Shewatsel, Leh, Ladakh, UT, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khánh thành Thư viện và Trung tâm Học tập Thiksey mới được xây dựng - một dự án mà Ngài đã tiến hành lễ động thổ vào tháng 7 năm 2018.
Trong bài phát biểu chào mừng của mình, Thiksey Rinpoché đã bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Ngài, các vị khách quý khác và 3000 sinh viên đến từ 15 trường học và cao đẳng ở xung quanh Leh. Rinpoche ca ngợi cam kết của Đức Ngài trong việc thúc đẩy các giá trị nhân văn, khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo tồn tôn giáo và văn hóa Tây Tạng cũng như bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng, cũng như những nỗ lực của Ngài nhằm tạo ra nhận thức và sự quan tâm nhiều hơn đến kiến thức Ấn Độ cổ đại. Rinpoche mô tả những nỗ lực này là vô cùng lợi ích và phù hợp với thế giới ngày nay.
Rinpoché cũng báo cáo rằng, kể từ khi Thư viện và Trung tâm Học tập đi vào hoạt động vào năm 2020, hơn 350 sinh viên đã được đào tạo trong thời gian sáu tuần về đạo đức thế tục thông qua chương trình Học tập Xã hội, Tình cảm và Đạo đức. Trung tâm Học tập cũng đã cung cấp học phí miễn phí cho nhiều sinh viên trong mùa đông khi trường học của họ thường bị đóng cửa. Bên cạnh những thành tựu này, nhiều sinh viên và học sinh chưa tốt nghiệp của trường đã và đang sử dụng cơ sở vật chất của Trung tâm để làm lợi thế của họ.
Một nữ sinh phát biểu bằng tiếng Ladakh thay mặt cho tất cả các sinh viên hiện diện - chào mừng Đức Ngài quang lâm đến Thiksey; và cảm ơn Thiksey Rinpoché về cơ sở vật chất mà họ đã được cung cấp tại Thư viện và Trung tâm Học tập. Một người khác, nói bằng tiếng Anh, bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiksey Rinpoché về công sức mà Ngài đã bỏ ra để thành lập trung tâm này, nơi mà những người trẻ tuổi có thể học tập và chuẩn bị cho cuộc sống của họ. Cô lưu ý rằng trung tâm không chỉ tạo cơ hội cho họ được học hỏi mà còn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng để ăn. Cô cảm ơn Thiksey Rinpoché và các nhân viên của Ngài vì sự cởi mở rộng lượng của họ và cầu chúc Đức Ngài được trường thọ.
Đức Ngài đã mở đầu nhận xét của mình bằng cách chia sẻ rằng Ngài cảm thấy vui như thế nào khi có thể đến thăm Ladakh một lần nữa. Ngài nói rằng Ngài đã cảm động như thế nào trước lòng yêu thương và tình cảm chân thành mà người dân Ladakh - từ trẻ đến già - đã thể hiện với Ngài, và Ngài cảm ơn tất cả họ.
Đức Ngài phát biểu: “Tôi rất ngưỡng mộ sự hòa hợp lan tỏa trong cộng đồng Ladakh. Cho dù chúng ta thuộc dân tộc này hay dân tộc khác, và cho dù chúng ta thực hành tôn giáo này hay tôn giáo khác, thì về cơ bản chúng ta đều là những con người như nhau. Từ lúc ta chào đời, mẹ đã chăm sóc cho ta; đến khi trút hơi thở cuối cùng - tất cả chúng ta đều như nhau. Vì vậy, tất cả chúng ta đều nên quan tâm đến việc sống trong hòa bình và hòa thuận.
“Cho dù chúng ta có đức tin vào tôn giáo hay không, thì sự lợi ích của tấm lòng ấm áp nhân hậu có thể được dạy dỗ như một phần của khóa đào tạo về đạo đức thế tục. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều luôn giữ một thái độ thân thiện - tôi luôn mỉm cười và những người khác cũng mỉm cười đáp lại.
“Trong hàng ngàn năm qua, Ấn Độ đã duy trì các truyền thống ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi), đó là nguồn hạnh phúc tạo ra sự hòa bình cho các cá nhân và góp phần tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn. Lòng nhiệt thành là yếu tố then chốt để ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc bởi vì tất cả chúng ta đều phải sống cùng với nhau”.
Đức Ngài kể lại rằng, vào thế kỷ thứ bảy, mặc dù có quan hệ mật thiết với người Trung Quốc, nhưng Hoàng đế Tây Tạng thứ 33 - Songtsen Gampo đã chọn đưa ra một phương thức chữ viết mới của tiếng Tây Tạng dựa trên bảng chữ cái Devanagari của Ấn Độ. Do đó, khi Đạo sư người Ấn Độ - Ngài Tịch Hộ đến thăm Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám, thể theo lời mời của Hoàng đế Tây Tạng - Trisong Detsen, Ngài đã thúc giục người Tây Tạng dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng. Điều này đã giúp cho người Tây Tạng tìm hiểu về Phật giáo bằng ngôn ngữ của chính họ thay vì phải dựa vào tiếng Phạn hoặc Pali.
