Zanskar, Ladakh, Ấn Độ - Sau hai ngày thời tiết xấu làm cản trở việc đi lại giữa khu vực Leh và Zanskar, hôm nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có thể bay đến Padum bằng trực thăng. Ngài được người dân Zanskar đón tiếp long trọng tại bãi đáp trực thăng và được chính thức cung đón bởi Ủy viên Quận Kargil - Rakesh Kumar - Giám đốc Sở Cảnh sát, cùng ba Ủy viên Hội đồng Phát triển Núi Đồi Tự trị Ladakh. Vị Phi công và phi công phụ của trực thăng đã tháp tùng cùng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xuống mặt đất, Ngài đã cảm ơn họ vì một chuyến bay rất thoải mái; và Ngài đã dừng lại để họ chụp ảnh cùng với Ngài.
Sau đó, Ngài lên xe để đi đến Karsha Phodrang mới (Cung điện KarGön). Đã có hàng ngàn người đứng xếp hàng trong những bộ trang phục lộng lẫy trên con đường từ bãi đáp trực thăng đến tận Cung điện Duzin, rồi từ chiếc cầu bắc qua sông Suru đến Cung điện mới. Gương mặt hân hoan của họ phản ánh niềm hoan hỷ khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lại một lần nữa được hiện diện ở giữa họ và họ đã có thể được nhìn thấy Ngài khi Ngài đi ngang qua. Ngài mỉm cười và vẫy tay chào đáp lại. Hôm qua, người ta nhìn thấy công chúng khóc lóc vì thất vọng bởi lẽ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không thể đến được. Hôm nay, họ khóc vì vui mừng khi được nhìn thấy Ngài đã quang lâm.
Trong khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang đi xe đến Cung Điện mới, thì Ủy viên Hội đồng Điều hành Hội đồng Phát triển Núi Đồi Tự trị Ladakh - Tashi Gyalson - đã đi đến Chùa. Ông đã kính lễ các Vị Tulkus trước khi an toạ vào chỗ ngồi của mình.
Tiếng kèn, trống và chũm chọe vang lên báo hiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quang lâm đến Cung Điện Karsha. Ngài được Vị Viện chủ Tu viện Karsha và một Vị đại diện của cộng đồng Hồi giáo cung đón tại cửa. Ngài bước đến chiếc ghế của mình trước Ngai Toà. Bên phải Ngài là các Vị Thiksey Rinpoche, Sharpa Chöjé Rinpoche và Lhagyal Tulku, bên trái của Ngài là Thamtog Rinpoche - Viện chủ Tu viện Namgyal.
Một bài kệ Cung nghinh Ngài đã được xưng tán lên:
Nguyện cầu tiếng Trống của Pháp Âm vĩ đại
Xua tan khổ đau của muôn loài chúng sanh
Nguyện cầu Ngài trường thọ, chuyển Pháp Luân
Qua hàng trăm bất khả tư nghì A Tăng Kỳ kiếp.
Nơi cõi Tuyết xứ Tây Tạng thần tiên.
Ngài là cội nguồn hạnh phúc của mọi điều lành thiện,
Nguyện Ngài Tenzin Gyatso - Đức Quán Âm linh hiển,
Trụ thế trường miên cho đến khi luân hồi tận diệt.
Chủ tịch Ban Tổ chức Đại Hội Thảo Mùa Hè, Tiến Sĩ Geshé Losang Tsephel, đã khai mạc buổi lễ: “Với những vần kệ kính lễ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng con xin bày tỏ lòng thành kính và tri ân Ngài đã dành sự hiện diện cho sự kiện này. Con cũng xin bày tỏ lòng thành kính đến Quý Ngài Shartsé Chöjé Rinpoche, Thiksey Rinpoche, Viện chủ Namgyal Thamthog Rinpoche, Phó Uỷ Viên Hội đồng Kargil - Rakesh Kumar; Uỷ Viên Hội đồng Điều Hành - Tashi Gyalson; và các vị chức sắc khác.
“Các tu viện, Ni viện và trường học ở Zanskar và Ladakh đã ghi nhớ lời khuyên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là không nên chỉ đặt các cuốn kinh điển trên kệ sách mà hãy đọc những Kinh điển ấy, hãy nghiên cứu và tìm hiểu những Kinh sách ấy. Đại Hội Thảo Mùa Hè (Đại Tranh Biện Mùa hè) này là một phần của dự án đó. Việc tập trung vào Hội thảo này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân Ladakh.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với chúng con rằng người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì sự trường tồn của Phật giáo Tây Tạng. Giáo lý Phật giáo không chỉ mang lại lợi ích cho các Phật tử mà còn cho cả những người đơn thuần chỉ tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống này. Lợi ích của những Giáo Pháp này vượt ra ngoài khuôn khổ của Tu viện, bao gồm cả trường học. Chư Tăng Ni đến từ Ladakh, Zanskar, Lahaul & Spiti, Kinnaur, v.v., cũng như những trẻ em đến từ 27 trường học đang tham gia vào Đại Hội Thảo này tại Tu viện Karsha. Học sinh hiện giờ đang thường xuyên học tập về ‘Tâm thức và Chánh Niệm’ cũng như 'logic và lý luận', những môn học này đã trở thành một phần trong chương trình giảng dạy chính thống dành cho các em.
