Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Ngay sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm vào khán phòng tại Dinh thự của mình vào sáng nay, Ngài chắp tay chào hội chúng trực tuyến. Chư Tăng tại chùa Myanmar ở Sri Lanka bắt đầu tụng kinh bằng tiếng Pali. Theo sau họ là các thành viên của Hội đồng Phật giáo Nguyên thủy ở Malaysia và sau đó là Bhante Santacito ở Indonesia.
Trước thính chúng, Đức Ngài nói bằng tiếng Tây Tạng và Thupten Jinpa đã dịch những gì Ngài nói sang tiếng Anh. Trong khi đó, các thông dịch viên khác - không nhìn thấy - đã chuyển lời của Ngài sang các ngôn ngữ khác bao gồm tiếng Hoa, tiếng Hindi, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Mông Cổ, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Nepal, tiếng Thái, tiếng Sinhala, tiếng Indonesia và tiếng Ladakh.
“Hôm nay, chúng ta - những người đệ tử của Đức Phật - được gặp nhau ngày thứ hai, thật tuyệt vời! Nói chung, chúng ta được hiểu rằng Giáo lý của Đức Phật sẽ tồn tại trong 5000 năm - và trong khoảng thời gian đó - 2600 năm đã trôi qua. Truyền thống có vẻ vững chắc ở các quốc gia theo truyền thống Phật giáo. Hơn nữa, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến Phật giáo ở các nơi khác trên thế giới. Vì vậy, điều quan trọng đối với những người trong chúng ta, những người theo đạo Phật truyền thống - là phải nghĩ về những gì chúng ta có thể làm để cho Phật pháp được phát triển.
“Chúng ta cần hiểu rõ hơn về các truyền thống khác nhau của chúng ta, điều này liên quan đến việc chúng ta cần phải tham gia vào đối thoại. Tôi cầu nguyện rằng Phật giáo sẽ tồn tại lâu dài và tôi cầu nguyện cho Phật giáo có thể được hồi sinh ở những nơi mà nó đã bị suy tàn.
“Có hai luồng chính của Phật giáo, Truyền thống Pali và Truyền thống tiếng Phạn; và những ai thuộc về các truyền thống ấy thì cần phải nói chuyện với nhau. Ví dụ, khi tôi đến viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng, tôi thường xuyên hành hương chiêm bái để tỏ lòng thành kính tại Bảo Tháp Đại Giác, nhưng tôi cũng thường xuyên viếng thăm các Pháp Hữu của mình ở chùa Thái Lan.
“Chúng ta cần phát triển sự hiểu biết tốt hơn về cách giải thích của nhau về Giáo Pháp. Chúng ta nên đánh giá cao rằng cũng có những người quan tâm đến những gì Phật giáo đã dạy, ít hơn về sự thực hành tôn giáo và nhiều hơn về kiến thức tâm lý và triết học. Vì vậy, chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để duy trì Phật giáo cả trong vai trò truyền thống của nó, và cũng như một ngành khoa học về tâm thức trong bối cảnh thế tục.
“Bây giờ, tôi sẽ đọc từ Kinh Đại Niệm Xứ. Phần mở đầu thiết lập bối cảnh. Đức Phật ở giữa các Kurus ở một thị trấn tên là Kammasadhamma. Khi nói chuyện với chư Tăng, Ngài nói: “Này các Tăng sĩ, đây là một cách để tịnh hoá chúng sinh, để vượt qua nỗi buồn và sự sầu khổ, cách để triệt tiêu đau đớn và buồn bã, để đạt được chánh đạo, để chứng ngộ Niết bàn: - nghĩa là nói đến bốn nền tảng của chánh niệm.”
“Đây là cốt lõi trong lời dạy của Đức Phật với mục tiêu cuối cùng là Diệt đế hay Niết bàn. Đó là một con đường được trình bày rõ ràng trong quá trình thực hành tam vô lậu học. Bước đầu tiên là kiềm chế những hành động thô thiển của thân, khẩu và ý bằng cách áp dụng sự chánh niệm. Tiếp theo là việc rèn luyện về thiền định giống như một nền tảng để thực hành thực sự về trí tuệ vô ngã hay tánh không, đó là bản chất của con đường. Vì vậy, phần đầu tiên này phác thảo toàn bộ con đường.
