Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện trước máy quay phát trực tuyến trên web tại Dinh thự của Ngài, có thể nghe thấy tiếng tụng kinh của Vị Thầy Sám chủ của Tu viện Drepung đang tụng những lời cầu nguyện khai mạc bằng giọng tụng vang dội của mình. Sau đó Thầy cũng tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ với một giọng đều đặn như thế. Tiếp theo đó là Vị Sám Chủ của Tu Viện Sera chủ trì nghi thức tụng lời Cầu nguyện Dòng Truyền thừa Lam Rim. Sau đó, Đức Pháp Chủ Ganden thực hiện lễ cúng dường Mạn đà la. Trên màn hình trước mặt Ngài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể nhìn thấy khuôn mặt của Ganden Tri Rinpoché, các vị Trụ trì, các cựu Trụ trì, Tulkus và các thành viên của Hiệp hội Semkye Ladakh.
Ngài đã nhanh chóng đội chiếc mũ pandit, tụng lời cầu nguyện khai mạc của riêng mình và bắt đầu bài giảng của Ngài.
“Hôm nay, chúng ta tổ chức buổi giảng này như một phần của Đại lễ Cầu nguyện. Vì chúng ta không thể tụ họp cùng nhau, cho nên chúng ta gặp gỡ nhau qua trực tuyến. Việc tiến hành Đại lễ Cầu nguyện rất phức tạp; và tôi nhớ rằng tôi đã phải chuẩn bị và rèn luyện bản thân để chủ trì các khoá lễ cầu nguyện buổi chiều. Nghi lễ bao gồm lời cầu nguyện liên quan đến Sukhavati. Tôi đã rất lo lắng cho đến khi tôi đạt đến một điểm nhất định trong sự cầu nguyện, tôi mới nhận thức được những con chim xung quanh tôi đang bay lượn đó đây.
“Như tôi đã đề cập trước đây, vì đại dịch cho nên chúng ta không thể tụ họp lại với nhau, nhưng điều đó không thực sự quan trọng, vì mọi người ở khắp mọi nơi đều có thể tiếp cận được với buổi giảng này. Tôi sẽ rất vui nếu bài giảng này cũng có thể đến được với những người đang ở Tây Tạng và Trung Quốc đại lục.
“Theo truyền thống, tôi sẽ đọc tiếp Truyện Tiền Thân Đức Phật - Jataka - tiếp theo phần mà tôi đã dừng lại lần cuối cùng vừa qua; sau đó tôi sẽ đọc từ ‘Bảo hành Vương Chánh Luận’ của Ngài Long Thọ.
“Ngày nay, chúng ta đang ở vào thế kỷ 21; và nhiều người Tây Tạng chúng ta đang sống lưu vong như những người tị nạn. Những lời dạy của Đức Phật, được thuyết giảng tùy theo nhu cầu và căn cơ của các đệ tử - đã được gìn giữ và duy trì bởi trí tuệ nhạy bén thông qua việc sử dụng lý luận và logic. Sự công nhận về điều này hiện đã lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới - nơi mà có nhiều người chú ý đến chúng hơn.
“Theo lịch sử, vào thế kỷ thứ 7, Hoàng Đế Songtsen Gampo - người mà chúng ta có thể coi là hiện thân của Đức Quán Thế Âm - đã có tầm nhìn xa trong quan kiến của mình. Mặc dù Đức Vua có mối quan hệ mật thiết với người Trung Quốc và kết hôn với công chúa Trung Quốc - người đã mang theo bức tượng Đức Phật được đặt ở Jokhang; nhưng Đức Vua đã chọn ủy thác một bản chữ viết tiếng Tây Tạng được mô phỏng theo bảng chữ cái Ấn Độ. Do đó, khi bậc Trụ trì vĩ đại Tịch Hộ được Vua Trisong Detsen mời đến Tây Tạng, Ngài đã khuyên người Tây Tạng chúng tôi nên dịch văn học Phật giáo sang ngôn ngữ của chúng tôi để chúng tôi không cần phải dựa vào kiến thức về tiếng Phạn và tiếng Pali.
