôi tin rằng tài liệu khoa học và triết học này có thể được xem xét một cách khách quan, trí thức. Do đó, chúng tôi đã biên soạn các cuốn sách liên quan đến khoa học và triết học như được ghi lại trong văn học Phật giáo đã được xuất bản bằng tiếng Tây Tạng và đang được dịch sang tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Mông Cổ và vv.
Ngài đã nhấn mạnh đến nhu cầu học tập. Ngài thừa nhận rằng truyền thống Pali đã truyền đạt những giáo lý cơ bản của Đức Phật, đặc biệt là truyền thống Giới luật. Ngài nhớ lại đã đến viếng thăm Thái Lan nhiều năm trước và bị ấn tượng sâu sắc bởi lối sống nghiêm khắc của Chư Tăng Thái Lan. Ngài cũng thuật lại cuộc trò chuyện của Ngài tại một cuộc họp của Nghị viện Tôn giáo Thế giới ở Melbourne, Úc, với hai nhà sư Miến Điện, họ đã rất ngạc nhiên khi Ngài nói rằng Giới luật là điều mà cả hai dân tộc Tây Tạng và Miến Điện đều có điểm chung.
Ngài đã đề cập đến việc Ngài cam kết nhắc nhở mọi người về sự đồng nhất của nhân loại và tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng các giá trị nhân văn, và khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài nói rằng, là một người Tây Tạng, Ngài cam kết bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng; và lên tiếng bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng. Cuối cùng, Ngài mô tả về sự cam kết của mình để làm hồi sinh lại sự ngưỡng mộ đối với kiến thức Ấn Độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc ở Ấn Độ.
Trả lời các câu hỏi từ phía khán giả, Ngài cho rằng xu hướng giới trẻ ngày nay trở nên chán nản và tuyệt vọng đều có nguồn gốc từ hệ thống giáo dục hiện nay. Ngài nói rằng nền giáo dục hiện đại ít quan tâm đến cách xử lý những cảm xúc phiền não xáo trộn; và cách làm thế nào để nuôi dưỡng thái độ tích cực, không chú ý một cách trọn vẹn đến các phương pháp để đạt được sự an lạc nội tâm. Ngài khuyến khích khán giả nên suy nghĩ về cách thay đổi điều này.