Theo Tenzin Gyatso, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma
Bài báo này dựa trên một bài phát biểu của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Thần kinh vào ngày 12 tháng 11 năm 2005 tại Washington DC
Những thập kỷ gần đây đã chứng kiến những tiến bộ to lớn trong sự hiểu biết khoa học về bộ não và cơ thể con người nói chung. Hơn nữa, với sự ra đời của di truyền học mới, kiến thức thần kinh học về hoạt động của các cơ thể sinh vật học giờ đây đã đến mức độ tinh tế nhất của các gien riêng lẻ. Điều này dẫn đến những khả năng kỹ thuật không lường trước được của việc thao túng ngay cả các quy tắc sống, do đó tạo khả năng làm ra những thực tế hoàn toàn mới cho nhân loại nói chung. Ngày nay vấn đề về giao điểm của khoa học với nhân loại không còn là vấn đề liên quan đến học thuật nữa. Vấn đề này phải mang tính cấp bách đối với những ai quan tâm đến số phận của sự sống nhân loại; cho nên tôi cảm thấy rằng một cuộc đối thoại giữa khoa thần kinh và xã hội có thể có những lợi ích sâu sắc vì nó có thể nâng cao hiểu biết cơ bản của chúng ta về cách làm người là thế nào và trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới tự nhiên mà ta chia sẻ với những chúng sinh khác. Tôi vui mừng nhận thấy rằng, như một phần của giao diện rộng hơn này, một số nhà thần kinh học đang ngày càng quan tâm hơn đến việc tham gia vào những cuộc đối thoại sâu sắc hơn với các truyền thống quán chiếu của Phật giáo.
Mặc dù mối quan tâm của tôi đối với khoa học xuất phát từ tính tò mò của một cậu bé hiếu động lớn lên ở Tây Tạng, tuy nhiên, dần dần tầm quan trọng to lớn của khoa học và kỹ thuật để hiểu được thế giới hiện đại bắt đầu trở nên rõ ràng hơn đối với tôi. Không những tôi cố gắng nắm bắt những ý tưởng khoa học cụ thể mà còn tìm cách khám phá ý nghĩa lớn hơn của những thành tựu mới trong kiến thức của con người và sức mạnh công nghệ mà chúng mang lại thông qua khoa học. Các lĩnh vực khoa học đặc trưng mà tôi đã khám phá nhiều nhất trong những năm qua là vật lý hạ nguyên tử, vũ trụ học, sinh học và tâm lý học. Vì sự hiểu biết hạn chế của tôi về những lĩnh vực này, nên tôi rất trân quý thời gian hào phóng mà tôi đã được chia sẻ với Carl von Weizsacker và cố David Bohm, tôi đã xem cả hai Vị này là những giáo sư của tôi về cơ học lượng tử, và trong lĩnh vực sinh học; đặc biệt về thần kinh học là cố Robert Livingstone và Francisco Varela. Tôi cũng biết ơn các nhà khoa học ưu tú mà tôi được đặc quyền đối thoại thông qua sự bảo trợ của Viện Tâm Thức và Đời Sống, nơi mà đã khởi xướng các hội nghị về Tâm Thức và Đời sống bắt đầu vào năm 1987 tại nơi tôi cư ngụ ở Dharamsala, Ấn Độ. Những cuộc đối thoại này đã tiếp diễn qua nhiều năm và thực ra cuộc đối thoại mới nhất của Tâm Thức và Đời Sống mới vừa kết thúc tại Washington chỉ trong tuần này.
Một số người có thể tự hỏi: "Nhà sư làm gì mà quan tâm đến khoa học? Có quan hệ gì giữa Phật giáo - một truyền thống tâm linh và triết học Ấn Độ cổ, với khoa học hiện đại? Có lợi ích khả dĩ gì đối với một ngành khoa học như thần kinh học trong việc đối thoại với truyền thống thiền định của Phật giáo?
