Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Mặt trời chiếu sáng trên bầu trời trong xanh sáng nay khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tản bộ từ Dinh thự của mình đến Tsuglagkhang - Chùa Chính Tây Tạng. Trên đường đi, Ngài chào đón các thành viên của công chúng đang tập trung tại sân và xung quanh ngôi Chùa, chỗ này Ngài âu yếm vuốt ve vào gò má của một cháu bé; chỗ kia Ngài trao đổi vài lời chào hỏi và vẫy tay với những người ngoài tầm với của Ngài. Khi quang lâm vào bên trong Chánh Điện, Ngài trân trọng chào mừng Vị cựu Ganden Tripa - Rizong Rinpoche - trước khi an toạ trên Pháp toà. Chư Tăng Thái Lan tụng “Kinh Mangala” (Kinh Hạnh Phúc) bằng tiếng Pali và tiếp theo đó là “Bát Nhã Tâm Kinh” được tụng bằng tiếng Hoa.
Hơn 7500 người đã tập trung bên trong và xung quanh ngôi Chùa bao gồm các cá nhân từ 61 quốc gia. Trong số này, các đệ tử chính là 1127 người đến từ Đài Loan thuộc 21 tổ chức dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Phật giáo Tây Tạng Quốc tế Đài Loan. Lớn nhất trong số các nhóm này là nhóm ‘Niềm Vui và Trí Tuệ’ và 850 thành viên của nhóm ấy.
Sau khi tụng các vần Kệ kính lễ như thường lệ, Ngài đã nói chuyện với hội chúng.
Hôm nay, người Trung Quốc từ Đài Loan và các nơi khác đã đến đây để lắng nghe giáo pháp này. Chúng ta đang ở đây để học cách chuyển hoá tâm thức của mình. Truyền thống Phật giáo nói chung và Truyền thống Nalanda nói riêng đã dạy về tâm thức bằng phương pháp logic và lý luận. Họ đã giải thích về cách làm thế nào để đối trị với những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và ganh tỵ, các phương pháp này rất có ích đối với cơ thể vật lý, nó hỗ trợ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Chúng ta phải nhận diện cho được những gì đã làm xáo trộn sự bình yên trong tâm hồn của mình, và học cách để đối trị lại nó; cũng giống như chúng ta dùng thuốc men thích hợp khi ta bị bệnh. Lúc nổi giận, chúng ta nên tự hỏi mình vì sao lại như thế. Lưu ý rằng sự tức giận có thể khiến bạn xem ai đó là kẻ thù, nhưng điều đó cũng có thể thay đổi. Một người hôm nay có vẻ như là kẻ thù nhưng ngày mai có thể trở thành một người bạn. Khi ai đó chỉ trích quý vị, nếu bạn tức giận, thì điều đó cũng không làm cho giảm bớt sự cáu kỉnh của bạn, trong khi đó - nếu quý vị kiên nhẫn và bình tĩnh, thì quý vị sẽ không cảm thấy buồn bực. Tức giận, kiêu ngạo và ghen tỵ chỉ làm quấy rầy sự bình an trong tâm hồn của chúng ta mà thôi. Chúng huỷ hoại sức khỏe của quý vị và làm phiền bạn bè của quý vị.
Sự an lạc nội tâm là điều rất quan trọng vì tất cả chúng ta đều khát khao được hạnh phúc. Trau giồi và duy trì nó không hẳn phải là một sự thực hành tôn giáo mà như là một bước thực tế để có được hạnh phúc. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tình yêu thương và lòng từ bi - vì là con người, cho nên chúng ta thuộc là những động vật xã hội. Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào các thành viên trong cộng đồng của mình. Nói chung, một đứa bé được nuôi dưỡng bởi một người mẹ có lòng yêu thương thì khi lớn lên cháu sẽ trở thành một con người đầy tình cảm. Trước kia, con người sống cùng gia đình của họ trong các nhóm tương đối nhỏ; nhưng ngày nay, mọi người chúng ta đều phụ thuộc vào nhau. Tất cả 7 tỷ người tạo nên một gia đình nhân loại. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải tính đến sự đồng nhất của nhân loại.
