Washington, Quận Columbia, Tháng 4, 1993
Từ hàng ngàn năm qua, người ta đã bị làm cho tin rằng chỉ có một tổ chức độc tài áp dụng những phương pháp kỷ luật cứng nhắc mới có thể điều khiển được xã hội loài người. Tuy nhiên, vì người ta có mong muốn một cách tự nhiên là được tự do, cho nên, các thế lực tự do và áp bức liên tục mâu thuẫn với nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Giờ đây thì rõ ràng ai sẽ là kẻ chiến thắng. Sự trỗi dậy của các phong trào quyền lực của các dân tộc, lật đổ chế độ độc tài của cánh tả và hữu, đã cho thấy chắc chắn rằng loài người không thể dung thứ và cũng không hoạt động đúng đắn dưới chế độ chuyên chế.
Mặc dù không có một xã hội Phật giáo nào của chúng ta phát triển được một chính thể giống như nền dân chủ trong hệ thống chính quyền của mình, cá nhân tôi rất ngưỡng mộ chế độ dân chủ thế gian. Khi Tây Tạng vẫn còn tự do, chúng tôi đã phát triển sự biệt lập tự nhiên của chúng tôi, nhầm tưởng rằng chúng tôi có thể kéo dài hòa bình và an ninh của chúng tôi theo cách đó. Hậu quả là chúng tôi ít chú ý đến những thay đổi đang diễn ra ở thế giới bên ngoài. Chúng tôi hầu như không nhận ra là Ấn Độ, một trong những nước láng giềng gần gũi nhất của chúng tôi, đã giành được độc lập một cách ôn hòa, trở thành nền dân chủ lớn nhất thế giới. Sau đó, chúng tôi đã học được, theo con đường gian nan, rằng trên trường quốc tế, cũng như trong nhà, tự do là điều gì đó để chia sẻ và thọ hưởng cùng với người khác, chứ không giữ cho riêng mình.
Mặc dù những người Tây Tạng sống bên ngoài đất nước đã bị giáng xuống thành người tỵ nạn, song, chúng tôi có quyền tự do thực hiện các quyền của mình. Anh chị em ở Tây Tạng, mặc dù ở trong nước của họ thậm chí cũng không có quyền sống. Do đó, những người sống lưu vong như chúng tôi có trách nhiệm suy ngẫm và lên kế hoạch cho tương lai của Tây Tạng. Qua nhiều năm, chúng tôi đã cố gắng bằng nhiều cách để đạt được một mô hình dân chủ thật sự. Sự quen thuộc của tất cả những người Tây Tạng lưu vong với thuật ngữ 'dân chủ' đã cho thấy điều này.
Từ lâu, tôi đã mong đợi thời điểm mà chúng tôi có thể tạo ra một hệ thống chính trị phù hợp với truyền thống của chúng tôi cũng như nhu cầu của thế giới hiện đại. Một nền dân chủ bất bạo động và hoà bình từ gốc rễ của nó. Gần đây chúng tôi đã bắt tay vào những thay đổi sẽ tiếp tục dân chủ hoá và củng cố chính quyền lưu vong của mình. Vì nhiều lý do, tôi đã quyết định rằng tôi sẽ không phải là người đứng đầu, hoặc đóng vai trò nào trong chính phủ khi Tây Tạng trở nên độc lập. Người đứng đầu tương lai của Chính phủ Tây Tạng phải là người được dân chúng cùng nhau bầu lên. Có rất nhiều thuận lợi để tiến tới bước như vậy và nó sẽ cho phép chúng tôi trở thành một nền dân chủ chân chính và hoàn chỉnh. Tôi hy vọng rằng những động thái này sẽ cho phép người dân Tây Tạng có một tiếng nói rõ ràng trong việc xác định tương lai của đất nước họ.
Sự dân chủ hoá của chúng tôi đã lan tới người Tây Tạng ở khắp nơi trên thế giới. Tôi tin rằng các thế hệ tương lai sẽ xem xét những thay đổi này trong những thành tựu quan trọng nhất của trải nghiệm lưu vong của chúng tôi. Cũng như việc đưa đạo Phật vào Tây Tạng đã củng cố đất nước chúng tôi, tôi tin tưởng rằng sự dân chủ hóa xã hội của chúng tôi sẽ làm tăng thêm sức sống cho người dân Tây Tạng và cho phép các cơ quan làm ra quyết định của chúng tôi phản ánh những nhu cầu và khát vọng chân thành của họ.
