Ngày 17 tháng 2 năm 2004
Tôi vô cùng hạnh phúc, vinh dự và tự cho mình là người may mắn được có mặt ở đây hôm nay giữa các vị đại diện của một số quốc gia Phật giáo khác nhau.
Đã hơn 2500 năm kể từ khi Đức Phật nhập Đại Niết Bàn. Tôi cho rằng người may mắn nhất là chúng ta, những đệ tử của Đức Phật, được họp mặt ở đây. Tôi nhớ Đức Phật và tôn kính Ngài.
Chúng ta đang ở thế kỷ 21. Nếu chúng ta nhìn lại thế kỷ 20, chúng ta có thể coi đó là một trong những thế kỷ quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Vào thế kỷ 20, chúng ta đã thử nghiệm và tham gia vào việc phát triển các lĩnh vực hoạt động khác nhau của con người như kinh tế, chính trị và khoa học. Kết quả của những trải nghiệm này là trong cùng một thế kỷ chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của sự tự do, vốn là bản chất nội tại của con người và tầm quan trọng của sự năng động cá nhân và sở hữu cá nhân đối với các doanh nghiệp để cải thiện kinh tế. Trong cùng một thế kỷ, người ta cũng đã có sự nhìn nhận mới về tầm quan trọng của việc ngăn chặn hoặc làm giảm bớt sức mạnh hủy diệt ghê gớm của vũ khí đạt được thông qua khoa học. Vì kinh qua nhiều trải nghiệm và khó khăn của thế kỷ 20, con người chúng ta trong chừng mực nào đó đã trưởng thành và đã có thể sử dụng trí thông minh và khả năng của mình ở mức cao nhất. Do đó, chúng ta có thể thấy rõ rằng đã có một sự phát triển tích cực trong cách tiếp cận và tư duy của con người khi chúng ta so sánh phần sau của thế kỷ đã qua với phần trước đó. Đây là nguồn hy vọng.
Vào đầu thế kỷ vừa qua, chúng ta đã có quan niệm và niềm tin sai lầm rằng chỉ thông qua khoa học và kỹ thuật, thông qua sự thoải mãn về mặt thể xác, thông qua tiến bộ vật chất thì có thể đạt được hạnh phúc của con người. Rất nhiều sức lực và cố gắng của con người đã được đưa vào việc phát triển vật chất. Trong phần sau của thế kỷ, chúng ta nhận thấy rằng chỉ có phương tiện và sự tiến bộ về vật chất không thôi là chưa đủ. Chúng ta nên nhận thức rằng, cách tiếp cận tinh thần và thay đổi thái độ là quan trọng trong việc đạt được hạnh phúc của con người và khắc phục được phần nào đau khổ của chúng ta. Đồng thời, ta có nhận thức về tầm quan trọng của sự bất bạo động, hòa bình và bảo vệ môi trường. Sự thay đổi về nhận thức mà chúng ta có được là nhờ kết quả của nhiều trải nghiệm của chúng ta trong thế kỷ qua. Bây giờ vào thời điểm này, vào đầu thế kỷ 21, khi chúng ta có thể nhìn thấy tầm quan trọng của việc thay đổi cách tiếp cận tinh thần của chúng ta, phát triển nội tâm, và phát triển khái niệm về bất bạo động, hòa bình và bãi bỏ chiến tranh từ bên trong, thì mọi truyền thống tôn giáo nên quảng bá các khái niệm về lòng từ bi, sự khoan dung, tâm tri túc, và tự kỷ luật. Và do đó, các truyền thống tôn giáo khác nhau đều đóng một vai trò quan trọng trong thời đại hiện nay. Vì vậy, rõ ràng là cần có sự hiểu biết thấu đáo và hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau trên thế giới và nỗ lực chung để đóng góp cho lợi ích của nhân loại.
Tôi tin rằng đặc biệt trong trường hợp Phật pháp đã tồn tại hơn 2500 năm và chia sẻ với các giáo lý của truyền thống tôn giáo khác như tâm từ bi, lòng nhân ái, sự khoan dung, và tự kỷ luật, nó có vai trò đặc biệt trong thời đại ngày này. Điều này là do - không giống như các truyền thống tôn giáo khác - Phật giáo đưa ra khái niệm độc đáo về lý nhân duyên, gần với khoa học hiện đại.
Trong số các Phật tử nói chung, có truyền thống Pali và truyền thống Phạn ngữ. Theo truyền thống thứ hai, đã được phát triển tại trường đại học lâu đời và nổi tiếng của Nalanda, các chủ đề của triết học và lô gíc đã được các học giả Phật giáo triển khai mạnh mẽ vào thời ấy. Do đó, truyền thống Phạn ngữ của Phật giáo trở nên vô cùng quan trọng. Trong thời gian gần đây, đã có sự thiếu liên lạc và tương tác giữa các Phật tử chúng ta. Trong tương lai chúng ta cần phải trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau và cải tiến sự giao tiếp giữa chính chúng ta. Các Phật tử Ấn Độ của chúng ta cần phải có sự quan tâm đặc biệt và trách nhiệm trong truyền thống Phạn ngữ của Phật giáo tồn tại chủ yếu ở Ấn Độ.
Tận dụng cơ hội của cuộc họp mặt này, tôi muốn bày tỏ hy vọng rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ có khả năng giao tiếp nhiều và tốt hơn nữa giữa chúng ta và bất kể chúng ta thuộc về truyền thống Phật giáo nào, ta cũng sẽ đóng góp hiệu quả hơn cho hạnh phúc và sự an lạc của con người trên thế giới.