New Delhi, Ấn Độ, ngày 30 tháng 11, 2011
[Khán thính giả bao gồm các thành viên lão thành của các cộng đồng tu viện từ tất cả các nước Phật giáo Á Châu]
Do Diana Yles ghi chép lại, biên soạn đôi nét bởi Luke Roberts và Alexander Berzin
Các anh chị em Phật tử kính mến! cùng tất cả quý vị đang tập họp ở đây:
Là một tu sĩ Phật giáo, đây thực sự là một khoảnh khắc rất cảm động và hạnh phúc. Như thường lệ, người nói chuyện cuối cùng không - có gì để nói cả. Tất cả những điểm tốt đẹp đã được đề cập trước hết rồi!.
Tầm quan trọng của việc nhấn mạnh sự bình đẳng của mọi người như một phần của Nhân loại
Mối quan tâm hay tình cảm của tôi là tất nhiên tôi là Phật tử; nhưng nói sâu xa hơn, tôi là một con người, một trong số gần 7 tỷ người hiện nay. Tôi là một trong số đó. Con người là một động vật xã hội, vì vậy tương lai của từng cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào phần còn lại của nhân loại. Do đó, vì lợi ích cá nhân của tôi, tôi phải suy nghĩ nghiêm túc về nhân loại.
Về căn bản, trên phương diện con người, theo kinh nghiệm của riêng tôi, tôi biết có khoảng 7 tỷ người. Mỗi người đều muốn một cuộc sống hạnh phúc, không ai trong số đó muốn đau khổ; và mỗi người đều có đủ quyền hạn để đạt được điều đó. Không có sự khác biệt. Dù có đức tin tôn giáo nào, hoặc giả là một người vô thần, hoặc xuất thân như thế nào - giàu hay nghèo, có học thức hay không, từ một gia đình hoàng tộc hoặc người hành khất - chúng ta đều là con người. Chúng ta đều giống nhau. Chúng ta đều có quyền như nhau.
Tôi nghĩ rằng, đối với nhiều vấn đề mà chúng ta - với tư cách là nhân loại nói chung - đang đối mặt, ta chú ý quá nhiều vào khía cạnh thứ yếu - khía cạnh của sự khác biệt. Nếu chúng ta nghĩ về căn bản tất cả chúng ta đều là người anh chị em như nhau, thì không có cơ sở để cãi nhau, không có cơ sở để lừa dối nhau, hoặc xem thường nhau. Chúng ta đều giống nhau. Vì vậy, chúng ta thực sự cần phải nhận thức rõ ràng rằng chúng ta đều như nhau.
Một nhân loại hạnh phúc hơn trong tương lai là mối bận tâm và trách nhiệm của mọi người. Nhưng là Phật tử chúng ta - tôi nghĩ có thể gần một tỷ Phật tử - cũng có trách nhiệm phục vụ nhân loại. Tôi nghĩ rằng động lực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để đạt được giác ngộ là vì tất cả chúng sinh. Toàn bộ cuộc đời của Ngài và toàn bộ giáo huấn của Ngài dành cho chúng sinh hữu tình, không chỉ riêng cho Phật tử.
Nhìn lại thế kỷ 20
Hãy nhìn lại thế kỷ hai mươi. Tôi nghĩ rằng thế kỷ hai mươi đã trở thành một thế kỷ vô cùng quan trọng trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Chúng ta đã phát minh ra rất nhiều thứ tích cực. Và đồng thời, thế kỷ hai mươi đã trở thành một thế kỷ của đổ máu, một thế kỷ của bạo lực. Ngay cả trên danh nghĩa của các tôn giáo khác nhau, cũng có bạo lực và chia rẽ. Vì vậy, thế kỷ hai mươi thực sự đã trở thành một thế kỷ của sự giết chóc, một thế kỷ của bạo lực. Theo một số sử gia, hơn hai trăm triệu người đã thiệt mạng. Nếu sự khổ đau trên diện rộng như vậy thực sự mang lại đôi điều tốt đẹp trên hành tinh này, như một thế giới an bình hơn, hạnh phúc hơn, thì ngần ấy khổ đau có thể được biện minh. Nhưng lại không phải như vậy. Ngay cả vào đầu thế kỷ 21 này, đây đó vẫn có những điều không lành mạnh, không vui.Theo tôi đó là kết quả hoặc triệu chứng của những sai lầm, sơ suất trong quá khứ.
