Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, khi bước vào khán phòng tại Dinh thự của mình, từ đó Ngài có thể nói chuyện với thính giả trực tuyến, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào những người đang chờ đợi để lắng nghe Ngài. Hai Vị Thầy Chủ Lễ tụng kinh đang ngồi trong Thiền đường cầu nguyện của Trung tâm Khoa học Loseling tại Tu viện Drepung ở Mundgod, miền Nam Ấn Độ - bắt đầu tụng kinh cầu nguyện, sau đó là tụng nhanh ‘Bát Nhã Tâm Kinh’. Đức Ngài đã tụng kinh cùng với họ.
Tiếp theo, Ngài Ganden Tri Rinpoché có thể được nhìn thấy tại Dinh thự của Ngài trong Tu viện Sera Jé ở Bylakuppe, Nam Ấn Độ, Ngài đội chiếc mũ pandit của mình và dâng một mạn đà la của vũ trụ và các Pháp khí đại diện của thân, khẩu và ý giác ngộ cúng dường lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tổ chức Quốc tế Geluk đã thỉnh cầu buổi thuyết giảng hôm nay - nhân kỷ niệm ngày nhập Niết Bàn của Jé Tsongkhapa. Thời trì tụng khai mạc được kết thúc bằng bài kệ ‘Bách Thiên Đâu Suất’:
Trên bầu trời trước mặt con là chiếc ngai sư tử, trên đó có toà sen và nguyệt luân;
An toạ trên đó là bậc Thầy thánh thiện với sắc diện tươi cười đẹp đẽ trang nghiêm;
Là phước điền tối thượng để tâm thức con được phát khởi lòng tin;
Cúi xin Ngài hãy trụ thế trăm a tăng kỳ kiếp và mang giáo pháp hoằng truyền!
Sau đó, Đức Ngài đã hướng dẫn hội chúng trực tuyến lặp lại bài kệ quy y Tam Bảo và phát Bồ Đề Tâm, khuyên họ nên sửa đổi động cơ của mình. Ngài lưu ý rằng mặc dù hôm nay, Ganden Nga-chö, chính thức tưởng niệm ngày Jé Rinpoché viên tịch, nhưng đây cũng là một cơ hội để kỷ niệm tưởng nhớ về sự nghiệp học tập và thực hành của Ngài. Điều này được đề cập trong bài kệ tuỳ hỷ trong ‘Bách Thiên Đâu Suất’:
Ngài đã nỗ lực thiền định và học tập rộng sâu trong thời đại suy thoái này;
Từ bỏ tám mối bận tâm thế gian - Ngài đã ban cho cuộc sống nhàn hạ này với cơ hội tràn đầy ý nghĩa.
Hỡi Đấng Bảo Hộ tôn kính! Từ tận đáy lòng mình, chúng con xin chân thành tuỳ hỷ
Với những thiện hạnh phi thường mà Ngài đã thực hiện trong muôn trùng hành trạng vĩ đại mênh mông.
Đức Ngài giải thích, “Các giáo lý kinh điển phải được giảng dạy và nghiên cứu. Những lời dạy về sự chứng ngộ được bảo tồn thông qua sự thực hành. Vì vậy, nhân dịp này, chúng ta nên nhắc nhở bản thân rằng chúng ta đang tưởng niệm về Jé Rinpoché, về sự viên tịch của Ngài và những lời dạy của Ngài. Và cách thích hợp để tán dương những lời dạy của Ngài là nghiên cứu những lời dạy ấy và đưa vào thực hành.
“Trong nhiều năm, nhờ lòng tốt của những Vị Thầy Giáo thọ của tôi, vị chính trong số đó là Kyabjé Yongzin Ling Rinpoché - mà tôi đã thuộc lòng ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ và ‘Nhập Trung Quán Luận’. Tôi cũng nhận được sự khẩu truyền của cả hai cuốn sách này; và thậm chí ngày nay tôi có thể đọc thuộc lòng. Ngoài ra, tôi còn đọc bản tự luận về ‘Nhập Trung Quán Luận’ mỗi ngày.