“Đức Phật giải thích tứ niệm xứ là gì. Ngài mô tả về tư thế của thân được áp dụng ở một nơi yên tĩnh để an lập tâm trí. Sau đó, Ngài giới thiệu phương pháp hít thở chánh niệm, mang lại sự tỉnh giác cho việc hít vào và thở ra, cho dù hơi thở ngắn hay dài. Bằng cách duy trì chánh niệm và tỉnh giác sâu sắc về nó, quý vị sẽ tập trung vào hơi thở. Điều này dẫn đến chánh niệm sâu sắc hơn.
“Tiếp theo, thân thể được lấy làm đối tượng của chánh niệm và tỉnh giác. Có đề cập đến bốn tư thế: đi, đứng, nằm và ngồi. Chánh niệm và tỉnh giác sâu sắc phải được áp dụng liên tục, nếu không, khi tâm thức chạy rông rảnh rỗi, thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối.
“Chú ý đến cơ thể là điều đáng kể, nhưng quan trọng hơn là áp dụng chánh niệm và tỉnh giác cho tâm thức. Cũng như một người thợ gốm lành nghề biết mình cần quay bánh xe ngắn hay dài hơn, vì vậy, một thiền giả có kinh nghiệm cũng có thể áp dụng chánh niệm và tỉnh giác khi cần thiết.
“Nhìn vào bản chất của các khía cạnh khác nhau của cơ thể nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại bị điều kiện hoá bởi đau khổ. Và nếu chúng ta hỏi, đau khổ là gì? nguồn gốc của nó là gì? thì sự đau khổ ấy ở trong tâm thức của chúng ta”.
Về việc áp dụng chánh niệm trong cuộc sống của chúng ta, Đức Ngài đã đề cập rằng chư Tăng ni phải tham dự một buổi lễ sám hối mỗi hai tuần một lần khi đọc một bản dài hoặc ngắn hơn của Kinh Pratimoksha (Kinh biệt giải thoát). Ngài nhớ lại rằng vị Sư phụ của Ngài là Kyabjé Ling Rinpoché đã nói với Ngài rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã hướng dẫn Chư Tăng của các Tu viện lớn tụng Kinh Biệt Giải Thoát ít nhất một lần mỗi năm trong Khóa Tu Mùa Mưa.
Đức Ngài tiết lộ rằng khi tự mình học thuộc Kinh Biệt Giải Thoát, Ngài đã có cơ hội tụng lại nó một lần trong một giáo đoàn tu viện ở Tây Tạng và cũng đã tụng như vậy vài lần kể từ khi Ngài sống lưu vong. Kinh này khảo sát chi tiết hoạt động chốn thiền môn, cung cấp cho các Tăng sĩ xuất gia đầy đủ sự hướng dẫn về cách sống cuộc đời của họ. Nó chứng tỏ tầm quan trọng của việc người xuất gia duy trì chánh niệm và tỉnh giác về hạnh kiểm hàng ngày của họ.
Một điểm cần lưu ý là kinh phải được tụng thuộc lòng; không được nhìn từ sách mà tụng. Tuy nhiên, có một phong tục là nếu vị Tôn túc cao tuổi tụng kinh mà không thể hoàn thành việc trì tụng của mình, thì một Vị Tăng khác có thể bước vào và tụng tiếp theo đoạn mà Vị Tăng trưởng lão đã tụng đến đó. Đức Ngài nói thêm rằng Ngài đã khuyên chư Tăng trong các tu viện lớn được tái lập ở Nam Ấn Độ nên duy trì điều mà Ngài coi là truyền thống tốt đẹp này là tụng toàn bộ Kinh ít nhất mỗi năm một lần.