Mặc dù truyền thống thiền định của Phật giáo và khoa học hiện đại phát triển từ nguồn gốc lịch sử, trí tuệ và văn hoá khác nhau, nhưng tôi tin rằng về thực chất tất cả đều có chung những điểm quan trọng, đặc biệt là về quan điểm triết học cơ bản và phương pháp luận. Về phương diện triết học, cả Phật giáo và khoa học hiện đại cùng có hoài nghi sâu xa về bất kỳ loại ý niệm tuyệt đối nào, dù được khái niệm hóa như một sinh vật siêu nhiên, như một nguyên tắc vĩnh hằng, không thay đổi như linh hồn, hay như là nền tảng căn bản của thực tại. Cả Phật giáo và khoa học đều muốn giải thích căn nguyên của sự tiến hóa và sự xuất hiện của vũ trụ và sự sống theo các mối tương quan phức tạp của các luật tự nhiên về nhân quả. Theo quan điểm phương pháp luận, cả hai nhấn mạnh vai trò của tính tạm thời. Ví dụ, trong truyền thống nghiên cứu của Phật giáo, giữa ba nguồn tri thức được công nhận- kinh nghiệm, lý luận và chứng ngôn - thì chứng cớ của kinh nghiệm được đặt lên trước hết, lý luận đứng thứ hai và lời khai cuối cùng. Điều đó có nghĩa là, trong cuộc nghiên cứu của Phật giáo về thực tại, ít nhất trên nguyên tắc, các bằng chứng tạm thời sẽ thắng thế đối với quyền uy của kinh kệ, cho dù kinh điển được tôn kính sâu xa đến đâu. Ngay cả trong trường hợp kiến thức bắt nguồn từ lý luận hoặc suy luận, tính hợp lệ của nó rốt cuộc phải được rút ra từ kinh nghiệm có thật đã được kiểm chứng. Vì quan điểm phương pháp luận này, tôi thường nhận xét với các Pháp hữu của mình rằng những hiểu biết đã được kiểm nghiệm nhất thời về bản chất của vũ trụ học và thiên văn học buộc chúng ta phải sửa đổi, hoặc trong một số trường hợp phải bác bỏ nhiều khía cạnh của vũ trụ học truyền thống như trong các kinh kệ Phật giáo cổ.
Vì động cơ chính đằng sau việc nghiên cứu thực tế của Phật giáo là việc tìm kiếm cơ bản để vượt qua khổ đau và hoàn thiện điều kiện của con người, định hướng đầu tiên của truyền thống nghiên cứu của Phật giáo là tìm hiểu về tâm thức của con người và các chức năng khác nhau của nó. Giả định rằng nhờ vào sự hiểu biết sâu sắc hơn về tâm thức con người, chúng ta có thể tìm ra những phương pháp làm chuyển hóa suy nghĩ, cảm xúc và những xu hướng biện giải cho chúng để tìm ra một cách sống thỏa đáng và hoàn thiện hơn. Chính trong bối cảnh này, truyền thống Phật giáo đã đề ra sự phân loại các trạng thái tinh thần phong phú, cũng như các kỹ thuật quán chiếu để tinh lọc những phẩm chất tinh thần cụ thể. Vì vậy, sự trao đổi chân chính giữa kiến thức tích lũy và trải nghiệm của Phật giáo và khoa học hiện đại về nhiều vấn đề trên phạm vi rộng lớn liên quan đến tâm thức con người, từ nhận thức và cảm xúc đến việc am hiểu khả năng biến đổi vốn có trong não người có lẽ sẽ vô cùng thú vị và cũng có thể có lợi. Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi cảm thấy được nâng cao hiểu biết bằng cách tham gia vào các cuộc đối thoại với các nhà thần kinh học và tâm lý học về các vấn đề như bản chất và vai trò của cảm xúc tích cực và tiêu cực, sự chú tâm, tưởng tượng, cũng như đặc tính đàn hồi của não bộ. Bằng chứng thuyết phục từ khoa học thần kinh và y học về vai trò quyết định của sự xúc chạm đơn giản đối với việc mở rộng cơ chế của não bộ trẻ sơ sinh trong những tuần đầu tiên mang lại sự kết nối mật thiết giữa lòng từ bi và hạnh phúc của con người.
