Chandigarh, Ấn Độ, - Hôm qua, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bằng đường bộ từ Dharamsala đến Chandigarh. Sáng nay, Ngài được mời đến để khai mạc Tuần lễ Toàn cầu lần thứ 11 của Đại học Chitkara; và đại diện của trường đại học đã hộ tống Ngài đến khuôn viên của trường tại Rajpura. Tuần lễ toàn cầu - khi các giáo viên đến từ khắp nơi trên thế giới để dạy các khóa học ngắn cho học sinh của Chitkara - được coi là một nền tảng để nâng cao nhận thức quốc tế và mở rộng kinh nghiệm học tập của họ.
Ngài an toạ ở hàng ghế đầu của khán phòng trong khi Phó hiệu trưởng - bà Sangeet Jaura giới thiệu Ngài với 1200 khán giả đông đảo của sinh viên và giảng viên. Năm phụ nữ trẻ Tây Tạng đã trình diễn một loạt các bài hát và vũ điệu từ truyền thống opera Tây Tạng, bắt đầu bằng một bản tái hiện sâu sắc những vần thơ cầu nguyện cho sự trường thọ của Ngài. Năm phụ nữ trẻ Ấn Độ sau đó đã có một màn trình diễn tràn đầy năng lượng từ truyền thống nhảy Bharatanatyam của Nam Ấn. Tiếp theo sau họ là một nhóm gồm bốn phụ nữ Ấn Độ trẻ hơn, nhảy theo phong cách Kathak của Bắc Ấn. Tất cả ba nhóm người biểu diễn đã từ sân khấu đi xuống đến nơi Ngài đang ngồi và Ngài đã cảm ơn từng người trong số họ.
Được mời lên khán đài, Ngài đã cùng tham gia với Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng của trường đại học trong việc thắp đèn để chào đón Sarasvati - Vị nữ thần của tri thức, âm nhạc và học vấn. Sau đó, Ngài an toạ ở giữa họ và nói chuyện với khán giả.
Anh chị em kính mến! Chúng ta thực sự là những người anh chị em của nhân loại. Theo truyền thống tôn giáo thần học, tất cả chúng ta được tạo ra bởi một vị thần là hiện thân của tình yêu thương vô hạn. Là con của vị Thần ấy, chúng ta đều là anh chị em của nhau. Theo quan điểm phi thần học, cuộc sống của chúng ta không hề có sự khởi đầu. Chúng ta được sinh ra trong kiếp này và được làm con người trong dịp này, thì chúng ta đều là anh chị em của một đại gia đình nhân loại rộng lớn hơn.
Có một số vấn đề mà chúng ta gặp phải - như thiên tai - đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng những vấn đề khác, liên quan đến việc bắt nạt, bóc lột và gian lận, là do chúng ta tạo ra cho chính mình. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy rằng con người vốn dĩ có bản tánh từ bi. Họ cũng cho thấy rằng sự tức giận và thù hận liên tục sẽ làm cho suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta. Vì vậy, rõ ràng là nuôi dưỡng sự nhiệt thành nhân ái là tốt cho sức khỏe của chúng ta.
Khi còn ấu thơ, chúng ta rất cởi mở và thân thiện với bạn bè, nhưng sau khi bắt đầu đi học, ta lại ít chú ý đến những cảm xúc của mình. Nền giáo dục hiện đại chịu ảnh hưởng của phương Tây, nhưng ở Ấn Độ, chúng ta có truyền thống lâu đời về bất bạo động, lòng từ bi, sự thiền định và trí tuệ sâu sắc về bản chất của thực tế. Kỳ Na Giáo và Phật giáo đều là sản phẩm của những giá trị Ấn Độ như thế. Ngày nay, chúng ta cần một nền giáo dục kết hợp chung với những phẩm chất này về hoạt động của tâm thức và cảm xúc của chúng ta, nếu không được như thế thì chúng ta chỉ nhắm đến các mục tiêu vật chất mà thôi!
Chúng ta cần học cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình. Nếu chúng ta làm điều đó, ta sẽ có thể hiểu được tấm lòng nhân từ ấm áp là nền tảng của sự hòa bình thế giới. Những người chỉ nhận được một nền giáo dục về mặt vật chất - thì một cách tự nhiên - họ chỉ có thể phát triển một triển vọng về duy vật mà thôi. Do đó, họ chỉ có một ý tưởng hạn chế về cách xử lý các vấn đề rắc rối mà họ gặp phải. Cũng giống như chúng ta nuôi dưỡng trẻ em với sự đánh giá cao về vệ sinh thân thể, thì chúng ta cũng cần giới thiệu cho các cháu về vấn đề vệ sinh cảm xúc tương đương như thế, đòi hỏi phải khám phá ra phương pháp làm lắng dịu cơn giận dữ, sự tham ái; nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu ấm áp đối với người khác.