Ý tưởng rằng mọi người có thể sống với nhau tự do với tư cách là cá nhân, bình đẳng trên nguyên tắc và do đó có trách nhiệm với nhau, về cơ bản thuận với thiên hướng của Phật giáo. Là Phật tử, người Tây Tạng chúng tôi tôn trọng cuộc sống của con người như là báu vật và coi triết lý và giáo huấn của Đức Phật như là con đường dẫn tới loại tự do cao nhất. Một cái đích để cho cả nam và nữ đều đạt được.
Đức Phật thấy rằng mục đích chính của cuộc sống là hạnh phúc. Ngài cũng chứng minh rằng trong khi vô minh ràng buộc chúng sinh trong sự vô vọng và đau khổ tột cùng, thì trí tuệ lại giải thoát họ ra khỏi điều đó. Dân chủ hiện đại dựa trên nguyên tắc rằng tất cả con người về cơ bản là bình đẳng, rằng mỗi người chúng ta có quyền bình đẳng được sống, tự do và hạnh phúc. Phật giáo cũng thừa nhận rằng con người có quyền được tôn trọng nhân phẩm, rằng tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại đều có quyền tự do như nhau và không thể chuyển nhượng, không chỉ về mặt tự do chính trị mà còn về cơ bản là không sợ hãi và túng thiếu. Bất kể giàu hay nghèo, có học thức hay không, thuộc quốc gia này hay địa phận khác, theo tôn giáo này hay đạo giáo khác, tôn trọng ý thức hệ này hay ý thức hệ kia, thì mỗi người chúng ta cũng chỉ là một con người giống như mọi người khác. Chúng ta không chỉ mong muốn hạnh phúc và tìm cách tránh khổ đau, mà mỗi người chúng ta đều có quyền bình đẳng để theo đuổi những mục tiêu này.
Tổ chức mà Đức Phật thành lập là Tăng già hay cộng đồng Tu sĩ, hoạt động trên những đường lối hoàn toàn dân chủ. Trong tình huynh đệ này, các cá nhân đều bình đẳng, bất kể đẳng cấp xã hội hay nguồn gốc giai cấp. Sự khác biệt duy nhất về thân phận tùy thuộc vào thâm niên của việc thọ giáo. Tự do cá nhân, được minh họa bằng sự giải thoát hoặc giác ngộ, là trọng tâm của toàn thể cộng đồng, đạt được bằng cách tu tâm trong thiền định. Tuy nhiên, các mối quan hệ hàng ngày được thực hiện trên cơ sở của sự độ lượng, ân cần, và dịu dàng đối với người khác. Bằng cách sống một cuộc sống vô gia cư, các Tăng sĩ tự giải phóng bản thân khỏi mối bận tâm về tài sản. Tuy nhiên, họ đã không sống hoàn toàn cô lập. Phong tục hành khất của bố thí chỉ dùng để tăng cường nhận thức của họ về sự lệ thuộc vào người khác. Trong cộng đồng, các quyết định đã được đưa ra bằng cách bỏ phiếu và sự bất hòa được giải quyết theo sự đồng thuận. Như vậy, Tăng già là một mô hình bình đẳng xã hội, chia sẻ của cải và tiến trình dân chủ.
Phật giáo về cơ bản là một học thuyết thực tiễn. Khi giải quyết vấn đề căn bản về khổ đau của con người, đạo Phật không nhấn mạnh vào một giải pháp duy nhất. Nhận thức rằng con người rất khác nhau về nhu cầu, khuynh hướng và khả năng, họ thừa nhận rằng có nhiều con đường hòa bình và hạnh phúc. Là một cộng đồng tâm linh, sự đoàn kết của họ phát sinh từ một ý thức thống nhất về tình huynh đệ. Đạo Phật đã kéo dài hơn hai ngàn năm trăm năm mà không có bất kỳ quyền lực tập trung rõ rệt nào, phát triển mạnh dưới nhiều hình thức, trong khi liên tục đổi mới, thông qua tu hành, lấy lời dạy của Đức Phật làm gốc. Cách tiếp cận đa nguyên này, trong đó cá nhân chịu trách nhiệm, rất phù hợp với quan điểm dân chủ.