“Kinh Đại Niệm Xứ tiếp tục mô tả sự suy tư về các khía cạnh nhàm chán của các bộ phận khác nhau của cơ thể,” Đức Ngài đã chỉ ra khi tiếp tục đọc. “Nhận biết các bộ phận của cơ thể được ví như nhận biết các loại hạt khác nhau. Cuối cùng, bản văn nói, cơ thể được cấu tạo bởi những chất không tinh khiết, không đáng để chúng ta phải bám chấp vào. Tiếp theo, cơ thể được xem xét về đất, nước, lửa và gió. Mặc dù chúng ta nghĩ về nó như một thực thể rắn chắc, nhưng nó thực sự bao gồm nhiều yếu tố khác nhau.
“Chư Tăng được khuyến khích đến thăm các khu mộ địa để nhìn thấy và suy tư về các thi thể đang bị phân hủy và thối rữa. Họ được khuyến khích nên so sánh thân thể của chính mình với những người đã ra đi trước họ, và nghĩ rằng: “Thân thể này cũng có cùng bản chất, cũng sẽ trở nên như thế, không thoát khỏi số phận đó”. Điều này cho phép ta nhận ra được bản chất của đau khổ; và chỉ ra giáo lý về vô ngã. Cơ sở những giả định của chúng ta về cơ thể là ý thức rằng có một bản ngã, một chủ nhân, được gắn bó vào. Nhưng những suy ngẫm này chỉ ra rằng không có cơ thể nào tách biệt khỏi các bộ phận tạo nên nó. Sự chánh niệm về thân có tác động làm giảm đi sự bám chấp của chúng ta đối với cơ thể.
“Tiếp theo, vị hành giả suy ngẫm về cảm thọ. Một cách tự nhiên, chúng ta bị thu hút bởi những cảm giác dễ chịu và có ác cảm với những cảm giác khó chịu. Sự chánh niệm về cảm thọ sẽ cho phép chúng ta bớt thái quá trong những phản ứng của mình. Tiềm ẩn bên dưới sự tham đắm thèm muốn chính là nỗi lo lắng và lòng ghen tị. Nếu chúng ta giảm bớt sự thèm muốn, thì chúng ta sẽ bớt lo lắng hơn.
“Chúng ta có thể hỏi những cảm thọ đến từ đâu; và tại sao chúng ta lại phản ứng với chúng. Có những thứ chúng ta có khuynh hướng bám chấp; và những thứ khác chúng ta không ưa thích. Sự ác cảm đó có thể được thể hiện dưới dạng giận dữ, thù hận, v.v. Nhìn ở mức độ sâu hơn, chúng ta phải xem xét ý định, động cơ và cảm xúc.
“Sự thiền định chuyển từ tâm sang các đối tượng của tâm (pháp). Có nhiều điều mà chúng ta tin tưởng - đó chính là do tâm thức cấu tạo nên; nhận thức được điều đó sẽ đưa chúng ta đến gần với sự hiểu biết về vô ngã hay tính không. Vì không có gì vững chắc về thực tế, không có gì tồn tại độc lập, nên toàn bộ nền tảng cho sự bám chấp này đều bị phá hủy.
“Bài Kinh cho thấy sự hiểu biết ngày càng tăng dần và di chuyển sự chú trọng của nó từ cơ thể (thân) sang cảm thọ (thọ); từ cảm thọ sang tâm thức (tâm); và các đối tượng của tâm thức (pháp) hoặc hiện tượng.
“Trong sự thực hành hàng ngày của riêng mình, tôi thường suy ngẫm về lời kính lễ của Ngài Long Thọ vào đoạn mở đầu của ‘Trí tuệ Căn bản Trung quán Luận’ của Ngài đối với Đức Phật vì đã giảng dạy về Duyên khởi. Nó trình bày về tánh Không từ quan điểm về bản chất của các pháp.
"Con xin đảnh lễ Đức Phật toàn hảo!
Đấng tối thượng của tất cả Đạo Sư ;
Bậc đã dạy về giáo lý Duyên khởi
Không sinh - không diệt; không đoạn - không thường;
Không đến - không đi; không một - không khác;
Và thoát khỏi mọi khái niệm tạo tác.”
