Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm vào sáng nay, Ngài chào hai nhóm khán giả trực tuyến, Chư Tăng ở Yunlin và các Tăng sĩ cùng cư sĩ ở Đài Bắc. Họ vẫy tay chào Ngài khi Ngài đã an toạ trên pháp toà.
Ngài bắt đầu: “Hôm nay là ngày thứ hai của lần thuyết Pháp này. Chúng ta không cần dùng lý luận để chứng minh rằng chúng ta muốn hạnh phúc, không muốn trải qua đau khổ. Cội nguồn của đau khổ chính là thái độ ái trọng tự thân và quan niệm sai lầm của chúng ta về sự tồn tại thực sự của con người và vạn vật. Điều này được phản ánh trong bài Kệ mà quý vị tụng vào lúc kết thúc “Bát Nhã Tâm Kinh”:
Nguyện tiêu tam chướng, trừ phiền não;
Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu;
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ;
Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo”.
Lý do hôm nay chúng ta lắng nghe bài giảng này là để trí tuệ của chúng ta có thể tỏa sáng. Tuy nhiên, có một câu nói rằng nếu sau khi học tập siêng năng, nhưng quý vị không thể tích hợp những điều mình đã học vào nội tâm của chính mình, thì nó sẽ không phục vụ được mục đích nào cả. Trulshik Rinpoche - người đã đặc biệt đến Lhasa để thọ nhận giáo lý về ‘Các giai trình của Đạo lộ’- đã từng trêu chọc tôi về kiến thức vĩ đại của Geshés (Tiến sĩ) mà không mang lại được kết quả gì cả.
Jé Tsongkhapa đã đề cập trong ‘Viên thành Sứ mệnh’:
Vảo giai đoạn bắt đầu, tôi đã nỗ lực tìm tòi học hỏi.
Chặng giữa, tất cả giáo lý soi rọi vào tôi như những chỉ dẫn tâm linh.
Cuối cùng, tôi đã ngày đêm chuyên tâm tu tập thực hành.
Tôi hồi hướng tất cả công đức này cho đạo pháp ngày càng hưng thịnh.
Suy ngẫm lại điều này, sứ mệnh của tôi đã viên thành tốt đẹp biết bao!
Xin thành kính tri ân Ngài - Đấng Cát tường Trí tuệ Tối cao!
Chúng ta nên noi theo bước chân của Jé Tsongkhapa. Như đã được đề cập trong: “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận”, các bậc Thanh Văn và Duyên giác được đưa đến mục tiêu giải thoát của họ thông qua sự hiểu biết căn bản. Chư Bồ tát có thể hoàn thành mục tiêu của mình là giúp đỡ tha nhân thông qua trí tuệ về Đạo lộ. Chư Phật có thể ban nhiều giáo lý khác nhau tùy theo căn cơ của các đệ tử. Mục đích của ba thừa (Thanh Văn, Duyên giác và Bồ tát Thừa) là để khắc phục những cảm xúc tiêu cực của chúng ta và đạt được sự kiểm soát tâm thức của mình. Để xua tan bóng tối vô minh cho chính mình, chúng ta phải học hành và tu tập. Như Jé Rinpoché đã nói, Ngài đã nỗ lực thực hành cả ngày lẫn đêm.
Tôi khuyên người Tây Tạng nên trở thành người Phật tử của thế kỷ 21; và tôi khuyên quý vị cũng nên làm như thế! Nghĩa là hãy phát triển sự hiểu biết sâu sắc về các giáo lý. Quý vị cần sử dụng trí thông minh của mình để phân biệt đúng - sai; và kiểm tra xem ngày nay việc tu hành có thể mang lại sự lợi ích như thế nào.
Như tôi đã đề cập ngày hôm qua, khi còn thơ ấu, tôi đã học thuộc lòng “Nhập Trung Quán Luận” và “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận”. Tôi đã học “Tuyển Tập các Chủ để” logic và lý luận trên cơ sở sách Giáo khoa của Purba Chok. Ban đầu, tôi không có hứng thú lắm, nhưng sau này tôi nhận ra rằng những gì tôi học được là vô cùng hữu ích.