Những người theo đạo Phật thường đề cập đến việc giúp đỡ tất cả chúng sinh mẹ, nhưng - những loài mà chúng ta thực sự có thể giúp đỡ được - đó chính là con người - vì chúng ta có thể giao tiếp được với họ. Sẽ khó khăn hơn nhiều nếu chúng ta giúp đỡ những loài động vật vì chúng không có ngôn ngữ. Nếu bộ não của chúng ta bị nô lệ cho những cảm xúc phiền não, thì nó chẳng ích lợi gì nhiều, nhưng nếu chúng ta nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi dành cho người khác, thì chúng ta có thể đạt được sự hạnh phúc. Như Ngài Tịch Thiên đã viết:
Và vì thế, hôm nay, trong sự chứng kiến của chư hộ Pháp,
Con triệu tập chúng sinh, mời gọi họ đến quả Phật.
Và, cho đến khi đạt được trạng thái đó,
Nguyện cầu cho chư thiên, Atula và tất cả mọi người
Đều được hoan hỷ với niềm vui thế tục.
Nếu quý vị trau giồi Bồ đề tâm, thì tất cả chúng sanh sẽ là bạn bè của quý vị. Bạn sẽ thấy rằng tất cả mọi người thật là đáng yêu; và không một ai là kẻ thù cả. Ngược lại, nếu ta chỉ nghĩ về bản thân mình, thì mọi người sẽ có vẻ dường như là một mối đe dọa. Kinh điển đã dạy cho chúng ta biết rằng thân người rất khó được và vô cùng quý giá, vì nó cho phép chúng ta hoàn thành mục tiêu của người khác và của chính mình.
Ngài đã nói về cách mà tất cả các truyền thống tôn giáo đã nhắn nhủ chúng ta nên là những con người có có trái tim ấm áp nhân hậu - mặc dù họ có những cách tiếp cận triết học khác nhau về mục tiêu này. Một số truyền thống thần học, như Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo thì đặt niềm tin của họ vào một vị Thần sáng tạo, xem những sinh vật khác là con cái của vị thần đó và cũng như là anh chị em của họ. Các truyền thống phi thần học ở Ấn Độ, chẳng hạn như các truyền thống Số luận phái, Kỳ na giáo và Phật giáo, xem sự hạnh phúc và đau khổ là đều phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Quan điểm này đã đưa ra ý tưởng về hành vi phi bạo lực được khuyến khích đầu tiên bởi Kỳ Na Giáo, nhưng cũng được Đức Phật chấp nhận.
Ngài đã giải thích rõ rằng, giáo lý nền tảng của Đức Phật được đưa ra một cách công khai trước công chúng và sau đó được ghi lại bằng ngôn ngữ Pali. Truyền thống này được tiếp nối ở Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan và các nơi khác ở Đông Nam Á. Những giáo lý sau này đã được ghi lại bằng tiếng Phạn - một ngôn ngữ mang tính học thuật hơn. Ngài nói rằng - vì các thuật ngữ ‘Hinayana’ và ‘Mahayana’, ngụ ý cho ‘tiểu thừa’ và ‘đại thừa’, có thể bị xem là phân biệt đối xử, thế nên Ngài thích nói về truyền thống Pali và tiếng Phạn hơn. Chư Tăng của truyền thống Pali duy trì kỷ luật Thiền môn rất tốt. Các học giả của Truyền thống Nalanda biểu dương cho truyền thống tiếng Phạn nhấn mạnh việc sử dụng lý luận và logic. Các thành viên của truyền thống này đã nghiên cứu giáo lý của Đức Phật Phật mà không xem đó là điều hiển nhiên.
