Leh, Ladakh, UT, Ấn Độ - Ngay sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến khán đài tại sân bãi thuyết Pháp; Chhering Dorjey Lakruk - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Ladakh (LBA) đã thực hiện nghi thức cúng dường một Mạn đà la và các Vị đại diện khác đã dâng khăn Khata lên Ngài. Sau phần tụng "Cầu nguyện Tam Hành Tương Tục” là phần tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’.
Đức Ngài thông báo rằng, vì hôm nay là ngày mồng một tháng sáu âm lịch Tây Tạng, nên sáng sớm nay Ngài đã cầu nguyện và cúng dường lên Palden Lhamo. Sau đó, Ngài chủ trì hội chúng đọc lời cầu nguyện mà Ngài đã trước tác để Xưng Tán vị Nữ Hộ Pháp.
Chuyển sang cuốn ‘Nhập Bồ tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên, Đức Ngài giải thích rằng đó là một bản văn hữu hiệu để thực hiện theo nếu quý vị muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa.
“Người Tây Tạng và người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn đã quen thuộc với những câu thần chú như thần chú Lục Tự của Đức Quán Thế Âm (Om Mani Padme Hung) và thần chú của Thánh Tara (Om Taré Tuttaré Turé Svaha), nhưng họ cũng nên coi mình là người may mắn và cố gắng sống một cuộc sống có ý nghĩa bằng trái tim ấm áp nhân hậu và tập trung vào việc đạt được giác ngộ tối thượng.
“Hôm qua tôi đã giảng phần giới thiệu khái quát rồi, hôm nay tôi sẽ tiếp tục đọc bản văn ngay từ đầu."
Ngài bắt đầu đọc chương thứ hai, thỉnh thoảng đưa ra nhận xét khi Ngài truyền đạt lại trong sách của Ngài Tịch Thiên.
“Nhập Bồ tát Hạnh” là một giáo lý tuyệt vời về những phương cách để nuôi dưỡng Bồ đề Tâm. Tôi giữ một bản photo bên cạnh giường của mình và đọc nó bất cứ khi nào tôi có thể. Hơn nữa, những người muốn tìm hiểu về tính không sẽ được nhiều lợi ích khi nghiên cứu chương thứ chín của cuốn sách này.
“Những người theo Truyền thống Nalanda đã quen thuộc với việc thực hành phát Bồ Đề Tâm, giúp tăng cường cả về sức khỏe thể chất và hạnh phúc tinh thần. Khi quy y Phật, Pháp và Tăng, chúng ta phải hiểu rằng Giáo Pháp là điều mà chúng ta cần phải phát triển từ bên trong nội tâm để chúng ta có thể đi qua các Đạo lộ và các Bồ Tát Địa để đạt đến đỉnh cao là trạng thái toàn giác của Phật quả.
“Thần chú của ‘Bát Nhã Tâm Kinh’chỉ ra Đạo lộ từng bước dẫn đến Phật quả.
Khi Đức Quán Thế Âm đọc thần chú, "Tadyata gaté gaté gaté paragaté parasamgaté bodhi svaha" ("Như thị: Vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia, vượt rốt ráo sang bờ bên kia, an lập trong sự giác ngộ"), là Ngài đang bảo các tín đồ nên thực hiện các tiến trình thông qua năm Đạo Lộ.
Đây là ý nghĩa của nó:
- “Gaté gaté” - tiến qua, vượt qua - chỉ ra con đường tích lũy (tư lương đạo) mà chúng ta đạt được bằng kinh nghiệm ban đầu về Bồ Đề Tâm; và con đường chuẩn bị (gia hành đạo) gắn liền với sự hiểu biết ban đầu về tánh Không.
- “Paragaté” - tiến vượt qua bờ bên kia - diễn tả về con đường của cái thấy (kiến đạo), tuệ giác sâu sắc đầu tiên về tánh Không và sự thành tựu của Bồ Tát Sơ Địa.
- “Parasamgaté” - vượt rốt ráo sang bờ bên kia - biểu thị con đường thiền định (thiền đạo) và sự thành tựu các Bồ Tát Địa tiếp theo. - “Bodhi svaha” - (vô học đạo) - được an lập trong sự giác ngộ - biểu thị cho việc đặt nền tảng của sự giác ngộ hoàn toàn.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là đạt được sự giác ngộ, và để đạt được điều đó, chúng ta phải kết hợp Bồ Đề Tâm - một phần của khía cạnh phương tiện của Đạo lộ, với sự hiểu biết về tính không, bao gồm khía cạnh trí tuệ của Đạo lộ. Chúng ta cần ghi nhớ những điều này và rèn luyện bản thân để đi theo con đường dẫn đến giác ngộ từ đời này qua đời sau”.
Đọc đến bài Kệ thứ 8 trong chương thứ hai của cuốn sách:
Nguyện hiến dâng tất cả thân tâm
Lên chư Phật Thế Tôn, Bồ Tát
Xin các Ngài đoái thương chấp nhận
Cho con xin tận tuỵ hầu Ngài!
Đức Ngài nhận xét rằng mục đích chính của việc hiến dâng mình làm người hầu cho chư Phật và chư Bồ tát có nghĩa là làm việc vị tha vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Khi đọc câu 23 và 24 của Chương Ba:
Cũng giống chư Như Lai Bồ Tát
Đều tinh chuyên phát khởi Bồ Đề Tâm
Như các Ngài đã an trú triền miên
Trong chí nguyện thực hành Bồ tát Hạnh (23/2)
Cũng như thế - vì lợi ích chúng sanh
Con phát tâm thực hành Bồ Tát Hạnh.
Và như vậy con cũng sẽ tinh chuyên
Miên mật hành theo hạnh nguyện của các Ngài. (24/2)
Đức Ngài nói rằng Ngài luôn suy tư về Bồ Đề Tâm ngay khi thức dậy vào buổi sáng. Thế nên những bài Kệ này được dùng làm nghi thức để phát Bồ Đề Tâm và thọ Giới Bồ Tát. Những bài Kệ còn lại của chương thứ Ba nêu bật những phẩm chất hữu ích của Bồ Đề Tâm. Sau đó, Đức Ngài đều đặn đọc hết phần còn lại của cuốn sách, thỉnh thoảng Ngài nêu lên những bình luận trong quá trình đọc bản văn.
Ở đầu chương thứ chín, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng, những chỉ dẫn trong các chương trước đều nhằm hỗ trợ sự phát triển của Trí tuệ Ba la mật, đó là trọng tâm của chương này. Ngài giải thích rõ rằng, cách mà thuật ngữ ‘tâm’ được sử dụng trong bài Kệ thứ hai của Chương Chín đề cập đến một nhận thức nhị nguyên. Nói một cách tổng quát, có nhiều khía cạnh khác nhau của “tâm”; như tâm toàn giác của một vị Phật, tâm bất nhị của một Bậc chứng ngộ hoàn toàn miên mật trong tính không; cũng như nhận thức hợp lệ, giả định, trực giác, nhận thức suy luận, nghi ngờ, v.v.
Sau khi hoàn tất phần truyền đọc cuốn sách, Đức Ngài đã kêu gọi các thính giả của mình nên đọc sách ấy và sử dụng nó làm cơ sở để trau dồi Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tính không.
Ngài nói: “Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào ngày mai, tôi sẽ ban quán đảnh của Đức Quán Thế Âm - hiện thân của lòng từ bi vĩ đại”.