Cũng giống như Jé Rinpoche đã hồi hướng công đức của mình như Đức Văn Thù và Ngài Phổ Hiền đã làm, các đệ tử của truyền thống Sakya Lam Dre và Kagyus, những người theo 'Trang Hoàng của sự Giải thoát' cầu nguyện cho việc truyền bá giáo pháp vì lợi ích của chúng sinh.
Ngài tiếp tục đọc ‘Tinh hoa của mọi Diệu Thuyết’. Ngài lưu ý rằng lúc đầu Jé Rinpoche viết rằng, giáo lý dựa trên lý luận. Các văn bản của Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng về logic là rất quan trọng và - một lần nữa - Ngài khuyến khích thính chúng nên dịch những bản văn đó và cuốn “Tuyển Tập các Chủ đề” của Purba Chok sang tiếng Hoa.
Bản Kinh văn nói rằng Đức Phật đã ban một số giáo lý được xem là bất liễu nghĩa và những giáo lý khác là liễu nghĩa. Những giáo lý liên quan đến sự thật tối hậu là liễu nghĩa; còn những giáo lý khác, không thể hiểu theo nghĩa đen - chỉ mang tính tuỳ thuộc, là bất liễu nghĩa.
Vấn đề ở đây là trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên, Đức Phật đã dạy như thể mọi vật có đặc tính của ngã. Nhưng trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai trên đỉnh Linh Thứu, trong Giáo Lý Bát Nhã Ba La Mật, Ngài đã dạy rằng mọi thứ - từ sắc cho đến tâm thức toàn tri - đều không có tự tánh nội tại cố hữu. Vì có một số đệ tử không thể hiểu được giáo lý này, cho nên trong lần chuyển Pháp Luân thứ ba tại Vaishali, Ngài đã giải thích ba bản chất - gán danh, phụ thuộc và bản chất hoàn hảo.
“Giải Thâm Mật Kinh” nói về tính bất nhị của chủ thể và khách thể - điều mà vật lý lượng tử cũng có đề cập đến. Hình sắc, âm thanh, v.v. dường như có sự tồn tại khách quan của riêng chúng, nhưng nó không thực sự tồn tại theo cách đó. Nếu điều tra tìm hiểu sâu hơn ta sẽ thấy rằng chúng chỉ được định danh bằng sự gán tên mà thôi chứ không thực sự tồn tại như nó xuất hiện. Đối tượng bên ngoài và tâm chủ quan được cho là có cùng một bản chất.
Khi chúng ta cảm thấy luyến ái vào một thứ gì đó đẹp đẽ, hoặc chán ghét một thứ gì đó xấu xí, thì theo truyền thống của Duy Thức cho rằng những thứ đó chỉ là do bản chất của tâm thức; quan điểm đó sẽ giúp chúng ta giảm bớt sự tham đắm hoặc chán ghét của mình.
Ngài chuyển sang phần nói về quan điểm Trung Đạo. Ngài lưu ý rằng việc giải thích về Trung Quán dựa trên “Minh Cú Luận” của Ngài Nguyệt Xứng và ‘Bát Nhã Đăng Luận’ của Ngài Thanh Biện. Có sự đề cập đến “tứ y” (bốn yếu tố cần nương theo):
Y Pháp, bất y nhân;
Y nghĩa, bất y ngữ;
Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa.
Y trí, bất y thức.
Tác phẩm ‘Trí tuệ Căn bản’ của Đức Long Thọ đã mở đầu bằng lời xưng tán Đức Phật vì đã giảng dạy Lý Duyên Khởi từ tám thái cực (tám biên):
"Con xin đảnh lễ Đức Phật toàn hảo!
Đấng tối thượng của tất cả Đạo Sư ;
Bậc đã dạy về giáo lý Duyên khởi
Không sinh - không diệt; không đoạn - không thường;
Không đến - không đi; không một - không khác;
Và an lạc - vượt trên mọi tạo tác."