Và rồi cũng liên quan đến công nghệ, đã có những tiến bộ to lớn, nhưng công nghệ đó cũng đôi khi giúp cho sức mạnh hủy diệt. Bản thân khoa học và kỹ thuật thì tuyệt vời; nhưng để sử dụng chúng một cách hữu ích, suy cho cùng còn phụ thuộc vào cái này, trái tim của chúng ta, phụ thuộc vào trái tim của người sử dụng kỹ thuật, người sử dụng khoa học và kiến thức về khoa học. Nếu quý vị mong đợi một thế giới tốt đẹp hơn đến từ tiền bạc, từ khoa học, kỹ thuật, thì sai lầm. Nếu quý vị thực sự mong muốn một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới hạnh phúc hơn, thì cuối cùng tùy thuộc vào cái này, trái tim của chúng ta. Trí thông minh và giáo dục cũng chưa chắc mang lại một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả những kẻ gây rối mà chúng ta đã biết–theo tôi,căn cứ vàobộ não của họ, họ là người rất thông minh. Vì vậy, động lực của họ ở đây trong trái tim họ - nóng giận, sợ hãi, hận thù, ngờ vực- đó là nguyên nhân của những vấn đề này.
Tính tất yếu của sự An lạc Nội tâm tâm trên phương diện Cá nhân
Vì vậy, trước tiên, để làm cho thế kỷ 21 này trở thành một thế kỷ hòa bình, chúng ta phải suy nghĩ về sự an lạc nội tâm. Hòa bình không bao giờ đạt được thông qua tuyên bố, nghị quyết, khẩu hiệu. Hòa bình phải đến từ sự an lạc của nội tâm. Đó là cách duy nhất. Vì vậy, để tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn, cuối cùng quý vị phải nhìn vào điều này, động cơ của mỗi cá nhân. Thông qua một cơ quan của thế giới như Liên Hiệp Quốc, ta không thể xây dựng hòa bình. Hòa bình phải đến từ sự bình an trong tâm hồn của con người, ở mức độ cá nhân.
Tránh đạo đức giả trong tôn giáo
Các cá nhân kết hợp lại- đó là xã hội, là cộng đồng. Nhưng các nhà lãnh đạo dường như đi vào xã hội mà không quan tâm nhiều đến nguyên tắc luân lý, đạo đức. Xã hội chỉ quan tâm đến tiền bạc, quyền lực. Vậy dân chúng của loại xã hội đó tự động chỉ nghĩ đến tầm quan trọng của tiền bạc và quyền lực. Chúng ta không thể đổ lỗi cho họ. Toàn bộ xã hội của chúng ta đang nghĩ theo hướng này.
Tôi nghĩ rằng nhiều người theo tôn giáo chỉ khấn miệng, lạy "Thượng đế" hay "Phật", nhưng trong cuộc sống thực tế hàng ngày của họ, họ không quan tâm. Phật tử chúng ta niệm Phật, nhưng trong cuộc sống thực tế hằng ngày của chúng ta, chúng ta không quan tâm đến Đức Phật, chỉ tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Cái gì đây? Tôi nghĩ rằng những người theo tôn giáo đôi khi cũng học đạo đức giả. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, nhưng có thực hành không? Chúng ta không quan tâm đến vấn đề quyền lợi của người khác. Chúng ta chỉ khai thác. Tôi nghĩ nhiều người theo các tôn giáo khác cũng cầu nguyện, họ cầu nguyện Thượng Đế - "Con tin vào Đức Chúa, người sáng tạo ra chúng con" - nhưng chúng ta - sản phảm do Chúa tạo ra -lại không nghe lời Đấng sáng tạo, sự dẫn đường của Đấng sáng tạo.
Tôi thường nói với bạn bè Ấn Độ của tôi rằng, người Ấn Độ tương đối là người mộ đạo hơn. Họ cầu nguyện Shiva, Ganesh - tôi nghĩ họ cầu Ganesh chủ yếu để được lợi lộc. Vì vậy, họ thực sự quen với thờ phượng, cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng nhà nào cũng có một vài tượng thần. Nhưng trong cuộc sống thực tế của họ có rất nhiều tham nhũng. Như thế nào? Không có thần thánh, không có Đức Phật nào nói tham nhũng là được cả. Chúng ta nên trung thực và công minh. Không có vị thầy vĩ đại nào nói, "Ồ, anh nên bóc lột càng nhiều càng tốt. Tôi sẽ ban phước cho anh.” Không có thần thánh nào nói như vậy cả.