“Chúng ta có thể nhớ về Jé Rinpoché là tốt nhất; nhưng cũng hãy học thật tốt và tích hợp những gì mà chúng ta đã học được với tâm thức của chính mình. Thực hành không phải là vấn đề đội mũ này hay mũ màu kia, mà là học tập và kết hợp vào bên trong chúng ta về những gì mà chúng ta đã học được.”
Đức Ngài thông báo rằng Ngài sẽ bắt đầu bằng việc đọc cuốn ‘Sứ mệnh Viên thành’, trong đó Ngài Tsongkhapa đã tiết lộ về những tiến bộ mà Ngài đã đạt được trong học tập và thực hành. Bài Kệ thứ tư đã hiển lộ một bản tóm tắt về điều này:
Vào giai đoạn bắt đầu, tôi đã nỗ lực tìm tòi học hỏi.
Chặng giữa, tất cả giáo lý soi rọi vào tôi như những chỉ dẫn tâm linh.
Cuối cùng, tôi đã ngày đêm chuyên tâm tu tập thực hành.
Tôi hồi hướng tất cả công đức này cho đạo pháp ngày càng hưng thịnh.
Bản văn bao gồm ba chương, chương đầu tiên minh họa cách Tsongkhapa tìm kiếm sự học hỏi sâu rộng. Chương thứ hai đề cập đến thời kỳ giữa - khi tất cả các truyền thống kinh điển khởi lên như những hướng dẫn tâm linh. Chương thứ ba tiết lộ giai đoạn cuối, Ngài đã thực hành ngày đêm và cống hiến tất cả công đức cho việc truyền bá giáo pháp.
Chuyển sang ‘Ba Cốt tuỷ của Đạo lộ’, Đức Ngài giải thích rằng, tác phẩm này đã được trước tác thể theo sự thỉnh cầu của Tsakho Önpo Ngawang Drakpa - một trong những đệ tử thân cận của Jé Rinpoché. Thật vậy, Ngài đã hứa với ông ấy rằng, nếu ông thực hiện tốt những lời chỉ dạy của ta, thì khi ta - Tsongkhapa, trở thành một vị Phật, ta sẽ chia sẻ hương vị cam lồ đầu tiên của giáo pháp với ông.
Đoạn văn mở đầu bằng lời bày tỏ lòng thành kính đối với những bậc thầy khả kính. Nó tiếp tục phác thảo ba điểm trọng yếu của Đạo lộ: tâm yểm ly, Bồ đề tâm và trí tuệ hiểu biết duyên khởi.
Liên quan đến việc trưởng dưỡng Bồ đề Tâm, Đức Ngài đã trích dẫn những bài Kệ từ cuối chương thứ sáu của cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng:
Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt."
“Ngài cũng khởi Tâm Từ Bi đối với những chúng sanh không được ai che chở;
Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh trắng của Từ bi và Trí tuệ rộng dang,
Ngài vượt đến bờ bên kia, đạt được sự Chiến thắng Huy hoàng.”
Liên quan đến trí tuệ, Đức Ngài đã chỉ ra rằng Jé Rinpoché khuyên "hãy cố gắng hiểu về lý duyên khởi” hơn là cố gắng hiểu tính không. Ngài giải thích rằng, bởi vì khi quý vị hiểu về duyên khởi thì quý vị sẽ xóa tan được những quan điểm cực đoan về sự tồn tại và không tồn tại một cách đồng thời. Đức Ngài đã đề cập đến ba bài Kệ từ cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ đề cập đến những ngụy biện hợp lý xảy ra khi sự tồn tại khách quan được khẳng định.
"Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi,
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn không hề tồn tại." (6/34)
Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để đem ra khảo sát. (6.35)
"Trong phân tích triệt để, không lý luận nào thừa nhận;
Sản phẩm ra đời từ thứ khác hay từ nơi chính nó phát sinh;
Và lý luận không thể ủng hộ ngay cả là quy ước thông thường
Vậy điều gì xảy ra với thuyết khởi sinh của bạn?" (6.36)
Cuối cùng, Tsongkhapa nói rằng "Khi con hiểu được sự phát sinh của nhân và quả từ quan điểm về tính không, thì con sẽ không bị lôi cuốn bởi một trong hai quan điểm thái quá.”