Chính Đức Phật đã khuyến khích các đệ tử của mình nên kiểm tra giáo lý của Ngài một cách cẩn thận như cách mà một người thợ kim hoàn kiểm tra vàng vậy. Khi Ngài Long Thọ và các đệ tử của Ngài thực hiện điều này, họ đã phân loại những gì mà Đức Phật đã dạy ra thành những giáo lý chuẩn xác kiên định và những giáo lý cần phải được giải thích, sau khi phân loại chúng, họ phân tích giống như một phương pháp khoa học.
Nhắc lại tầm quan trọng của việc trau giồi và duy trì sự an lạc nội tâm, Ngài nhấn mạnh rằng không nhất thiết phải là tôn giáo thì mới làm được như vậy. Điều quan trọng là phải học cách xử lý những cảm xúc phiền não. Ngài nói rằng Ngài đang khuyến khích việc giới thiệu đưa vấn đề học tập xã hội, tình cảm và đạo đức vào hệ thống giáo dục.
Mặc dù Ngài coi Phật giáo có một số hiểu biết sâu sắc nhất về sự thật, nhưng điều Ngài đặc biệt quan tâm là các Phật tử nên sử dụng kiến thức đó để giúp đỡ người khác. Ngài quan sát thấy rằng trong khi các ý tưởng triết học và tâm lý học được giới thiệu và giải thích trong văn học tôn giáo, thì chúng có thể được sử dụng tốt trong bối cảnh khách quan của thế tục và học thuật.
Ngài đã báo cáo về việc phân loại nội dung của 300 tập Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng), các bộ sưu tập các bản dịch của giáo lý Đức Phật và các luận giải Ấn Độ tiếp theo sau đó - dưới các tiêu đề sau --- khoa học, triết học và tôn giáo. Những tài liệu này đã được biên soạn thành các cuốn sách riêng biệt bằng tiếng Tây Tạng và đã được dịch sang tiếng Trung, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Công việc về các chương liên quan đến khoa học thì đã hoàn tất, trong khi công việc về các chương liên quan đến triết học thì vẫn đang được tiến hành.
Ngài đã thảo luận về những cách khác nhau mà “nhân vô ngã” và “pháp vô ngã” đã được giải thích trong truyền thống Phật giáo.
Trường phái Duy Thức khẳng định rằng không có hiện tượng nào tồn tại bên ngoài cả, chúng chỉ là sự phản ánh của tâm thức mà thôi. Họ nói về tánh Không bất nhị. Trường phái Trung đạo không thừa nhận có sự tồn tại thiết yếu hoặc cố hữu. Đối với họ, không có gì tồn tại một cách độc lập cả. Mọi thứ đều tồn tại chỉ đơn thuần là sự chỉ định gán danh mà thôi.
Trong “Bát Nhã Tâm Kinh”, Ngài Xá Lợi Phất đã hỏi "Làm thế nào mà một đứa trẻ của dòng dõi truyền giáo muốn tham gia vào việc thực hành trí tuệ ba la mật sâu sắc?”. Ngài Quán Thế Âm đã nói với Ngài rằng, “Bất kể là con trai hay con gái của dòng dõi quý tộc nào muốn rèn luyện tính kỷ luật sâu sắc về trí tuệ Ba la mật thì nên xem xét các pháp theo cách sau đây. Trước tiên, anh ta hoặc cô ta nên hiểu rõ ràng và kỹ lưỡng rằng năm uẩn không có bất kỳ bản chất cố hữu nào của riêng nó cả”. Mặc dù mọi thứ xuất hiện bề ngoài dường như có một sự tồn tại độc lập, vững chắc, nhưng chúng không thực sự tồn tại theo cách đó. “Sắc tức là không” có nghĩa là nó không tồn tại theo cách mà nó xuất hiện.
Vì mọi thứ được quy định bởi các yếu tố khác, cho nên chúng chỉ tồn tại dưới dạng định danh, được đặt tên bằng ngôn ngữ mà thôi. Khi chúng ta kiểm tra một cách nghiêm túc về sắc tướng, thì nó vốn không có sự tồn tại cố hữu. Nhưng khi chúng ta chấp nhận như những gì nó xuất hiện, thì “sắc” có sự tồn tại ở một mức độ thông thường. “Không chẳng khác sắc, sắc chẳng khác không”.
