Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Sau khi các nghi thức trì tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ và cúng dường mạn đà la đã hoàn tất vào sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu phát biểu.
“Hôm nay, chương trình trực tuyến này chủ yếu dành cho những người trong số quý vị đang ở tại đất nước Mông Cổ vĩ đại. Bản văn mà tôi sắp giảng là ‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’ được đưa vào trong số các tác phẩm đa dạng của Jé Tsongkhapa. Nó được trước tác để đáp lại lời thỉnh cầu của một trong những đệ tử thân cận của Ngài là Tsakho Önpo Ngawang Drakpa - người ở Gyalmorong, miền Đông Tây Tạng.
“Jé Rinpoché đã hứa với ông ấy rằng nếu ông ấy thọ trì tốt những lời chỉ dạy của Ngài, thì khi Ngài - Tsongkhapa - trở thành một vị Phật, Ngài sẽ chia sẻ cam lồ giáo pháp cho ông ấy trước tiên nhất. Trong câu cuối cùng của bản văn, đề cập đến ‘con trai của ta’, có thể được sử dụng để bao gồm cho tất cả chúng ta.
“Tôi sinh ra ở cùng quê với Jé Rinpoché; và cũng như sự gần gũi về thể chất, tôi cũng cảm thấy gần gũi với Ngài về mặt tâm linh. Chúng ta nên thực hành như lời Ngài đã khuyên Ngawang Drakpa, hãy nhớ rằng:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
“Như người ta cũng nói, ‘Bạn là chủ nhân của chính mình’. Chúng ta cần phải học và thực hành cho phù hợp, phát triển sự thiền định nhất tâm và áp dụng nó trong thiền phân tích.
“Các tác phẩm của Jé Rinpoché gồm có mười tám tập. Chúng ta nên đọc chúng, suy ngẫm về những điều mà các tác phẩm này đã đề cập đến và suy ngẫm về những gì mà chúng ta đã hiểu. Nguồn khởi xướng của Ngài ấy là Đức Long Thọ và Nguyệt Xứng - người đã trước tác cuốn “Nhập Trung Quán Luận”, với bài tự luận về tác phẩm ấy, tôi luôn mang theo bên mình và đọc những quyển ấy bất cứ khi nào tôi có thời gian. Liên quan đến Bồ Đề Tâm, tôi dựa vào tác phẩm tuyệt diệu “Nhập Bồ tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên. “Để giúp đỡ những chúng sinh khác, chúng ta cần đạt được thân hình của Đức Phật, nghĩa là đoạn trừ mọi phiền não và tích lũy một lượng công đức rất lớn.
“Ngay khi thức dậy vào buổi sáng, tôi trau giồi Bồ Đề Tâm và đọc các câu từ ‘Nhập Trung Quán Luận’. Kyörpön Rinpoché quá cố đã nói rằng nếu bạn đọc năm cuốn sách về Trung Quán của Ngài Tsongkhapa: 'Đại dương lý luận'; ‘Minh giải Tư tưởng’; Phần Tuệ giác Đặc biệt của ‘Đại Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ’; Phần Tuệ giác Đặc biệt của ‘Trung Luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ’ và ‘Tinh Hoa của Diệu Thuyết’, thì bạn sẽ có được trí tuệ sâu sắc về Tánh Không. Nhưng, vấn đề không chỉ là đọc chúng một lần. Bạn cần phải đọc lại chúng nhiều lần. Làm như vậy sẽ mang niềm tin đến với chúng ta.
“Những suy tư của riêng tôi về Trung Quán và Bồ Đề Tâm không chỉ là một sự thực hành về trí tuệ, mà nó còn mang lại cho tôi sự bình yên trong tâm hồn. Tôi cảm thấy mình đang sống đúng với lời khuyên của Jé Rinpoché để thực hành một cách chân thành."
Ngài bắt đầu đọc bản văn bằng cách làm rõ rằng ‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’ là sự quyết tâm để đạt được giải thoát, Bồ Đề Tâm và Chánh kiến về tính Không. Bản văn mở đầu bằng sự kính lễ đến các bậc Thầy và một lời hứa khiêm tốn là sẽ “giải thích tốt trong khả năng có thể - về tinh tuý của tất cả các giáo lý của Đấng Chiến Thắng. Các đệ tử hữu duyên tiếp thu được khuyến khích hãy lắng nghe giáo lý này.
Nếu không có sự quyết tâm thuần túy để đạt được giải thoát thì không có cách nào khác cả; vẫn phải bị lôi cuốn bởi những lạc thú của vòng sanh tử luân hồi, toàn bộ chúng là chức năng của nghiệp lực và phiền não. Chúng bắt nguồn từ vô minh. Do đó, cần phải tìm kiếm sự yểm ly, quyết tâm để được giải thoát. ‘Không có thời gian để lãng phí’ khi chạm đến vô thường. Sự thay đổi trong từng khoảnh khắc là sự vô thường vi tế; cái chết chính là khía cạnh thô của nó.
