Bởi Tenzin Gyatso, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Năm nay, năm 2008, đánh dấu lễ Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn thế giới về Nhân Quyền (1948-2008). Tuyên ngôn này khẳng định rằng tất cả con người đều có quyền tự do thoát khỏi sự thiếu tự tin và không sợ hãi. Những quyền này kể cả sự phụ thuộc lẫn nhau và mang tính toàn cầu.
Cho dù chúng ta đang quan tâm đến những đau khổ sinh ra từ đói nghèo, với sự phủ nhận tự do, với xung đột vũ trang hay với một thái độ liều lĩnh đối với môi trường tự nhiên ở mọi nơi, chúng ta không nên xem các sự kiện này một cách tách rời. Cuối cùng, tất cả chúng ta cũng nhận ra hậu quả của chúng. Do đó, chúng ta cần có hành động hiệu quả mang tính quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu này theo quan điểm đồng nhất của nhân loại và từ sự hiểu biết sâu sắc về bản chất liên kết sâu xa của thế giới ngày nay.
Khi sinh ra, tất cả con người đều có những phẩm chất cần cho sự sống còn của chúng ta, như chăm sóc, nuôi dưỡng và ân cần. Tuy nhiên, mặc dù đã có những phẩm chất tích cực như vậy, chúng ta có xu hướng bỏ mặc chúng. Kết quả là nhân loại đối mặt với những vấn đề không cần thiết. Điều chúng ta cần làm là nỗ lực nhiều hơn để duy trì và phát triển những phẩm chất này. Do đó, việc quảng bá các giá trị của con người là điều quan trọng hàng đầu. Chúng ta cũng cần tập trung vào việc nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau, bất kể sự khác biệt về quốc tịch, tôn giáo, chủng tộc, hay người giàu hay nghèo, có học vấn hay không, tất cả chúng ta đều là con người. Khi gặp khó khăn, chúng ta luôn gặp một ai đó, có thể là một người lạ mặt, người ấy ngay lập tức giúp đỡ chúng ta. Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau trong hoàn cảnh khó khăn, và chúng ta làm điều đó vô điều kiện. Chúng ta không hỏi người đó là ai trước khi giúp họ. Chúng ta giúp đỡ vì họ là những con người như chúng ta.
Rút ngắn khoảng cách giữa người giàu và người nghèo
Thế giới của chúng ta ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, nhưng tôi tự hỏi không biết chúng ta có thật sự hiểu rằng cộng đồng nhân loại phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta phải có lòng từ bi, từ bi trong việc lựa chọn mục tiêu, từ bi trong phương tiện hợp tác và những mục tiêu mà chúng ta theo đuổi. Sức mạnh tuyệt vời mà các thể chế kinh tế đã đạt được trong xã hội chúng ta, và những ảnh hưởng đáng lo ngại mà đói nghèo tiếp tục phơi bày, đã khiến cho tất cả chúng ta tìm kiếm phương tiện chuyển đổi nền kinh tế thành một khối dựa trên lòng từ bi. Hình thức từ bi này khẳng định các nguyên tắc về phẩm giá và công lý cho tất cả những gì được thể hiện trong Tuyên ngôn Thế giới về Nhân Quyền.
Bất cứ nơi nào sự đói nghèo xảy ra, thì nó trở thành một đóng góp đáng kể cho sự bất hài hòa trong xã hội - sức khoẻ, đau khổ và xung đột vũ trang. Nếu chúng ta tiếp tục theo con đường hiện tại của chúng ta, tình hình có thể trở nên không thể khắc phục được. Khoảng cách ngày càng gia tăng giữa “có” và “không có" tạo ra sự đau khổ cho tất cả mọi người. Chúng ta không chỉ quan tâm đến cho chính chúng ta, gia đình, cộng đồng và đất nước chúng ta, mà chúng ta cũng phải cảm thấy có trách nhiệm đối với cá nhân, cộng đồng và các dân tộc - những người tạo nên gia đình nhân loại như một khối toàn vẹn. Chúng tôi yêu cầu không chỉ từ bi cho những ai đau khổ, mà còn là một cam kết đảm bảo công lý xã hội.
