Nhiều người dường như rất vui mừng về thiên niên kỷ mới, nhưng thiên niên kỷ mới sẽ không có gì đặc biệt. Khi chúng ta bước vào thiên niên kỷ mới mọi thứ sẽ giống nhau; sẽ không có gì bất thường. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự muốn thiên niên kỷ tiếp theo trở nên hạnh phúc hơn, yên bình và hòa hợp hơn cho loài người, thì chúng ta sẽ phải nỗ lực để làm cho nó được như vậy. Việc này trong tầm tay của chúng ta, nhưng đặc biệt là trong tầm tay của thế hệ trẻ.
Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong thế kỷ này - xây dựng cũng như cực kỳ tàn phá. Chúng ta phải học từ những kinh nghiệm này. Chúng ta cần tiếp cận thiên niên kỷ tiếp theo một cách toàn diện hơn, với sự cởi mở và nhìn xa trông rộng hơn. Nếu chúng ta muốn thực hiện sự nỗ lực đúng đắn để làm cho tương lai của thế giới tốt đẹp hơn, tôi tin rằng các vấn đề sau đây là rất quan trọng.
1. Trong khi tham gia vào sự tiến bộ vật chất và chăm sóc sức khoẻ thể chất, chúng ta cần phải chú ý đến sự bình an trong tâm hồn, và do đó quan tâm đến khía cạnh nội tâm của chúng ta.
2. Cùng với giáo dục, nói chung chỉ có những thành tựu về học vấn, chúng ta cần phải phát triển thêm lòng vị tha và ý thức chăm sóc và trách nhiệm đối với người khác trong tâm thức của thế hệ trẻ đang học ở các cơ sở giáo dục khác nhau. Điều này có thể được thực hiện mà không nhất thiết phải liên quan đến tôn giáo. Vì vậy, người ta có thể gọi đây là "đạo đức thế tục", vì nó thực sự gồm những phẩm chất cơ bản của con người như lòng tốt, từ bi, chân thành và trung thực.
3. Thế kỷ vừa qua, trong một số cách nào đó đã trở thành một thế kỷ của chiến tranh và đổ máu. Từ năm này sang năm khác, sự chi tiêu quốc phòng của hầu hết các quốc gia trên thế giới càng gia tăng. Nếu chúng ta muốn thay đổi xu hướng này, chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại khái niệm về bất bạo động, đó là biểu hiện thể chất của lòng từ bi. Để làm cho tình trạng bất bạo lực trở thành hiện thực, trước hết chúng ta phải làm việc để giải trừ vũ khí nội tâm và sau đó tiến hành việc về giải trừ quân sự bên ngoài. Bằng cách giải trừ vũ khí nội tâm, tôi muốn nói rằng chúng ta cần phải tống khứ tất cả những cảm xúc tiêu cực dẫn đến bạo lực. Sự giải trừ vũ khí bên ngoài cũng sẽ phải được thực hiện từ từ, từng bước một. Trước tiên chúng ta phải loại trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân và từng bước tiến tới việc phi quân sự hoá trên toàn thế giới. Trong quá trình thực hiện điều này, chúng ta cũng cần phải hướng đến việc chấm dứt thương mại vũ khí - vốn vẫn được áp dụng rộng rãi vì nó mang lại nhiều lợi ích. Khi chúng ta làm tất cả những điều này, chúng ta có thể hy vọng vào thiên niên kỷ tiếp theo từng bước cắt giảm chi tiêu quân sự của các quốc gia khác nhau và dần dần hướng tới phi quân sự hóa. Vấn đề con người - dĩ nhiên sẽ luôn luôn tồn tại, nhưng cách giải quyết chúng cần phải được thông qua đối thoại và thảo luận. Thế kỷ tiếp theo nên là một thế kỷ đối thoại và thảo luận hơn là chiến tranh và đổ máu.
4. Chúng ta cần giải quyết vấn đề về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, cả trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Sự bất bình đẳng này, với một số khu vực của cộng đồng người giàu có và những người khác trên cùng một hành tinh đang đói hoặc thậm chí chết đói, điều này không chỉ là sai về mặt đạo đức, mà còn là một nguồn gốc của các vấn đề. Nó quan trọng không kém gì so với vấn đề tự do. Một khi không có tự do ở nhiều nơi trên thế giới thì không thể có hòa bình thực sự; và theo nghĩa nào đó không có sự tự do thật sự cho phần còn lại của thế giới.
5. Vì lợi ích của các thế hệ tương lai, chúng ta cần phải chăm sóc trái đất và môi trường. Thiệt hại về môi trường thường diễn biến dần dần và không dễ dàng nhận ra; và đến khi chúng ta nhận biết nó, thì thường là đã quá muộn! Vì hầu hết các con sông lớn chảy vào nhiều khu vực của Đông Nam Á bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, thế nên tầm quan trọng cốt lõi của việc chăm sóc môi trường trong khu vực đó cần được đề cập ở đây.
6. Cuối cùng, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là sự bùng nổ dân số. Trừ khi chúng ta có thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề của nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ không đủ cho tất cả con người trên trái đất này.
Chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét những vấn đề có liên quan này đến tất cả chúng ta nếu chúng ta mong muốn một tương lai có hy vọng.
Ngày 01 tháng 01 năm 2000