Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mở đầu cuộc trò chuyện sáng nay với người bạn cũ của Ngài - Cha Laurence Freeman OSB - Giám đốc Cộng đồng Thế giới về Thiền Cơ đốc, bằng cách chúc Cha “Chào buổi sáng tốt lành” và “Tashi Delek”. Freeman trả lời rằng thật là hoan hỷ khi được gặp Đức Ngài và ông hy vọng Ngài sẽ luôn được khỏe mạnh.
Đức Ngài tiếp tục: “Vì chúng ta đã quen biết nhau trong rất nhiều năm, tôi vô cùng vui mừng khi có cơ hội được nói chuyện với Ngài một lần nữa.”
Cha Laurence giải thích rằng ông đang an toạ ở Pháp, trong thiền đường ở Bonnevaux hay “Thung lũng Tốt”, trung tâm mới của Thiền Cơ đốc của Cộng đồng Thế giới. Đó đã là một nơi để thiền định trong khoảng một nghìn năm. Cộng đồng Thế giới về Thiền Cơ đốc đã đặt trụ sở ở đó trong ba năm qua. Ông đề cập rằng ông đã xem lại cuốn sách ‘Trái tim nhân hậu’ của Đức Ngài, cuốn sách này được viết lại như là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa họ ở London vào năm 1996.
Đức Ngài Tuyên bố: “Ngày nay, tất cả mọi người, ngay cả động vật, đều muốn hòa bình. Khi vừa được sinh ra, chúng ta được đón nhận tình cảm yêu thương hết lòng của mẹ, nếu thiếu đi tình cảm ấy, chúng ta sẽ không thể sống sót. Đó là cách mà cuộc sống của chúng ta bắt đầu. Con người chúng ta là động vật xã hội, quan tâm đến phúc lợi của người khác là một phần bản chất tự nhiên của chúng ta.
“Thật không may, trong thời hiện đại này, chúng ta đã chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển trí tuệ con người, nhưng điều đó vẫn chưa đủ cho việc nuôi dưỡng một trái tim ấm áp nhân hậu. Mặc dù bản chất của con người là từ bi, nhưng thế kỷ trước đã phải chứng kiến quá nhiều cuộc chiến đấu đá nhau. Tuy nhiên, hầu hết mọi người hiện nay đã chán ngấy bạo lực. Nhiều người cho rằng đã chi tiêu quá nhiều tiền cho vũ khí, thay vì chúng ta nên hướng tới một thế giới phi quân sự và hoà bình hơn.
“Trong thực tế ngày nay, chúng ta không thể chỉ quan tâm đến ‘đất nước tôi’ hay ‘lục địa tôi’. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ về tính nhất thể của nhân loại.
“Là một người tị nạn, tôi không có quốc gia, nhưng tôi sống ở đây trong đất nước đa tôn giáo tự do này, là một người tự do. Tôi có nhiều cơ hội để thảo luận với những người theo đạo Thiên Chúa, đạo Hindu, Kỳ Na Giáo, đạo Hồi, đạo Sikh, v.v. Và hôm nay chúng ta có một cơ hội thực sự để thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo. Quý vị, những người anh em tâm linh của tôi, và tôi - chúng ta có trách nhiệm hoạt động cho sự hòa hợp giữa các tôn giáo, đặc biệt là giữa Cơ đốc giáo và Phật giáo.
“Tôi thường chỉ ra rằng trong thế kỷ trước, Mahatma Gandhi đã quảng bá tinh thần ‘ahimsa’ về bất bạo động và nhiều người trên thế giới đã noi theo tấm gương của ông ấy. Ngày nay, chúng ta phải cố gắng hết sức để khuyến khích một truyền thống Ấn Độ khác đã có hàng nghìn năm tuổi - ‘karuna’ hay còn gọi là lòng từ bi. Cơ Đốc giáo, cũng giống như các tôn giáo khác, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng từ bi. Lý do quý vị đưa ra là, tất cả chúng ta đều được tạo ra bởi một Đức Chúa. Tất cả chúng ta đều là con cái của Đức Chúa - người có bản chất là tình yêu thương vô bờ bến, do đó, chúng ta cũng nên có tấm lòng nhân hậu nhiệt thành đối với người khác.
