Những nguy hiểm của việc thay đổi Tôn giáo
Có nhiều tôn giáo và văn hóa khác nhau trên thế giới và mỗi nước đã phát triển cho phù hợp với người của chính nước đó. Vì thế, tôi luôn khuyên rằng tốt nhất là nên giữ tôn giáo mà bạn sinh ra. Ở phương Tây, hầu hết mọi người là Ki-tô giáo, mặc dù cũng có một số theo Do Thái và một số là Hồi giáo. Với họ hay với bất kỳ ai, thay đổi tôn giáo không dễ dàng chút nào và đôi khi nó chỉ gây ra bối rối.
Có một thí dụ mà tôi luôn đề cập. Vào những năm đầu thập niên 60, người Tây Tạng chúng tôi gặp những khó khăn lớn. Vào thời điểm đó, nhiều tổ chức Ki-tô giáo đến giúp chúng tôi. Có một người phụ nữ Tây Tạng có vài đứa con nhỏ và cô ta gặp khó khăn. Rồi một vị truyền giáo Ki-tô nhận những đứa con của cô vào một trường học Ki-tô giáo. Một ngày nọ cô ta đến với tôi và nói với tôi rằng kiếp này cô ta sẽ theo Ki-tô giáo, nhưng kiếp sau cô sẽ trở lại làm Phật tử. Rõ ràng điều này chỉ ra rằng cô ta có vấn đề rắc rối về tôn giáo.
Cũng có một người phụ nữ Ba Lan lớn tuổi, tôi quen cô từ năm 1956. Từ năm 1956 trở đi, cô ta rất quan tâm đến giáo dục và trao học bổng cho một số sinh viên Tây Tạng. Cô quan tâm đến Phật giáo, nhưng trước đó cô là một nhà thông thiên học ở Madras. Cô có quan điểm không theo bộ phái nào hết, nhưng cô chấp nhận Phật giáo như tôn giáo cá nhân của mình. Vào cuối đời, khái niệm về Chúa dường như tiến gần đến tâm cô hơn và điều này cho ta thấy dấu hiệu của sự lúng túng. Do đó, tốt nhất là hãy giữ tôn giáo của chính bạn.
Tuy nhiên, trong số hàng triệu người, một số người sẽ có bản năng thích thú những tôn giáo Phương Đông đặc biệt là Phật giáo. Những người này cần suy nghĩ cẩn thận. Nếu họ thấy Phật giáo phù hợp với tính cách của họ hơn, thì OK, được. Giống như trong số những người Tây Tạng, 99% là Phật tử. Nhưng hơn bốn thế kỷ vừa qua, có một số người Hồi Ladakhi sống ở Tây Tạng, họ kết hôn với người Tây Tạng và con của họ theo Hồi giáo. Cũng có một vài người Ki-tô ở khu vực Amdo. Vì thế không có vấn đề gì với cả hai tôn giáo này cả.
Hơn nữa, tôi phải nói rằng khi một người nào đó chấp nhận một tôn giáo mới, họ phải tránh những quan điểm tiêu cực về tôn giáo truyền thống của họ, điều này thường xuất hiện như một phần bản chất con người. Ngay cả khi bạn thấy truyền thống cũ của mình không hữu ích với mình, nói chung nó không có nghĩa là nó không hữu ích. Tất cả các tôn giáo đều giúp ích cho nhân loại. Đặc biệt khi gặp phải những tình huống khó khăn, tất cả tôn giáo đều cho niềm hy vọng. Do đó, chúng ta phải tôn trọng tất cả các tôn giáo.
Học hỏi những Tôn giáo khác
Ngoài ra, hiện thực ngày nay có một chút khác biệt so với quá khứ. Trong quá khứ, người có truyền thống khác nhau duy trì cách biệt nhiều ít. Phật giáo ở châu Á; Hồi giáo ở Trung Đông và một vài nước châu Á; và ở phương Tây hầu hết là Ki-tô giáo. Vì thế có rất ít mối liên hệ. Nhưng ngày nay thì khác. Có nhiều làn sóng nhập cư mới; có nền kinh tế toàn cầu hóa và nền công nghiệp du lịch cũng đang phát triển. Hiện có khá nhiều thông tin, bao gồm thông tin về Phật giáo. Vì những yếu tố đa dạng này, cộng đồng thế giới chúng ta trở nên như một thực thể: một thực thể đa văn hóa và đa tôn giáo.
