Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, sinh nhật lần thứ 87 của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đã tham dự buổi lễ khánh thành Thư viện và Văn khố Lưu trữ Đạt Lai Lạt Ma trong một tòa nhà mới bên dưới Dinh thự của Ngài nhưng phía trên con đường đi nhiễu kinh hành Lha-gyal-ri.
Khi Đức Ngài quang lâm đến và an toạ trên Pháp Toà ở Hội trường mới, Hoà thượng Samdhong Rinpoché đã đảnh lễ và dâng lên cúng dường Ngài một Mạn đà la. Trà và cơm ngọt đã được phục vụ. Zumchung Tashi - Giám đốc Dự án của Đạt Lai Lạt Ma Trust - đã khai mạc chương trình. Ông chào mừng các vị quan khách, bao gồm Ganden Tri Rinpoché và các nhà lãnh đạo của Cơ quan Hành Chánh Trung ương Tây Tạng và ông đã thỉnh Thượng tọa Samdhong Rinpoché giới thiệu về Thư viện & Văn khố Lưu trữ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho Hội chúng.
Rinpoché bắt đầu bằng cách đảnh lễ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - người mà Rinpoche đã gọi là “bậc Thầy Bổn Sư Xuất Gia của con”, và một lần nữa Rinpoche chào đón các vị khách quý.
Rinpoché tiếp tục: “Như Ngài Khedrup-jé (Đức Panchen Lama thứ nhất) đã nói với Jé Tsongkhapa, vì mỗi hơi thở của Ngài đều vì lợi ích của tất cả chúng sinh, nên cần gì phải nói thêm về các hoạt động giác ngộ khác của Ngài? Điều tương tự như vậy cũng được áp dụng cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Trước đây, người ta thường nhớ nằm lòng những lời dạy và có thể đọc thuộc lòng. Tuy nhiên, hiện nay trong thời đại công nghệ phát triển hơn này, chúng ta có thể lưu giữ những lời dạy của Đức Ngài ở định dạng kỹ thuật số. Một số hồ sơ tài liệu có thể không đầy đủ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khôi phục chúng. Ngoài ra còn có nhiều sách do Đức Ngài trước tác và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác ngoài tiếng Tây Tạng và tiếng Anh mà chúng tôi dự định lưu trữ.
“Mục tiêu của Thư viện này là lưu giữ những lời dạy của Đức Ngài để mọi người có thể tiếp cận được với những lời dạy quý báu ấy. Những bài giảng của các Đức Đạt Lai Lạt Ma trước đây cũng sẽ được lưu trữ. Các giải thưởng khác nhau được kính tặng lên Đức Ngài sẽ được thu thập và được trưng bày tại đây. Nhìn chung, mục đích đằng sau dự án này là tập hợp các nguồn tài liệu cho những người muốn nghiên cứu về cuộc đời và hành trạng của Đức Ngài. Chúng tôi đã có thể đưa nó đi xa đến mức này là nhờ sự hỗ trợ đầy lòng từ ái và tận tình của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Ngoài việc thu thập các nguồn tài liệu lại với nhau, chúng tôi cũng có kế hoạch triệu tập các cuộc hội thảo và gặp gỡ với những người có mối liên hệ đặc biệt với Đức Ngài. Chúng tôi có thiết bị tốt và đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản để vận hành nó nhằm liên kết với những người khác trên toàn thế giới.
“Chúng tôi đã tuân thủ các nguyên tắc và quy định của Hiệp Hội Đô Thị Dharamshala và chúng tôi xin cảm ơn về sự giúp đỡ và hỗ trợ của họ.
“Điều quan trọng là phải bảo quản tài liệu theo phương pháp khoa học, công nghệ tiên tiến; cần lưu ý rằng trước đây người ta có thể từng lợi dụng chúng ta như thế nào vì hồ sơ và tài liệu của chúng ta không đầy đủ. Trong nhiệm kỳ của các năm 12 và 13, Kashag đã cố gắng tạo ra một kho lưu trữ văn khố, nhưng nó đã không được trở thành hiện thực."
Rinpoché kết luận bằng cách chỉ ra rằng việc xây dựng tòa nhà lưu trữ văn khố này, cũng như chỗ ở cho nhân viên của Văn phòng Đức Ngài, được bắt đầu vào năm 2017, đã bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 và tiếp tục vào năm 2020. Rinpoche cầu nguyện rằng - bất cứ công đức nào đã tạo được - đều hồi hướng cho sự trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Khi phát biểu trước Hội chúng - Đức Ngài cười khúc khích và nói: “Vào ngày sinh nhật của tôi, mọi người đều mỉm cười hạnh phúc và hô vang “Chúc mừng sinh nhật Ngài”. Tôi muốn cảm ơn quý vị - vì hôm nay đã vui vẻ trong thời điểm đặc biệt này đối với đất nước của chúng ta. Kể từ khi tôi mang danh hiệu ‘Đạt Lai Lạt Ma’, tôi đã làm tất cả những gì có thể - để góp phần bảo tồn tôn giáo và văn hóa Tây Tạng.