Ngài chỉ ra rằng, các câu số ba, bốn và năm nêu lên lý do để tạo ra sự quyết tâm đạt được giải thoát, cách trau dồi quyết tâm ấy, và biện pháp để thực hiện điều đó. Tiếp theo là nhu cầu phát triển Bồ Đề Tâm, nếu không có Bồ Đề Tâm này thì chúng ta sẽ không đạt được quả Phật toàn giác.
Câu số bảy phác thảo phương pháp thực hiện điều này bằng cách suy ngẫm về cách mà chúng sinh bị cuốn theo dòng chảy của bốn dòng sông mãnh liêt - sinh, lão, bệnh, tử. Họ bị trói cột bởi những ràng buộc chặt chẽ của nghiệp lực, rất khó tháo gỡ. Họ bị mắc vào lưới sắt của sự chấp ngã - hoàn toàn bị bao trùm bởi bóng tối của sự vô minh ngu muội.
Sinh ra và tái sinh trong vòng luân hồi bất tận,
Bị ba loại khổ đau không ngừng dứt giày vò;
Tất cả chúng sinh, mẹ hiền của bạn, đang trong tình trạng đó;
Hãy suy tư đến họ và phát khởi tâm vô thượng Bồ đề!
Mặc dù câu bảy và tám nhằm mục đích chỉ ra phương pháp tu tập Bồ Đề Tâm, nhưng Ngài cũng thích thay đổi sự tập trung vào tất cả chúng sinh mẹ sang tập trung vào chính bản thân mình như một phương tiện để củng cố quyết tâm đạt được sự giải thoát của mình.
Ngài chỉ ra rằng có hai phương pháp để phát triển Bồ Đề Tâm: phương pháp nhân quả bảy lần và phương pháp hoán đổi bản thân mình với người khác. Ngài cho rằng cách thứ hai mạnh mẽ hơn và Ngài trích dẫn lời Ngài Tịch Thiên đã nói:
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên?" (30/7)
Điểm then chốt nằm ở câu chín, bởi vì, mặc dù bạn có thể thực hành quyết tâm yểm ly và Bồ Đề Tâm, nhưng nếu không có trí tuệ nhận thức về tánh không, bạn không thể cắt bỏ gốc rễ của vòng sinh tử luân hồi - là cố gắng hiểu được lý duyên khởi.
Ngài nói: “Như Ngài Thánh Thiên đã đề cập trong ‘Tứ Bách Cú’ rằng:
"Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện hành, khiến não phiền
Khéo chế ngự vô minh này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh an nhiên."
Các pháp xuất hiện như thể có một sự tồn tại nào đó từ phía của chúng. Nhưng chúng ta không xem “ngã” như là một thứ gì cả - mà chỉ đơn thuần là một sự gán danh mà thôi. Có những trường phái triết học đã coi ý thức như là con người. Từ trong số các uẩn thuộc tâm lý-vật lý, họ chọn một thứ để trở thành con người. Những người theo truyền thống Ứng Thành Phái (Prasangikas) không chấp nhận điều này”.
Ngài đã trích dẫn ba câu từ chương thứ sáu của cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng, trong đó phác thảo những ngụy biện hợp lý xảy ra khi sự tồn tại khách quan được khẳng định.
"Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn không hề tồn tại." (6/34)
Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để đem ra khảo sát. (6.35)
"Trong phân tích triệt để, không lý luận nào thừa nhận;
Sản phẩm ra đời từ thứ khác hay từ nơi chính nó phát sinh;
Và lý luận không thể ủng hộ ngay cả là quy ước thông thường
Vậy điều gì xảy ra với thuyết khởi sinh của bạn?" (6.36)
Nếu các pháp có thể được xác định như thế này hoặc thế kia, Nguỵ biện cho rằng sự thiền định miên mật của một bậc Thánh về tính không sẽ là kẻ hủy diệt của các pháp hiện tượng; rằng sẽ là sai lầm nếu dạy rằng các pháp không có sự tồn tại tối hậu; rằng sự tồn tại thông thường của các pháp sẽ có thể đối chất được sự phân tích tối hậu về bản chất của các pháp; và không thể khẳng định được rằng các pháp là rỗng không ở trong và của chính nó.