Phật giáo từ lâu đã lập luận về tiềm năng to lớn của sự biến đổi vốn tồn tại tự nhiên trong tâm thức con người. Để đạt được điều này, truyền thống đã phát triển nhiều loại kỹ thuật quán chiếu, hoặc thực hành thiền định, nhắm cụ thể vào hai mục tiêu chính là: tu tâm từ bi và rèn luyện trí tuệ quán chiếu thấu đáo về bản chất thực tại, được gọi là sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ. Trọng tâm của việc thực hành thiền này nằm ở hai kỹ thuật chủ yếu là sự tinh tế của chú tâm và một mặt là ứng dụng kéo dài của nó, mặt khác là việc điều hòa và chuyển hóa cảm xúc. Trong cả hai trường hợp này, tôi cảm thấy là có thể có nhiều khả năng nghiên cứu hợp tác giữa truyền thống quán chiếu của Phật giáo và khoa học thần kinh. Ví dụ, khoa học thần kinh hiện đại đã phát triển sự hiểu biết phong phú về các cơ chế của não bộ có liên quan đến cả sự chú tâm và cảm xúc. Truyền thống quán chiếu của Phật giáo, với mối quan tâm lâu đời đối với sự luyện tập tinh thần, cung cấp những phương pháp thực tiễn để tinh luyện sự chú tâm, điều hòa và chuyển hóa cảm xúc. Do đó, sự gặp gỡ của khoa học thần kinh hiện đại và truyền thống quán tưởng của Phật giáo có thể dẫn đến khả năng nghiên cứu tác động của hoạt động tinh thần có chủ đích đối với các mạch não được nhận dạng là quan trọng đối với các quá trình tâm thần cụ thể. Một cuộc gặp gỡ liên ngành như vậy có thể ít ra nêu lên những vấn đề có tính quyết định trong nhiều lĩnh vực then chốt. Chẳng hạn, cá nhân có năng lực cố định để điều chỉnh cảm xúc và sự chú tâm của mình hay không, hoặc như truyền thống Phật giáo biện minh, năng lực để điều chỉnh các quá trình này có thể thay đổi, cho thấy rằng mức độ thích ứng tương tự của hệ thống hành vi và não bộ gắn liền với những chức năng này chăng? Một lĩnh vực mà truyền thống quán chiếu của Phật giáo có thể có đóng góp quan trọng là những kỹ thuật thực hành mà họ đã phát triển để tu tập với lòng từ bi. Liên quan đến việc rèn luyện tinh thần cả trong sự chú tâm và điều tiết cảm xúc, cũng nên đặt câu hỏi rằng liệu kỹ thuật cụ thể nào sẽ nhạy cảm về thời gian tính đối với hiệu quả của chúng, để các phương pháp mới có thể được định hướng sao cho phù hợp với nhu cầu của lứa tuổi, sức khỏe, và các yếu tố khác.
Tuy nhiên cần phải thận trọng. Khi hai truyền thống nghiên cứu khác nhau như Phật giáo và khoa học thần kinh cùng nhau đối thoại, điều không thể tránh khỏi là đưa đến những vấn đề thường gặp khi trao đổi qua ranh giới về văn hoá và kỷ luật. Ví dụ, khi chúng ta nói về "khoa học thiền định", chúng ta cần phải nhạy cảm với ý nghĩa chuẩn xác của thuật ngữ đó. Về phần các nhà khoa học, tôi cảm thấy điều quan trọng là phải nhạy cảm với những ý nghĩa khác nhau của một thuật ngữ quan trọng như thiền định trong ngữ cảnh của truyền thống của họ. Ví dụ, trong phạm vi của truyền thống, thuật ngữ thiền là bhavana (Phạn ngữ) hoặc gom (Tạng ngữ). Thuật ngữ tiếng Phạn bao hàm ý nghĩa tu dưỡng, trau giồi; chẳng hạn như nuôi dưỡng một thói quen đặc biệt hoặc lối hiện sinh, trong khi từ “gom” của Tây Tạng có ý nghĩa nuôi dưỡng sự hiểu biết. Như vậy, nói một cách vắn tắt, thiền định theo truyền thống Phật giáo đề cập đến một hoạt động tinh thần có chủ ý liên quan đến việc tu luyện sự hiểu biết, có thể về một đối tượng đã chọn, một thực tế, chủ đề, thói quen, quan điểm hay cách sống. Nói chung, có hai loại hành thiền - một là tập trung vào sự tĩnh tâm và hai là các quá trình nhận biết. Hai loại đều nói đến (i) thiền định và (ii) thiền luận. Trong cả hai trường hợp, thiền có thể có nhiều loại hình khác nhau. Ví dụ, nó có thể là đối tượng của nhận thức của ta, chẳng hạn như suy nghĩ về bản chất giả tạm của ta. Hoặc nó thể hiện dưới dạng của sự tu dưỡng một trạng thái tinh thần cụ thể, chẳng hạn như lòng từ bi qua việc thành tâm, quên mình, khao khát làm giảm bớt đau khổ của người khác. Hoặc, nó có thể mang hình thức tưởng tượng, khám phá tiềm năng của con người để tạo ra những hình ảnh tinh thần, có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để nuôi dưỡng tâm an lạc. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận thức được những hình thức thiền cụ thể mà ta đang điều tra khi hợp tác nghiên cứu để tình trạng phức tạp của các cách hành thiền được nghiên cứu sao cho phù hợp với sự tinh tế của nghiên cứu khoa học.