Đức Ngài giải thích rằng, hơn 300 tập Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) đã đề cập đến nhiều ý tưởng tôn giáo, triết học và khoa học; và ngày nay tiếng Tây Tạng vẫn là ngôn ngữ chính xác nhất để nghiên cứu các tạng Kinh, Luận này. Các nhà tâm lý học và thần kinh học phương Tây đang ngày càng quan tâm đến những gì mà Phật giáo đề cập về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Hơn nữa, các bản dịch tiếng Hoa của các tài liệu khoa học và triết học chọn lọc có nguồn gốc từ văn học Phật giáo đã khiến cho các giáo sư ở các trường Đại học Trung Quốc thừa nhận rằng Phật giáo Tây Tạng rõ ràng là đã bảo tồn được các truyền thống hợp lý của Nalanda.
Đức Ngài thừa nhận rằng Tây Tạng hiện nay có thể nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản Trung Quốc, nhưng về lâu dài, người Tây Tạng sẽ có thể giúp được ngày càng nhiều người Trung Quốc quan tâm đến Phật giáo bằng cách chia sẻ với họ những phương pháp để đạt được sự bình an trong tâm hồn.
Đức Ngài tuyên bố: “Một điểm khác mà tôi muốn chia sẻ với quý vị, đó là sự nóng lên của toàn cầu đang trở thành một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Một trong những bước tích cực mà chúng ta có thể thực hiện để chống lại tình trạng đó, là trồng và chăm sóc cây xanh. Trong bối cảnh này, thật tuyệt vời khi được nhìn thấy rất nhiều cây xanh ở tại Thiksey này. Nhà hoạt động môi trường người Ấn Độ - Sunderlal Bahuguna đã giao cho tôi nhiệm vụ là nhắc nhở người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn rằng điều này quan trọng đến thế nào. Tôi đã hứa là sẽ thực hiện điều mà ông ấy đã nhắn gởi, thế nên quý vị hãy trồng và chăm sóc cây xanh vào mọi lúc mọi nơi nhé!”.
Trả lời các câu hỏi của khán giả, Đức Ngài giải thích rằng, trong khi sự cạnh tranh có thể dẫn đến kết quả tiêu cực trong một số trường hợp, thì trong một số trường hợp khác, nó có thể có tác động tích cực. Ngài trích dẫn ví dụ về sự tranh luận triết học, vì nó được tiến hành ở các trung tâm học tập lớn của Tây Tạng, trong đó sự cạnh tranh giữa người thách thức và người trả lời có thể dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn cho cả hai đối tượng. Chìa khóa để có được sự cạnh tranh hiệu quả lành mạnh là người tham gia cạnh tranh phải có một động lực từ bi.
Khi được hỏi tại sao có rất nhiều truyền thống tôn giáo trên thế giới, Đức Ngài trả lời rằng, mặc dù ở mức độ vật chất - tất cả chúng ta đều yêu thích thức ăn, và chúng ta cũng thích sự đa dạng của nhiều loại thức ăn. Tương tự như vậy, việc nghiên cứu các quan điểm triết học khác nhau có thể giúp chúng ta rèn giũa trí óc của mình.
Về xu hướng tìm kiếm sự khuây khoả trong rượu và ma túy của giới trẻ Ladakh, Đức Ngài đã chỉ ra rằng, một trong những khiếm khuyết của nền giáo dục hiện đại là đề cập quá ít đến các giá trị nội tâm. Liên quan đến điều này, Ngài nêu lên quan điểm rất tự tin về tiềm năng lợi ích của việc kết hợp nền giáo dục hiện đại với kiến thức cổ xưa của người Ấn Độ về hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Ngài nêu lên hy vọng của mình là sẽ tham khảo ý kiến của các giáo viên và các nhà giáo dục tại các viện đào tạo bậc cao như Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi về phương pháp có thể đạt được điều này một cách tốt nhất.
Cuối cùng, Đức Ngài nói với một cô gái trẻ đã nhận ra được giá trị của sự tập trung, nhưng muốn biết cách để khắc phục sự phân tâm, rằng tất cả chúng ta đều quen thuộc với năm thức của mình (nhãn thức, nhĩ thức…). Tuy nhiên, khi nói đến việc rèn luyện tâm thức, thì chúng ta cần phải chú ý đến ý thức (thức thứ 6) của mình.
Khi sự kiện kết thúc, Đức Ngài chắp tay chào khán giả và vẫy tay chào những người ở phía sau đám đông. Tiếng kèn và trống truyền thống vang lên trong lúc cung thỉnh Ngài khởi hành cho buổi thọ trai.