Chúng ta đều mong muốn tự do, nhưng sự khác biệt người này với người kia là trí thông minh. Là con người tự do chúng ta có thể sử dụng trí thông minh độc nhất của mình để cố hiểu bản thân và thế giới của chúng ta. Đức Phật đã nói rõ rằng, đệ tử của Ngài không được hiểu lời nói của Ngài một cách hời hợt mà phải kiểm tra và thử nghiệm nó như là một thợ kim hoàn kiểm tra chất lượng vàng. Nhưng nếu chúng ta không được quyền phân biệt và sáng tạo, chúng ta sẽ bị mất đi một trong những đặc tính cơ bản của con người. Do đó, sự tự do về chính trị, xã hội và văn hoá, mà nền dân chủ đòi hỏi, có giá trị và tầm quan trọng to lớn.
Không có hệ thống chính quyền nào là hoàn hảo, nhưng chế độ dân chủ là gần nhất với nhân tính thiết yếu của chúng ta. Đây cũng là nền tảng vững chắc duy nhất mà trên đó có thể xây dựng một cấu trúc chính trị công bằng và tự do toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn rằng những ai trong chúng ta đã được hưởng chế độ dân chủ thì nên tích cực hỗ trợ cho mọi người cũng có quyền được hưởng như vậy.
Mặc dù chủ nghĩa cộng sản đã tán thưởng nhiều lý tưởng cao quý, bao gồm cả lòng vị tha; nhưng những nỗ lực của nhà cầm quyền ưu tú của họ để chuyên quyền đã thực sự gây tai họa. Các chính phủ này đã áp dụng những biện pháp dữ dội để kiểm soát xã hội của mình và để thúc ép công dân làm việc vì lợi ích chung. Đường lối cứng nhắc có thể cần thiết lúc đầu để vượt qua chế độ áp bức trước đó. Tuy nhiên, một khi đã đạt được mục tiêu đó, sự cứng cỏi như vậy góp phần rất hạn chế vào việc xây dựng một xã hội thực sự hợp tác. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại hoàn toàn bởi vì nó dựa vào sức mạnh để truyền bá niềm tin của nó. Cuối cùng, bản chất con người không thể chịu đựng được sự đau khổ do nó tạo ra.
Sức mạnh tàn bạo, dù được áp đặt mạnh như thế nào, không bao giờ có thể khuất phục được mong muốn cơ bản của con người là tự do. Hàng trăm ngàn người diễu hành qua các thành phố Đông Âu đã chứng minh điều này. Họ chỉ đơn giản bày tỏ nhu cầu được tự do và dân chủ của con người. Yêu cầu của họ không liên quan gì đến một ý thức hệ mới; nguyện vọng chân thành của họ đơn giản là được tự do. Như các hệ thống cộng sản đã giả định, chỉ cung cấp cho người dân cái ăn, chỗ ở và quần áo thôi là không đủ. Bản chất sâu xa của chúng ta đòi hỏi được hít thở không khí quý giá của tự do.
Cuộc cách mạng hoà bình ở Liên Xô cũ và Đông Âu đã dạy cho chúng ta nhiều bài học để đời. Một là giá trị của chân lý. Mọi người không thích bị bắt nạt, lừa gạt hoặc dối trá bởi cá nhân hoặc hệ thống nào. Những hành động như vậy là trái với tinh thần nhân bản chủ yếu. Vì vậy, những người mà lừa dối và dùng vũ lực có thể đạt được nhiều thành công nhất thời, nhưng cuối cùng họ sẽ bị lật đổ.
Sự thật chính là cái bảo đảm tốt nhất và là nền tảng thực sự của tự do và dân chủ. Mạnh hay yếu hoặc có nhiều hay ít người ủng hộ mình - điều đó không thành vấn đề, sự thật vẫn dành ưu thế. Gần đây, nhiều phong trào tự do thành công được dựa trên sự biểu hiện chân thật của cảm xúc cơ bản nhất của con người. Đây là một lời nhắc nhở giá trị rằng chính sự thật vẫn còn thiếu nghiêm trọng trong đời sống chính trị của chúng ta. Đặc biệt trong việc xúc tiến các quan hệ quốc tế chúng ta rất ít tôn trọng sự thật. Chắc chắn là các quốc gia yếu hơn sẽ bị điều khiển và áp bức bởi những nước mạnh hơn, cũng giống như những bộ phận yếu trong hầu hết các xã hội phải cam chịu áp lực của các khối giàu có và quyền uy hơn. Trong quá khứ, sự biểu hiện đơn giản của sự thật thường bị bác bỏ là không thực tế, nhưng những năm gần đây đã chứng minh rằng nó là một sức mạnh to lớn trong tâm trí con người, và như kết quả là việc hình thành của lịch sử.