Nếu chúng ta nghiêm túc trong việc cam kết của mình đối với các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng mà tôi tin rằng nằm ở trung tâm của quan điểm về nhân quyền, thì sự chênh lệch về kinh tế ngày nay không còn bị lơ là thờ ơ nữa. Không chỉ đơn thuần chỉ nói rằng tất cả con người phải có được phẩm giá ngang nhau. Điều này cần phải được chuyển thành hành động.
Dân chủ và Hòa bình
Ngày nay, các giá trị của dân chủ, xã hội công khai, tôn trọng nhân quyền và bình đẳng đang được cả thế giới công nhận như một giá trị toàn cầu. Theo tôi, có một mối liên hệ mật thiết giữa các giá trị dân chủ và giá trị cơ bản của lòng tốt con người. Nơi nào có dân chủ thì người dân ở đó có khả năng thể hiện những phẩm chất căn bản của con người; và nơi đâu có những phẩm chất nhân văn cơ bản thì nơi đó có nhiều cơ hội tăng cường dân chủ. Quan trọng nhất, dân chủ là nền tảng hiệu quả nhất để đảm bảo hòa bình thế giới.
Tuy nhiên, trách nhiệm làm việc vì hòa bình không chỉ nằm ở chỗ của vị lãnh đạo của chúng ta mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Hòa bình khởi đầu trong mỗi người chúng ta. Khi chúng ta có sự bình an nội tại, thì chúng ta có thể an bình với những người xung quanh. Khi cộng đồng của chúng ta ở trong tình trạng bình an, nó có thể chia sẻ hòa bình với các cộng đồng lân cận và cứ thế. Khi chúng ta cảm thấy tình yêu và lòng tốt hướng tới người khác, nó không chỉ làm cho người khác cảm thấy được yêu thương và chăm sóc, mà còn giúp chúng ta phát triển hạnh phúc nội tại và bình an. Chúng ta có thể làm việc có ý thức để phát triển cảm xúc yêu thương và lòng tốt của mình. Đối với một số người trong chúng ta, cách hiệu quả nhất để làm là thông qua thực hành tôn giáo. Đối với những người khác, đó có thể là những hoạt động phi tôn giáo. Điều quan trọng là mỗi chúng ta thực hiện một nỗ lực chân thành để nghiêm chỉnh nhận trách nhiệm của mình đối với nhau và đối với thế giới mà chúng ta đang sống.
Nhân Quyền
Cung cấp cho sự bình đẳng theo luật pháp, bản tuyên ngôn đã nói rõ rằng mọi người đều có quyền bình đẳng và tự do mà không có bất kỳ hình thức phân biệt nào. Hòa bình và tự do không thể đảm bảo khi nhân quyền cơ bản bị vi phạm. Tương tự, không thể có hòa bình và ổn định khi có áp bức và đàn áp. Thật là không công bằng khi tìm kiếm lợi ích của chính mình với cái giá phải đánh đổi bằng nhân quyền của người khác. Sự thật không thể tỏa sáng nếu chúng ta không chấp nhận sự thật, hoặc coi đó là điều bất hợp pháp để nói lên sự thật. Ý tưởng về sự thật và chân lý sẽ ở đâu nếu chúng ta đạp sự thật và chân lý xuống dưới tấm thảm, và cho phép những hành động bất hợp pháp giành thắng lọi?
Nhân quyền ở Tây Tạng
Nếu chúng ta chấp nhận rằng những người khác có quyền bình đẳng và hạnh phúc như chính mình, thì liệu chúng ta không có trách nhiệm giúp đỡ họ khi cần thiết? Khát vọng dân chủ và tôn trọng nhân quyền cơ bản cũng quan trọng đối với người dân Châu Phi và Châu Á hay đối với người châu Âu hoặc châu Mỹ. Nhưng dĩ nhiên, thường là những người bị tước bỏ nhân quyền, những người ít có khả năng nói lên tiếng nói của mình. Trách nhiệm nằm ở những người trong chúng ta - những người được hưởng quyền tự do như thế.