Tôi đã cam kết khôi phục lại sự quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc, và tôi tin rằng Ấn Độ hiện nay là quốc gia duy nhất có thể tiên phong trong việc kết hợp kiến thức như thế với nền giáo dục hiện đại. Giống như Mahatma Gandhi đã cho thấy sức mạnh của ‘ahimsa’ - bất bạo động, trong thế kỷ 20; và trong thế kỷ này, Ấn Độ có thể cho thấy được tầm quan trọng của việc giải quyết xử lý những cảm xúc phiền não của chúng ta và nuôi dưỡng sự an lạc nội tâm. Trong đó tôn giáo là vấn đề quan tâm của các cá nhân, còn đạo đức thế tục thì có thể được áp dụng cho toàn nhân loại. Do đó, nó sẽ có sức hấp dẫn rộng lớn hơn nhiều nếu như sự an lạc nội tâm được tiếp cận từ quan điểm của thế tục.
Ngài đã tiếp tục giải thích rằng chúng ta có thể xây dựng một nhân loại hòa bình hạnh phúc hơn một khi chúng ta hiểu được rằng nguồn hạnh phúc tối thượng không phải là tiền bạc và quyền lực, mà là một thứ gì đó trong chính tâm thức của chúng ta. Ngài nói với khán giả rằng Ngài muốn nghe những gì họ nói về điều này, bởi vì việc đưa ra những ý kiến khác nhau sẽ phục vụ cho việc kích thích những tư duy mới mẻ. Ngài nhớ lại rằng, các bậc Luận sư của Truyền thống Nalanda mà Ngài thuộc về, đã thọ lãnh những lời dạy của Đức Phật để đánh giá kiểm nghiệm. Trong trường hợp nó có vẻ mâu thuẫn với logic và lý luận, thì họ sẽ chất vấn về mục đích của Đức Phật là gì khi Ngài trình bày mọi thứ theo cách đó.
Một câu hỏi được đặt ra về vấn đề chăm sóc sức khỏe, Ngài đã trả lời rằng sự an lạc nội tâm cũng quan trọng như vấn đề sức khỏe thể chất. Nó cho phép bạn duy trì được sự điềm tĩnh trong bất cứ hoàn cảnh nào xung quanh bạn. Trên cơ sở này, bậc Luận Sư Ấn Độ vào thế kỷ thứ 8 - Ngài Tịch Thiên - đã chỉ ra rằng, kẻ thù của chúng ta có thể là người thầy vĩ đại nhất của ta. Hơn nữa, thái độ ái trọng tự thân sẽ khiến cho bạn cảm thấy nghi ngờ và sợ hãi, trong khi đó, khi bạn coi những con người khác như là những người anh chị em của mình thì nỗi sợ hãi sẽ tan biến mất.
Ngài giải thích rằng, khi đối mặt với thử thách, Ngài luôn xem xét nó từ các góc độ khác nhau để đánh giá liệu có thể khắc phục được nó hay không. Nếu có thể khắc phục được, thì không cần phải lo lắng về điều đó; còn nếu như không thể khắc phục được, thì lo lắng về điều đó cũng chẳng hề có ích lợi gì.
Ngài quan sát thấy rằng, những gì có sự khởi đầu có vẻ như là một vấn đề rắc rối thì thường lại trở thành một cơ hội. Ngài gợi ý rằng, nếu những người trẻ ngày nay phải đương đầu với những thách thức mà họ phải đối mặt với tầm nhìn thoáng đạt cởi mở, thì họ có thể tạo ra một thế giới hòa bình hạnh phúc hơn. Trong khi đó - sự ái trọng tự thân sẽ khiến cho tâm thức của mình trở nên thiển cận hẹp hòi và gây ra nỗi sợ hãi bất an, lòng vị tha và sự quan tâm dành cho người khác sẽ mang lại sự tự tin, uy tín.
Ngài chỉ ra rằng, những cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ sự vô minh thiếu hiểu biết, đó là xem các pháp đều tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện - nói cách khác là xem chúng thực sự tồn tại. Đến để hiểu được rằng, cách mà mọi thứ xuất hiện đều phụ thuộc nhiều vào người quan sát nó - hiểu được như thế đó chính là giải thoát.