Một lãnh vực khác mà quyết định tương lai của các nhà khoa học là khả năng phân biệt giữa khía cạnh thực nghiệm của tư tưởng Phật giáo, thực hành quán chiếu và những giả định triết học và siêu hình có liên quan đến việc hành thiền này. Nói cách khác, khi ta phải phân biệt giữa giả thuyết, quan sát thực tế dựa trên thực nghiệmtrong cách tiếp cận khoa học, và những diễn giải theo sau, điều quan trọng là phân biệt giả thuyết, đặc điểm trạng thái tâm thần có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm và các diễn giải triết học theo sautrong Phật giáo. Bằng cách này, trong cuộc đối thoại cả hai bên có thể tìm thấy lý lẽ chung về các sự kiện có thể quan sát qua thực nghiệm của tâm con người, để không rơi vào sự cám dỗ của việc rút gọncơ cấu của giáo pháp này vào cấu trúc của giáo pháp kia. Mặc dù những phỏng đoán triết học và chú giải dựa trên khái niệmtheo sau có thể khác nhau giữa hai truyền thống điều tra này, căn cứ vào dữ kiện thực nghiệm, dữ kiện phải luôn là các dữ kiện, cho dù ta có chọn cách mô tả chúng như thế nào. Bất kể sự thật về bản chất cuối cùng của tâm thức như thế nào- cho dù sau cùng nó có thể được rút gọn thành quy trình vật lý hay không – thì tôi vẫn tin là có thể chia sẻ hiểu biết về dữ kiện thực nghiệm của các khía cạnh khác nhau trong nhận thức, suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta.
Với những cân nhắc để tránh rắc rối, tôi tin rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai truyền thống nghiên cứu này có thể thực sự đóng góp vào việc mở rộng sự hiểu biết của con người về thế giới phức tạp của kinh nghiệm nội quan mà chúng ta gọi là tâm. Lợi ích của những sự hợp tác như vậy bắt đầu được chứng minh. Theo báo cáo sơ bộ, ảnh hưởng của việc rèn luyện tinh thần, như việc thực hành chánh niệm đơn giản một cách thường xuyên hoặc tu luyện lòng từ bi có chủ tâm được phát triển trong Phật giáo, mang lại những thay đổi có thể thấy được trong não bộ của con người có tương quan với trạng thái tinh thần tích cực. Các khám phá gần đây về khoa học thần kinh đã minh chứng tính đàn hồi dẻo dai bẩm sinh của não bộ, cả về sự chắp nối khớp thần kinh và sự ra đời của các nơ-ron mới, như là kết quả của sự kích thích bên ngoài, như tự nguyện tập thể dục và môi trường màu mỡ. Truyền thống quán chiếu của Phật giáo giúp mở rộng lĩnh vực nghiên cứu khoa học này bằng cách đề xuất các loại hình luyện tâm gắn liền với sự dẻo dai của thần kinh. Theo truyền thống quán chiếu của Phật giáo, nếu như việc tu luyện tâm có thể tác động đến những biến đổi khớp và nơ-ron thần kinh trong não bộ thì hàm ý của sự tu tâm thật sâu rộng. Hậu quả của việc nghiên cứu này sẽ không chỉ dừng lại ở việc mở rộng kiến thức về tâm thức con người mà có lẽ quan trọng hơn, nó có thể có ý nghĩa lớn lao đối với sự hiểu biết của chúng ta về giáo dục và thể chất tâm thần. Tương tự như vậy, như Phật giáo đã tuyên bố, việc tu luyện lòng từ bi có thể dẫn đến sự thay đổi cơ bản về quan điểm của cá nhân, dẫn đến sự thấu cảm lớn hơn đối với người khác, điều này có thể có ý nghĩa sâu rộng đối với xã hội nói chung.