Nếu thực sự khẳng định sự tồn tại khách quan của các pháp thì không thể phủ nhận sự sản sinh tuyệt đối của các pháp. Ngoài những điểm này, trong phần tự luận ‘Nhập Trung Quán Luận’, Ngài Nguyệt Xứng đã trích dẫn từ kinh điển và tuyên bố rằng đối diện với sự khẳng định về sự tồn tại khách quan của các pháp, Đức Phật đã tuyên bố rằng các pháp hiện tượng thiếu sự tồn tại của chính nó là sẽ không đúng. Ngài cũng nói rằng nếu bạn áp dụng phân tích bảy lần, thì sẽ không thể tìm thấy gì cả nhưng mọi thứ vẫn tồn tại theo quy ước thế gian.
Jé Rinpoché viết ‘hãy cố gắng để hiểu được lý sinh khởi.’ Choné Lama Rinpoché, trong bài luận giải theo thể loại thơ ca về ‘Xưng tán Duyên khởi’ của Đức Tsongkhapa, đã viết “Sự phụ thuộc không phủ nhận tính Như Thị; sự khởi sinh không phủ nhận tính quy ước thế gian”. Đức Phật dạy về Duyên khởi và Nhị Đế. Các pháp dường như tồn tại, đó là sự thật thông thường của thế gian (tục đế). Sự thật tối hậu là cách mà chúng tồn tại. Duyên khởi được ví như vua của các lý luận.
Người nhìn thấy được luật nhân quả không sai lầm của mọi pháp hiện tượng trong sinh tử luân hồi; và an tĩnh, và đoạn trừ mọi nhận thức sai lầm, thì vị ấy đã bước vào con đường làm hài lòng Đức Phật. Sự xuất hiện là duyên khởi không thể sai lầm; tánh không là vắng bặt sự khẳng định. Chừng nào mà hai cách hiểu này còn được xem là riêng biệt, thì bạn vẫn chưa nhận ra ý định của Đức Phật. Khi hai sự liễu ngộ này cùng đồng thời xảy ra, từ sự quán sát đơn thuần không thể sai lầm về duyên khởi, sẽ phát sinh một tuệ giác kiên định đoạn diệt hoàn toàn mọi phương thức của tâm bám chấp. Lúc đó việc phân tích của tuệ giác uyên thâm mới được hoàn tất.
“Không” không có nghĩa là không có gì ở đó. Các pháp và chúng sinh đều “rỗng không” về cách mà chúng xuất hiện đối với chúng ta. Bởi vì chúng phụ thuộc, cho nên các pháp không có sự tồn tại độc lập. Khi chúng ta không phân tích về chúng, các pháp tồn tại, nhưng chỉ tồn tại theo cách của quy ước thế gian.
“Lời khuyên cuối cùng của Jé Rinpoché dành cho Ngawang Drakpa - “Con trai, hãy dựa vào sự cô độc và nỗ lực mạnh mẽ, và nhanh chóng đạt được mục tiêu cuối cùng” - cũng có thể áp dụng cho chúng ta. Khi quý vị đọc thuộc lòng những câu thơ của “Bách Thiên Đâu Suất”, hãy quán tưởng rằng Ngài đang nói những lời này với quý vị. Bản văn kết luận, “Lời khuyên này do Tăng Sĩ Lobsang Drakpai Pal ban cho Ngawang Drakpa từ Tsakho."
“Hỡi chư Tăng Ni, những Pháp Hữu Mông Cổ của tôi! Trong số quý vị, có những người đang học tập rất tốt tại các trung tâm học tập của các tu viện lớn. Ở Tây Tạng, cũng như ở Nam Ấn Độ, Tăng sinh đang học tập một cách chân thành. Hãy nhớ rằng mục đích của việc học tập là tích hợp giáo pháp trong quý vị để quý vị trở thành con người tốt hơn.
“Nếu những người trong số quý vị ở Ngoại Mông có cơ hội giúp đỡ những người ở Nội Mông, v.v., thì hãy làm như thế! Đây là một trong những nơi mà Phật pháp đã được truyền bá trước đây, nhưng đã bị suy tàn. Tôi có mối liên hệ với Nội Mông vì một trong những đối tác tranh luận của tôi - Ngodup Tsognyi - đã sống ở đó. Ông ấy đã huấn luyện tôi trong cuộc tranh luận. Sự ngưỡng mộ và quan tâm của tôi đối với Trung Quán đã được Ông ấy truyền cảm hứng. Ông ấy nói với tôi, ‘Gia sư cao cấp của Ngài là một học giả vĩ đại và là bậc thầy về các luận thuyết triết học, Gia sư sơ cấp của Ngài là một chuyên gia thông thạo về tác phẩm văn học ‘Các giai trình của Đạo lộ’. Ngài nên tích hợp cả hai truyền thống này vào bên trong mình."
