Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Susan Bauer-Wu, Chủ tịch Viện Tâm thức & Đời sống đã mở đầu cho cuộc trò chuyện diễn ra giữa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg và các nhà khoa học Susan Natali và William Moomaw. Cô vấn an sức khoẻ của Ngài: “Thưa Ngài có khỏe không ạ?” Ngài cười và trả lời, “Hãy nhìn vào gương mặt của tôi! Cơ thể tôi già đi, nhưng tôi vẫn còn khá khỏe mạnh. Và bởi vì tôi có được sự bình yên trong tâm hồn cho nên tôi có thể mỉm cười. Tôi là người phục vụ của bảy tỷ con người đang sống ngày nay, cống hiến cho hạnh phúc của họ. Đại dịch đã khiến chúng ta đi lại khó khăn, nhưng công nghệ trực tuyến này đã trở nên rất hữu ích”.
Bauer-Wu chào mừng những người tham gia, các khán thính giả đã đến với cuộc tụ họp toàn cầu tốt đẹp để nâng cao nhận thức về các vòng lặp phản hồi khí hậu thông qua khoa học, đạo đức thế tục và hoạt động xã hội. Cô thông báo rằng sự kiện này cũng là sự ra mắt chính thức của một loạt phim ngắn tập trung vào các vòng lặp phản hồi khẩn cấp về khí hậu với hy vọng truyền cảm hứng cho mọi người bắt tay vào hành động.
Diana Chapman Walsh - người điều hành cuộc trò chuyện buổi sáng - nói rằng các vòng lặp phản hồi nằm sau hai thuật ngữ quan trọng - khẩn cấp và khả năng. Vì các nhà khoa học lo lắng về tác động của các vòng lặp phản hồi, nên cần phải cảnh tỉnh mọi người về những tác động đó. Cô nói, chúng ta phải tìm hiểu về các vòng lặp phản hồi, và rằng các lực tự nhiên cũng là các lực khả dĩ. Và chúng ta phải học cách làm thế nào để ta có thể trở thành một phần của giải pháp.
Cô đề cập rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Greta đều tôn trọng khoa học và cả hai đều cảm động trước việc mọi thứ trở nên cấp bách như thế nào. Họ là hai người có tầm nhìn xa rộng và đang kêu gọi cho việc thực thi hành động.
Chapman Walsh đã trích dẫn các phần của một bức thư mà Ngài đã viết cho Greta Thunberg được đưa vào trong cuốn sách mới của Ngài với Franz Alt - “Ngôi nhà Duy nhất của Chúng ta”. Trong bức thư của mình, Ngài đã đưa ra quan điểm quan trọng rằng: “Con người chúng ta là loài duy nhất có sức mạnh hủy diệt trái đất như chúng ta đã biết. Tuy nhiên, nếu chúng ta có khả năng phá hủy trái đất, thì chúng ta cũng có khả năng bảo vệ nó”. Chapman Walsh đã hỏi về suy nghĩ của Ngài khi viết lên điều đó.
Ngài trả lời: “Khi tôi nghe về những điều mà cô bé này nghĩ về môi trường và sự biến đổi khí hậu, và những gì mà cô ấy đang thực hiện về điều đó, tôi vô cùng ngưỡng mộ! Tôi cảm thấy rằng đối với một người còn rất trẻ mà đã có mối quan tâm như vậy đối với hành tinh này, thì đây quả là một dấu hiệu thực sự đáng hy vọng.
“Mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Không chỉ là con người, mà ngay cả loài động vật và côn trùng cũng thế. Mọi người đều quan tâm đến sự tồn tại của chính mình. Bộ não con người của chúng ta là một thứ rất đặc biệt, một thứ đáng chú ý; nhưng nếu quý vị nhìn vào thế giới của chúng ta ngày nay; con người chính là những kẻ gây rắc rối nghiêm trọng nhất. Các loài động vật khác chỉ biết ăn, ngủ và quan hệ tình dục; nhưng con người chúng ta thì nghĩ về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Chúng ta tạo ra nhiều điều tốt đẹp, nhưng chúng ta cũng gây ra rất nhiều vấn đề rắc rối. Chúng ta nghĩ về bản thân, đặt trọng tâm vào quốc gia, đất nước và gia đình của mình trong những vòng xoáy bất tận của sự quan tâm đến mối quan hệ. Tuy nhiên, cuộc sống của các cá nhân đều phụ thuộc vào cộng đồng mà họ đang sinh sống. Ngày nay, tất cả bảy tỷ con người đều là cộng đồng của chúng ta. Ta phải quan tâm đến toàn thể nhân loại, bởi vì tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau”.
Greta Thunberg mở đầu bài phát biểu của mình với những lời cảm ơn; trước tiên là gửi đến các nhà tổ chức vì đã tổ chức sự kiện này; và thứ hai là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì là người ủng hộ trung thành về sự cần thiết phải nhận thức về môi trường và sự biến đổi khí hậu. “Những người trẻ chúng con muốn nói lời cảm ơn vì Ngài đã đứng lên vì chúng con. Có thể có sự khác biệt về tuổi tác giữa chúng ta, nhưng mục tiêu chung của chúng ta là bảo vệ hành tinh này.”
Cô thừa nhận rằng đoạn trích từ bài phát biểu của cô trước Liên Hiệp Quốc, trong đoạn clip sắp được chiếu, là rất ấn tượng. “Tuy nhiên,” cô nói, “vẫn còn thiếu sự nhận thức. Nếu chỉ có Khoa học không thôi thì vẫn không đủ để thảo luận. Chúng ta cần phải nâng cao sự nhận thức, vì mọi người vẫn không biết chuyện gì đang xảy ra. Ví dụ như - hầu hết mọi người đều không hiểu thế nào là các vòng lặp phản hồi.
“Những hành động của chúng ta đã gây nên hậu quả. Chúng ta thiếu tôn trọng thiên nhiên đến mức không tính đến hậu quả của nó.”
Ngài trả lời: “Bản chất con người có thể tự cho mình là quan trọng, nhưng mỗi người trong chúng ta đều phụ thuộc vào cộng đồng của mình để tồn tại; và ngày nay cộng đồng của chúng ta là toàn thể nhân loại. Nếu chúng ta muốn chăm sóc bản thân, thì ta cũng phải nghĩ đến những gì mà cộng đồng của chúng ta đang cần. Ta phải có một cái nhìn thực tế về toàn thể nhân loại; và hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta."
Trước khi video clip đầu tiên được trình chiếu, Diana Chapman Walsh đã giải thích rằng các vòng lặp phản hồi có liên quan đến nguyên nhân và kết quả. Khí thải nhà kính là nguyên nhân làm phát sinh sự nóng lên của hành tinh. Điều này lại khiến cho càng nhiều khí nhà kính được thải ra theo chu kỳ tăng tốc.
Đoạn clip cho thấy Greta Thunberg trình bày với một cuộc họp của Liên Hợp Quốc, "Ý tưởng phổ biến là cắt giảm một nửa lượng khí thải của chúng ta trong vòng mười năm chỉ mang lại cho chúng ta 50% cơ hội duy trì dưới 1,5 độ ... nhưng những con số đó không bao gồm điểm tới hạn, hầu hết các vòng lặp phản hồi, sự ấm thêm lên bị che giấu bởi sự ô nhiễm không khí độc hại.”
Người thuyết minh giải thích rằng: “Khí thải từ nhiên liệu hóa thạch là nguyên liệu đầu vào - bổ sung các khí giữ nhiệt vào bầu khí quyển, làm tăng nhiệt độ Trái đất và thiết lập các vòng nóng lên tự duy trì chuyển động. Khi khí hậu ấm lên, rừng - một khi loại bỏ carbon - sẽ giải phóng nó trở lại bầu khí quyển dưới dạng carbon dioxide. Đây là những loại vòng lặp phản hồi dẫn đến sự ấm lên hơn nữa và chúng quay ngoài tầm kiểm soát."
