Ngày 14 tháng 1 năm 2003
Bởi Thánh Đức Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Đây là những lúc mà những cảm xúc phá hoại (tiêu cực) như sân giận, sợ hãi và hận thù đang gây ra những vấn đề tàn khốc trên khắp thế giới. Trong khi tin tức hàng ngày đưa ra những lời nhắc nhở nhẫn tâm về sức mạnh phá hoại của những cảm xúc như vậy, vấn đề mà chúng ta cần phải hỏi là, chúng ta có thể làm được gì để khắc phục chúng?
Tất nhiên cảm xúc phiền não đó luôn là một phần của trạng thái con người - nhân loại đã và đang vật lộn với chúng hàng ngàn năm nay. Nhưng tôi tin rằng, chúng ta có một cơ hội giá trị để đạt được tiến bộ trong việc đối phó với chúng, thông qua sự hợp tác giữa tôn giáo và khoa học.
Ghi tâm điều này, từ năm 1987, tôi đã tham gia vào một loạt các cuộc đối thoại liên tục với các nhóm khoa học gia. Được tổ chức bởi Viện Tâm thức và Đời sống, họ đã có các chủ đề từ vật lý lượng tử và vũ trụ học cho đến tâm từ bi và xúc cảm phá hoại. Tôi đã phát hiện ra rằng, mặc dù những phát hiện khoa học cung cấp một sự hiểu biết sâu hơn về các lĩnh vực kiến thức như vũ trụ học, nhưng có vẻ như những lời giải thích của Phật giáo đôi khi có thể cho các nhà khoa học một cách nhìn mới mẻ vào chính lĩnh vực của họ.
Cuộc đối thoại của chúng ta đã mang lại lợi ích không chỉ cho khoa học mà còn cho cả tôn giáo. Mặc dù người Tây Tạng có kiến thức quý báu về thế giới nội tâm nhưng chúng ta lại lạc hậu về mặt vật chất một phần vì thiếu kiến thức khoa học. Giáo lý Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết thực tế. Vì vậy, chúng ta nên chú ý đến những gì mà các nhà khoa học hiện đại đã thực sự tìm ra, thông qua thí nghiệm và đo lường, những điều mà họ đã chứng minh là có thật.
Khi các cuộc đối thoại này bắt đầu, rất ít người từ phía Phật giáo trong chúng tôi có mặt, chỉ có bản thân tôi và hai dịch giả. Nhưng gần đây, chúng tôi đã bắt đầu đưa các nghiên cứu khoa học hiện đại vào Tu viện của chúng tôi, và trong cuộc đối thoại khoa học gần đây nhất đã có đến khoảng hai mươi tu sĩ Tây Tạng trong số thính giả. Các mục tiêu của cuộc đối thoại là ở hai cấp độ. Một là ở cấp học thuật, mở rộng kiến thức. Nói chung, khoa học là một công cụ phi thường để hiểu được thế giới vật chất, tạo nên sự tiến bộ to lớn trong suốt cuộc đời của chúng ta - mặc dù dĩ nhiên vẫn còn rất nhiều điều để khám phá. Nhưng khoa học hiện đại dường như không tiến bộ về kinh nghiệm nội tâm.
Ngược lại, Phật giáo - một tư tưởng Ấn Độ cổ đại - phản ánh một cuộc nghiên cứu sâu rộng vào hoạt động của tâm thức. Qua nhiều thế kỷ, nhiều người đã thực hiện cái điều mà chúng ta có thể gọi là thí nghiệm trong lĩnh vực này, và đã có những trải nghiệm đáng kể - thậm chí phi thường - như là kết quả thực hành dựa trên kiến thức của họ. Vì vậy, việc thảo luận nhiều hơn và nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học và các học giả Phật giáo về khía cạnh học thuật có thể hữu ích cho việc mở rộng kiến thức của con người.