Khi được hỏi làm thế nào để dạy về các giá trị nhân văn cho những trẻ em thiếu những nhu yếu phẩm cơ bản, Ngài than thở về khoảng cách toàn cầu giữa người giàu và người nghèo. Ngài nói, ở đây, tại Ấn Độ này, hệ thống đẳng cấp đã lỗi thời. Hơn hai ngàn năm trước, Đức Phật đã chống lại sự phân biệt trên cơ sở đẳng cấp. Đó là một phong tục có nguồn gốc từ một thái độ phong kiến, nhưng là một điều có thể được thay đổi thông qua sự giáo dục. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sự đa nguyên và đa dạng đã được phát triển ở Ấn Độ; và quan sát thấy rằng vì con người chúng ta là loài động vật xã hội, cho nên chúng ta cần đối xử với nhau bằng lòng tốt và tình yêu thương.
Ngài đã mô tả sự nóng lên của toàn cầu và sự khủng hoảng khí hậu là rất nghiêm trọng, nhấn mạnh rằng Ngài đã đánh giá cao như thế nào đối với những nỗ lực của Greta Thunberg trong việc nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải có hành động thích hợp. Ngài đã kể lại việc một nhà môi trường Đài Loan gần đây đã cảnh báo cho Ngài biết rằng, nếu mọi thứ không thay đổi, thì chỉ trong vòng 80 năm nữa, tình hình sẽ thực sự trở nên rất nghiêm trọng. Ngài thừa nhận rằng, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến những người ở cỡ tuổi của Ngài; nhưng điều cần thiết là phải xem xét những tác động của nó đối với những người trẻ hiện nay.
Nói xong, Ngài nói với một người đặt câu hỏi khác rằng, có cơ sở nền tảng cho sự lạc quan. Ngài nhớ lại rằng, nhìn từ một góc độ, thế kỷ 20 là một kỷ nguyên của chiến tranh và đổ máu. Tuy nhiên, tinh thần ấy đã tạo ra Liên minh châu Âu, biết đặt lợi ích chung lên vị trí hàng đầu, là một dấu hiệu của hy vọng; và sự trưởng thành ấy của nhân loại có thể được mô phỏng ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và ở Châu Á. Sự phát triển như vậy sẽ cho phép làm giảm thiểu đáng kể về những khoản chi tiêu cho lĩnh vực quân sự. Khả năng giải quyết các mối xung đột thông qua sự đối thoại chứ không phải thông qua bạo lực - điều đó cho phép triển vọng trở thành một thế kỷ hòa bình và phi quân sự hóa.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên: “Các cá nhân trưởng dưỡng được sự an lạc nội tâm sẽ đưa đến một xã hội hòa bình hơn, và điều đó góp phần vào một thế giới hòa bình hơn. Tất cả chúng sanh đều muốn tìm kiếm niềm vui. Chúng ta phụ thuộc vào sự hy vọng để theo đuổi một điều gì đó tốt đẹp. Nhưng để thực hiện được điều đó chúng ta cần phải sử dụng bộ não của mình một cách đúng đắn. Niềm hạnh phúc thực sự không phụ thuộc vào nhận thức cảm tính, mà phụ thuộc vào chính tâm thức, thế nên điều quan trọng nhất là phải thiết lập được sự an lạc nội tâm. Để làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết về hệ thống hoạt động của tâm thức và cảm xúc - đã được nghiên cứu kiểm tra kỹ lưỡng ở Ấn Độ cổ đại.
Đại học Chitkara đã trao tặng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma văn bằng Tiến sĩ Văn học danh dự để ghi nhận những đóng góp vô song và vô giá của Ngài cho nhân loại, hòa bình và giáo dục thế giới. Ngài chính thức tuyên bố khai mạc Tuần lễ Toàn cầu Chitkara lần thứ 11 và vị Phó hiệu trưởng đã dâng lời cảm ơn lên Ngài.
Bên ngoài khán phòng, Ngài đã thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Hạnh phúc Chitkara bằng cách vén bức màn phủ của một tấm bảng và trồng một cây xanh như một sự ghi nhớ về chuyến viếng thăm của Ngài. Với tư cách là khách của Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng, Ngài được dùng bữa trưa trong những căn phòng được trang trí giống như một con đường “dhaba” của người dân Punjab - trước khi trở về khách sạn của mình ở Chandigarh.