Chapman Walsh đã giới thiệu hai nhà khoa học, Susan Natali - người làm việc ở Bắc Cực đang nóng lên nhanh chóng, và đồng nghiệp của cô có chuyên môn về rừng - William Moomaw. Natali đã chiếu đoạn clip thứ hai về lớp băng vĩnh cửu. Cô nói rằng Bắc Cực đang ấm lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy, mặt đất sụp đổ, vì vậy nó không chỉ tác động đến khí hậu thông qua việc giải phóng khí nhà kính mà còn có thể biến đổi hoàn toàn cảnh quan. Phát hiện của Natali là nếu hành động được thực hiện, nếu chúng ta giảm đáng kể lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ rừng của chúng ta, thì tốc độ ấm lên ở Bắc Cực và cả trên cao nguyên Tây Tạng, có thể giảm đi một nửa.
Lĩnh vực chuyên môn của William Moomaw là rừng. Những điều này xuất hiện trong clip thứ ba. Người thuyết minh giải thích, “Nó phụ thuộc vào cách mà chúng ta quản lý rừng ôn đới. Hoạt động của con người đã khởi động các vòng nóng lên tự nhiên, sự khéo léo của con người có thể đảo ngược hướng của chúng, thay vào đó biến chúng thành các phản hồi làm mát. Nó có nghĩa là bảo vệ và mở rộng rừng, bảo tồn đầm lầy, đồng cỏ và tất cả các môi trường sống tự nhiên ... ”
Moomaw chỉ ra rằng lượng khí thải carbon dioxide bắt đầu tăng lên sau năm 1750 và đó là thời kỳ bắt đầu công nghiệp hóa. Tuy nhiên, một nửa lượng khí thải có nguồn gốc từ con người đã xảy ra kể từ hiệp ước khí hậu đầu tiên vào năm 1992. Việc ngừng phát khí thải là điều cần thiết, nhưng để thay đổi quỹ đạo của chúng ta theo chiều hướng khí hậu tốt hơn, thì chúng ta cần phải loại bỏ nhiều carbon dioxide ra khỏi bầu khí quyển. Rừng là cách hiệu quả nhất để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, sự thay đổi đang diễn ra, vì những khu rừng như Amazon đang tích tụ ít carbon hơn so với cách đây 10 năm.
George Woodwell - một nhà tiên phong cảnh báo sớm về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch - đã nói, “Chúng ta phải rất tiến bộ trong quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và sang một thế giới mới, xanh. Nhưng nó cần đến trí tưởng tượng”. Moomaw kết luận, "Chúng ta không thể cho phép hành động đến quá muộn."
Diana Chapman Walsh đã mời Ngài và Greta Thunberg đặt câu hỏi cho các nhà khoa học, bắt đầu với Greta. Cô nói: “Có quá nhiều thứ để hỏi. Như bạn đã nói, tại sao các vòng lặp phản hồi không được đưa vào ước tính carbon toàn cầu.” Susan Natali trả lời rằng, đôi khi các nhà khoa học chỉ di chuyển chậm. Tuy nhiên, cô ấy đã gợi ý rằng ngay cả những con số thô cũng có thể đủ cho thấy mọi thứ nghiêm trọng như thế nào.
Greta tiếp tục, “Thế nên, các thông báo về việc cắt giảm lượng khí thải carbon dựa trên những phát hiện chưa hoàn thiện. Chúng ta phải làm gì để khắc phục điều này?”
Natali nói với cô ấy, “Vì có nguy cơ đánh giá thấp tầm quan trọng của các vòng lặp phản hồi, chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn và làm cho tiếng nói của chúng ta phải được lắng nghe”.