“Ngài Tịch Hộ đến từ Đại học Nalanda, vì vậy, ngay từ đầu, người Tây Tạng đã học theo Truyền thống Nalanda. Điều này có nghĩa là chúng tôi đã dựa trên lý luận và logic theo cách mà không có ở bất kỳ quốc gia Phật giáo nào khác. Đó là nhờ lòng tốt của Ngài Tịch Hộ, của các vị dịch giả Tây Tạng và các bậc học giả uyên bác Ấn Độ mà chúng tôi đã có thể bảo tồn một cách trình bày cặn kẽ như thế về những Giáo Pháp của Đức Phật. Người dân ở Tây Tạng đang tiếp tục có lòng sùng mộ mãnh liệt và đức tin không bị chệch hướng ngay cả khi đối mặt với khó khăn khủng khiếp. Chúng tôi có một truyền thống sâu sắc mà chắc chắn là điều đáng tự hào. Ngay cả các quan chức bảo thủ cứng nhắc của Trung Quốc cũng có thể nhận thấy được điều này.
“Khi tôi gặp Mao Trạch Đông, tôi đã bị ấn tượng bởi động cơ xã hội chủ nghĩa của ông ấy là sự quan tâm đến công chúng. Tuy nhiên, thời gian trôi qua dường như điều đó đã bị thay đổi. Hiện nay, có một khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo. Trong khi đó, những người Tây Tạng ở Tây Tạng, già và trẻ, vẫn giữ vững truyền thống Tây Tạng của chúng tôi, mà chúng ta có thể thấy được điều đó trong số những người thực hiện sự lễ lạy trước Jokhang. Thông điệp của tôi gởi đến họ là đừng bao giờ để cho những sự khó khăn khiến cho quý vị phải thất vọng, mà là hãy tận dụng hết tất cả cơ hội của mình.
“Tôi mong các bạn trẻ Tây Tạng chú ý đến ngôn ngữ Tây Tạng. Ngày nay, tôi nghe nói rằng ngay cả ở Siling, bất chấp hoàn cảnh, mọi người đang nỗ lực học tiếng Tây Tạng. Tôi kêu gọi người Tây Tạng ở tất cả các miền của Tây Tạng nên chú ý đến ngôn ngữ chung của chúng ta. Chúng ta có thể nói tiếng địa phương khác nhau, nhưng ngôn ngữ mà chúng ta đọc là phổ biến giữa chúng ta. Cũng nên lưu tâm về những điều mà Đức Phật đã khuyên:
"Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!"
Ngài thông báo rằng, theo truyền thống, vào Ngày Rằm tháng Giêng này của Đại lễ Cầu nguyện, kỷ niệm sự kiện Đức Phật hàng phục các đối thủ trong cuộc thảo luận và thi triển thần thông, Ngài sẽ đọc từ ‘Vòng hoa về những câu chuyện Đản Sanh’ của Aryasura - 'Jatakamala' trong đó kể lại những tiền thân của Đức Phật. Ngài kể câu chuyện về Vishvantara, người có đức tính nổi bậc là tấm lòng rộng lượng. Các triều thần tiếp cận vua cha của Hoàng tử để khẳng định rằng vì Hoàng tử quá gắn bó với đức hạnh nên ông không thích hợp cho việc nối vị ngôi Vua. Họ yêu cầu trục xuất Hoàng tử trước khi anh ta có thể cho đi nhiều hơn của cải của vương quốc. Hoàng tử sửng sốt khi bị kết tội vì đức hạnh của mình, trong khi nhà vua thì khóc lóc vì buồn rầu.