Có một diễn biến đau buồn ở Tây Tạng mà cần phải được hiểu càng thấu đáo càng tốt. Kể từ khi Chính phủ Trung Quốc buộc tội cho tôi rằng tôi đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Tây Tạng, tôi đã kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng bởi một cơ quan đáng tôn trọng - bao gồm các đại diện Trung Quốc - để xem xét những cáo buộc này. Một cơ cấu như vậy cần phải đến viếng thăm Tây Tạng, các khu vực Tây Tạng truyền thống bên ngoài Khu tự trị Tây Tạng, và cả bộ máy Trung ương Tây Tạng tại Ấn Độ. Để cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là hơn một tỷ người Trung Quốc - những người không có quyền truy cập vào thông tin chưa được kiểm duyệt - để tìm hiểu những gì đang diễn ra ở Tây Tạng; sẽ rất hữu ích nếu các đại diện của các phương tiện truyền thông quốc tế cũng tham gia vào những cuộc điều tra như thế.
Tôi tin rằng nhiều vụ vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng là hậu quả của sự nghi ngờ, sự thiếu tin tưởng và sự thiếu hiểu biết đúng đắn về văn hoá và tôn giáo Tây Tạng. Như tôi đã nói nhiều lần trong quá khứ, điều quan trọng là lãnh đạo Trung Quốc phải hiểu sâu sắc hơn và cảm kích về văn hoá và văn minh Phật giáo Tây Tạng. Tôi hoàn toàn ủng hộ tuyên bố khôn ngoan của Đặng Tiểu Bình rằng chúng ta phải "tìm sự thật từ thực tế”. Do đó, Tây Tạng chúng ta phải chấp nhận những tiến bộ và cải tiến mà luật lệ của Trung Quốc về Tây Tạng đã mang lại cho người Tây Tạng và thừa nhận nó. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc phải hiểu rằng người Tây Tạng đã trải qua những đau khổ và sự tàn phá khủng khiếp trong suốt năm thập kỷ qua.
Mặc dù có một số sự phát triển và tiến bộ về kinh tế; những văn hoá Tây Tạng vẫn tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề căn bản của sự sống còn. Các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở khắp Tây Tạng. Tuy nhiên, đây chỉ là những triệu chứng và hậu quả của một vấn đề sâu sắc hơn. Chính quyền Trung Quốc cho đến nay không thể có một cái nhìn khoan dung và đa nguyên về văn hoá và tôn giáo khác biệt của Tây Tạng; Thay vào đó họ đã nghi ngờ và tìm cách kiểm soát người Tây Tạng. Phần lớn các kế hoạch phát triển của Trung Quốc ở Tây Tạng được thiết kế để thuần hoá Tây Tạng hoàn toàn vào xã hội và văn hoá Trung Quốc; và áp đảo dân số Tây Tạng bằng cách chuyển một số lượng lớn người Hoa vào Tây Tạng. Điều này không may cho thấy các chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng tiếp tục khắc nghiệt, bất chấp những thay đổi sâu sắc được thực hiện bởi chính phủ Trung Quốc và Đảng ở bất cứ nơi nào khác trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Do đó, do các chính sách có chủ ý, nên cả một dân tộc có văn hoá và bản sắc độc đáo đang phải đối mặt với nguy cơ bị áp đảo hoàn toàn không chống lại được.