Tóm lại, sự ảnh hưởng của Đại Hội Thảo Mùa Hè này không chỉ tác động tích cực đến học sinh mà còn tạo cơ hội cho những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau cùng thảo luận với nhau. Đây là một cơ hội để truyền bá về lĩnh vực giáo dục.
“Chúng con đã trình bày kế hoạch của mình lên Đức Ngài tại Dharamsala. Đức Ngài cũng đã đồng ý và ủng hộ chúng con, chúng con vô cùng biết ơn Ngài về điều đó. Phó Uỷ Viên Hội đồng Kargil và Uỷ Viên Hội đồng Điều Hành (CEC) của Hội đồng Phát triển Núi Đồi Tự trị Ladakh (LAHDC) cũng đã thể hiện rõ sự ủng hộ của mình. Thay mặt ban tổ chức, con xin cảm ơn tất cả những Vị đã giúp đỡ chúng con. Con xin cầu nguyện cho trên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được trường thọ và những ước nguyện của Ngài được thành tựu viên mãn. Cầu mong cho hòa bình và hạnh phúc được lan tỏa trên khắp thế giới.”
Phó Uỷ Viên Hội đồng Kargil - ông Rakesh Kumar - đã phát biểu tại buổi họp mặt. Ông đã bày tỏ lòng thành kính lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những vị khách mời, đồng thời ông cũng chúc mừng ban tổ chức và những người tham dự hội thảo. Ông thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban phước lành cho nền hòa bình và sự thịnh vượng của người dân Ladakh.
Các em học sinh đã trình bày về phương pháp mà các em đã học cách tranh biện. Các em bắt đầu bằng cách đọc bài kệ kính lễ từ tác phẩm ‘Trí tuệ Căn Bản’ của Ngài Long Thọ và một bài kệ kính lễ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó, các em đọc thuộc lòng Chương 18 của ‘Trí tuệ Căn Bản’. Các em đã thảo luận về việc lòng vị tha, mong muốn giúp đỡ người khác, chính là nguồn gốc của mọi hạnh phúc. Họ kết luận với lời khẳng định rõ ràng rằng thái độ vị tha có thể được học hỏi, trưởng dưỡng và thực hành.
Một nhóm khác thảo luận về tính phổ quát và tính cụ thể trong bối cảnh nhận thức hợp lệ.
Khách mời và ban tổ chức đã tiến lên phía trước để đón nhận sự gia trì của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Vị điều phối viên thông báo rằng Vị Thầy Bốn Sư của tất cả chúng ta - Nhà vô địch của Hòa bình Thế giới - giờ đây sẽ được cung thỉnh lên để ban Đạo Từ cho Hội chúng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu: “Tôi đã rời quê hương Amdo của mình và đến Lhasa để học tập trong mấy năm. Tôi đã có những buổi thuyết giảng công cộng ở Tây Tạng và đến thăm viếng các Tu viện lớn, những trung tâm học thuật ở xung quanh Lhasa.
“Những người Cộng sản Trung Quốc không những chỉ tước đoạt các quyền chính trị của chúng tôi; mà họ còn tìm cách kiểm soát các truyền thống tâm linh của chúng tôi. Khi tôi đang ở Bắc Kinh vào năm 1954, Mao đã nói với tôi rằng tôn giáo là thuốc độc. Tôi tin rằng ông ấy chân thành theo cách nghĩ của riêng ông ấy, mặc dù tôi không nói đáp lại gì cả, nhưng trong thâm tâm, tôi nhận ra ông ấy có thái độ thù địch với Phật pháp.
“Chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc là coi truyền thống tôn giáo chẳng khác nào đức tin mù quáng; và vì vậy nó đáng bị hủy diệt. Họ coi Phật pháp là thù địch. Tuy nhiên, giáo lý của Đức Phật mà chúng ta duy trì, được kết hợp với sự học tập, suy ngẫm và thiền định. Việc nghiên cứu các bộ Đại Luận dưới ánh sáng của logic và lý luận là một điều hết sức tuyệt vời.