Và luận thuyết đã kết thúc với sự ngưỡng mộ về cách mà Đức Phật đã giảng dạy để giúp loại bỏ mọi quan điểm sai lầm méo mó của chúng ta:
“Con xin kính lễ Đức Cồ Đàm
Bậc đã thông qua lòng Bi mẫn
Giảng dạy Giáo Pháp quý tuyệt trần
Quan điểm sai lầm đều dứt tận”.
Theo quan điểm về bản chất của các pháp, không có sinh và không có diệt. Về mặt đối tượng, thì không có đến và không đi; về tính liên tục thì không có đoạn diệt, cũng không có thường hằng; về phương diện nhận dạng, thì không phải là một cũng chẳng phải là khác. Các pháp sinh và diệt, nhưng nếu quý vị phân tích chúng, cố gắng tìm ra sự khởi sinh hoặc kết thúc trong một đối tượng, thì ta sẽ không thể nào tìm thấy chúng.
Ngài nhận xét: “Khi tâm thức tư duy miên mật vào sự thật của các pháp, thì sự đa dạng của chúng sẽ biến mất. Tôi không phải là cái thân của tôi; tôi không phải là lời nói của tôi; tôi cũng không phải là tâm thức của tôi. Ba thứ này cũng không phải là tôi. Nếu chúng ta tìm kiếm đối với thân, khẩu, ý hoặc cái ‘tôi’ trong các uẩn thuộc tâm lý-vật lý, thì ta cũng sẽ không tìm thấy chúng.
Các truyền thống phi Phật giáo nói về một thực thể bên ngoài thân, khẩu, ý của chúng ta, mà họ gắn nhãn là ‘atman’. Là một khái niệm, nó hữu ích cho sự hiểu biết về kiếp trước và kiếp sau. Trường phái Trung quán Y Tự Khởi đã chỉ ra rằng ý thức - là yếu tố để nhận biết về một người đi từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, những người theo thuyết Hệ quả - (Trung Quán Ứng Thành Phái) thì nói rằng khi chúng ta tìm kiếm thì sẽ không thể tìm thấy được gì cả. Chẳng có gì có thể được tìm thấy như một thực thể riêng biệt. Không có gì có bất kỳ bản chất nào ở trong và của chính nó, hoặc từ phía của chính nó.
Các pháp không hề có cốt lõi thiết yếu ở trong và của chính nó. Trong cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ Ngài Pháp Xứng đã giải thích rằng, những sự vật tồn tại khách quan sẽ kéo theo bốn sự ngộ nhận logic: rằng sự thiền định miên mật của một bậc Thánh về tính không sẽ là kẻ hủy diệt của các pháp hiện tượng; rằng sẽ là sai lầm nếu dạy rằng các pháp không có sự tồn tại tối hậu; rằng sự tồn tại thông thường của các pháp sẽ có thể đối chất được sự phân tích tối hậu về bản chất của các pháp; và không thể khẳng định được rằng các pháp là rỗng không ở trong và của chính nó. Như Ngài Long Thọ đã nói:
"Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp nhân duyên,
Thì chính nó cũng là Trung đạo."
Lý Duyên Khởi có năng lực đoạn trừ được đồng thời cả hai quan điểm cực đoan (thường kiến và đoạn kiến). Khi chúng ta hiểu rằng các pháp được phát sinh một cách phụ thuộc, thì chúng ta cũng sẽ hiểu rằng chúng không hề có bất kỳ sự tồn tại cố hữu nào. Và khi chúng ta hiểu rằng các pháp không có sự tồn tại cố hữu, điều này sẽ mang lại sự hiểu biết về Duyên khởi.
Ngài tuyên bố hôm nay sẽ dừng lại tại đây; và trả lời các câu hỏi từ phía khán giả. Thảo luận về cách mà tâm thức hiểu sai lệch về một bản ngã độc lập với các uẩn thuộc thể chất và tâm lý, Ngài đã trích dẫn bài Kệ đầu tiên của Chương 22 trong ‘Trí tuệ Căn bản’ của Đức Long Thọ:
"Không phải các uẩn, cũng chẳng khác các uẩn;
Các uẩn không ở trong Ngài, Ngài chẳng trong các uẩn;
Đức Như Lai không sở hữu các uẩn;
Vậy Như Lai còn là gì khác nữa?"