“Những người trong số quý vị là thành viên của Ba Học Viện lớn - đều đã và đang học tập rất tốt. Tôi mong quý vị tiếp tục thực hiện như vậy. Bất chấp những khó khăn khủng khiếp, chúng tôi đã giữ cho truyền thống của mình được tồn tại hơn cả nghìn năm qua. Truyền thống Nalanda mà chúng tôi đã bảo tồn này giống như cốt lõi của nền văn hóa và bản sắc của chúng tôi. Điều tương tự như thế cũng có thể nói về Mông Cổ. Ngày nay, các nhà khoa học đang tỏ ra rất quan tâm đến những gì mà chúng ta đã hiểu biết. Bằng cách nào đó - chúng ta không nên cảm thấy mình bị tụt hậu. Mọi người đều nói về hòa bình trên thế giới, nhưng chúng ta sẽ không đạt được điều đó - nếu ta không đạt được sự an lạc nội tâm trước đã. Hãy tiếp tục cố gắng hết sức mình nhé!”.
Trong khi trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài giải thích rằng, sự cầu nguyện, tụng kinh, lễ lạy và đi nhiễu, cũng như việc xây dựng các bảo tháp, đều là những phương pháp để tịnh hoá phiền não và tích luỹ công đức. Về lâu dài, những sự thực hành này sẽ góp phần vào việc đạt được sự giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Trong khi đó - Ngài nói - sẽ rất tốt nếu cố gắng thực hiện chúng trong khuôn khổ Ba Cốt Tuỷ của Đạo lộ.
Ngài đồng ý rằng lời dạy của Đức Phật chắc chắn có thể có tác động tích cực đến cuộc sống gia đình và việc nuôi dạy con cái. Ngài chỉ ra rằng, từ quan điểm thực tế, cuốn sách “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên rất dễ đọc. Đặc biệt, các chương sáu và tám có những lời khuyên mà trẻ em có thể lưu ý về việc đừng tức giận mà hãy cư xử tử tế. Như Ngài Tịch Thiên đã nói:
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
Ngài thừa nhận rằng trong quá khứ, các dân tộc bị cai trị bởi các vị vua và hoàng hậu. Có sự phân biệt về giai cấp, đẳng cấp và địa vị xã hội. Ngày nay, chế độ dân chủ ngày càng chiếm ưu thế. Khi mọi người bình đẳng, sẽ có nhiều cơ hội hơn để được quan tâm vì lợi ích của người khác.
Khi những lời cầu nguyện ngắn gọn đang được tụng cầu nguyện cho sự trường thọ của Ngài, Ngài chợt nhớ ra rằng Ngài muốn thực hiện một buổi lễ phát Bồ Đề Tâm. Ngài khuyến khích khán giả nên quán tưởng đến Đức Phật đang ngự ở phía trước mặt của mình, được vân tập xung quanh bởi các bậc Đạo sư Ấn Độ, Tây Tạng và Mông Cổ; và quán tưởng về Ngài như một sứ giả của Đức Phật. Sau đó Ngài dẫn dắt hội chúng đọc theo những câu sau ba lần.
Con xin quy y ngôi Tam Bảo
Sám hối tất cả từng tội chướng
Tuỳ hỷ công đức chư chúng sinh
Nguyện con được Phật Đạo viên thành!
Con xin quy y cho đến ngày giải thoát
Quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng Đoàn
Hoàn thành mục đích cho mình và người khác
Nguyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm tỉnh giác!
Khi phát triển tâm nguyện cho giác ngộ tối cao
Con mời thỉnh tất cả chúng sanh như khách quý
Thực hành hạnh giác ngộ vô song trong hoan hỷ
Vì lợi lạc chúng sanh - nguyện đắc thành Phật Vị!
Buổi lễ kết thúc bằng những bài Kệ xưng tán từ ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’.
Một nhóm Thanh Thiếu niên Mông Cổ từ vùng Bayankhongor đã biểu diễn bản nhạc Om mani padme hum với phần đệm của các nhạc cụ truyền thống.
N Tuvshintur - người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ có tên Lamiin Gegeen Mongol Sunchoi đã cảm ơn Ngài vì những lời dạy dỗ ân cần của Ngài. Ông cũng cảm ơn các nhân viên của Gandantegchenling - Tu viện Trung tâm của Phật giáo Mông Cổ, và tất cả những người khác đã góp phần tổ chức sự kiện này. Ông kết thúc bằng câu thơ cát tường sau đây:
Cầu mong trên Ngài - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma
Trụ lại với chúng con hàng trăm A Tăng Kỳ kiếp
Để ban phước gia trì cho người dân Mông Cổ
Và quang lâm ghé thăm chúng con thêm tiếp tục nhiều lần.
Ngài đáp lại lời cảm ơn và vẫy tay chào khi buổi thuyết giảng kết thúc.