Tôi rất hạnh phúc và cảm thấy đặc biệt vinh dự được nói chuyện với một nhóm người thực sự quan tâm sâu sắc về những vấn đề môi trường nói chung và vấn đề môi trường Tây Tạng nói riêng. Tôi xin bày tỏ sự cảm kích sâu sắc đối với Thượng nghị sĩ Bob Brown.
Bây giờ, với tôi vấn đề môi trường là điều mới mẻ. Khi chúng tôi ở Tây Tạng, chúng tôi luôn cho là môi trường trong sạch. Đối với người Tây Tạng, bất cứ khi nào chúng tôi nhìn thấy một dòng suối ở Tây Tạng, không có câu hỏi nào đặt ra liệu có an toàn để uống hay không. Tuy nhiên, nó đã khác khi chúng tôi đến Ấn Độ và những nơi khác. Ví dụ, Thụy Sĩ là một quốc gia rất đẹp và ấn tượng, nhưng mọi người nói "Đừng uống nước từ dòng suối này, nó đã bị ô nhiễm!"
Rồi dần dần, người Tây Tạng chúng tôi cũng có những kiến thức và nhận thức tiến bộ hơn rằng một vài thứ đã bị ô nhiễm và không thể sử dụng. Trên thực tế, ở Ấn Độ, khi việc định cư của chúng tôi bắt đầu ở một số nơi, nhiều người Tây Tạng đã mắc bệnh dạ dày, đó là hậu quả của việc uống nước ô nhiễm. Qua những trải nghiệm đó của chúng tôi và qua những cuộc hội thảo về khoa học, chúng tôi đã có giáo dục tốt hơn về môi trường.
Khi chúng tôi nhìn lại đất nước mình - Tây tạng, đó là một đất nước có diện tích cao nguyên rộng lớn, với khí hậu lạnh và khô. Những điều này có lẽ là sự bảo vệ tự nhiên cho môi trường của Tây Tạng - giữ cho Tây Tạng được trong lành và mát mẻ. Ở những đồng cỏ phía Bắc, vùng sỏi đá, vùng rừng rậm và các thung lũng sông ngòi thường có rất nhiều động vật hoang dã, cá và các loài chim. Vì là một quốc gia Phật giáo lâu đời, "một số truyền thống những luật pháp ở Tây tạng lưu tâm tới việc cấm hoàn toàn việc câu cá và săn bắn.”
Tôi nhớ ở Lhasa khi tôi còn trẻ, một số người Nepal đã đi săn ở bìa rừng, câu cá một cách vô tư bởi vì họ không quan tâm nhiều đến luật pháp của Tây Tạng. Lúc đó, không có một sự an toàn thực sự nào cho động vật.
Có một câu chuyện lạ. Sau năm 1959, những người nông dân Trung Quốc và những người làm đường đến Tây Tạng rất thích ăn thịt. Họ thường đi săn chim, hay săn vịt, họ mặc đồng phục quân đội hoặc quần áo Trung Quốc. Những bộ quần áo này đã làm những con chim giật mình và lập tức bay đi. Cuối cùng những thợ săn này đã buộc phải mặc trang phục Tây Tạng. Đây là một câu chuyện có thật! Những việc này đã xảy ra, đặc biệt là suốt những năm 1970 và 80, khi vẫn còn nhiều loài chim.
Gần đây, hàng nghìn người Tây Tạng từ Ấn Độ đã trở về những vùng đất quê hương của họ ở Tây Tạng. Khi họ trở về, tất cả họ đều đã kể những câu chuyện tương tự như vậy. Họ nói rằng cách đây khoảng bốn mươi hoặc năm mươi năm trước đã có những khu rừng khổng lồ che phủ nơi vùng quê của họ. Bây giờ thì tất cả những ngọn núi rừng rậm chập chùng này đã trở thành giống như đầu (hói) của một nhà sư. Không còn những cây cao. Trong một số trường hợp, gốc rễ của một số cây thậm chí cũng bị nhổ rễ và lấy đi! Đây là tình hình hiện nay. Ngày xưa, có rất nhiều đàn thú được nhìn thấy ở Tây Tạng, nhưng hiện nay thì rất ít thấy. Vì vậy mà có nhiều sự đã thay đổi.
