Kính thưa Tổng thống Bush, Chủ tịch Hạ Nghị viện Pelosi, Thượng nghị sĩ Byrd, người bạn đồng chí của tôi là Elie Wiesel, những Thành viên danh dự của Quốc hội, các Anh chị em kính mến!
Thật vô cùng vinh dự đối với tôi khi được nhận Huân chương Vàng Quốc hội. Sự công nhận này sẽ mang lại niềm vui và niềm khích lệ lớn lao cho nhân dân Tây Tạng - những người mà tôi có một trách nhiệm đặc biệt. Phúc lợi của họ là động lực không ngừng đối với tôi, và tôi luôn coi bản thân mình là phát ngôn viên miễn phí của họ. Tôi tin rằng giải thưởng này cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ đến nhiều cá nhân đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp quảng bá hòa bình, hiểu biết và hòa hợp.
Về phần cảm nhận của cá nhân, tôi vô cùng xúc động rằng, vinh dự lớn lao này đã được trao cho tôi - một Tu sĩ Phật giáo sinh ra trong một gia đình đơn giản từ vùng Amdo xa xôi hẻo lánh của Tây Tạng. Khi còn bé, tôi lớn lên dưới sự yêu thương chăm sóc của mẹ tôi - một người phụ nữ từ bi thực sự. Và sau khi tôi đến Lhasa lúc bốn tuổi, tất cả những người xung quanh tôi, thầy giáo của tôi và thậm chí là những người quản gia, đã dạy cho tôi ý nghĩa của sự tử tế, lòng trung thực và sự quan tâm đến người khác. Tôi đã được lớn lên trong một môi trường như thế. Sau này, sự giáo dục chính thức của tôi trong tư tưởng Phật giáo đã cho tôi thấy được những khái niệm như - sự phụ thuộc lẫn nhau và tiềm năng của con người đối với lòng từ bi vô hạn. Chính những điều này đã cho tôi một sự nhận biết sâu sắc về tầm quan trọng của trách nhiệm chung, phi bạo lực và sự hiểu biết liên tôn giáo. Hôm nay, niềm tin chắc chắn vào những giá trị này đã mang lại cho tôi một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các giá trị cơ bản của con người. Ngay cả trong cuộc đấu tranh của chính mình để giành quyền lợi và tự do lớn hơn cho nhân dân Tây Tạng, những giá trị này vẫn tiếp tục dẫn dắt sự cam kết của tôi trong việc theo đuổi con đường bất bạo động.
Tôi đã vinh dự được ở trong hội trường này vào một lần trước - khi tôi đến thăm đất nước của quý vị vào năm 1991. Nhiều gương mặt đã chào đón tôi lúc ấy, tôi có thể thấy lại ngày hôm nay, điều đó mang đến cho tôi niềm vui lớn lao. Nhiều người đã nghỉ hưu, và một số thật đáng buồn là không còn với chúng ta nữa. Tuy nhiên, tôi muốn nhân cơ hội này để công nhận lòng tốt và sự đóng góp của họ. Những người bạn Mỹ của chúng tôi đã luôn đứng với chúng tôi trong những thời điểm quan trọng nhất và dưới áp lực mãnh liệt nhất.
Thưa Ngài Tổng Thống! Xin cảm ơn vì sự ủng hộ mạnh mẽ của Ngài, và cám ơn tình bạn ấm áp mà Ngài và Phu nhân Bush đã rộng mở dành cho cá nhân tôi. Tôi rất biết ơn Ngài vì sự thông cảm và ủng hộ mà Ngài đã dành cho nhân dân Tây Tạng, và lập trường vững chãi của Ngài về tự do tôn giáo và mục tiêu dân chủ. Thưa bà Chủ tịch Hạ nghị viện! Bà không những mở rộng sự hỗ trợ vững chắc dành cho tôi và sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Tây Tạng, mà Bà còn làm việc rất nỗ lực để thúc đẩy những vấn đề dân chủ, tự do và tôn trọng nhân quyền ở các nơi khác trên thế giới. Vì điều này, tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt của tôi đến với Bà!
