Kính thưa Ngài cao quý! các thành viên của Ủy ban Nobel, Anh chị em kính mến!
Tôi rất vui khi được ở đây với quý vị hôm nay để nhận giải Nobel Hòa bình này. Tôi cảm thấy rất vinh dự, thấy mình nhỏ bé và vô cùng xúc động rằng Ngài đã trao giải thưởng quan trọng này cho một tu sĩ đơn giản đến từ Tây Tạng như tôi; tôi chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng tôi tin rằng giải thưởng này là sự thừa nhận giá trị đích thực của lòng vị tha, tình yêu thương, tâm từ bi và tinh thần bất bạo động mà tôi đã cố gắng thực hành, phù hợp với giáo lý của Đức Phật và các nhà hiền triết vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng.
Tôi đón nhận giải thưởng này với lòng biết ơn sâu sắc thay mặt cho những người bị áp bức ở khắp mọi nơi, và cho tất cả những người đấu tranh vì tự do và hoạt động cho sự hòa bình thế giới. Tôi đón nhận nó như một tặng vật để tỏ lòng tôn kính đến người đã thành lập truyền thống hiện đại về hành động bất bạo lực để thay đổi - Mahatma Gandhi - người mà cuộc đời của ông đã dạy và truyền cảm hứng cho tôi. Và, tất nhiên, tôi đón nhận nó thay mặt cho sáu triệu người Tây Tạng, những người đồng hương dũng cảm của tôi đang sống bên trong đất nước Tây Tạng, những người đã chịu đựng và tiếp tục đau khổ rất nhiều. Họ phải đối đầu với một chiến lược mưu mô đã được tính toán và có hệ thống, nhằm phá hủy bản sắc dân tộc và văn hóa của họ. Giải thưởng này đã tái khẳng định niềm tin của chúng tôi rằng - với sự thật, lòng can đảm và sự quyết tâm như là vũ khí của chúng tôi - Tây Tạng sẽ được giải phóng.
Bất kể chúng ta đến từ một nơi nào của thế giới, tất cả chúng ta - về cơ bản - đều cùng là con người như nhau. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc và cố gắng tránh khỏi đau khổ. Chúng ta có cùng một nhu cầu cơ bản và là mối quan tâm của con người. Tất cả con người chúng ta đều muốn tự do và muốn có quyền quyết định số phận của chính mình như những cá nhân và như những dân tộc. Đó là bản chất con người. Những thay đổi lớn đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Đông Âu đến Châu Phi là một dấu hiệu rõ ràng về điều này.
Ở Trung Quốc, phong trào dân chủ phổ biến đã bị nghiền nát bởi lực lượng tàn bạo vào tháng 6 năm nay. Nhưng tôi không tin rằng các cuộc biểu tình đó là vô ích, bởi vì tinh thần tự do đã được khơi dậy trong nhân dân Trung Quốc; và Trung Quốc không thể thoát khỏi ảnh hưởng của tinh thần tự do này đang trải rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Các sinh viên dũng cảm và những người ủng hộ họ đã cho lãnh đạo của Trung Quốc và thế giới thấy được gương mặt con người của quốc gia vĩ đại đó.
Tuần trước, một số người Tây Tạng lại một lần nữa bị kết án tù tối đa mười chín năm trong một phiên tòa xử lớn, có thể có ý định gây hoảng loạn dân số trước sự kiện ngày hôm nay. Cái “tội” duy nhất của họ là thể hiện niềm khát khao lan rộng của nhân dân Tây Tạng cho sự phục hồi nền độc lập của Tổ quốc yêu dấu của họ.
Sự đau khổ của nhân dân chúng tôi trong bốn mươi năm qua về sự bị chiếm đóng cũng đã có bằng chứng tư liệu. Chúng tôi đã có một cuộc đấu tranh lâu dài. Chúng tôi biết sự nghiệp chính nghĩa của chúng tôi là - bởi vì bạo lực chỉ có thể gây ra thêm nhiều bạo lực và đau khổ hơn mà thôi - cho nên cuộc đấu tranh của chúng tôi phải là bất bạo động và không thù hận. Chúng tôi đang cố gắng chấm dứt sự đau khổ của nhân dân chúng tôi, đồng thời không gây đau khổ cho người khác.