Thông thường người ta biết rằng các Tu viện Tây Tạng - nơi thành lập nên những trung tâm chính của chúng tôi về lĩnh vực học tập, ngoài ra nó còn là nơi lưu giữ văn hoá Phật giáo Tây Tạng - đã bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và Tăng chúng. Trong những Tu viện vẫn tồn tại, việc nghiên cứu nghiêm túc về Phật giáo Tây Tạng không còn được cho phép nữa; Trên thực tế, thậm chí việc nhập học vào các trung tâm học tập này cũng đang được quy định chặt chẽ. Thật ra, không hề có sự tự do tôn giáo ở Tây Tạng. Ngay cả việc để kêu gọi cho một chút tự do hơn, là đã có nguy cơ bị dán nhãn là một người ly khai. Cũng không có bất kỳ quyền tự trị thực sự nào ở Tây Tạng, mặc dù các quyền tự do cơ bản được bảo đảm bởi hiến pháp Trung Quốc.
Tôi tin rằng các cuộc biểu tình và phản kháng xảy ra ở Tây Tạng đã phản ánh sự phản ứng đối với sự đàn áp. Các biện pháp đàn áp hơn nữa sẽ không dẫn đến sự thống nhất và ổn định.
Nhân quyền và Trung Quốc
Trung Quốc cần nhân quyền, dân chủ và luật pháp vì những giá trị này là nền tảng của một xã hội tự do và năng động. Chúng cũng là nguồn gốc của hòa bình và ổn định thực sự. Tôi không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc ngày càng mở rộng, tự do và dân chủ cũng sẽ có lợi cho người Tây Tạng. Tôi tin chắc rằng sự đối thoại và sẵn sàng nhìn vào sự trung thực và rõ ràng trong thực tế ở Tây Tạng và Trung Quốc có thể dẫn chúng ta đến một giải pháp khả thi cho các vấn đề của chúng tôi. Mặc dù đã có những tiến bộ to lớn để lồng ghép Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới, nhưng tôi cũng tin rằng điều quan trọng không kém là khuyến khích nước này tham gia vào xu hướng chủ đạo của nền dân chủ toàn cầu.
Cải thiện Tuân thủ Nhân quyền
Trên bình diện quốc tế, sự đa dạng phong phú về văn hoá và tôn giáo của chúng ta sẽ giúp tăng cường nhân quyền cơ bản trong tất cả các cộng đồng. Nền tảng của sự đa dạng này là những nguyên tắc cơ bản của con người, gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau thành những thành viên của cùng một gia đình nhân loại. Vấn đề nhân quyền quan trọng đến nỗi không nên có những quan điểm khác nhau về nó. Tất cả chúng ta đều có những nhu cầu và mối quan tâm chung của con người. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc và cố gắng tránh khỏi đau khổ bất kể là chủng tộc, tôn giáo, giới tính hay địa vị xã hội của mình. Tuy nhiên, chỉ cần duy trì các truyền thống đa dạng chứ không bao giờ nên biện minh cho các vi phạm nhân quyền. Do đó, phân biệt đối xử với những người thuộc các chủng tộc khác nhau, chống lại phụ nữ, và những thành phần yếu kém trong xã hội có thể là truyền thống ở một số vùng, nhưng nếu chúng không phù hợp với các quyền con người được công nhận rộng rãi thì những hình thức hành vi này cần phải được thay đổi. Nguyên tắc phổ quát về bình đẳng của con người cần phải được ưu tiên.
Có một mong muốn tuyệt vời và ngày càng gia tăng về sự thay đổi trên thế giới; Thay đổi nhằm mở ra một cam kết mới về các giá trị đạo đức và tinh thần, giải quyết xung đột một cách hòa bình, sử dụng đối thoại và bất bạo động, tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm cũng như trách nhiệm của con người. Chúng ta cần thay đổi để giáo dục và thúc đẩy nhu cầu cấp thiết để chăm sóc cho hành tinh và các hệ sinh thái, kêu gọi tất cả các quốc gia phải làm việc theo hướng hủy bỏ rộng rãi vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; và khuyến khích hòa bình, từ bi, tôn trọng và cư xử nhiệt thành. Tôi tin rằng những mục tiêu này có thể đạt được trên cơ sở tăng cường nhận thức. Chúng ta hãy mở rộng quan điểm của mình để tính đến phúc lợi của cả thế giới và các thế hệ tương lai của nó trong tầm nhìn của chúng ta về sự thịnh vượng và tự do.