Tính nhất quán trong sự hỗ trợ của Mỹ đối với Tây Tạng đã không được chú ý ở Trung Quốc. Trường hợp này đã gây ra một số căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, tôi cảm thấy thật là đáng tiếc! Hôm nay, tôi mong muốn được chia sẻ với quý vị niềm hy vọng chân thành rằng, tương lai của Tây Tạng và Trung Quốc sẽ vượt ra ngoài sự ngờ vực đối với một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau và công nhận những lợi ích chung của nhau.
Ngày nay, chúng ta nhìn thấy Trung Quốc khi nó tiến nhanh về phía trước. Tự do hóa kinh tế đã dẫn đến sự giàu có, hiện đại hóa và quyền lực lớn lao. Tôi tin rằng, sự thành công về kinh tế ngày nay của cả Ấn Độ và Trung Quốc - hai quốc gia đông dân nhất với lịch sử lâu đời của nền văn hóa phong phú - là xứng đáng nhất. Với tình trạng mới của họ, cả hai nước này đều sẵn sàng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trên thế giới. Để hoàn thành vai trò này, tôi tin rằng, điều quan trọng đối với Trung Quốc là phải có sự minh bạch, nguyên tắc của pháp luật và tự do thông tin. Phần lớn thế giới đang chờ xem khái niệm của Trung Quốc về "xã hội hòa hợp" và "sự trỗi dậy hòa bình" sẽ được thể hiện như thế nào. Trung Quốc Hôm Nay, là một nhà nước của nhiều dân tộc, yếu tố quan trọng ở đây sẽ là - làm thế nào để nó đảm bảo được sự hài hòa và thống nhất giữa các dân tộc khác nhau của nó. Đối với điều này, sự bình đẳng và quyền của các dân tộc này được duy trì đặc tính riêng biệt của họ là rất quan trọng.
Đối với quê hương Tây Tạng của riêng tôi, ngày nay nhiều người, cả từ bên trong lẫn bên ngoài, đều cảm thấy lo lắng sâu sắc về hậu quả của những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra. Hàng năm, dân số Trung Quốc bên trong Tây Tạng đang gia tăng với tốc độ đáng báo động. Và, nếu chúng ta xét đoán theo ví dụ về dân số của Lhasa, có một mối nguy hiểm thực sự là người Tây Tạng sẽ bị giảm xuống thành một tộc người thiểu số tầm thường ngay trên chính quê hương của họ. Sự gia tăng dân số nhanh chóng này cũng đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường mong manh của Tây Tạng. Là nguồn gốc của nhiều con sông lớn của châu Á, bất kỳ sự xáo trộn đáng kể nào trong hệ sinh thái Tây Tạng sẽ tác động đến cuộc sống của hàng trăm triệu người. Hơn nữa, nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, giải pháp hòa bình của vấn đề Tây Tạng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với nền hòa bình lâu dài và mối quan hệ thân thiện giữa hai nước láng giềng vĩ đại này.
Về tương lai của Tây Tạng, hãy để cho tôi được tận dụng cơ hội này để tuyên bố lại một cách dứt khoát rõ ràng rằng tôi không tìm kiếm sự độc lập. Tôi đang tìm kiếm một quyền tự chủ có ý nghĩa cho người dân Tây Tạng trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nếu mối quan tâm thực sự của lãnh đạo Trung Quốc là sự thống nhất và ổn định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì tôi đã giải quyết đầy đủ những điều mà họ quan tâm. Tôi đã chọn để chấp nhận vị trí này bởi vì tôi tin rằng, với những lợi ích rõ ràng, đặc biệt là trong sự phát triển kinh tế, đây sẽ là lợi ích tốt nhất của người Tây Tạng. Hơn nữa, tôi không có ý định sử dụng bất kỳ thỏa thuận nào về quyền tự chủ như một bước đệm cho sự độc lập của Tây Tạng.
