Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sáng nay, một ngày trước sinh nhật lần thứ 84 của Ngài, khoảng 300 nhân viên đã nghỉ hưu của Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA) và 200 thành viên trong gia đình của họ đã tổ chức buổi lễ cầu nguyện Trường thọ thật công phu lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Con đường xuyên qua giữa sân đến Tsuglagkhang - Chùa Chính Tây Tạng - đã được trang trí với màu sắc nghi lễ tươi sáng tương phản với bầu trời xám xịt của thời tiết gió mùa. Ngài đã được cựu Kalon Tripa, Tenzin Namgyal Tethong, Chủ tịch Ủy ban Nhân viên CTA đã nghỉ hưu, Lobsang Jinpa và Vị Giám Luật của Tu viện Namgyal - Hoà Thượng Tenzin Norbu, hộ tống.
Như thường lệ, Ngài dừng lại bên đường để chào hỏi bạn bè và những người thiện nguyện. Đôi khi, những cháu bé từ trường làng trẻ em Tây Tạng rất vui mừng khi được Ngài nói chuyện với chúng. Bên trong Chánh Điện, Ngài đã chào đón Sikyong cùng với các thành viên của Kashag (thành phần Nội Cát) hiện tại, Vị Chánh án và Chủ tịch Quốc hội lưu vong. Ngài đi qua một số quan chức đã nghỉ hưu đang đứng quanh Pháp toà để chào đón Garje Khamtrul Rinpoche, người hiện đang ngồi trên một chiếc xe lăn.
Khi Ngài đã an toạ trên Pháp toà, vị Chủ tịch Ủy ban cúng dường Trường thọ của CTA, ông Lobsang Jinpa, đã dâng Mạn Đà La và ba lễ vật tượng trưng cho thân - khẩu - ý giác ngộ của Đức Phật, và vị cựu Thư ký dâng những chiếc khăn khata vào lúc những lời cầu nguyện bắt đầu. Sau khi đọc lời Xưng tán của Trulshik Rinpoche, kể lại những cuộc đời trước đây của các Đức Đạt Lai Lạt Ma, sự hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát - Ngài đã can thiệp.
Hôm nay, cựu nhân viên của CTA đã tổ chức buổi lễ Trường thọ này. Đức tin, tấm lòng tận tuỵ và sự kết nối tâm linh của quý vị rất mạnh mẽ. Tôi xin được cảm ơn quý vị đã cầu nguyện cho tôi có thể sống lâu. Sáng nay, cựu Kalon Tripa - Tenzin Namgyal đã hộ tống tôi đến đây. Tôi đã biết ông ấy từ khi còn là một cậu bé; khi cha của ông ta là một quan chức Tây Tạng ở Mussoorie.
Là một người tị nạn lưu vong, chúng ta đã bỏ lại phía sau rất nhiều phong tục xưa cũ, mà đối với tôi - nó giống như một bước đột phá. Một số người đã quan sát thấy rằng, trước đây tôi đã sống trong một chiếc lồng vàng. May mắn thay, nhờ lòng tốt của những vị Gia Sư của tôi mà tôi đã có thể học hỏi được.
Chúng ta đã bị mất đi Tổ Quốc của mình và phải trốn đi lưu vong, nhưng tất cả chúng ta đều đã làm việc rất vất vả để giữ gìn tôn giáo, văn hóa và bản sắc dân tộc của mình. Đã 60 năm trôi qua kể từ khi đất nước của chúng ta bị mất và cho đến giờ vẫn không có tự do ở đó, nhưng chúng ta đã có mối liên kết lâu đời với ở đây tại Ấn Độ này. Trong khi sống lưu vong, chúng ta đã có thể nghiên cứu các bản Kinh văn Phật giáo cổ điển của các bậc thầy Nalanda, điều này cho thấy được mối quan hệ độc đáo giữa Ấn Độ và Tây Tạng.