Được mời để bình luận, Ngài nhận xét, “Chúng ta đã có năng lượng mặt trời và năng lượng gió; và chúng ta đang đưa chúng vào sử dụng. Bây giờ, chúng ta cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa. Ta phải chú ý đến nạn phá rừng; chúng ta phải bảo vệ môi trường tốt hơn. Trong cuộc đời mình, tôi đã chứng kiến sự sụt giảm của lượng tuyết rơi, đầu tiên là ở Tây Tạng và sau đó là ở Dharamsala. Một số nhà khoa học đã nói với tôi rằng có nguy cơ những nơi như Tây Tạng cuối cùng sẽ trở thành sa mạc. Đó là lý do vì sao tôi cam kết lên tiếng bảo vệ môi trường của Tây Tạng. Chúng ta phải trồng nhiều cây cối hơn nữa.
“Phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục. Trong hàng nghìn năm, chúng ta đã hành xử theo cùng một cách, nhưng hiện nay sự nóng lên của toàn cầu và sự biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải coi trọng mối quan hệ của mình với thiên nhiên hơn. Chúng ta nhận ra rằng sự tan chảy của Bắc Cực là quan trọng, nhưng chúng ta có thể làm gì để bảo vệ nó? Ít nhất ta có thể chuyển sang việc sử dụng năng lượng sạch.
“Tôi có ước mơ rằng có thể sử dụng năng lượng mặt trời để vận hành các nhà máy khử muối trên bờ biển Bắc Phi và toàn bộ bờ biển Úc nhằm sản xuất nước sạch để làm xanh Sahara và vùng nội địa Úc”.
Chapman Walsh nhắc lại rằng Ngài đã đề cập đến mối quan tâm cấp bách của toàn cầu đối với môi trường trong bài phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình của mình. Kể từ đó, khoa học mới đã phát triển và cùng với nó là những cách thức mới để tranh thủ thiên nhiên như một đồng minh trong việc giải quyết vấn đề về vòng lặp phản hồi. Bà nói, những người ra quyết định đã không chú ý đến điều này, vì vậy những người trong chúng ta - những người hiểu biết về điều này - phải hành động cùng nhau như một cộng đồng. Cô ấy kêu gọi Greta lên tiếng kêu gọi hành động của mình.
Cô tuyên bố, “Chúng ta đã sắp hết thời gian. Chúng ta cần tự giáo dục bản thân. Chúng ta cần nhận thức. Ta cần phải hiểu những gì đang xảy ra, cũng như những gì không xảy ra.
“Hãy tự giáo dục bản thân - có rất nhiều thông tin - và hãy chia sẻ những gì bạn học được với những người khác. Nếu có đủ người yêu cầu thay đổi, họ sẽ đạt được một khối lượng quan trọng - những người này không thể bị phớt lờ.
“Tập trung vào các giải pháp. Phục hồi thiên nhiên là một giải pháp đối với sự khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học. Chúng ta cần phải làm mọi thứ có thể. Hãy thay đổi tốc độ thay đổi. Tôi muốn cảm ơn tất cả những thành viên đã tham gia cuộc trò chuyện này cũng như những người đã xem sự kiện này.
William Moomaw tuyên bố rằng, để đạt được một khí hậu an toàn, chúng ta phải làm mát Bắc Cực, có nghĩa là dừng các vòng lặp phản hồi liên quan đến nó. Điều cần thiết là phải hạn chế việc thải khí giữ nhiệt, nhưng phản hồi sẽ tiếp tục ngay cả khi chúng ta đã ngừng phát thải khí ngay hôm nay. Ngoài việc ngừng phát khí thải, chúng ta cần phải tăng cường các cách để loại bỏ carbon khỏi khí quyển. Vì những cây lớn hơn sẽ có hiệu quả nhất cho nên phải dừng lại việc chặt phá rừng. Không những thế, chúng ta cũng cần phải trồng lại rừng, thay đổi mô hình chăn thả động vật, xem xét lại cách chúng ta đối phó với đất ngập nước; và nói chung là cải thiện nông nghiệp.