Tôi đã truyền đạt những suy nghĩ này cho các nhà lãnh đạo nối tiếp của Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi nối lại sự tiếp xúc trực tiếp với chính phủ Trung Quốc vào năm 2002, tôi đã giải thích chi tiết về điều này thông qua các sứ giả của tôi. Bất chấp tất cả những điều này, Bắc Kinh tiếp tục cáo buộc rằng "chương trình nghị sự kín" của tôi là ly khai và phục hồi hệ thống chính trị xã hội cũ của Tây Tạng. Quan điểm như vậy là vô căn cứ và không đúng sự thật.
Ngay cả trong thời niên thiếu của mình, khi tôi bị bắt buộc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự quản lý, tôi đã bắt đầu đề xướng cho những thay đổi cơ bản ở Tây Tạng. Thật không may, những điều này đã bị gián đoạn vì những biến động chính trị diễn ra. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đến Ấn Độ như những người tị nạn, chúng tôi đã dân chủ hóa hệ thống chính trị của mình và thông qua một hiến chương dân chủ đặt ra các hướng dẫn cho chính quyền lưu vong của chúng tôi. Ngay cả vị lãnh đạo chính trị hiện nay của chúng tôi cũng đã được người dân bầu chọn trực tiếp trên cơ sở năm năm. Hơn nữa, chúng tôi đã có thể bảo tồn và thực hành hầu hết các khía cạnh quan trọng của văn hóa và tâm linh của chúng tôi trong cuộc sống lưu vong. Điều này phần lớn là do lòng tốt của Chính phủ Ấn Độ và nhân dân Ấn Độ.
Một mối quan tâm lớn khác của chính phủ Trung Quốc là thiếu sự hợp pháp ở Tây Tạng. Trong khi tôi không thể viết lại quá khứ, một giải pháp thích hợp cho lẫn nhau có thể mang lại tính hợp pháp, và tôi chắc chắn đã sẵn sàng để sử dụng vị trí và ảnh hưởng của mình trong cộng đồng người Tây Tạng để mang lại sự đồng thuận cho vấn đề này. Vì vậy, tôi cũng muốn tuyên bố lại nơi đây rằng, tôi không có chương trình nghị sự kín nào cả. Quyết định của tôi không chấp nhận bất kỳ văn phòng chính trị nào trong một Tây Tạng tương lai là quyết định cuối cùng.
Các nhà chức trách Trung Quốc khẳng định rằng, tôi nuôi dưỡng sự thù địch đối với Trung Quốc, và rằng tôi tích cực tìm cách làm suy yếu phúc lợi của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi đã luôn khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới tham gia với Trung Quốc; Tôi đã ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trao giải Olympic mùa hè cho Bắc Kinh. Tôi đã chọn làm như vậy với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia cởi mở, khoan dung và có trách nhiệm hơn.
Một trở ngại lớn trong cuộc đối thoại đang diễn ra của chúng tôi là những quan điểm xung đột về tình hình hiện tại bên trong Tây Tạng. Vì vậy, để có được một sự hiểu biết chung về tình hình thực tế, các sứ giả của tôi trong cuộc gặp gỡ lần thứ sáu của họ với các đối tác Trung Quốc đã cho rằng, chúng tôi có cơ hội để gửi các nhóm nghiên cứu đến để nhìn vào thực tế thật sự ở nơi đó, theo tinh thần "tìm kiếm sự thật từ thực tế." Điều này có thể giúp cả hai bên vượt qua sự bất hòa của nhau.