Vì vậy ở đây có hai khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất là vì sự tiếp xúc gần gũi giữa những truyền thống khác nhau, đôi khi có một ít cảm giác không an toàn về truyền thống của chúng ta. Truyền thống khác tiếp xúc với chúng ta nhiều hơn, vì thế chúng ta cảm thấy hơi khó chịu. Đó là một khả năng tiêu cực. Khả năng thứ hai là vì thực tế liên lạc nhiều hơn, cơ hội để phát triển hòa hợp đích thực giữa các truyền thống tăng lên. Khả năng này tích cực hơn và vì vậy hiện nay chúng ta phải cố gắng thiết lập sự hòa hợp chân chính. Nếu chúng ta bỏ qua những tôn giáo không có cơ sở triết học, nhưng chỉ với niềm tin vào việc thờ cúng mặt trời, mặt trăng hoặc những thứ khác, nếu chúng ta bỏ qua những tôn giáo này và chú trọng vào các tôn giáo lớn trên thế giới - Ki-tô, Do Thái, Hồi, những truyền thống khác của Hindu và Phật giáo, Ni Kiền giáo, Đạo giáo, Khổng giáo, vân vân - mỗi tôn giáo đều có điểm đặc biệt riêng. Do đó, thông qua sự tiếp xúc gần gũi, chúng ta có thể học những điều mới từ nhau; chúng ta có thể làm giàu truyền thống của chính mình.
Ví dụ, chúng tôi là Phật giáo Tây Tạng, chúng tôi vẫn còn bị cô lập sau những dãy núi Hy Mã Lạp Sơn; chúng tôi không có khái niệm gì về những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài. Nhưng bây giờ tình thế hoàn toàn thay đổi. Hiện nay, trong gần 50 năm tỵ nạn vô gia cư, chúng tôi đã tìm thấy nhiều ngôi nhà mới và nhiều cơ hội học hỏi từ những truyền thống khác trên những quốc gia khác. Điều này cực kỳ hữu ích. Trong quá khứ, trước đây chúng tôi đã thiết lập các chương trình trao đổi ở đây Ấn Độ: các vị tu sĩ Ki-tô đến Ấn Độ để học chúng tôi và một số tăng ni Tây Tạng đã đến phương Tây để trải nghiệm trong Ki-tô giáo, chủ yếu trong các tu viện công giáo. Vì thế, với sự tiếp xúc gần gũi theo cách này, nếu chúng ta không đóng tâm lại mà mở rộng tâm, thì chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau. Bằng cách đó, chúng ta có thể phát triển sự hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau. Dù sao đi nữa, một thực tại mới có đó. Do đó, tôi nghĩ rằng phát triển về sự hòa hợp hỗ tương giữa những tôn giáo khác nhau là rất quan trọng. Một trong những cam kết của tôi cho đến khi chết là thúc đẩy hòa hợp tôn giáo. Điều này rất có ích.
Vì vậy, khi tôi thuyết pháp về Phật giáo cho các thính giả phương Tây, hầu hết họ theo các tôn giáo khác, mục đích là giúp họ hiểu thêm về Phật giáo. Điều đó có thể có ích cho việc phát triển lòng khoan dung. Có lẽ giống như Đức Giáo Hoàng hiện tại nhấn mạnh, sự nhấn mạnh dựa trên cả niềm tin và lý trí cùng với nhau. Điều đó rất quan trọng. Không có lý trí, đôi khi niềm tin có chút không thích đáng. Nhưng với lý trí, niềm tin có thể trở nên một phần của cuộc sống mà cực kỳ thích đáng. Thí như tin vào Chúa có thể cực kỳ hữu ích, như khi một người gặp phải một giai đoạn khó khăn, nó cho người ta niềm hy vọng lớn lao. Và nếu trong trường hợp chúng ta có tâm sân, căm thù, ganh tỵ, muốn lừa dối và bắt nạt người khác, thì nếu chúng ta có niềm tin, niềm tin bảo vệ chúng ta khỏi những hành động và cảm xúc tiêu cực như thế. Khi chúng ta nhận ra điều này, thì niềm tin trở nên rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Trong truyền thống Phật giáo, chúng tôi xem niềm tin và lý trí là ngang nhau. Vì thế, một số luận sư Phật giáo, đặc biệt dựa trên lý trí, có thể có ích với những người tu tập trong những truyền thống khác.
Chia sẻ Kiến thức với Khoa học
Trong nhiều truyền thống tôn giáo hiện nay trên thế giới, có hai phạm trù: những tôn giáo theo thần học và phi thần học. Phật giáo là một trong số các tôn giáo phi thần học. Theo như các tôn giáo phi thần học, nhấn mạnh vào luật nhân quả. Một cách tự nhiên, có rất nhiều luận giải về luật nhân quả trong Phật giáo, và đây là điều rất hữu ích để biết. Nó hữu ích vì nó giúp ta biết nhiều hơn về chính mình và tâm mình.
Ví dụ, chúng ta cần phải nhận ra rằng những cảm xúc và thái độ tiêu cực là nguồn gốc của khổ đau và đau đớn. Để loại trừ khổ đau và đau đớn, chúng ta cần tập trung không chỉ trên mức độ lời nói và thể chất, mà còn trên tinh thần nữa. Những lực đối lập cho chúng hầu hết là về tinh thần.