Ngài được yêu cầu tổng hợp lại vấn đề. Ngài nhận xét: “Có vẻ như cuộc sống của con người đã phát triển qua hàng triệu năm, chúng ta đã coi mọi thứ như là điều hiển nhiên. Chúng ta đã sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không cần suy nghĩ, và đã gây ra các vấn đề rắc rối. Chúng ta phải tự giáo dục bản thân để hiểu cách sống của chúng ta ngày nay cần phải thay đổi như thế nào. Ta cần phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo cách khác. Chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về thực tế của tình huống mà chúng ta đang gặp phải.
“Sự giáo dục và nỗ lực của các nhà lãnh đạo trẻ có thể nâng cao nhận thức rằng mọi thứ là nghiêm trọng. Ngược lại với điều này, chúng ta lại có xu hướng coi cách làm việc thông thường của mình là điều hiển nhiên. Thay vào đó, chúng ta phải nhìn nhận thực tế về tình trạng khó khăn của mình một cách nghiêm túc. Ta phải bảo vệ thế giới của chúng ta.
“Trong quá khứ, khi con người gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như thế này, tùy thuộc vào đức tin của mình, họ sẽ tìm đến Chúa hoặc Phật để mong được giúp đỡ. Nhưng chỉ có sự cầu nguyện thôi thì chưa đủ, chúng ta cần phải hành động. Điều gì xảy ra đều phụ thuộc vào những gì mà chúng ta làm. Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề phát sinh từ kết quả của hành vi của chính chúng ta, do đó chúng ta phải tìm ra giải pháp cho chính mình."
Diana Chapman Walsh cũng đồng tình. “Ngài hoàn toàn đúng ạ! Chúng ta phải chịu trách nhiệm, và chúng ta phải hành động. Cần phải có sự công bằng về khí hậu và xã hội. Chúng ta cần các vòng lặp phản hồi xã hội để đối phó với mối đe dọa hiện hữu. Chúng ta phải yêu cầu các nhà lãnh đạo của chúng ta hành động như thể ngôi nhà đang bốc cháy. Chúng ta nên nhớ rằng, làm việc cùng với những người khác là một cách để đối phó với bất kỳ sự lo lắng nào mà chúng ta có thể cảm thấy về những gì đang xảy ra. Quý vị có thể tìm thấy loạt 5 phim ngắn về các vòng lặp phản hồi cho thấy Trái đất đang làm nóng Trái đất, tại đây: https://feedbackloopsclimate.com.
“Chúng tôi cảm ơn tất cả các bạn đã ở bên cùng sát cánh với chúng tôi. Xin thành kính tri ân Ngài! Cảm ơn Greta. Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn Viện Tâm thức & Đời sống đã tổ chức sự kiện này!”
Ngài có vài lời cuối cùng: “Nhân dịp này đã cho tôi có cơ hội gặp lại nhiều gương mặt bạn bè cũ. Vấn đề này là trách nhiệm của mọi người, và tôi cam kết tiếp tục làm việc để tìm ra giải pháp. Tôi muốn cảm ơn Greta vì đã xem xét vấn đề một cách nghiêm túc; điều đó đã khuyến khích động viên tất cả những người còn lại và đã cho chúng ta niềm hy vọng.
“Khi tôi gặp Tổng thống Obama và chúng tôi cùng nhau thảo luận, tôi đã nói với ông ấy rằng, “Bạn còn trẻ hơn tôi, cho nên tôi hy vọng rằng bạn sẽ tiếp tục thực hiện những ý tưởng này sau khi tôi ra đi”, và ông ấy đã đồng ý. Tương tự như vậy, tôi kêu gọi cháu, người cháu gái Thụy Điển của tôi, hãy tiếp tục có trách nhiệm với nhân loại và thế giới. Xin cảm ơn quý vị!”