Khi chúng ta tiến đến gần cuối thế kỷ XX, chúng ta thấy rằng thế giới đã trở nên nhỏ hơn và nhưng người sống trong đó hầu như trở thành một cộng đồng. Chúng ta cũng xích lại gần nhau hơn bởi những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt: nạn bùng nỏ dân số, tài nguyên thiên nhiên hao mòn và khủng hoảng môi trường đe doạ chính nền tảng của sự sống trên hành tinh nhỏ mà chúng ta đang chia sẻ. Tôi tin rằng để đối đầu với những thách thức của thời đại chúng ta, con người sẽ phải phát triển một ý thức trách nhiệm lớn hơn đối với thế giới. Mỗi người chúng ta phải học cách làm việc không chỉ vì bản thân, gia đình hoặc quốc gia, mà vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Trách nhiệm chung là bí quyết thiết thực của sự sống còn của con người. Đấy là nền tảng tốt nhất cho hòa bình thế giới, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và quan tâm thích đáng đến môi trường.
Nhu cầu hợp tác cấp bách này chỉ có thể tiếp thêm sức mạnh cho nhân loại vì nó giúp chúng ta nhận ra rằng nền tảng an toàn nhất cho trật tự thế giới mới không chỉ là liên minh chính trị và kinh tế rộng hơn mà còn là sự thành tâm của mỗi người đối với tình thương yêu và từ bi. Những đức tính này là nguồn cơ bản của hạnh phúc con người, và nhu cầu về những phẩm hạnh này ở ngay trong tâm can của chúng ta. Thực hành từ bi không chỉ là sự biểu hiện của chủ nghĩa lý tưởng phi thực tế mà còn là cách hữu hiệu nhất để mưu cầu những lợi ích tốt nhất của người khác cũng như của riêng mình. Với tư cách là quốc gia hoặc cá nhân, chúng ta càng phụ thuộc vào người khác, thì đảm bảo sự an vui cho họ sẽ càng có lợi cho chúng ta.
Mặc dù nền văn minh có những tiến bộ nhanh chóng trong thế kỷ này, tôi tin rằng nguyên nhân trực tiếp nhất của tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay của chúng ta là ta chỉ đặt tầm quan trọng quá mức vào sự phát triển vật chất. Chúng ta đã quá say mê theo đuổi nó mà thậm chí không biết là chúng ta đã sao lãng việc nuôi dưỡng những nhu cầu cơ bản nhất của con người về tình yêu thương, lòng từ bi, sự tương tác và chăm sóc lẫn nhau. Nếu ta không biết ai đó hoặc không cảm thấy gắn bó với một cá nhân hay một nhóm người nào đó, đơn gián là ta bỏ qua những nhu cầu của họ. Vậy mà sự phát triển của xã hội loài người dựa hoàn toàn vào sự tương trợ lẫn nhau. Một khi chúng ta đã mất đi nhân tính thiết yếu đó mà cũng là nền tảng của chúng ta, thì mưu cầu cải thiện vật chất để làm gì?
Trong hoàn cảnh hiện tại, không ai có thể đủ khả năng để giả định rằng một người nào khác sẽ giải quyết vấn đề của chúng ta. Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm dẫn dắt gia đình toàn cầu của mình đi đúng hướng và mỗi người đều phải đảm nhận trách nhiệm đó. Cái mà ta phải nhắm đến là sự nghiệp của toàn xã hội. Nếu xã hội thịnh vượng nói chung, thì mỗi cá nhân hoặc hiệp hội trong xã hội đó tự nhiên sẽ được hưởng lộc từ nó. Tự nhiên họ sẽ được hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu xã hội nói chung bị sụp đổ, thì ta có thể trông cậy vào ai để tranh đấu và đòi hỏi các quyền của ta?
Đã có lần tôi thực sự tin rằng cá nhân là quan trọng đối với xã hội. Là một Phật tử, tôi cố gắng tự phát triển lòng bi mẫn - không chỉ trên quan điểm tôn giáo, mà từ lòng nhân đạo. Để khuyến khích bản thân có thái độ tha nhân này, đôi khi một mặt ta nên tưởng tượng mình là một cá thể, và mặt khác là một tập hợp quần chúng. Sau đó tự vấn bản thân, 'Lợi ích của ai quan trọng hơn?' Đối với tôi thì rõ ràng là tôi chỉ có một mình, dù tôi cảm thấy mình quan trọng như thế nào, trong khi những người khác lại chiếm đại đa số.