“Cả cuộc đời mình, tôi đã cam kết thúc đẩy lòng từ bi. Tất cả các truyền thống tâm linh chính của chúng ta cũng có khả năng làm được điều này. Vì vậy, sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều cần thiết ”.
Cha Laurence ca ngợi những lời của Đức Ngài như một lời giới thiệu hoàn hảo về chủ đề mà WCCM đã chọn trong năm - “Ý thức Hợp nhất: Một Khối Óc Một Trái Tim”. Ông nhớ lại lời nhận xét của Đức Ngài rằng, nền giáo dục hiện đại dành nhiều thời gian cho cái đầu, trí thông minh, nơi mà cũng cần phải nỗ lực để nuôi dưỡng một trái tim ấm áp.
Ông đã mời Đức Ngài phản ảnh về chủ đề này và nói về cách mà trái tim và khối óc có thể được kết hợp trong một ý thức hợp nhất. Về cơ bản, làm thế nào một người nào đó có thể được chuyển hoá thành một người đáng yêu hơn.
“Là một người đã dành cả cuộc đời mình để giúp con người chuyển hóa bản thân, Ngài hiểu gì về ý thức hợp nhất giữa trái tim và khối óc?”
“Giáo dục có giá trị phổ quát,” Ngài trả lời. “Từ trước đến nay, giáo dục hiện đại tập trung vào việc phát triển trí não, trí thông minh - hơn là phát triển tấm lòng. Nếu bạn có một trái tim ấm áp, bạn sẽ có sự an yên, nhưng nếu bạn bận tâm đến cảm giác cạnh tranh và sự thất vọng đi kèm với nó, bạn sẽ không có được sự bình yên trong tâm hồn như thế.
“Như tôi đã đề cập trước đây, vào thế kỷ trước, Mahatma Gandhi đã cho thấy được tầm quan trọng của khái niệm bất bạo động. Trong thế kỷ này, nó sẽ có sức mạnh tương tự nếu cả thế giới có thể dành nhiều sự quan tâm hơn, không chỉ ở các nhà thờ và đền chùa, mà còn thông qua sự giáo dục đối với lòng nhân ái.
“Gặp ai tôi cũng mỉm cười. Mọi người đều yêu thích nụ cười. Ngay cả những con chó cũng đáp lại bằng một khuôn mặt tươi cười với cái đuôi đang vẫy. Nếu quý vị cau mày với chúng thì đuôi của chúng sẽ cụp xuống. Chúng ta phải cố gắng hết sức để thúc đẩy lòng nhân ái, đó là điều mà tất cả các truyền thống tôn giáo cũng có thể đóng góp vào”.
Cha Laurence trả lời, “Nụ cười của Ngài đã thắp sáng thế giới trong nhiều năm qua. Có lẽ khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau, trước tiên chúng ta nên yêu cầu họ chỉ mỉm cười với nhau.”
Đức Ngài đã nhanh chóng chỉ ra rằng chúng ta không thể đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo thế giới về tình trạng của họ vì họ cũng là kết quả của một hệ thống giáo dục mang lại sự cạnh tranh và danh vọng. Đây là nơi mà nền giáo dục hiện đại còn nhiều bất cập. Chúng ta cần nó dạy về giá trị của lòng nhân hậu và cách nuôi dưỡng nó để tất cả chúng ta có được sức khỏe tốt và tâm hồn an lạc. Ngài gợi ý rằng tất cả bảy tỷ con người chúng ta về cơ bản đều như nhau. Chúng ta là anh chị em. Chúng ta cần học theo cách thế tục để trở nên nhân hậu ấm áp hơn.
Cha Laurence đề cập đến cảm giác hy vọng tuyệt vời mà ông cảm thấy khi dạy về thiền định cho trẻ em.