Trước đây, có một số người gọi truyền thống Tây Tạng là Lạt Ma Giáo, như thể đó không phải là truyền thống Phật giáo thuần túy; nhưng những gì mà chúng ta đã gìn giữ cho vẫn được sống còn cho đến nay - là truyền thống Nalanda thực sự. Trong khi bị mất đi Tổ Quốc của mình, chúng ta lại có được cơ hội để nghiên cứu, thực hành và chia sẻ những kiến thức rộng lớn và sâu sắc của Giáo lý Đức Phật. Những điều này chúng ta có thể giải thích bằng tiếng Tây Tạng - ngôn ngữ riêng của chúng ta, Chúng ta đã có thể bảo tồn và phát huy truyền thống Phật giáo của mình, không phải trên cơ sở niềm tin mù quáng, mà là sử dụng lý trí và logic. Kết quả là, ngày nay mọi người từ các đất nước và những quốc gia Phật giáo khác mà trước đây không hề có hứng thú với Phật giáo thì nay đã quan tâm đến những gì mà chúng ta đã hiểu biết.
Dù sao thì - như chúng ta đã nói trong một trong những vở kịch rằng, “Những người già chúng ta nên cùng nhau vui chơi và ăn mừng”.
“Tây Tạng là một vùng đất mà Đức Quán Thế Âm đã chăm sóc bảo bọc. Chúng ta có thể thấy điều này trong lịch sử và sự ghi chép lại về những hóa thân của Ngài ở Tây Tạng. Ngài có 1000 mắt và 1000 tay, nhưng vì tôi có thể nói chuyện và quan hệ trực tiếp được với mọi người, cho nên tôi nghĩ mình như là một sứ giả của Ngài. Những ngày đầu của cuộc sống lưu vong, khi tôi còn ở Swarag Ashram, tôi đã mơ thấy mình đang ở Jokhang ở Lhasa, ở trước bức tượng được gọi là Quán Thế Âm tự hiện khởi, có năm mặt (ngũ diện). Ngài vẫy gọi tôi đến với Ngài, và chúng tôi đã ôm nhau. Ngài bảo tôi hãy giữ vững tinh thần và đừng bao giờ bỏ cuộc. Sau đó, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, bức tượng đó đã bị phá hủy, nhưng một số mảnh vỡ nơi mặt của Ngài đã được giải cứu và mang đến cho tôi ở đây. Một vài trong số các mảnh vỡ ấy chúng tôi đã đặt vào bên trong bức tượng Đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn mà chúng ta đang có ở đây; còn những mảnh khác đang được giữ trong chiếc hộp được đặt bên cạnh Ngài.
Những người trong số quý vị đã làm việc rất vất vả cho Chính quyền Trung ương Tây tạng sẽ được Đức Quán Thế Âm bảo bọc trong kiếp này. Đây không phải là vấn đề của đức tin vô nghĩa, mà nó dựa trên nền tảng của lý trí. Tâm thức có nguyên nhân chính đáng của riêng nó. Vì tâm thức được hình thành bởi yếu tố tâm thức trước nó trong một chuỗi liên tục cho nên chúng ta mới đề cập đến vấn đề có kiếp sau. Và bởi vì quý vị có một sự kết nối độc đáo với Ngài thông qua công việc của quý vị, cho nên Đức Quán Thế Âm sẽ chăm sóc bảo bọc quý vị. Trong những trường hợp này, hãy cố gắng trưởng dưỡng tâm từ bi, lòng nhân ái và trí tuệ liễu ngộ tánh Không.
Vào thời điểm khó khăn này trong lịch sử của chúng ta, quý vị đã cố gắng hết sức của mình, vì vậy hãy cầu nguyện Đức Quán Thế Âm gia trì cho quý vị liễu ngộ được tánh Không và Bồ Đề Tâm. Hãy nhớ những gì mà Ngài Milarepa đã nói về mối liên kết giữa những người bảo trợ trong thung lũng và các vị hành giả trên ngọn đồi làm việc cùng nhau để tất cả đều có thể đạt được sự giác ngộ.
Vào thời điểm mà chúng ta thấy sự hỗn loạn lan tràn trên khắp thế giới bởi vì mọi người đều bị điều khiển bởi những cảm xúc xáo trộn như giận dữ và tham luyến, hãy cố gắng phát triển tình yêu thương và lòng từ bi; cống hiến sự hoạt động của mình cho nền hòa bình trên thế giới. Chúng ta cầu nguyện cho sự an lành và hạnh phúc của tất cả chúng sinh, nhưng trong thực tế, những người mà chúng ta thực sự có thể mang lại lợi ích thiết thực - đó chính là 7 tỷ con người là bạn đồng hành của chúng ta trên trái đất này. Đây là lý do vì sao bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều khuyến khích mọi người nên từ ái nhiệt thành hơn. Nếu bạn tốt bụng trong cuộc sống hàng ngày, thì chắc chắn bạn sẽ tìm thấy sự an lành và hài lòng hơn.
