New Delhi [Ấn Độ], ngày 14 tháng 7 (tin tức Quốc tế Á Châu):
Các học giả, nhà nghiên cứu, hành giả Phật giáo và các nhà lãnh đạo tinh thần lỗi lạc đã từng tiếp xúc gần gũi với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong nhiều năm qua - bao gồm cả giới Tăng lữ Phật giáo trong nước và Quốc tế, đã thảo luận về ba chủ đề quan trọng mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã quan tâm trong những năm qua tại Hội nghị Quốc tế do Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
Các chủ đề bao gồm 'Tầm quan trọng của Phật pháp trong thế kỷ 21’; ‘Vật lý lượng tử, Khoa học thần kinh và Phật giáo', và 'Tương lai của Phật giáo Tây Tạng và sự bảo tồn văn hóa Tây Tạng.
Alexander Berzin - chuyên ngành Ngôn ngữ Viễn Đông, Phạn ngữ, và Nghiên cứu Ấn Độ tại Đại học Harvard - cho biết: Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã xem xét ba chủ đề quan trọng có liên quan mật thiết nhất đối với thế kỷ 21: “sự hợp nhất của nhân loại”, “Bồ Đề Tâm và quan điểm về Tánh Không là trọng tâm chính trong việc thực hành hàng ngày của Ngài”, và “những cam kết lớn lao của Ngài”.
Những cam kết ấy bao gồm:
Thứ nhất: thúc đẩy đạo đức thế tục và các giá trị phổ quát, đồng thời đưa những phương pháp giảng dạy ấy vào hệ thống trường học hiện đại.
Thứ hai: bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và môi trường Tây Tạng.
Thứ ba: thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
Thứ tư: tích hợp kiến thức Ấn Độ cổ xưa về tâm thức vào chương trình giảng dạy của các trường học ở Ấn Độ.
Lobsang Tenzin Negi, người đồng sáng lập và là Giám đốc Điều hành Trung tâm Khoa học Chiêm nghiệm và Đạo đức dựa trên Lòng Từ Bi tại Đại học Emory, đã khám phá sự liên quan liên tục của những giáo lý tâm linh cốt lõi của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - cụ thể là lòng từ bi, chánh niệm và trách nhiệm đạo đức - đặc biệt phù hợp đối với thế giới đầy phức tạp và thay đổi nhanh chóng ngày nay.
Ông lưu ý rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là một nhân tố tiên phong trong việc kết nối giữa khoa học và tâm linh, tích cực hợp tác với các nhà khoa học nổi tiếng thế giới và góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực khoa học chiêm nghiệm, đặc biệt là sự nghiên cứu về lòng từ bi.
Ông giải thích: “Tầm nhìn và lời kêu gọi hành động của Đức Ngài đã trực tiếp truyền cảm hứng cho các chương trình toàn cầu có tác động mạnh mẽ như chương trình “Học tập Xã hội, Cảm xúc và Đạo Đức” (SEE); chương trình “Đào tạo lòng Từ bi dựa trên Nhận thức” (CBCT) - các chương trình này tích hợp đạo đức thế tục và hạnh phúc cảm xúc vào lĩnh vực giáo dục và xã hội. Những đóng góp này cùng nhau cung cấp một khuôn khổ thực tiễn và vượt thời gian, và những công cụ thiết yếu để nuôi dưỡng sự đồng cảm, khả năng phục hồi và ý thức trách nhiệm toàn cầu trong thế kỷ 21”.
Giáo sư Ceon Ramon - Phó Giáo sư, Khoa Kỹ thuật Điện và Máy tính, Đại học Washington, Hoa Kỳ, khi trình bày về Vật lý Lượng tử, Khoa học Thần kinh và Phật giáo, đã giải thích những khái niệm này bằng các ví dụ nhằm chứng minh những điểm tương đồng và khác biệt giữa các lý thuyết khoa học và triết học Phật giáo.
Một lĩnh vực tương tác khác là sự kết hợp giữa vật lý lượng tử và vật lý siêu ánh sáng (nhanh hơn ánh sáng) với triết học Phật giáo. Ông cho rằng với điều này, người ta có thể giải thích khái niệm Phật giáo về bản chất sáng tỏ của tâm thức, giúp mô tả được sự truyền tải thông tin tự phát giữa hai sự kiện có khoảng cách tách biệt trong không gian.
Phó Giáo sư Edi Ramawijaya Putra, Học viện Phật giáo Quốc gia Sriwijaya tại Tangerang Banten, Indonesia, cho biết rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có sự lo ngại về việc thiếu trách nhiệm cá nhân đối với phúc lợi của xã hội và toàn cầu. Điều này đã cố tình vi phạm mục tiêu tối hậu của sự giáo dục.
Ông giải thích: “Do đó, người học phải đặt trọng tâm rằng sự hiện diện của họ trên thế giới này không chỉ vì mục đích cá nhân, mà còn vì lợi ích của những chúng sinh khác”.