Đức Ngài trả lời: “Trẻ em phản ứng rất tích cực với một khuôn mặt tươi cười vì nó biểu thị một trái tim ấm áp nhân hậu. Nếu người Thầy mỉm cười, thì trẻ em sẽ vui vẻ và thích thú với lớp học của thầy, nhưng nếu người thầy khó khăn thì chúng chỉ muốn rời đi ngay khi có thể. Trẻ em tự nhiên sẽ có sự cảm kích đối với người thầy thể hiện sự quan tâm thực sự đến hạnh phúc của họ.
“Tấm lòng nhiệt tình nhân hậu nên được trình bày từ quan điểm thế tục, không phải là một yếu tố của sự thực hành tôn giáo. Đó là trạng thái tâm giúp cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Khi bạn tĩnh tâm, não của bạn hoạt động tốt hơn. Khi bạn ngập tràn sự tức giận hoặc sợ hãi, nó sẽ không hoạt động hiệu quả. Bạn có thể học hành tốt hơn nếu bạn có sự bình yên trong tâm hồn.”
Cha Laurence tự hỏi Đức Ngài nhìn thấy tương lai của tôn giáo như thế nào. Ngài trả lời,
“Tôi cảm thấy rằng giáo dục có giá trị phổ quát, còn tôn giáo thì là sự lựa chọn của cá nhân và riêng tư. Những gì bạn tin - đó là chuyện của riêng bạn. Tuy nhiên, thông điệp cơ bản của tất cả các tôn giáo đều tập trung vào tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi.
“Nếu các Vị Thầy tôn giáo có thể cùng nhau thảo luận về những điều này thì rất tốt. Có lẽ các học giả tôn giáo cũng có thể thảo luận về chúng về mặt giáo dục. Nếu chúng ta có trái tim ấm áp nhiệt thành, thì chúng ta sẽ có được sức khỏe tốt và sự an lạc nội tâm. Tôi nghĩ rằng các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta cũng có thể góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này.
“Mặc dù tôi là một tu sĩ Phật giáo, nhưng tôi không cố gắng truyền bá đạo Phật. Thay vào đó, tôi quan tâm nhiều hơn đến cách mà các Phật tử có thể đóng góp từ những gì họ biết về sự bình yên trong tâm hồn cho một hạnh phúc nhân loại được lan rộng hơn. Tôi có thể nói rằng, tôi đã từng gặp những người Cơ đốc giáo hẹp hòi có mối quan tâm chính là tuyên truyền đức tin của họ. Tuy nhiên, có những người khác - những người thông tuệ hơn - họ tìm kiếm xem có cách nào để họ có thể đóng góp cho sự lợi ích của người khác.”
Cha Laurence nhớ lại rằng trong các cuộc đối thoại trước đây của họ, Đức Ngài đã nói về việc thực hành tâm linh để đưa trái tim và trí tuệ hòa hợp với nhau. Ông ta thỉnh cầu Đức Ngài nói về trạng thái từ bi này.
Đức Ngài nhận xét, “Một tâm hồn điềm tĩnh là điều cần thiết trong quá trình giáo dục. Quý vị không thể học hành gì được nếu bị cơn tức giận hoặc ghen tuông lấn át. Vì vậy, nếu muốn học tập tốt, điều quan trọng là quý vị phải cảm thấy sự an lạc ở nội tâm. Lòng nhân ái có giá trị phổ quát. Đây là lý do tại sao tôi hy vọng rằng khi đại dịch đã lắng xuống, tôi sẽ có thể đến Delhi và thảo luận với các nhà giáo dục về cách kết hợp và phát triển ý tưởng về lòng nhân ái trong giáo dục nói chung.
“Trái Tim nhân hậu dẫn đến một tâm hồn lành mạnh. Sự an lạc nội tâm giúp chúng ta ngủ ngon. Tôi không nói về lợi ích của kiếp sau hay việc tìm thấy Đức Chúa, mà là việc trở thành một con người an lạc với tâm trí bình lặng và trái tim ấm áp ở đây và bây giờ."