“Tôi đã học về triết học Phật giáo và logic, cũng như ‘tâm thức và sự chánh Niệm’ từ khi tôi còn bé. Có khả năng suy ngẫm về giáo lý của Đức Phật là điều vô giá. Tôi được giải thích về điều đó qua phương pháp logic và lý luận. Sau này, tôi phát hiện ra rằng ngay cả các nhà khoa học hiện đại cũng nhận thấy rằng phương pháp logic của chúng tôi - vốn bắt nguồn từ Truyền thống Nalanda - vô cùng hấp dẫn và thú vị.
“Không giống như các tôn giáo khác đều dựa nhiều hơn vào Đức tin; trong truyền thống Phật giáo của chúng ta; chúng ta nhấn mạnh vào logic và lý luận. Những công cụ này vô cùng quan trọng và có thể giúp chúng ta cải thiện được sự hiểu biết của mình về hầu hết mọi chủ đề; chứ chúng ta không chỉ đơn thuần coi những gì mà các bậc thầy tiền bối đã dạy là điều hiển nhiên.
“Vì chúng ta đặc biệt coi trọng logic và lý luận trong cách giảng dạy và nghiên cứu Phật giáo, nên chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã áp đặt những hạn chế cụ thể lên truyền thống của chúng ta. Hậu quả là giáo lý Phật giáo ở Tây Tạng đã suy tàn và bị hủy diệt. Tuy nhiên, trong thời gian lưu vong, chúng ta đã có thể duy trì được truyền thống của mình và những nỗ lực của chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ chính phủ và nhân dân Ấn Độ.
“Về phần mình, tôi đã nghiên cứu các kinh điển và thi lấy bằng Tiến sĩ Phật học (Geshé). Một trong những vị Thầy quan trọng nhất của tôi là một bậc Thầy người Mông Cổ tên là Ngodrup Tsognyi, người đã giúp tôi hiểu được về triết lý Trung Đạo. Việc tranh luận với những người như Vị ấy đã giúp tôi hiểu rõ hơn về Giáo Lý. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, tôi đã học được sự lợi ích của việc tham gia tranh luận. Đó là một phương pháp cho phép chúng ta thực sự sử dụng trí tuệ của mình.
“Có thể có những lúc chúng ta phải diễn giải những gì Đức Phật đã dạy. Điều này rất tốt. Nó mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta. Chúng tôi - những người Tây Tạng lưu vong - là một nhóm tương đối nhỏ, nhưng nhờ có cách tiếp cận logic, chúng tôi đã có thể bảo tồn được truyền thống của mình. Tại Zanskar, vào thời điểm quan trọng này, những truyền thống này đang được bảo tồn bằng logic và lý luận - đó là tất cả những gì tôi muốn nói, xin cảm ơn.”
Các em học sinh Trường Cầu Vồng đã hát những câu sau và nhảy theo nhịp trống:
Chúng con thật may mắn khi có được Viên Ngọc Như Ý tại Cung Điện Karsha mới này. Mặc dù đã 90 tuổi, nhưng Ngài vẫn luôn nỗ lực hết mình. Ngài đã quang lâm đến viếng thăm và an trú lại với chúng con nhiều lần, và tất cả chúng con đều rất may mắn được diện kiến Ngài - thưa Ngài tôn kính! Vừa may mắn được nghe đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - Tenzin Gyatso - đôi mắt chúng con đã ngấn lệ vui mừng. Chúng con thật may mắn khi được Đức Ngài hiện diện với chúng con mặc dù Ngài đã 90 tuổi - xin thành kính tri ân Ngài đã quang lâm đến Khánh thành Cung điện này.
Các nhóm phụ nữ Zanskari trong những bộ trang phục và đồ trang sức đẹp nhất, một số người đeo khăn thắt lưng đính những nút thắt bên ngoài áo choàng của họ, những người khác đội những chiếc mũ cầu kỳ được trang trí bằng ngọc lam và san hô, vừa nhảy múa vừa biểu diễn những ca khúc rất xúc động.
Người tổ chức chính được mời lên để phát biểu lời cảm tạ. Ông đã đọc lời kính lễ Đức Phật: “Con xin kính lễ Đức Cồ Đàm; bậc đã thông qua lòng Bi mẫn, Giảng dạy Giáo Pháp quý tuyệt trần, tà kiến sai lầm đều dứt tận”. Tiếp theo, ông báo cáo lại khoản chi phí xây dựng Cung Điện Karsha và số tiền đã được quyên góp để thực hiện cho việc này. Ông cảm ơn tất cả mọi người đã đến tham dự, và dâng lòng tri ân sâu sắc nhất lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó Đức Ngài đã khởi thân đi đến thang máy để đi lên nơi an trú của Ngài ở trên đỉnh của tòa nhà mới.