Chuyển sang ‘Tràng Hoa Báu’, Ngài nhận xét rằng mặc dù tác giả - Đức Long Thọ - thu hút rất ít sự chú ý của những người theo Truyền thống Pali, nhưng Ngài có ý nghĩa rất lớn đối với những người theo Truyền thống Phạn ngữ. Ngài đã giải thích cặn kẽ những gì Đức Phật đã dạy trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai được ghi lại trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật. Bên cạnh sáu bộ sưu tập của Ngài về lý luận liên quan đến quan điểm về tính không, bản văn này - ‘Tràng Hoa Báu’ - cũng giải thích về đạo lộ sâu rộng. Ngài nói rằng Ngài đã nhận được lời giải thích về cuốn sách này từ Serkhong Rinpoche.
Bài Kệ đầu tiên bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật - bậc không có lỗi lầm - bậc thông tuệ và từ bi đối với tất cả, và là bậc đã tích lũy công đức và trí tuệ trong ba A tăng kỳ kiếp. Đức Long Thọ đã đề cập đến Ngài như một bình chứa giáo lý xuất sắc. Trong bài Kệ thứ ba, Ngài chỉ ra rằng để thực hành lời dạy của Đức Phật, cần phải được tái sinh tốt vào những cảnh giới cao. Điều này có thể đạt được bằng cách thọ trì “thập thiện nghiêp”, tức là để tránh xa mười bất thiện nghiệp. Đến lượt những điều này lại được bổ sung bởi 'không rượu chè say khướt, nghề nghiệp mưu sinh thiện lành, không làm tổn hại, thành kính bố thí, tôn trọng bậc đáng tôn trọng và yêu thương.' Bài Kệ thứ mười bốn tiết lộ những nguyên nhân đưa đến cuộc sống ngắn ngủi, trong khi bài Kệ thứ mười lăm chỉ ra những lỗi lầm trong lời nói khiến cho những điều mà bạn phát ngôn ra không được mọi người tôn trọng.
Ngài đọc lướt nhanh qua những bài Kệ còn lại cho đến bài Kệ 25, và Ngài đã giải thích rõ ràng về cách để đạt được cảnh giới cao.
Cuối cùng, Ngài thông báo rằng Ngài đã được Hiệp hội Semkye Ladakh thỉnh cầu chủ trì buổi lễ phát Bồ Đề Tâm. Ngài bắt đầu bằng cách chỉ ra rằng nếu quý vị phát khởi Bồ Đề Tâm, bạn sẽ đạt được một sự tái sinh tốt đẹp với trí tuệ từ đời này sang đời khác. Bạn sẽ hoàn thành mục tiêu của chính mình cũng như của những người khác. Mọi người sẽ kết tình bằng hữu với bạn và bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của họ.
Ngài nhận xét, “Là những sinh vật xã hội, tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần phải chân thành trong việc thể hiện lòng tốt đối với người khác. Như Ngài Tịch Thiên đã nói rõ:
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải có tâm vị tha đối với tất cả chúng sinh."
Sau đó, Ngài đã hướng dẫn khán giả trực tuyến qua việc quán tưởng và lặp lại những lời cầu nguyện và bài Kệ phát Bồ Đề Tâm. Cuối cùng, Ngài tuyên bố rằng Bồ Đề Tâm là tinh tuý của Giáo Pháp.
Ngài nói, “Tất nhiên, tôi thực hành các pháp hành về bổn tôn, nhưng pháp thực hành chính của tôi là trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Điều quan trọng, như Ngài Dromtönpa đã chỉ ra, là thực hành các dòng truyền thừa về đạo hạnh sâu rộng và tri kiến thâm sâu, tức là trau dồi Bồ Đề Tâm và trí tuệ về tính Không. Tôi không quan tâm nhiều đến cái gọi là dòng truyền thừa của sự ban phước.
Ngài nói, “Và như thế, chúng ta đã hoàn tất.”
Buổi giảng được bế mạc với sự trì tụng ‘Lời cầu nguyện cho sự Hưng thịnh của Giáo Pháp’, những bài kệ cát tường về Tam bảo và cuối cùng là ‘Lời nguyện cầu Lam Rim’.