Cha Laurence nói với Đức Ngài rằng họ đã quen biết nhau được 40 năm kể từ lần đầu tiên gặp nhau ở Montreal vào năm 1980. Ông coi đó là một trong những ân phước lớn lao của cuộc đời mình. “Nhưng khi tôi nhìn lại chúng ta bây giờ, chúng ta dường như không thay đổi nhiều về mặt thể chất trong ngần ấy năm. Thành quả cuộc đời Ngài là gì ạ? ”
“Tôi nửa đùa nửa thật,” Đức Ngài trả lời, “nhưng trên đỉnh đầu của chúng ta có ít tóc hơn. Có lẽ lớp da đầu sáng bóng của chúng ta cho thấy sự khôn ngoan hơn”.
Lưu ý rằng WCCM đang hoạt động ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, Cha Laurence cho biết ông muốn giới thiệu ba thành viên muốn đặt câu hỏi của riêng họ với Đức Ngài. Người đầu tiên là Sarah Bachelard - một linh mục Anh giáo ở Úc. Cô ấy hỏi làm thế nào thiền định có thể dẫn đến sự chuyển hoá xã hội.
Ngài nói với Cô: “Chúng ta có năm giác quan và năm thức thuộc về giác quan. Nhưng chúng ta cũng có ý thức thuộc về tinh thần. Ý thức giác quan của ta phản ứng với thế giới vật chất, nhưng thiền định thì phải làm với tâm thức chính của chúng ta (tâm vương) - ý thức thuộc về tinh thần của chúng ta.
“Nếu bạn dạy thiền trong trường học, sinh viên có thể nhắm mắt lại, nếu họ thấy điều đó thoải mái hơn và suy tư về bản chất của tâm thức của mình. Sẽ rất hữu ích nếu bạn học cách phân biệt giữa ý thức cảm giác và ý thức tinh thần; và học cách chỉ chú ý đến tâm thức. Khi bạn giảm sự chú ý vào các giác quan của mình, thì sẽ đưa đến trạng thái tâm thức yên tĩnh hơn và cảm giác có cơ sở hơn.
“Lúc bắt đầu, tốt hơn hết là bạn nên thiền định một mình. Khi bạn đã có một số kinh nghiệm, thì có thể giúp ích cho những người khác nếu bạn cùng hành thiền với họ. Bạn không nên để cho tâm thức của mình đi lang thang và liếc nhìn chỗ này, chỗ kia; tự hỏi người này hay người kia đang suy nghĩ gì. Để bắt đầu, bạn chỉ nên thiền định trong khoảng mười phút, sau đó kéo dài thời gian này lên ba mươi phút, một giờ và lâu hơn”.
Nick Scrimenti đang theo học thần học tại Đại học Harvard muốn biết có thể làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Đức Ngài khuyên: “Trong thời cổ đại, chúng ta chỉ nghĩ đến địa phương của mình, nhưng bây giờ chúng ta phải suy nghĩ trên bình diện toàn cầu. Chúng ta phải xem xét tất cả bảy tỷ con người cùng với hạnh phúc của toàn hành tinh. Ví dụ, Tây Tạng là đầu nguồn của các con sông lớn ở châu Á, vì vậy những gì xảy ra với khí hậu trên cao nguyên Tây Tạng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.
“Hiện tượng nóng lên toàn cầu là rất nghiêm trọng. Nếu chúng ta không hành động để giải quyết vấn đề này, thì thế giới sẽ trở nên nóng bỏng không chịu nỗi. Khi tôi còn là một đứa bé ở Tây Tạng, những ngọn núi xung quanh Lhasa được bao phủ bởi lớp tuyết dày đặc. Ngày nay lượng tuyết đã bị giảm đi rất nhiều. Chúng ta phải nhận ra rằng; sự nóng lên toàn cầu, cũng giống như nền kinh tế toàn cầu, đều ảnh hưởng đến tất cả chúng ta như thế nào. Khi bắt tay vào hành động, trái tim nồng ấm nhân hậu sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh nội tâm.”