Các bên liên quan đến giáo dục - bao gồm các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới - cần phải bắt đầu tái cấu trúc lại chương trình giảng dạy, tập trung nhiều hơn vào việc "giáo dục trái tim" chứ không chỉ "giáo dục trí óc". Quan trọng hơn, Giáo sư Putra đề cập rằng việc thiết kế các kết quả đầu ra sẽ giúp trang bị cho người học khả năng phục hồi, cân bằng được cuộc sống trước những sự biến động, bất ổn, phức tạp và định kiến.
Kate Saunders - người đồng sáng lập mạng lưới nghiên cứu Turquoise Roof và Tibet Watch, London, Vương quốc Anh, cho biết: Phật giáo Tây Tạng đang đứng trước một giao lộ quan trọng, tương lai sẽ quyết định không những chỉ là việc bảo tồn các truyền thống tâm linh cổ xưa của Tây Tạng mà còn cả sự tiếp nối bản sắc văn hóa của quốc gia này dưới các chiến lược kiểm soát chưa từng có của Trung Quốc.
Bài thuyết trình này xem xét cách thức chiến dịch có hệ thống của Trung Quốc nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vượt xa biên giới Tây Tạng, sử dụng cái mà Bắc Kinh gọi là "cuộc chiến trường kỳ" để kiểm soát sự kế thừa tôn giáo, đồng thời thúc đẩy "chủ nghĩa vô thần Marxist cứng rắn".
Phân tích này dựa trên sự nghiên cứu mới, hé lộ những chiều hướng quốc tế về chính trị tái sinh của Trung Quốc, thể hiện phương pháp đa chiều của Bắc Kinh đe dọa các cấu trúc quản lý truyền thống của Tây Tạng vốn đan xen độc đáo giữa quyền lực chính trị và tôn giáo dựa trên niềm tin rằng các nhà lãnh đạo là những bậc đã giác ngộ, những người có thể lựa chọn sự tái sanh để phục vụ cho nhân loại.
Bà kết luận: “Vào thời điểm then chốt của sự bất ổn toàn cầu này, việc bảo tồn Phật giáo Tây Tạng không chỉ mang ý nghĩa của sự tồn tại về mặt văn hóa; mà nó còn thể hiện một sức mạnh quan trọng, cung cấp những hướng dẫn thiết thực về hệ thống giáo dục từ bi, sự lãnh đạo có đạo đức; và khả năng phục hồi bền vững, tạo ra những khuôn khổ thay thế mà nhân loại đang rất cần để định hướng trong một trật tự thế giới đang ngày càng rạn nứt, nơi mà chủ nghĩa đa nguyên đang phải đối mặt với sự tấn công có hệ thống từ các mạng lưới độc tài xuyên quốc gia".
Một thông điệp đặc biệt của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gửi đến Liên đoàn Phật Giáo Quốc tế đã được đọc bởi Hoà Thượng Giáo sư Samdhong Rinpoche - Khách mời Danh dự tại sự kiện.
Tại sự kiện, Vị Khách mời đặc biệt là Hòa thượng Phrarat Vajarasuttiwong Dhammalongkornvibhusit Arayawangso, người Thái Lan. Diễn giả chính là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Sakya Trizin Gyana Vajra Rinpoche đời thứ 43 của Dehradun, Ấn Độ, và bài phát biểu bế mạc của Hòa thượng Nicholas Vreeland đến từ Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố vào cuối hội nghị kéo dài một ngày tại New Delhi về ba chủ đề thiết thực mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn tâm niệm: 'Tầm quan trọng của Phật pháp trong thế kỷ 21', 'Tương lai của Phật giáo Tây Tạng và việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, và 'Vật lý lượng tử, Khoa học thần kinh và Phật giáo', hơn 500 đại biểu, cả trong nước và trên toàn thế giới, đã nhất trí ủng hộ tuyên bố công khai này.
Thông điệp chính của bài phát biểu là "từ vùng cao nguyên Tây Tạng cho đến những ngõ ngách xa xôi nhất trên thế giới, những lời dạy của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vượt qua rào cản của biên giới và tín ngưỡng; đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người bước đi trên con đường bất bạo động, hòa hợp và giác ngộ nội tâm. Với tư cách là hiện thân đáng kính của Đức Quán Thế Âm - vị Bồ Tát của Lòng Từ Bi - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã duy trì và làm sống lại những truyền thống quý báu của Phật giáo Tây Tạng, đồng thời Ngài cũng gióng lên tiếng nói lương tâm của toàn cầu trong thời đại hiện nay.
Bài phát biểu cũng khẳng định rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma "luôn ủng hộ việc bảo tồn nền văn hóa phong phú của Tây Tạng và sự tự do tôn giáo; dẫn dắt dân tộc của mình với sự quyết tâm không lay chuyển." Tuyên bố gần đây của Đức Ngài, thông báo về việc tiếp tục tái sinh của Ngài, và chỉ do người dân Tây Tạng quyết định mà không có sự can thiệp của bất cứ ngoại bang nào, là một di chúc cho việc bảo tồn văn hóa và di sản của dân tộc, như đã được đề cập trong bản Tuyên Ngôn. (tin tức Quốc tế Á Châu).