Với ý niệm này trong tâm thức, nên tôi đã đề xuất các cuộc đàm phán giữa Tây Tạng và Trung Quốc trong rất nhiều dịp. Năm 1987, tôi đã đưa ra những đề xuất cụ thể trong kế hoạch Năm điểm để khôi phục hòa bình và nhân quyền ở Tây Tạng. Điều này bao gồm việc chuyển đổi toàn bộ cao nguyên Tây Tạng thành một khu vực của Ahimsa (bất bạo động), một nơi tôn nghiêm của hòa bình và bất bạo động, nơi mà con người và thiên nhiên có thể sống trong hòa bình và hòa hợp.
Năm ngoái, tôi đã trình bày chi tiết kế hoạch đó ở Strasbourg, tại Nghị viện châu Âu, tôi tin rằng những ý tưởng mà tôi bày tỏ trong những dịp đó đều là thực tế và hợp lý mặc dù nó đã bị một số người của dân tộc tôi chỉ trích vì đã quá hòa giải. Thật không may, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không phản ứng tích cực với những đề nghị mà chúng tôi đã đưa ra, trong đó bao gồm cả những nhượng bộ quan trọng. Nếu điều này tiếp tục, chúng tôi buộc phải xem xét lại vị trí của mình.
Bất kỳ mối quan hệ nào giữa Tây Tạng và Trung Quốc cũng đều phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, tin tưởng và cùng có lợi. Nó cũng sẽ phải dựa trên nguyên tắc mà các bậc lãnh đạo thông tuệ của Tây Tạng và Trung Quốc đã đặt ra trong một hiệp ước từ rất sớm vào đầu năm 823 sau Công nguyên, được khắc trên cột trụ mà vẫn còn đứng đó cho đến ngày nay trước ngôi Chùa Jokhang, ngôi Chùa thiêng liêng nhất của Tây Tạng, ở Lhasa, rằng "người Tây Tạng sẽ sống hạnh phúc trong vùng đất rộng lớn của Tây Tạng, và người Trung Quốc sẽ sống hạnh phúc ở vùng đất rộng lớn của Trung Quốc".
Là một Tu sĩ Phật giáo, mối quan tâm của tôi trải rộng đến tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại và - thật ra là - đối với tất cả chúng sinh đang khổ đau. Tôi tin rằng mọi đau khổ là do sự vô minh (thiếu hiểu biết) mà ra. Mọi người gây đau đớn cho người khác qua sự theo đuổi hạnh phúc hoặc sự mãn nguyện ích kỷ của mình. Nhưng hạnh phúc thực sự chỉ đến từ cảm giác về tình huynh đệ, tình anh em, chị em mà thôi. Chúng ta cần phải trưởng dưỡng trách nhiệm chung cho nhau và cho hành tinh mà chúng ta đang chia sẻ. Mặc dù tôi đã tìm thấy tôn giáo Phật giáo của mình thật hữu ích trong việc tạo ra tình yêu thương và lòng từ bi - ngay cả đối với những người mà chúng ta coi là kẻ thù của mình; nhưng tôi luôn tin rằng mọi người có thể phát triển một trái tim nhân ái thiện lành và ý thức trách nhiệm chung - cho dù người ấy có hoặc không có niềm tin nơi tôn giáo.
Với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của khoa học về cuộc sống của chúng ta, tôn giáo và tâm linh đóng một vai trò lớn hơn để nhắc nhở chúng ta về nhân loại của mình. Thế nên không hề có sự mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo. Mỗi bên đều cung cấp cho chúng ta những kiến thức có giá trị. Cả khoa học và giáo lý của Đức Phật đều cho chúng ta biết sự thống nhất cơ bản của mọi sự vật hiện tượng. Sự hiểu biết này là rất quan trọng nếu chúng ta thực hiện hành động tích cực và kiên định về mối quan tâm bức xúc toàn cầu về vấn đề môi trường.
Tôi tin rằng tất cả các tôn giáo đều theo đuổi các mục tiêu tương tự, đó là trau giồi lòng tốt của con người và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Mặc dù các phương tiện có thể xuất hiện khác nhau nhưng điểm đích đều giống nhau.
Khi chúng ta bước vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này, tôi lạc quan rằng các giá trị cổ xưa đã duy trì nhân loại ngày nay, và tái khẳng định chính bản thân của những giá trị ấy để chuẩn bị cho chúng ta một thế kỷ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, những kẻ áp bức và bạn bè, rằng nếu cùng nhau, chúng ta sẽ thành công trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua sự hiểu và thương đối với nhân loại; và nếu như thực hiện được điều đó thì chúng ta có thể làm giảm bớt nỗi đớn đau và sự thống khổ của tất cả chúng sinh.
Xin cám ơn các bạn.
Đại học Aula, Oslo
Ngày 10 tháng 12 năm 1989