“Từ quan điểm thực tế, niềm tin vào sự phát sinh và chấm dứt bị phủ nhận. Từ góc độ thời gian, niềm tin vào sự thường hằng hay sự đoạn diệt đều bị phủ nhận. Từ quan điểm hoạt động, đi và đến đều bị phủ định. Và về mặt gán danh, việc bám chấp vào mọi thứ như là riêng lẻ và khác biệt đều bị phủ nhận. Ngài Long Thọ bày tỏ: “Con xin đảnh lễ Đức Phật toàn hảo! Đấng tối thượng của tất cả Đạo Sư" Tôi thường xuyên suy ngẫm về những câu thơ quan trọng này."
Trả lời câu hỏi của khán giả trực tuyến, Đức Ngài đã nói rõ rằng việc thực hành Pháp không dựa trên đức tin mà dựa trên kiến thức. Và kiến thức đó phát sinh thông qua học tập (văn), chiêm nghiệm (tư) và thiền định (tu). Jé Tsongkhapa đã tóm tắt điều này trong một bài Kệ từ tác phẩm “Viên thành Sứ mệnh” của Ngài:
Vào giai đoạn bắt đầu, tôi đã nỗ lực tìm tòi học hỏi.
Chặng giữa, tất cả giáo lý soi rọi vào tôi như những chỉ dẫn tâm linh.
Cuối cùng, tôi đã ngày đêm chuyên tâm tu tập thực hành.
Tôi hồi hướng tất cả công đức này cho đạo pháp ngày càng hưng thịnh.
Đức Ngài gợi ý rằng nếu các cá nhân có thể dành thời gian để nghiên cứu và tham gia vào việc suy tư, thì họ sẽ đặt nền tảng cho một cuộc sống an bình. Với lòng từ ái của mình, Đức Phật đã quan sát, và đã vạch ra một con đường để thực hiện một tiến trình gần gũi với một phương pháp khoa học. Thông qua sự chánh niệm về hơi thở, chúng ta tập trung sự chú ý vào một hoạt động tự nhiên của con người. Chúng ta chú ý đến những việc chúng ta làm một cách dễ dàng và trau dồi kỷ luật tinh thần cũng như thế. Sự tĩnh lặng của tâm thức diễn ra như vậy - để chúng ta trải nghiệm tâm thức là gì - đó chính là sự tỉnh giác.
Theo truyền thống Tây Tạng, các hành giả Du già nhận biết các mức độ tinh tế khác nhau của tâm thức. Họ học cách nhận biết các mức độ khác nhau của sự hòa tan. Vào lúc lâm chung, có 80 sự nhận biết được cho là hoà tan, 33 sự nhận biết liên quan đến giai đoạn “hiện tướng”, 40 sự nhận biết liên quan đến giai đoạn “tăng trưởng”; và bảy sự nhận biết liên quan đến sự “cận - thành tựu”, đỉnh cao là sự hiển lộ của tâm thức trong sáng nguyên sơ. Một Hành giả Du già có kinh nghiệm sẽ duy trì sự tỉnh giác cho đến giai đoạn này.
Khi trả lời câu hỏi, Đức Ngài đã giải thích rằng sự khác biệt giữa ‘samatha’ (thiền chỉ) và ‘vipassana’ (thiền quán) không phải được tìm thấy trong đối tượng thiền định mà là ở phong cách thiền định. ‘Thiền chỉ’ là về việc lắng đọng tâm thức trong sự tập trung nhất tâm. ‘Thiền quán’ liên quan đến việc phân tích và tìm hiểu triệt để. Trong truyền thống Ấn-Tạng, sự khác biệt là giữa thiền định liên tục và thiền định gián đoạn. Cả hai thành phần này đều có thể được tìm thấy trong việc thực hành chánh niệm.
Về mặt chánh niệm về đối tượng của tâm thức (pháp) đặt sự chú tâm vào bốn thuộc tính của sự thật về khổ: vô thường, bản chất của khổ, tánh không và vô ngã. Đức Ngài đã trích dẫn hai bài Kệ trong ‘Vòng Châu Báu’ của Đức Long Thọ mà Ngài sử dụng trong việc thực hành của chính mình.