Vì vậy, nếu chúng ta chấp nhận một đấng tối cao như Đức Phật, Chúa Giê Su Ky Tô, Mohammed hay những vị khác, thì chúng ta nên là những người chân thành, trung thực. Qua cách đó ta cũng tự tin hơn: "Tôi không có gì để giấu; tôi có thể nói với bất cứ ai điều tôi suy nghĩ và trả lời bất cứ cái gì một cách trung thực. "Như vậy quý vị được người khác tin tưởng. Vì vậy, từ quan điểm ích kỷ của riêng mỗi người, trung thực và chân thành là một nguồn lực nội tâm rất quan trọng, sự tự tin. Vâng, có những người nói chuyện rất tử tế và mỉm cười, nhưng khi bạn nhìn vào động lực của họ, lại là điều khác. Làm thế nào bạn có thể phát triển sự tin cậy hoặc tôn trọng họ đây?
Trung thực trong việc hành đạo
Tôi là Phật tử, và tôi muốn nói với các anh chị em Phật tử của tôi rằng, giáo lý của Đức Phật dĩ nhiên đã có hơn hai nghìn năm trăm năm tuổi; Nhưng lời dạy của Ðức Phật vẫn có liên quan đến thế giới ngày nay. Một số nhà khoa học hàng đầu hiện đang thực sự mong muốn có được nhiều thông tin và phương pháp hơn để đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Lời giáo huấn này thật là tuyệt vời, nhưng giờ đây tôi cảm thấy có dấu hiệu cho thấy rằng có những vị lama (những vị Thầy tâm linh) hay những Tulkus (Lạt Ma tái sanh) có phẩm chất bị tha hóa. Tôi thực sự thấy lo lắng. Nếu bạn không có cuộc sống kỷ luật, làm sao bạn có thể dạy điều đó cho người khác? Để chỉ cho người khác thấy Chánh Đạo, bản thân bạn phải đi đúng đường.
Giờ đây tôi nghĩ rằng tất cả những điều tích cực đã được phát biểu, vì vậy bây giờ điều duy nhất còn lại là để tôi nói them về những điều tiêu cực. Chúng ta phải rất, rất nghiêm túc. Bản thân tôi là một tu sĩ Phật giáo. Tôi luôn nhìn lại mình. Mỗi buổi sáng, ngay khi thức dậy, tôi luôn nhớ đến Đức Phật và niệm một số lời dạy của Ngài, để định hướng tâm trí của tôi. Sau đó, thời gian còn lại trong ngày, tôi dành để tuân theo các nguyên tắc đó: trung thực, chân thật, từ bi, an lạc, không bạo lực. Vì vậy, tôi hy vọng rằng, các anh chị em Phật tử của tôi ở đây, khi quý vị nói về giáo pháp, "Phật Pháp”, quảng bá và truyền bá Phật Pháp, trước tiên, bạn tự truyền pháp trong trái tim của chính mình. Đó là điều rất quan trọng, đó chính là - Phật pháp.
Dĩ nhiên tất cả những truyền thống tôn giáo lớn khác cũng có cùng tiềm năng mang lại sự an tâm và bằng cách này sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng điều độc đáo của đạo Phật, đạo Ký na giáo, và một phần của truyền thống Số Luận [Samkhya] là nhấn mạnh tầm quan trọng của cá nhân. Lý thuyết hoặc quan điểm cuối cùng là về sự tự sáng tạo. Và chúng ta tin vào luật nhân quả: Nếu bạn hành động đúng, kết quả sẽ tích cực. Nếu bạn làm điều sai trái, tiêu cực sẽ xảy ra. Vì vậy, theo luật nhân quả, nếu bạn làm sai, Đức Phật không thể cứu bạn. Đức Phật dạy: "Ta sẽ chỉ cho các con con đường đi đến Niết Bàn [không có khổ đau], nhưng liệu các con có đạt được điều đó hay không còn tùy thuộc vào các con nữa. Ta không thể dẫn dắt các con bằng cách ban phước cho con”.
Vì vậy, quý vị là chủ nhân của chính mình. Tôi nghĩ là cách giáo huấn này rất, rất hữu ích. Mọi thứ tùy thuộc vào hành vi của chính mình. Hành vi, dù là tích cực hay tiêu cực, hoàn toàn phụ thuộc vào động lực. Vì vậy, Phật pháp có thể, theo tôi nghĩ, đóng góp đáng kể cho sự an lạc nội tâm như thế đó.