Tiếp theo, Đức Ngài đọc ‘Chứng Đạo Ca’, bao gồm các điểm ngắn gọn về các Giai trình của Đạo lộ. Ngài Tsongkhapa khuyên:
Con sẽ biết rằng các Giáo lý không hề mâu thuẫn; Làm thế nào để thọ nhận tất cả kinh điển như những hướng dẫn dành cho cá nhân.
Hơn nữa, phần bản văn làm nổi bật từng điểm của ba la mật, khuyến khích độc giả không bỏ cuộc trong sự mệt mỏi mà hãy tiếp tục nỗ lực kiên định. Khi nói đến trí tuệ, bản văn nói rõ rằng:
Trí tuệ là con mắt quán chiếu sự sâu sắc như thị;
Đạo lộ bứng nhổ hoàn toàn gốc rễ của sinh tử thế gian.
Đức Ngài nhận xét rằng, để thiền định về tính không, quý vị cần sự tập trung nhất tâm, nhưng nó cũng cần được phát triển kết hợp với sự phân tích. Do đó, thiền chỉ và thiền quán nên được phát triển xen kẽ và kết hợp để chúng có thể củng cố lẫn nhau.
Khi đọc đến phần cuối của bản văn, Đức Ngài nhấn mạnh một lần nữa về tầm quan trọng của việc lắng nghe và suy ngẫm về ý nghĩa của lời dạy. Khi quý vị có được kinh nghiệm về những gì mà mình đã học được thông qua thiền định, thì sự chuyển hoá của tâm thức sẽ xảy đến.
Đức Ngài tuyên bố, “Tất cả chúng ta đều là đệ tử của Jé Rinpoché. Bất kỳ tiến bộ nào mà tôi đã đạt được đều đạt được trên cơ sở các bản văn mà tất cả chúng ta đều đã được tiếp cận. Điều quan trọng là tích hợp giáo lý vào bên trong nội tâm của chúng ta. Sự thay đổi không thể xảy ra trong một sớm một chiều; quý vị phải tiếp tục nỗ lực.”
Buổi giảng được kết thúc với sự dẫn dắt của các Vị Thầy chủ Lễ dẫn đầu bài tụng của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất, ‘Bài ca về Dãy Tuyết Sơn miền Đông’ của Gendun Drup, bắt đầu:
Trên những đỉnh Tuyết Sơn ở phía Đông
Mây trắng bềnh bồng trên bầu trời cao rộng;
Con nhận được linh kiến về những bậc Thầy
Luôn nhắc nhở con về lòng từ mẫn của các Ngài
Con vô cùng xúc động với đức tin chẳng hề phai…
Và tiếp tục:
Rằng con, Gendun Drub, một kẻ có khuynh hường biếng lười,
Giờ đây có được chút tâm thức được thúc đẩy bởi do Chánh Pháp;
Đều nhờ vào lòng từ ái vĩ đại của bậc Thầy này và các đệ tử chính của Ngài;
Ôi! Hỡi những bậc Thầy hoàn hảo! Lòng từ bi của Ngài quả thật vô song!
“Chúng ta vẫn có thể tiếp cận những giáo lý của Jé Rinpoché. Dòng truyền thừa của các Ngài vẫn tồn tại. Điều chúng ta cần phải làm là học cách đưa giáo pháp ấy vào thực hành. Để giúp mình làm điều này, tôi đã đọc phần trí tuệ đặc biệt và bồ đề tâm trong ‘Đại luận về các Giai trình của Đạo lộ’. Khi tâm thức chúng ta quen với những điều được thực hành, làm quen với nó lặp đi lặp lại, nó sẽ có tác dụng. Sự chuyển hoá sẽ diễn ra”.
Lời cầu nguyện cuối cùng chính là phần hồi hướng từ ‘Đại luận về các Giai trình của Đạo lộ’, bao gồm bài Kệ:
Ở những nơi mà Giáo Pháp trân quý tuyệt vời chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Với tâm cảm xúc sâu sắc vô biên bởi lòng từ ái vĩ đại này!