Con người không phải là đất, không là nước,
Không là lửa, không là gió, chẳng là không gian,
Không phải ý thức, và không phải là tất cả trong số đó.
Vậy con người là gì khác hơn ngoài những thứ này? 80
Cũng như một con người không có thật
Do được tạo nên bởi sáu thành phần.
Vì thế, mỗi thành phần cũng như vậy
Không có thực, vì là một hỗn hợp được tạo nên. 81
Chúng ta đưa ra một giả định, bởi vì chúng ta nói về “cơ thể của tôi", "lời nói của tôi", v.v. cho nên có một người là chủ sở hữu của những thứ này. Cuối cùng, chúng ta không tìm thấy một người như vậy, nhưng ở cấp độ thế tục thông thường, chúng ta có thể nói rằng bạn và tôi đều tồn tại. Con người là một sự tạo thành. Trường phái Duy tâm cho rằng đó là tính liên tục của tâm thức. Trường phái Trung đạo thì khẳng định rằng một người chỉ có thể được hiểu trên một mức độ được định danh.
Trong phần quan trọng của cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’, Ngài Nguyệt Xứng đã trình bày ba hệ quả quan trọng của việc cho rằng điều gì đó là có thật một cách khách quan.
"Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn không hề tồn tại." (6/34)
Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để đem ra khảo sát. (6.35)
"Trong phân tích triệt để, không lý luận nào thừa nhận;
Sản phẩm ra đời từ thứ khác hay từ nơi chính nó phát sinh;
Và lý luận không thể ủng hộ ngay cả là quy ước thông thường
Vậy điều gì xảy ra với thuyết khởi sinh của bạn?" (6.36)
Ngài Long Thọ đã nói rõ tình hình trong ‘Trí tuệ Cơ bản’ của Ngài:
"Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp duyên sinh,
Thì chính nó cũng là Trung đạo. (24/18)
Bởi lẽ chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên;
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không." (24/19)
Đức Ngài tiết lộ: “Khi tôi đề cập đến Ngài Long Thọ và Ngài Nguyệt Xứng, tôi cảm thấy có một mối liên hệ tình cảm chặt chẽ, như thể tôi đã từng ngồi ở một góc xa của một buổi họp mặt mà Ngài Long Thọ đã nói chuyện.”
Người điều hành bày tỏ lời cảm ơn về sự trải nghiệm đầy cảm hứng khi nghe Đức Ngài giảng dạy. Hòa thượng Narampanawe Ananda Nayaka Thero, Viện Chủ của Asgiriya Maha Piriwena, Kandy, Sri Lanka đã phát biểu kết luận.
“Mọi người vân tập về đây đã có thể thọ nhận được nhiều sự hiểu biết từ việc thính Pháp. Ngày nay, ‘satipatthana’ đã trở thành một giáo lý quan trọng cho mọi người. Tôi xin mời tất cả quý vị hãy thực tập mỗi ngày. Tôi thực sự biết ơn Đức Ngài về lời thuyết giảng tuyệt vời này vào thời điểm đại dịch vẫn đang còn xảy ra. Cầu mong tất cả chúng sinh đều được ban phước lành gia trì bởi giáo pháp của Đức Phật.”
Lời nhận xét cuối cùng của Đức Ngài: “Tất cả chúng ta đều là đệ tử của Đức Phật, và khi nói đến bản chất của thực tại, thì tất cả chúng ta đều chấp nhận bốn sự thật rằng, tất cả các pháp bị chi phối bởi điều kiện thì đều là vô thường; tất cả các pháp bị ô nhiễm đều mang bản chất của khổ đau; mọi hiện tượng đều trống rỗng và không có tự ngã. Những sự thật này đều thuộc về tất cả chúng ta”.
Các khán giả trực tuyến đều đáp lại theo phong tục truyền thống: "Sadhu, Sadhu, Sadhu".