Sự hòa hợp giữa các Truyền thống Phật giáo khác nhau
Bây giờ, như tôi đã đề cập ngày hôm qua, trước đây khi chúng ta gặp các nhà lãnh đạo từ Miến Điện và Lào và một số người khác, vì những tên gọi là "Tiểu thừa", "Đại Thừa" và "Mật Tông", mọi người có ấn tượng rằng ba thừa [Xe] này là một cái gì đó thực sự khác nhau và riêng biệt. Hoàn toàn sai lầm. Như tôi đã nói vắn tắt sáng nay, truyền thống Tiểu Thừa Theravada (Nguyên thủy), hay truyền thống Nam Tông Pali, là nền tảng của Phật Pháp; và thực hành Luật Tạng vinaya [nguyện và giới luật của chư tăng ni] chính là nền tảng của Phật Pháp.
Hãy nhìn Đức Phật và lịch sử của Ngài. Ngài đã tự xuống tóc rồi trở thành một tu sĩ. Đó là việc thực hành giới luật Sila [giới đức tự kỷ luật]. Sau đó Ngài đã thiền định trong sáu năm. Đó là thực hành Định samadhi [tập trung tư tưởng], và cũng là thực hành Minh sát tuệ vipassana [một trí huệ đặc biệt]. Bằng cách đó, cuối cùng Ngài đã đạt được giác ngộ. Vì vậy, Tam Vô Lậu Học là giới, định, tuệ [thiền phân tích, trí huệ] hoặc vipassana. Vì vậy, chúng ta, những đệ tử của Ngài, phải đi con đường đó. Không thực hành tự kỷ luật, không thực hành luật tạng, làm sao ta có thể phát triển trạng thái tĩnh tâm samatha [tâm tịnh thuần thục], và minh sát tuệ vipassana. Khó lắm. Do đó truyền thống Pali là nền tảng của Phật pháp.
Ngoài ra, tôi thiết nghĩ đến việc thực hành Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa [Bát nhã hay Trí tuệ Ba La Mật], theo Phạn ngữ, với sự nhấn mạnh vào Diệt Đế [chấm dứt khổ đau và căn nguyên của khổ đau], chân lý thứ ba của Tứ Diệu Đế. Cần phải nói rõ hơn. Diệt Đế là gì? Đức Phật giải thích khả năng đoạn trừ sự ngu si của chúng ta. Một khi chúng ta hoàn toàn diệt trừ vô minh khỏi tâm ta, tức là diệt khổ hay giải thoát. Đó là lời giải thích thêm. Và tiếp theo là Đạo Đế magga [Bát Chánh Đạo hay con đường hoặc sự hiểu biết để đạt được sự chấm dứt thực sự của khổ đau, chân lý thứ tư của Tứ Diệu Đế] là sự lý giải sâu hơn.
Vì vậy, trên cơ sở truyền thống Pali, rồi đến truyền thống Phạn ngữ Bắc Ấn, giống như tầng một. Nói cách khác, đầu tiên là tầng trệt; đó là truyền thống Nam Tông Pali - trì giới tỳ kheo, tự kỷ luật, sila. Sau đó đến tầng một, Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa và Vi Diệu Pháp (các chủ đề kiến thức đặc biệt), một loại luận [abhidharma] - những lời thuyết giảng về trí huệ, Lục Độ Ba La Mật [sáu giai đoạn hoàn thiện tinh thần hay Đáo bỉ ngạn] hoặc Thập Độ Ba La Mật. Rồi trên cùng là Phật Giáo Mật Tông [Tantrayana] - quán các vị thần bổn tôn dựa trên thực hành Minh sát tuệ [vipassana], Tam Ma địa hay Nhất điểm trụ [samatha], và Bồ Đề Tâm [bodhichitta] [tâm tỉnh thức nhằm đạt được giác ngộ vì lợi ích của chúng sanh]. Vì vậy, đấy là tầng trệt, tầng một và tầng hai, cứ như thế. Nếu không có tầng trệt, quý vị không thể xây dựng các tầng khác. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các anh chị em Phật tử ở đây nên biết điều đó.
Tất nhiên tôi không có thẩm quyền. Tôi tự xem mình là một học trò. Bất cứ khi nào có thời gian, tôi luôn luôn học tập và đọc sách, đọc và đọc. Đối với Phật giáo Tây Tạng, khoảng ba trăm tập đã được dịch ra tiếng Tây Tạng từ các ngôn ngữ Ấn - Pali, Phạn ngữ và một số tiếng Nê-pan. Vì vậy, bất cứ khi nào tôi có thời gian, tôi đều đọc, suy ngẫm và nghiên cứu ba trăm cuốn kinh điển này. Chắc chắn kiến thức của tôi tốt hơn một chút so với những người chưa bao giờ chạm vào ba trăm tập này. [Dựa trên kiến thức đó,] khi tôi nghiên cứu những cuốn sách này, tôi phát triển sự xác tín đầy đủ rằng việc chuyên hành Tam Vô Lậu Học này là rất cần thiết.