Cuối cùng, tôi tin rằng sự hợp tác giữa khoa học thần kinh và truyền thống quán chiếu của Phật giáo có thể làm sáng tỏ một vấn đề cực kỳ quan trọng về giao điểm giữa đạo đức và thần kinh học. Bất kể chúng ta có cách nhìn như thế nào về mối quan hệ giữa đạo đức và khoa học, trong thực tế, khoa học đã phát triển chủ yếu như là một phái kinh nghiệm với lập trường trung lập về đạo đức và không phán xét. Nó đã được nhìn nhận chủ yếu như là một phương thức nghiên cứu cung cấp kiến thức chi tiết về thế giới thực nghiệm mà nền tảng là các quy luật tự nhiên. Trên quan điểm khoa học thuần túy, việc chế tạo vũ khí hạt nhân là một thành tựu thật tuyệt vời. Tuy nhiên, vì việc chế tạo này có tiềm năng gây ra rất nhiều đau khổ qua cái chết và tàn phá không thể tưởng tượng nổi, ta xem nó là hủy diệt. Đó là sự đánh giá về đạo đức để xác định cái gì là tích cực và đâu là tiêu cực. Cho đến gần đây, cách đặt vấn đề tách khoa học ra khỏi đạo đức, biết rằng năng lực của con người đối với tư duy luân lý phát triển cùng với tri thức của họ, dường như đã đạt được kết quả.
Hiện nay, tôi tin rằng nhân loại đang đứng ở một bướt ngoặt quan trọng. Những tiến bộ cấp tiến diễn ra trong khoa học thần kinh và đặc biệt là trong di truyền học vào cuối thế kỷ hai mươi đã dẫn tới một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Kiến thức của chúng ta về bộ não và cơ thể con người ở mức độ tế bào và di truyền, với khả năng kỹ thuật điều khiển được di truyền, đã đạt được đến mức mà những thách thức về đạo đức của những tiến bộ khoa học này rất lớn. Rõ ràng là tư duy luân lý của chúng ta đơn giản không thể theo kịp với tiến bộ nhanh của việc thu thập kiến thức và quyền lực. Tuy nhiên, sự phân nhánh của những phát hiện mới này và ứng dụng của chúng rất sâu rộng đến mức chúng gắn liền với khái niệm về bản chất con người và sự bảo tồn loài người. Vì vậy, không còn thích hợp khi theo quan điểm cho rằng trách nhiệm của chúng ta với tư cách một xã hội là chỉ đơn giản đẩy mạnh kiến thức khoa học và tăng cường sức mạnh công nghệ và việc lựa chọn cần làm gì với kiến thức và sức mạnh ấy thuộc về cá nhân. Chúng ta phải tìm cách suy xét về mặt nhân đạo và đạo đức cơ bản để tác động đến hướng phát triển khoa học, đặc biệt là khoa học sự sống. Bằng cách viện đến các nguyên tắc đạo đức cơ bản, tôi không ủng hộ sự kết hợp của đạo đức tôn giáo với nghiên cứu khoa học. Thay vào đó, tôi đang nói về cái gọi là "đạo đức trần tục", bao hàm nguyên tắc đạo đức cơ bản, như lòng từ bi, sự khoan dung, ý thức chăm sóc, quan tâm đến người khác, và việc sử dụng kiến thức và quyền lực có trách nhiệm - những nguyên tắc mà vượt qua rào cản giữa người có đạo và người vô đạo, và những người theo tôn giáo này hay tôn giáo khác. Cá nhân tôi muốn tưởng tượng tất cả các hoạt động của con người, kể cả khoa học, như từng ngón tay của cả bàn tay. Một khi mỗi một ngón tay này được kết nối với bàn tay cảm thông và vị tha của con người, chúng sẽ tiếp tục làm việc vì phúc lợi của nhân loại. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà thôi. Kinh tế hiện đại, phương tiện truyền thông điện tử, du lịch quốc tế, cũng như các vấn đề về môi trường, tất cả nhắc nhở chúng ta hàng ngày rằng thế giới ngày nay được liên kết chặt chẽ. Các cộng đồng khoa học đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong thế giới kết nối này. Vì bất kỳ nguyên nhân lịch sử nào, ngày nay các nhà khoa học được tôn trọng và tin tưởng trong xã hội, nhiều hơn là truyền thống của riêng tôi về triết học và tôn giáo. Tôi kêu gọi các nhà khoa học hãy đưa vào công việc chuyên môn của họ tiếng gọi của đạo lý cơ bản mà chúng ta đều chia sẻ với tư cách là con người.
Bản quyền 2005 của Viện Tâm Thức và Đời sống, Boulder, CO, Mỹ. Mọi bản quyền đều được bảo lưu