“Đã có lúc, toàn bộ vấn đề của Tây Tạng dường như sắp tan biến như cầu vồng, nhưng chúng ta đã thiết lập được trường học và tái thiết lập các tu viện của mình để ngày nay - nền văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ Tây Tạng đã phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống lưu vong.
“Lần đầu tiên tôi đến Mỹ, tôi đã được mời đến viếng thăm Quốc hội. Một trong những thành viên của quốc hội đã khẳng định rằng Trung Quốc có hàng triệu binh sĩ, trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một người đàn ông; nhưng Trung Quốc đã không thể vượt qua được ông ta. Vấn đề là, chúng ta chưa bao giờ nói dối; chúng ta có cả sự thật về phía của mình.
“Trong nhiều năm, tôi đã làm việc một cách chân thành, tôn trọng luật nhân quả. Vấn đề của Tây Tạng không chỉ là vấn đề của chính trị, mà nó là một vấn đề về sự thật.
“Khi chúng ta đề cập về văn hóa của mình, điều đó chủ yếu liên quan đến hoạt động của tâm thức và cảm xúc của chúng ta. Nó tập trung vào các phương pháp để đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Chúng ta không chỉ mong muốn đối phó với những cảm xúc tiêu cực của mình, mà ta còn có những kỹ thuật để triệt tiêu chúng. Chúng ta cần phải quan sát xem loại cảm xúc nào đã làm xáo trộn sự bình an nội tâm của chúng ta, và nhận dạng ra được sự sân giận, ghen tị, v.v., và ta phải thực hành để triệt tiêu chúng."
Đức Ngài tiết lộ rằng ngày nay mọi người - trong đó có các nhà khoa học - đã có sự quan tâm đến văn hóa Tây Tạng, bởi vì họ nhận ra rằng nền văn hóa này cống hiến cho việc nuôi dưỡng các phương pháp để đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Ngài chỉ ra rằng, ngay từ khi bắt đầu nền giáo dục ở chốn Thiền môn, người tu sĩ đã được dạy về Tâm Vương và Tâm Sở. Ngài tiếp tục - sau đó họ sẽ chọn phương pháp hợp lý để tiếp cận với kinh điển, nghiên cứu xem loại kinh điển nào có thể được coi là tối nghĩa và kinh điển nào thuộc loại cần được giải thích.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục: “Trong hàng ngàn năm qua, Ấn Độ đã giữ vững được các nguyên tắc của ‘karuna’ (lòng từ bi) và ‘ahimsa’ (bất bạo động). Ở Tây Tạng, chúng ta cũng đã bảo tồn được những sự thực hành này khi các phẩm hạnh này được giảng dạy bởi các Vị học giả am hiểu uyên thâm về Truyền thống Nalanda. Chúng ta hiện giờ đang sống cuộc đời lưu vong, nhìn bề ngoài thì đó là một hoàn cảnh đáng buồn, nhưng kết quả lại là có nhiều sự quan tâm hứng thú đối với truyền thống của chúng ta đã lan rộng trên khắp thế giới. “Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã dành thời gian ở cả Ấn Độ và Trung Quốc. Ngài đã tạo ra những thay đổi ở Tây Tạng, nhưng không hiệu quả lắm trong việc làm cho nền triết học Phật giáo được biết đến vượt ra ngoài biên giới của chúng ta. Tôi muốn cảm ơn các vị học giả và các chuyên gia Tây Tạng ngày nay, những người đã làm được rất nhiều, giảng dạy từ truyền thống của chúng ta, để đóng góp cho sự hạnh phúc của nhân loại.
“Trong những ngày đầu sống lưu vong, khi chúng ta thành lập trường học cho trẻ em Tây Tạng với sự giúp đỡ và hỗ trợ của Thủ tướng Nehru, chúng tôi đã chỉ định các giáo viên tôn giáo dạy dỗ cho các cháu. Sau đó, chúng tôi đổi tên của những vị này thành ‘Giảng viên triết học', vì vậy các thế hệ sinh viên lưu vong sau này đã lớn lên với một số kiến thức hiểu biết về triết học và có sự ngưỡng mộ đối với tầm quan trọng của việc sử dụng lôgic và lý luận.