Ngài nói rằng Ngài thường thực hành lặp lại điều này để nhắm vào chính bản thân mình và suy ngẫm về nó cho phù hợp:
Tôi không phải các uẩn, cũng chẳng khác các uẩn;
Các uẩn không ở trong tôi, tôi cũng chẳng trong các uẩn;
Tôi không sở hữu các uẩn;
Vậy tôi còn là gì khác nữa?
Ngài trả lời cho một câu hỏi khác rằng, khoa học hiện đại vẫn chưa chú ý nhiều đến sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc, mặc dù giá trị của sự an lạc nội tâm đang bắt đầu được thừa nhận. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ quan tâm đến khái niệm về Duyên Khởi.
Ngài chỉ ra rằng những hiện tượng như giấc mơ thường được sử dụng như một phép so sánh cho điều gì đó không tồn tại.
Để làm rõ thuật ngữ Duyên Khởi, Ngài cho rằng sự phụ thuộc cho ta thấy rằng các pháp vốn dĩ không độc lập, trong khi Duyên khởi cho thấy rằng các pháp khởi sinh thông qua sự phụ thuộc. Sự hiểu biết về Duyên khởi sẽ dẫn đến sự hiểu biết về tính Không, và rằng các pháp là tương quan. Chone Lama Rinpoche nói rằng, sự phụ thuộc không phủ nhận tính không, và sự khởi sinh có nghĩa là các pháp tuân theo quy ước thế gian. Duyên khởi là Giáo lý đích thực của Đức Phật.
Ngài tiết lộ: “Tôi đã thiền định về tính Không trong sáu mươi năm và về Bồ đề tâm trong năm mươi năm. Qua thời gian đó, sự hiểu biết của tôi đã tăng trưởng. Khi tôi báo cáo sự trải nghiệm về tính không của mình với Yongzin Ling Rinpoche, Vị ấy rất vui và nói với tôi, "Chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ là một Du già về Tánh Không.”
Ngài đề cập rằng, vì chúng sinh có Phật tính, cho nên họ có tiềm năng đạt được Phật quả. Giác ngộ là điều khả thi, bởi lẽ những phiền não chỉ là hiện tượng bất chợt và có thể được đoạn trừ. Một khi tham, sân, si đã chấm dứt, không có phiền não nào phát sinh, và tại nơi đó hiển hiện sự trải nghiệm về ánh quang minh.
Khi được hỏi về cách làm thế nào để giảm bớt sự tham ái, sân giận trong thời gian ngắn. Ngài trả lời rằng, khi chúng ta hiểu rằng sự sân giận, luyến ái và vô minh đều phát sinh trên cơ sở thái độ phóng đại của tâm thức bắt nguồn từ cảm giác cho rằng mọi thứ tồn tại độc lập, khi đã hiểu được như thế thì chúng ta sẽ có thể kiểm soát và làm giảm bớt chúng. Ngài nhận thấy rằng những cảm xúc tiêu cực thì rất xảo quyệt; và chúng ta không chỉ phải trau dồi sự hiểu biết về tánh Không, mà điều quan trọng không kém là ta phải tập cho mình thói quen với ý tưởng trong tâm thức. Ngài lưu ý rằng, một trong những ý nghĩa của các thuật ngữ tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng đối với “thiền định” là đạt được sự quen thuộc, là hình thành thói quen với điều đó.
Ngài nhận xét rằng ý tưởng về tánh Không còn tương đối mới mẻ đối với chúng ta, trong khi chúng ta đã quen với việc bám chấp vào ý niệm về “sự tồn tại độc lập” kể từ vô thỉ. Chúng ta vô cùng tri ân Đức Phật, Ngài Long Thọ và Ngài Nguyệt Xứng vì đã mở mang tầm mắt của chúng ta (về Tánh Không).