Quy mô phá rừng lớn ở Tây tạng là một vấn đề đáng buồn. Điều đó không chỉ là nỗi buồn cho khu vực mà còn mất đi vẻ đẹp của nơi đó, nhưng đối với người dân địa phương, bây giờ họ lai cảm thấy khó khăn khi thu hoạch không đủ nhiên liệu gỗ. Đại khái, đây là những vấn đề nhỏ nhìn từ góc độ rộng hơn, nạn phá rừng có những hậu quả tiêu cực to lớn khác.Thứ nhất, nhiều vùng ở Tây tạng thì cao và khô, điều này có nghĩa là phải mất nhiều thời gian hơn để đất phục hồi so với vùng hạ lưu có khí hậu ẩm ướt, và những ảnh hưởng tiêu cực do đó mà kéo dài lâu hơn.
Thứ hai, nhiều con sông chảy qua các khu vực rộng lớn của châu Á, qua Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Campuchia, các con sông như sông Hoàng Hà, Brahmaputra, sông Dương Tử, Salween và Mekong, tất cả đều bắt nguồn từ Tây tạng. Tại những nơi nguồn gốc của các con sông này thì quy mô phá rừng và khai thác mỏ rất lớn đang diễn ra. Sự ô nhiễm của các con sông này ảnh hưởng trầm trọng đến các đất nước ở vùng hạ lưu.
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc có 126 loại khoáng sản khác nhau ở Tây tạng. Khi Trung Quốc phát hiện ra những nguồn này, chúng đã bị khai thác một cách rộng rãi mà không có các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp, dẫn tới việc môi trường bị tàn phá. Kết quả là nạn phá rừng và khai thác mỏ đang gây ra nhiều trận lũ lụt hơn ở các vùng đất thấp của Tây tạng. Theo các chuyên gia, nạn phá rừng ở Tây Tạng sẽ làm thay đổi lượng phản xạ từ tuyết vào không gian (các khu vực rừng rậm hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời hơn) và điều này ảnh hưởng đến gió mùa trong năm sau không chỉ ở Tây Tạng mà ở tất cả các vùng xung quanh. Do đó, nó thậm chí trở nên quan trọng hơn nhiều đối với việc bảo tồn môi trường ở Tây Tạng.
Tôi cho rằng sự biến đổi khí hậu ở Tây tạng sẽ không ảnh hưởng đến nước Úc ngay lập tức. Vì vậy điều quan tâm của bạn về Tây tạng là một tấm lòng chân thật. Mối lo âu của Trung Quốc và Ấn độ có thể không đích thực lắm, vì nó liên quan trực tiếp đến tương lai của họ.
Môi trường Tây Tạng rất mỏng manh và nó rất quan trọng. Như bạn biết, thật không may, ở thế giới Cộng sản, các nước như Liên Xô cũ, Ba Lan và Đông Đức cũ, ngày xưa gặp nhiều vấn đề về ô nhiễm đều do bất cẩn, chỉ đơn giản là bởi vì các nhà máy phát triển rộng rãi hơn và sản xuất ngày càng gia tăng mà ít quan tâm đến thiệt hại của sự tăng trưởng này gây ra cho môi trường. Tình hình ở Trung Quốc cũng giống như vậy. Trong những thập niên 70 và 80 họ chưa có nhận thức về ô nhiễm, nhưng bây giờ tôi nghĩ có một ít ý thức đang phát triển. Vì vậy, tôi cho rằng tình hình lúc ban đầu liên quan đến sự thiếu hiểu biết.
Theo một số thông tin, dường như trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-l976), những ngôi chùa ở chính tại Trung Quốc bị tàn phá ít hơn so với những khu vực khác. Điều này có thể không phải là do chính sách nhà nước, mà là do là kết quả của sự phân biệt đối xử bởi cán bộ địa phương. Vì có vẻ như quan chức Trung Quốc đã không lo lắng gì về môi trường ở những nơi mà các nhóm dân tộc đang sống.