“Hôm nay là sinh nhật của tôi; và tất cả quý vị đều có tâm trạng vui vẻ - bất chấp chúng ta phải chịu những trận mưa lớn. Hãy để tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện. Có một lần Nechung đã gọi tôi là "viên ngọc pha lê nước". Tôi sinh ra ở vùng Siling. Tôi học ở Lhasa và sống lưu vong ở Ấn Độ. Những gì tôi học được trong suốt quá trình đó là cách rèn luyện tâm thức - đây là điều mà tôi có thể chia sẻ với những người khác. Vì vậy, có vẻ như dự đoán của Nechung về ánh sáng của ‘viên ngọc pha lê nước’ chiếu sáng thế giới đã trở thành sự thật.”
Tiếp theo, Đức Ngài đã trao tặng cho kiến trúc sư, kỹ sư, giám sát công trình và những người khác đã tích cực tham gia xây dựng tòa nhà Thư viện và Văn khố Lưu trữ - một biểu tượng tri ân và bằng khen.
Jamphel Lhundup - Thư ký của Quỹ Tín Thác Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu lời cảm ơn.
“Chúng con vô cùng biết ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khánh thành Thư viện & Văn khố Lưu trữ Đạt Lai Lạt Ma vào ngày đặc biệt này - Thứ Tư ngày 6 tháng 7 - là ngày sinh nhật của Đức Ngài.
“Con muốn cảm ơn Hoà thượng Samdhong Rinpoché về những lời giới thiệu của Rinpoche; và xin bày tỏ lòng biết ơn của Quỹ Tín Thác đối với tất cả các vị khách đã tham dự sự kiện này ngày hôm nay. Xin cảm ơn tất cả quý vị đã quang lâm.
“Con cầu xin Đức Ngài hãy chăm sóc chúng con cho đến khi chúng con đạt được giác ngộ dưới sự chở che bảo bọc của Ngài.
“Dự án này đã phải mất 5 năm để được hoàn thành; và tôi rất vui khi được cảm ơn tất cả những người đã đóng góp vào đó”.
Trước khi sự kiện kết thúc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện với hội chúng một lần nữa.
Ngài nói với họ: “Mặc dù chúng ta đang sống lưu vong, nhưng chúng ta không giống như những người tị nạn khác. Chúng ta có một truyền thống rộng lớn và sâu sắc, và sự ngưỡng mộ về truyền thống đó ngày nay đã lan toả rộng khắp.
“Lần đầu tiên chúng ta đến Dharamsala từ Mussoorie, chúng ta đã rất thất vọng vì quá xa Delhi. Nhưng sau đó, Appa Pant - cựu Cán bộ Chính trị của Ấn Độ đã đến Sikkim, ông ấy đến viếng thăm tôi tại Swarag Ashram. Nhìn ra khung cảnh xa xăm, ông ấy nói, “Thật tốt khi Ngài an trụ ở đây, nơi mà ánh sáng của những lời nói Ngài về lòng nhân ái và tâm từ bi - sẽ lan tỏa đến khắp thế giới.
“Điều này đã xảy ra không phải chỉ vì tôi, mà nhờ vào sự cống hiến của những người Tây Tạng đang sống bên trong Tây Tạng, cũng như những người đang sống lưu vong. Họ đã làm việc chăm chỉ để thực hiện theo lời khuyên của tôi. Vì vậy, tôi muốn cảm ơn tất cả người dân Tây Tạng về những gì mà chúng ta đã đạt được. Tôi sẽ sống thêm một hoặc hai thập kỷ nữa và cảm thấy mình vẫn còn điều gì đó để đóng góp.
“Khi đại dịch lắng xuống, tôi mong muốn được đến Delhi để tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà giáo dục về phương pháp mà chúng ta có thể làm cho nền giáo dục hoàn thiện hơn bằng cách kết hợp phương pháp tiếp cận hiện đại với sự hiểu biết cổ xưa của người Ấn Độ về hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
“Mahatma Gandhi đã làm cho tinh thần bất bạo động trở nên nổi tiếng; còn bây giờ chúng ta cần làm cho mọi người đều biết đến tương tự như thế đối với lòng từ bi.
“Vì hôm nay là sinh nhật của tôi, tôi sẽ dùng một bữa thật ngon và sau đó sẽ nghỉ ngơi thật tốt. Hãy tiếp tục can đảm, cùng làm việc với nhau - cố gắng và nỗ lực hết mình!”