Ở một mức độ khác, nếu mục đích của nhân loại là sinh tồn thì hạnh phúc và sự an lạc nội tâm là điều rất quan trọng. Nếu không, cuộc sống của con cái chúng ta và thế hệ con cái của chúng có thể sẽ không vui, tuyệt vọng và ngắn ngủi. Trận thảm hoạ ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã chứng minh rằng công nghệ hiện đại và trí thông minh con người do hận thù đưa đường có thể dẫn tới sự hủy diệt khủng khiếp. Sự phát triển vật chất chắc chắn đóng góp cho hạnh phúc - ở một mức độ nào đó - và một cuộc sống thoải mái. Nhưng ngần ấy là không đủ. Để đạt được mức độ hạnh phúc sâu sắc hơn, chúng ta không thể bỏ qua sự phát triển bên trong nội tâm của mình. Tôi cảm thấy rằng - chẳng hạn như - ý thức của chúng ta về các giá trị cơ bản của con người đã không theo kịp với những phát triển mới mẻ hùng mạnh về khả năng vật chất của chúng ta.
Vì lý do đó, tôi đã khuyến khích các nhà khoa học nên nghiên cứu về các hành giả tâm linh thượng thủ Tây Tạng, xem những điều ảnh hưởng của việc thực hành tâm linh của họ có thể có lợi cho người khác, ngoài phạm vi tôn giáo hay không. Một cách tiếp cận sẽ là trông cậy sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc cố gắng làm cho những hoạt động của phương pháp nội tâm được rõ ràng. Điểm quan trọng ở đây là để tăng them sự hiểu biết của chúng ta về thế giới của tâm trí, của ý thức và cảm xúc của chúng ta.
Các thí nghiệm đã được thực hiện cho thấy rằng, một số hành giả có thể đạt được một trạng thái an lạc trong tâm hồn, ngay cả khi phải đối mặt với những tình huống phiền toái. Kết quả cho thấy những người như vậy sẽ hạnh phúc hơn, ít nhạy cảm với những cảm xúc phá hoại, và hòa đồng hơn với xúc cảm của người khác. Những phương pháp này không chỉ hữu ích, mà còn rẻ tiền: quý vị không cần mua bất cứ thứ gì hay sản xuất cái gì trong nhà máy, cũng không cần thuốc uống hoặc thuốc tiêm.
Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để chúng ta chia sẻ những kết quả có lợi này với những người không phải là Phật tử. Điều này không liên quan đến Phật giáo hay bất kỳ truyền thống tôn giáo nào khác - chỉ đơn giản là vấn đề cố gắng làm rõ tiềm năng của tâm thức con người. Mọi người dù giàu hay nghèo, có học vấn hay không, đều có tiềm năng để có cuộc sống bình an, có ý nghĩa. Chúng ta phải khám phá làm thế nào ta có thể đạt được một cuộc sống như vậy. Trong quá trình thăm dò, rõ ràng là hầu hết các phiền não được kích thích không phải do các nguyên nhân bên ngoài mà bởi các sự kiện bên trong như sự nảy sinh của cảm xúc phiền não. Thuốc giải độc tốt nhất cho những nguồn gây rối này sẽ thông qua việc đẩy mạnh khả năng của chúng ta để tự giải quyết những cảm xúc này. Cuối cùng chúng ta cần phải phát triển ý thức cho mình cách và phương tiện để vượt qua cảm xúc tiêu cực, phiền toái của chúng ta.
Các phương pháp tâm linh thì có sẵn, nhưng chúng ta phải làm cho quần chúng có thể chấp nhận chúng, vì họ thường khôngcó khuynh hướng về tâm linh. Chỉ khi nào chúng ta có thể làm được điều đó thì các phương pháp này sẽ có hiệu quả cao nhất. Điều này rất quan trọng bởi vì khoa học, kỹ thuật và sự phát triển vật chất không thể giải quyết được hết các vấn đề của chúng ta. Chúng ta cần phối hợp phát triển vật chất với sự phát triển bên trong của các giá trị nhân văn như lòng từ bi, sự khoan dung, tâm tha thứ, hạnh tri túc và tự kỷ luật.