Trong truyền thống Phật giáo, sự luận giải về tâm rất chi tiết. Hơn nữa chúng tôi tìm thấy điều tương tự trong vài truyền thống Ấn Độ cổ đại. Do đó bây giờ, ngày nay, khoa học hiện đại đang nghiên cứu ngày càng sâu hơn trong lĩnh vực này. Thí dụ, khoa học y dược đang nghiên cứu về cảm xúc, vì chúng rất quan trọng trong mối liên hệ với sức khỏe của chúng ta. Một thân thể khỏe mạnh có liên quan đến cảm xúc. Vì thế nó đặc biệt quan trọng cho các nhà khoa học thần kinh nghiên cứu não bộ làm việc như thế nào để xem xét cảm xúc nhiều hơn. Trong những lĩnh vực khác cũng vậy, cũng có một niềm hứng thú lớn đối với tâm thức và cảm xúc. Do đó, thông tin về tâm thức và cảm xúc trong Phật giáo và những tôn giáo Ấn Độ cổ đại rất hữu ích cho nghiên cứu của họ.
Thường thì tôi phân biệt Phật giáo theo ba phần: Phật giáo khoa học, Phật giáo triết học, Phật giáo tôn giáo. Hãy xem thí dụ của Đức Phật. Cơ bản Đức Phật là một chúng sanh bình thường, một chúng sanh có giới hạn. Ngài dạy làm thế nào để chuyển hóa những tâm thức và cảm xúc bình thường từng bước một, bằng cách đi theo con đường của chính Ngài, cuối cùng Ngài cũng đạt được giác ngộ, và thành Phật. Do đó, phương pháp tiếp cận Phật giáo là khởi đầu trên mức độ này, mức độ của người bình thường, và tiến lên các mức độ khác dần đến quả vị Phật.
Vì thế, trước tiên, chúng ta phải biết hiện thực ngày nay đòi hỏi Phật giáo khoa học. Rồi, trên nền tảng đó, chúng ta thấy được khả năng thay đổi, chuyển hóa. Chúng ta thấy rằng thay đổi là điều có thể và đó là Phật giáo triết học. Khi điều đó trở nên rõ ràng với ta; và ta có sự tự tin vào tiến trình chuyển hóa nội tâm, thì chúng ta có thể bắt đầu tu tập Phật giáo tôn giáo.
Vì thế nếu chúng ta nhìn lại Phật giáo khoa học, có hai lĩnh vực mà nó đề cập đến: bên trong - tâm, và bên ngoài - với nguyên tử, vũ trụ vân vân. Khoa học phương Tây có nhiều thứ để cung cấp ở mức độ bên ngoài: dường như cực kỳ tiến bộ trong lĩnh vực này. Chúng ta - những người Phật tử có thể học nhiều từ nó về các hạt chất, chức năng của chúng như thế nào, về di truyền, về vũ trụ - có rất nhiều lợi ích cho chúng ta những người Phật tử. Ít nhất ở hành tinh này, khá rõ ràng rằng không có núi Tu Di. Vì thế, một số bộ kinh cổ điển cần phải thay đổi. Do đó, những phát hiện khoa học trong các lĩnh vực vũ trụ, vật lý hạt nhân, vật lý lượng tử, vân vân, rất thiết yếu cho Phật tử chúng ta học.
Tuy nhiên, một số phát hiện của khoa học hiện đại và Phật giáo giống nhau. Thí dụ, ban đầu, người ta tin rằng có một số loại tự tạo, chất độc lập trên bề mặt của các sắc chất. Nhưng bây giờ, theo như các phát hiện của vật lý lượng tử, chúng ta thấy rằng không có những thứ đó. Phật tử chúng tôi đã hiểu điều này trong hàng ngàn năm. Phật giáo dạy không có gì tự khởi tạo hay tự tồn tại, mà các pháp khởi lên phụ thuộc nhau.
Bây giờ, về kiến thức nội tâm, khoa học hiện đại đang bắt đầu thực hiện nghiên cứu, vì thế có thể có lợi ích hỗ tương. Phật tử có thể học về những hiện tượng bên ngoài từ khoa học và khoa học có thể học làm thế nào để đối phó với những cảm xúc tiêu cực và những hiện tượng nội tâm từ Phật giáo. Vì thế, khi chúng ta nói với các nhà khoa học, không phải về kiếp sau hay Niết Bàn. Chúng ta không nói về những khía cạnh tôn giáo, mà chúng ra nói về tâm thức và cảm xúc. Điều này vì chúng ta có cùng phương pháp: chúng ta nghiên cứu các pháp để tìm ra chân lý.
Vì vậy, người phương Tây các bạn quan tâm Phật giáo, rất hữu ích để thực hiện các nghiên cứu khoa học của chính mình. Vì thế, trên cơ sở đó cung cấp cơ hội để nghiên cứu những lời Phật dạy với một thái độ khoa học, dường như đủ cho tôi thuyết pháp về Phật giáo với những thính giả không phải Phật giáo. Vì vậy, làm ơn xem bài giảng của tôi như một bài giảng học thuật. Trừ việc tụng kinh khi bắt đầu, không có giáo điều, không có các khía cạnh tôn giáo trong bài thuyết pháp của tôi. Tôi chỉ nói những bài pháp khoa học. Quý vị nghĩ sao?
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
từ studybuddhism.com