Tất cả chúng ta đều sẽ phải chết, nhưng khi nó xảy ra, quý vị có thể ra đi mà không hối tiếc. Quý vị có thể nhớ lại rằng mình đã làm theo lời khuyên của Đức Ngài và đã làm với tất cả khả năng của mình. Hãy cầu nguyện Đức Quán Thế Âm chăm sóc bảo bọc cho quý vị trong kiếp này và cả những kiếp lai sinh.
Được dẫn đầu bởi Viện Chủ của họ - Thamtog Rinpoche - Chư Tăng Tu viện Namgyal đã thực hiện nghi lễ Cúng Dường Trường Thọ dựa trên sự thực hành của Đức A Di Đà xuất phát từ Linh kiến Bí mật của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm. Trong quá trình này, một đám diễu hành dài của các cựu quan chức CTA đã mang hàng loạt các lễ vật đi qua Chánh Điện. Khi buổi lễ kết thúc, cựu Kalöns và các quan chức của CTA đã đích thân dâng khăn Khata lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, bao gồm cả Khamtrul Rinpoche, người đã được đưa lên Pháp Toà.
Các thành viên của Viện biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng trình diễn một hợp tấu của các nhạc cụ Tây Tạng truyền thống và hiện đại; và đã biểu diễn một bài hát về sự cảm kích và ca ngợi.
Trước khi cúng dường Mạn Đà La tạ ơn, Ngài đã nói lại.
Những người trong số quý vị đã cống hiến thân, khẩu, ý của mình cho sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng và cho sự bảo tồn di sản tinh thần của chúng ta, đã sống một cuộc sống vô cùng ý nghĩa. Về phần tôi, tôi luôn quyết tâm để sống lâu. Trulshik Rinpoche đề nghị tôi nên noi theo Thangtong Gyalpo - người đã sống đến 125 tuổi. Điều đó có thể khó thực hiện. Những người bạn khác trong số các thiền giả mà tôi quen biết đã gợi ý rằng tôi có thể theo gương của Panchen Lobsang Chögyen và sống đến 108 tuổi. Tôi không biết chắc về điều đó, nhưng tôi cảm thấy mình có thể sống đến 90 hoặc 100 tuổi. Dù sao đi nữa thì tôi cũng vẫn luôn luôn cầu nguyện thay mặt cho tất cả chúng sinh và sự hưng thịnh của Chánh Pháp:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Tôi cảm thấy mình đã có thể phục vụ được chút it; và nếu tôi sống lâu hơn thì tôi sẽ có thể giúp đỡ được nhiều hơn.
Ở những nơi Giáo Pháp trân quý, tối cao chưa toả rộng.
Và những nơi nó đã truyền khắp nhưng đã bị suy tàn;
Nguyện tôi có thể thắp sáng kho tàng lợi ích phúc lành ấy;
Với một tâm hồn được rung động bởi tấm lòng từ bi vĩ đại!
"Nếu không như thế, thì niềm hy vọng cho một cuộc sống trường thọ vô mục đích ấy sẽ chẳng có chút ý nghĩa nào. Bây giờ thì quý vị có thể cúng dường Mạn Đà La tri ân rồi đấy!"
Nhiều người Tây Tạng trưởng lão, những người đã phụng sự Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với nhiều năng lực trong suốt những năm qua - đã dâng lên Ngài một chiếc khăn khata, và Ngài đã trao lại cho họ một cái vỗ nhẹ trìu mến trên đầu. Khi Ngài đi từ Chánh Điện xuống chiếc xe đang chờ sẵn trong sân, nhiều thành viên khác của công chúng đã dâng lên những lời cầu chúc tốt đẹp nhất; và Ngài đã đáp lại bằng một nụ cười, vài câu nói hoặc một cái bắt tay. Cuối cùng, Ngài đi xe trở về để dùng bữa cơm trưa nơi Dinh thự của mình.