Angelina Chan, một thành viên của hội đồng WCCM đã hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lời khuyên nào mà Ngài có thể đưa ra cho vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.
Ngài đáp: “Tôi không biết! Và tôi không nghĩ rằng có bất cứ sự vội vã nào để nghĩ về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15. Bao lâu tôi còn sống, thì tôi sẽ cố gắng đóng góp để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, hòa bình hơn với một môi trường trong lành. Tôi không quan tâm lắm về vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo. Mọi thứ đang thay đổi. Vấn đề cải thiện giáo dục là một vấn đề được công chúng quan tâm. Khi đề cập đến Đạt Lai Lạt Ma hoặc Ban Thiền Lạt Ma, thì chúng ta chỉ đang nói về các cá nhân mà thôi."
Câu hỏi cuối cùng của Cha Laurence là về cách truyền thống thiền định có thể giúp ta phân biệt giữa ảo tưởng và thực tế.
Đức Ngài khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt sự chỉ suy nghĩ về ‘địa phương tôi’, ‘đất nước tôi’. Thực tế hiện nay là chúng ta phải suy nghĩ về toàn bộ thế giới, sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ hành tinh và mỗi chúng ta đang sống trong đó. Tương tự như vậy, vì nền kinh tế toàn cầu tác động đến tất cả chúng ta, cho nên ta phải suy nghĩ đến tất cả mọi người. Chúng ta phải xem xét tính hợp nhất của nhân loại một cách nghiêm túc.
“Nếu chúng ta giáo dục thế hệ trẻ hiện tại theo những hướng này, khi lớn lên, họ sẽ nhận thức được nhiều hơn về thế giới về tính tổng thể cũng như nhân loại nói chung. Đây là thực tế mới - chúng ta đang sống trong nền kinh tế toàn cầu và hệ sinh thái toàn cầu. Trong kinh nghiệm ít ỏi của bản thân mình, tôi nhận ra rằng khi tôi sống ở Tây Tạng, tôi thực sự chỉ nghĩ về nhân dân Tây Tạng. Tuy nhiên, kể từ khi tôi đến sống ở Ấn Độ, tôi đã học cách nghĩ về hạnh phúc của cả bảy tỷ con người."
“Là một người tị nạn, Ngài đã trở thành một công dân của thế giới,” Cha Laurence xen vào.
“Đúng vậy, tôi không còn chỉ nghĩ đến phúc lợi của người dân Tây Tạng nữa, tôi nghĩ đến tất cả nhân loại, thực sự là tất cả chúng sinh.”
Cha Laurence tiết lộ rằng ông đã hy vọng rằng ông có thể thỉnh Đức Ngài quang lâm đến dự lễ khánh thành Bonnevaux, nhưng tình hình đã xảy ra như thế này. Thay vào đó, Giovanni - một thành viên của cộng đồng - đã thỉnh cầu Ngài ban phước gia trì cho trung tâm thiền định này và cho hòa bình thế giới.
“Chắc chắn rồi! Tôi cảm thấy có một mối liên hệ đặc biệt với các anh chị em Cơ đốc của mình. Tôi cầu nguyện rằng những ai thực sự cố gắng mang thông điệp của Chúa - lòng từ bi và sự tha thứ - vào thực hành thì sẽ có hiệu quả tốt.”
Cha Laurence trả lời: “Xin cảm ơn Ngài! Lời chúc phúc của Ngài là nguồn sức mạnh to lớn đối với chúng tôi khi chúng tôi mở ra với thế giới. Chúng tôi thỉnh cầu Ngài xin hãy giữ chúng tôi trong trái tim của Ngài, cũng như chúng tôi đã giữ Ngài trong trái tim của chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện Ngài luôn có được sức khỏe tốt để nụ cười của Ngài tiếp tục toả sáng thế giới. Xin cảm ơn về tất cả những gì mà Ngài đã dạy cho chúng tôi qua tình bằng hữu của chúng ta trong suốt nhiều năm qua!"