Tâm thức tồn tại như một chuỗi của những khoảnh khắc, những khoảnh khắc của ý thức.
“Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận” của Ngài Long Thọ giải thích trong Chương 26 về cách mà chúng ta bị trôi lăn trong cuộc sống vô minh của dòng sinh tử luân hồi như thế nào. Chương 18 đề cập đến sự vô ngã, và Chương 24 giải thích về Tứ diệu đế. Có những bộ luận giải về “Trí tuệ Căn bản” của Ngài Phật Hộ và Ngài Nguyệt Xứng. Đức Je Tsongkhapa đọc những điều này và các bản văn cổ điển khác để chuẩn bị cho luận giải của riêng mình. Vào một thời điểm nhất định, Ngài đã có linh kiến về Đức Văn Thù - Bậc đã ban cho Ngài một sự trả lời cho câu hỏi mà Ngài cảm thấy rất khó hiểu. Đức Văn Thù sau đó đã khuyên Ngài nên tham gia vào việc nghiên cứu và thực hành thêm nữa. Cuối cùng, chính vào lúc Ngài đọc luận giải của Ngài Phật Hộ, Ngài đã đạt được trí tuệ thâm sâu chính xác về tánh Không.
Ngài nhận xét rằng khi Ngài tặng ai đó một bức tượng Phật, Ngài giải thích rằng Đức Phật là một vị Thầy. Do đó, điều quan trọng nhất là phải học hỏi những lời dạy của Vị Thầy ấy. Ngài nói rằng, Giáo Pháp của Đức Phật đã đến Trung Quốc trước khi nó được truyền sang Tây Tạng. Tuy nhiên, kể từ khi bậc Du tăng Huyền Trang đến học tại Nalanda trước khi trở về Trung Quốc, và Phật giáo đã được truyền đến Tây Tạng bởi học giả Nalanda đầu tiên là Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, thì cả Phật giáo Trung Quốc và Tây Tạng đều thuộc về Truyền thống Nalanda. Sự khác biệt là trong khi các tác phẩm tiêu biểu dựa trên logic và nhận thức luận của Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng đã được dịch sang tiếng Tây Tạng, nhưng chúng không được dịch sang tiếng Trung Quốc.
Tuyên bố rằng hôm nay Ngài đã có ý định đọc chương đầu tiên của “Vòng Châu Báu của Trung Quán” của Ngài Long Thọ - Ngài đã tóm tắt nội dung của nó. Chương này phân biệt giữa sự “được sinh ra ở cảnh giới cao” và “đạt được phẩm chất tốt đẹp kiên định”. Cảnh giới cao được coi là hạnh phúc, phẩm chất tốt đẹp kiên định là sự giải thoát. Cần phải chuyển hoá tâm thức, sử dụng trí tuệ và phân tích để đạt được phẩm chất tốt đẹp kiên định, nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi có được thân người. Ngài nhấn mạnh rằng việc chuyển hoá tâm thức không thể xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng nếu tiếp tục nỗ lực, thì quý vị sẽ đạt được mục tiêu của mình. Bất cứ điều gì quý vị đọc hoặc nghe (văn), đều phải suy ngẫm (tư) nhiều lần để có được niềm tin. Thông qua sự thiền định (tu) sẽ mang đến sự trải nghiệm về những gì bạn đã hiểu để chuyển hoá tâm thức của mình.
Khi sắp kết thúc buổi thuyết giảng, Ngài khuyến khích các thính giả nên tranh thủ cơ hội để ôn lại những gì mà Ngài đã giảng dạy. Ngài bảo họ không nên ngồi im lặng mà hãy đặt câu hỏi để giải quyết mọi nghi ngờ mà họ có thể có. Ngài sẽ giải thích tiếp tục vào ngày mai.