Trở thành Tu Sĩ đích thực
Trước tiên, chúng ta là tu sĩ Phật giáo, cho dù là truyền thống Tiểu thừa [Theravada] hay Đại thừa [Mahayana] hay Mật tông [Tantrayana] - chúng ta đều phải là đệ tử chân chính của Đức Phật. Điều đó rất quan trọng. Rõ chưa? Để trở thành đệ tử của Ngài, chúng ta không thể chỉ khoác áo cà sa, Tăng bào của Tỳ kheo. Chúng ta không thể gọi những người như vậy là Tăng Sĩ Phật Giáo. Chúng ta không thể nói đây là Tăng sĩ tốt hay những Tỳ kheo tốt. Chỉ thay áo thôi thì dễ lắm. Chúng ta phải thay đổi ở đây, trong trái tim và tâm thức của chúng ta, để trở thành một đệ tử chân chính của Đức Phật. Để trở thành một tu sĩ Phật giáo, quý vị phải thực hành nghiêm ngặt sự tự kỷ luật. Đôi khi có vẻ như: "Ồ, để cho Đức Phật làm tất cả những công việc khó khăn. Ta có thể sống một cuộc sống xa hoa. "Bằng cách nào? Làm sao quý vị sống như vậy được? Nếu là một Phật tử, ta phải theo con đường của Đức Phật - sáu năm tu tập rất vất vả. Chúng ta phải noi theo gương Ngài.
Bây giờ, như tôi đã nói ngày hôm qua, một người bạn đã nói về khoảng cách - hoặc bức tường giữa truyền thống Nam Tông Pali và truyền thống Phạn ngữ Bắc Ấn. Bức tường này chẳng có lợi cho ai cả. Chúng ta phải đến với nhau và trao đổi. Có rất nhiều thứ để chúng tôi có thể học hỏi từ truyền thống của quý vị, từ giới nguyện thiền môn của quý vị. Quý vị cũng có thể học được một số quy tắc kỷ luật bằng tiếng Phạn của chúng tôi. Vì vậy, các cuộc gặp gỡ thường xuyên hơn - không chỉ theo nghi thức, mà là hội họp, thảo luận nghiêm túc - là tối cần thiết. Đấy là một việc.
Vấn đề khôi phục lại Cụ Túc Giới cho Chư Ni
Tiếp theo, liên quan đến Tỳ Kheo Ni (Tu sĩ Ni thọ đầy đủ Cụ Túc Giới), như quý vị đã biết, ngay từ đầu tôi đã ủng hộ sự khôi phục việc tu tập của Tỳ Kheo Ni theo Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Mulasarvastivadin [mà người Tây Tạng chúng tôi và Mông Cổ theo học]. Nhưng chúng ta phải tuân theo những bản kinh của Luật Tạng. Nếu tôi có một loại đặc quyền để hành động như một nhà độc tài, thì tôi có thể nói, "Ồ, ngươi phải làm cái này." Chúng tôi không thể làm như thế được. Chúng ta phải tu học các Luật tạng vinaya – Kinh Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Mulasarvastivadin và kinh Pháp tạng bộ Dharmagupta [ ở Đông Á] và kinh Tiểu thừa Theravada [ở Đông Nam Á].
Quý vị thấy đấy, đây là một chủ đề quan trọng mà chúng ta phải thảo luận rất nghiêm túc. Quyết định này nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Điều tôi có thể quyết định là đưa vào tất cả các Ni viện ở cộng đồng Tây Tạng cùng một trình độ chuyên tu mà các tu viện lớn này có thể có trong giáo trình. Và bây giờ chúng tôi đã có một số chư Ni đã trở thành geshema (nữ Tiến sĩ), học giả uyên thâm [tiến sĩ về triết học Phật giáo].
Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thảo luận về vấn đề Tỳ Kheo Ni và bây giờ nhân dịp này chúng tôi cũng đang làm như vậy. Tôi đã trình bày bức thư kêu gọi gần đây nhất cho nhà lãnh đạo Phật giáo Lào cũng như nhà lãnh đạo Phật giáo Miến điện. Chúng tôi sẽ tiến hành thảo luận nghiêm túc, và tôi chắc chắn rằng cuối cùng chúng ta sẽ đạt được một số thỏa thuận.
Tôi nghĩ đó là tất cả. Cảm ơn các quý vị.
[Video của bài phát biểu có thể xem ở đây]