Đã đến lúc cho cuộc đối thoại của chúng tôi với lãnh đạo Trung Quốc để tiến tới việc thực hiện thành công quyền tự chủ có ý nghĩa đối với Tây Tạng, như đã được đảm bảo trong Hiến pháp Trung Quốc và đã được trình bày chi tiết trong Hội đồng Nhà nước Trung Quốc "Giấy Trắng về Quyền tự trị Dân tộc của Tây Tạng." Hãy để cho tôi nhân cơ hội này một lần nữa kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc công nhận những vấn đề nghiêm trọng ở Tây Tạng, những bất bình chính kiến và phẫn uất sâu sắc của người dân Tây Tạng bên trong Tây Tạng, và có đủ can đảm và trí tuệ để giải quyết những vấn đề này một cách thực tế theo tinh thần hòa giải. Đối với quý vị - những người bạn Mỹ của tôi - tôi kêu gọi các bạn hãy cố gắng hết sức để tìm cách giúp thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc về sự chân thành của tôi và giúp quá trình đối thoại của chúng tôi tiến lên phía trước.
Vì quý vị đã công nhận những nỗ lực của tôi để thúc đẩy hòa bình, hiểu biết và phi bạo lực, tôi muốn trân trọng chia sẻ một vài suy nghĩ có liên quan. Tôi tin rằng đây chính xác là thời điểm mà Hoa Kỳ phải tăng cường sự hỗ trợ của mình cho những nỗ lực đó để giúp mang lại nền hòa bình, sự hiểu biết và hài hòa hơn giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Là một nhà vô địch về dân chủ và tự do, quý vị phải tiếp tục đảm bảo sự thành công của những nỗ lực đó nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người trên thế giới. Một lĩnh vực khác mà chúng tôi cần lãnh đạo Hoa Kỳ là vấn đề môi trường. Như tất cả chúng ta đều biết, ngày nay trái đất của chúng ta chắc chắn đang ấm lên và nhiều nhà khoa học cho chúng ta biết rằng hành động của chính chúng ta là một phần lớn trách nhiệm. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải - bằng bất cứ cách nào chúng ta có thể - hãy sử dụng tài năng và nguồn lực của mình để tạo nên sự khác biệt - để ít nhất - chúng ta có thể truyền lại cho thế hệ tương lai của mình một hành tinh an toàn để sống.
Nhiều vấn đề của thế giới - rốt cuộc - cũng đều bắt nguồn từ sự bất bình đẳng và bất công; dù là kinh tế, chính trị hay xã hội. Cuối cùng, đây là vấn đề về hạnh phúc của tất cả chúng ta. Cho dù đó là sự đau khổ của đói nghèo ở một phần của thế giới, hay cho dù đó là sự phủ nhận tự do và quyền con người cơ bản ở một nơi khác, chúng ta sẽ không bao giờ cảm nhận được những sự kiện này trong sự cô lập hoàn toàn. Cuối cùng hậu quả của họ sẽ được cảm nhận ở mọi nơi. Tôi muốn kêu gọi quý vị hãy thực hiện vai trò lãnh đạo trong một hành động quốc tế hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề này, bao gồm cả sự mất cân đối về kinh tế rất lớn. Tôi tin rằng đã đến lúc để giải quyết tất cả những vấn đề toàn cầu từ quan điểm về sự hợp nhất của nhân loại, và từ một sự hiểu biết uyên thâm về bản chất liên kết sâu sắc của thế giới ngày nay của chúng ta.
Tóm lại, thay mặt cho sáu triệu người dân Tây Tạng, tôi muốn nhân cơ hội này - từ nơi sâu thẳm của lòng mình – xin trân trọng công nhận sự hỗ trợ mở rộng mà chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã dành cho chúng tôi. Sự tiếp tục hỗ trợ của quý vị là rất quan trọng. Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn niềm vinh dự cao quý mà các bạn đã ban cho tôi hôm nay. Xin cảm ơn!
Video về bài phát biểu chấp nhận của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại đây
Speech by President George Bush
Speech by Speaker Nancy Pelosi
Speech by Senator Dianne Feinstein
Speech by Congressman Tom Lantos
Speech by Senate Republican Leader Mitch McConnell