Một câu chuyện khác đến từ vùng Dingri ở miền nam Tây Tạng. Năm năm trước, một người Tây Tạng tại địa phương nói với tôi về một dòng sông mà tất cả dân làng đã sử dụng nước của nó để uống. Cũng có những người Trung Quốc sống trong khu vực đó. Những người Trung Quốc thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân đã được thông báo là không uống nước từ dòng sông, nhưng người Tây Tạng địa phương thì không. Người Tạng vẫn uống nước bị ô nhiễm ấy. Điều này cho thấy rằng sự thờ ơ không thèm để ý đang diễn ra, và rõ ràng là không phải vì thiếu nhận thức, mà là do vì nhiều lý do khác. Với sự hiểu biết này, bất kỳ mối quan tâm nào từ các huynh đệ khác về tình huống không may của chúng tôi - những người kém may mắn và về môi trường của họ - đều rất quan trọng và được đón nhận rất nồng nhiệt.
Vậy thì hãy nói về môi trường một cách tổng quát hơn, hãy nhớ rằng một yếu tố then chốt trong tương lai là dân số. Ấn Độ và Trung Quốc có dân số rất đông và mức sống rất thấp. Rất khó để giải thích hoặc giáo dục cho quần chúng về môi trường khi mối quan tâm cấp thiết nhất của họ là sự sống còn.
Chẳng hạn, ở quê nhà thứ hai của chúng tôi tại thung lũng Kangra, (Himachal Pradesh, Ấn Độ), sự sống còn của người dân địa phương Ấn Độ phụ thuộc vào việc đốn gỗ và khai thác đá. Ở phía đông Dharamsala, chúng tôi có nhiều mỏ đá lớn. Một vài bạn Ấn Độ của tôi đã nói với tôi rằng "tôi nên nói ra những thiệt hại to lớn về môi trường mà các mỏ đá này gây ra, nhưng điều đó rất khó. Ít nhất có vài trăm gia đình sống phụ thuộc hoàn toàn vào các hoạt động này. Rất khó để ngăn chặn việc này trừ khi chúng tôi cho họ thấy được những phương cách kiếm sống mới. Sự bùng nổ dân số là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Vì vậy, việc kế hoạch hóa gia đình rất quan trọng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Có những ngành công nghiệp như ngành sản xuất thịt, nơi rất nhiều động vật bị giết với quy mô lớn. Điều này không chỉ tàn nhẫn mà còn có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Có những ngành sản xuất các loại máy móc xây dựng. Có thể có một vài sự biện minh cho sự tồn tại của họ. Nhưng những nhà sản xuất các thiết bị mang tính phá hoại như các máy móc chiến tranh đã gây thiệt hại lớn.
Một số công ty và chính phủ thực sự có lợi nhuận từ các hoạt động này, nhưng bản chất việc sản xuất của họ là một sự phá hoại. Ví dụ, một viên đạn được thiết kế để giết một người, không phải là một vật trang trí! Tất cả những máy móc dùng cho chiến tranh trông có vẻ rất đẹp. Khi tôi còn nhỏ, những chiếc thiết bị này dường như rất tuyệt đối với tôi, ngay cả các đồ chơi nhỏ như xe tăng và súng máy dường như cũng rất đẹp và rất bảnh, bạn không nghĩ như vậy sao? Toàn bộ các thứ liên quan đến quân sự như quân phục, kỷ luật dường như rất nổi bật và rất ấn tượng, nhưng mục đích chính của tổ chức này là bắn giết. Vì vậy, chúng ta phải nghĩ đến những vấn đề này nếu chúng ta thực sự quan tâm đến môi trường, không chỉ với thế hệ này mà còn cho các thế hệ tương lai.
Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này có liên quan đến nhau. Như tôi đã đề cập trước đó, nên khuyến khích kế hoạch hóa gia đình. Từ góc độ Phật giáo, điều đó khá đơn giản. Mỗi cuộc đời con người rất quý giá. Từ quan điểm này, tốt hơn là tránh hoặc kiểm soát sinh đẻ, nhưng ngày nay có 1,5 tỷ mạng sống quý giá - quá nhiều cuộc sống quý giá! Do đó, không chỉ có một hoặc hai cuộc sống con người quý giá đang bị đe dọa, nhưng nói chung vấn đề đặt ra là sự sống còn của nhân loại. Do đó, kết luận mà chúng ta cần đạt đến là phải có kế hoạch hóa gia đình một cách nghiêm túc, nếu chúng ta muốn cứu vãn sự thịnh vượng của toàn thể nhân loại, tốt nhất là thông qua các phương tiện bất bạo lực, chứ không phải thông qua việc phá thai hoặc giết người, nhưng bằng một số phương tiện khác. Tôi thường hay nói đùa ... nên có nhiều nhà sư và sư cô. Đó là phương pháp hiệu quả nhất không bạo lực. Vì vậy, nếu bạn không thể trở thành một tu sĩ hay một nữ tu, thì hãy thực hành các phương pháp kiểm soát sinh đẻ bất bạo lực khác.
Sau đó, có một câu hỏi làm thế nào để giảm các cơ sở quân sự. Nền tảng mà chúng ta phải thực hiện là thúc đẩy phi bạo lực. Nhưng điều này không đủ bởi vì chúng ta có rất nhiều xung đột trong thế giới hiện tại. Chừng nào nhân loại còn, mâu thuẫn vẫn tồn tại.
Một cách để phát triển không bạo lực nhằm chống lại chiến tranh và sản xuất vũ khí là thúc đẩy các ý tưởng đối thoại, sự thỏa thuận, và tinh thần hòa giải. Tôi nghĩ chúng ta phải quảng bá những ý tưởng này ở cấp gia đình và cộng đồng. Sẽ thực tế hơn nhiều khi giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại hơn là qua sự đối đầu.
Vì vậy, khái niệm đối thoại phải bắt đầu ở cấp độ gia đình. Là những cá nhân, chúng ta phải nhìn sâu xa, điều tra, phân tích và sau đó cố gắng vượt qua các ý tưởng mâu thuẫn. Chúng ta không được đánh mất hy vọng hay tuyệt vọng về cuộc xung đột khó chịu cảm thấy ngay chính trong con người mình. Vì vậy, đây là một số trong những phương cách mà cuối cùng chúng ta cũng có thể giải quyết được các vấn đề về môi trường.
Cuối cùng, tôi muốn nói với các bạn rằng sự tự tin và sự nhiệt tình là chìa khóa cho cuộc sống thành công, và đồng thành công trong bất kỳ hoạt động nào thu hút được sự tham gia. Chúng ta phải xác định và phải có một cái nhìn lạc quan, ngay cả khi thất bại chúng ta cũng không hối tiếc. Ngược lại, sự thiếu quyết tâm và nỗ lực sẽ gây ra sự tiếc nuối gấp đôi. Thứ nhất là vì các mục tiêu đã không được thực hiện, và thứ hai là vì bạn cảm thấy có lỗi và hối hận về việc không thể hiện đầy đủ sự nỗ lực để đạt mục tiêu.
Do đó, cho dù chúng ta có cam kết hay không thì đó cũng là sự lựa chọn của cá nhân. Một khi bạn đã quyết tâm, bạn phải đi tới với sự chuyên tâm cho dù gặp những trở ngại. Điều này rất quan trọng.
Cuối cùng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những người tham gia và những người đã tổ chức hội nghị này. Tôi đánh giá rất cao điều này. Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi nhân danh cho sáu triệu người Tây Tạng, những người có cuộc sống rất nguy hiểm do ô nhiễm. Một số trẻ em đã phải chịu đựng các căn bệnh do ô nhiễm không khí. Đã có nhiều sự lo lắng và đau khổ khủng khiếp, vì tiếng nói của họ không được quan tâm rộng rãi. Họ chỉ thể hiện sự bất bình trong phạm vi những ngôi nhà nhỏ của mình. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi thay mặt cho tất cả những người vô tội này.
Xin cảm ơn tất cả quý vị!
Bài diễn văn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại cuộc hội nghị "Tây Tạng đang gặp nguy hiểm" tại Snlnn, Úc vào ngày 28 tháng 9 năm 1996.